top of page

Tại sao sách có chủ đề tình dục và chủng tộc thường bị cấm đoán trong chương trình học?

Updated: Oct 28, 2021

By Anne Lutz Fernandez, on 03-10-2021, 04:30:00

Ta nên tự hỏi tại sao [phụ huynh] gần như không bao giờ phàn nàn với giáo viên chuyện chương trình giảng dạy có chứa nội dung bạo lực. Vài năm trước, tôi được yêu cầu liên lạc với phụ huynh của một em học sinh lớp 12 khi gia đình muốn em đổi lớp Ngữ văn. Em này đã chọn lớp “Hình tượng phụ nữ trong Văn học hư cấu," nhưng người mẹ lại muốn em đổi qua lớp của tôi để tránh những tác phẩm trái với giáo lý Cơ đốc của gia đình. Tôi rất chào đón con gái bà, tôi nói, nhưng tôi cũng cảnh báo bà ấy rằng môn “Biện pháp hồi hộp trong Văn chương” tôi dạy cũng có vấn đề của nó. Các tác phẩm của lớp này đề cập rất nhiều đến đề tài tội phạm, hơi hướng bạo lực. Không sao, bà ấy trả lời. Yếu tố tà ác siêu nhiên? Không thành vấn đề. Nhân vật lạm dụng chất kích thích? Được hết. Các chủ đề về sự giết chóc, quỷ dữ, và ma túy đều được thông qua. Vị phụ huynh này chỉ không muốn con gái của mình đọc sách có nhân vật quan hệ tình dục. Tôi đã suy ngẫm về cuộc trao đổi này trong suốt Tuần lễ Sách Cấm và đúng lúc một số tiểu bang ký kết luật giúp học sinh phổ thông tại Mỹ đỡ thấy “bất tiện” khi học về lịch sử hay những vấn đề đương đại. Mục tiêu của những đạo luật này là hạn chế [phổ cập] các tài liệu và các cuộc thảo luận về chủ đề chủng tộc, sắc tộc, tình dục, và giới tính mà phe bảo thủ cho là có thể gây hại đến tâm lý trẻ em. Hiện tại, luật này chủ yếu nhắm đến các chương trình môn lịch sử, nhưng thư viện và lớp ngữ văn cũng đang nằm trong tầm ngắm. (Trong những thập kỷ gần đây, phe cấp tiến cũng đã khuyến khích loại bỏ một vài tác phẩm ra khỏi chương trình học vì lý do ngôn từ và nội dung.) Đáng nói ở chỗ, không một ai đề cập đến chủ đề bạo lực trong cuộc tranh cãi nảy lửa này, nhất là khi chúng ta có đang rất nhiều người chết vì bạo lực súng ống và số người thiệt mạng vì ma túy và tai nạn giao thông đã trở nên quá bình thường. Phụ huynh và giáo viên rất thường xuyên trao đổi về việc nên để học sinh ở độ tuổi nào tiếp cận với một số sự kiện thảm khốc ngoài đời như nạn diệt chủng Holocaust (lịch sử) hay các vụ xả súng trường học (tin tức), hoặc với những văn bản đặc thù như tiểu thuyết mang bối cảnh tận thế. Tuy nhiên, giáo viên lại nhận được phàn nàn về chủ đề tình dục, giới tính, hoặc chủng tộc trong giáo trình của họ nhiều hơn là về nội dung bạo lực. Và chúng ta phải tự hỏi xem điều này có nghĩa gì trong các trận chiến cấm sách không hồi kết của chúng ta. Trong suốt 20 năm làm giáo viên dạy văn cấp trung học, chưa có phụ huynh nào phàn nàn với tôi rằng sách con họ học có quá nhiều nhân vật chết thảm. Những tác phẩm tôi dạy có “Night” (diệt chủng Holocaust), “The Crucible” (phiên tòa phù thủy Salem), “Native Son” (người da đen nghèo ở khu ổ chuột), có cảnh nhân vật quyên sinh như “Oedipus Rex” (anh hùng lưu lạc), “Hamlet” (vương triều thối nát), “The Awakening” (văn học nữ quyền), có nhân vật bị cưỡng hiếp như truyện thần thoại Hy Lạp, “A Streetcar Named Desire” (tiểu thư hết thời), “Atonement” (phụ nữ nước Anh trước và sau Đệ nhị thế chiến), hoặc có tình tiết giết chóc và tra tấn như thơ thời chiến, “The Things They Carried” (chiến tranh Việt Nam), 1984 (châm biếm chính trị) và “Beloved” (cựu nô lệ hậu nội chiến Hoa Kỳ). Không một ai phàn nàn với tôi là tác phẩm hư cấu này có quá nhiều cha mẹ chết hay là tập sách phi hư cấu kia có quá nhiều xung đột, chiến tranh, bệnh tật, và bi kịch. Sau khi trò chuyện với giáo viên trên toàn quốc, tôi càng thêm chắc chắn trải nghiệm này không chỉ là của riêng tôi. Một tác phẩm đương đại với đề tài hoặc tình tiết bạo lực có thể sẽ gây xôn xao tạm thời như cuốn tiểu thuyết về vấn nạn thanh thiếu niên tự sát vài năm trước. Thế nhưng, một vài giáo viên nói, một tác phẩm văn học cổ điển gần như sẽ không bao giờ gây chấn động như vậy. Hãy tưởng tượng một câu chuyện có nội dung ngoại tình, bạo hành gia đình, lạm dụng rượu bia, phạm pháp hàng loạt, có một vụ đụng xe bỏ trốn gây chết người, một vụ án mạng kinh hoàng, và một vụ tự sát bằng súng. Nghe chả có gì là lành mạnh để cho con trẻ học hỏi, nhưng “Đại gia Gatsby” là một trong những tiểu thuyết được giảng dạy rộng rãi nhất ở các trường trung học Mỹ. Tất nhiên, F. Scott Fitzgerald sử dụng những yếu tố trên để làm bật lên tác hại từ việc đeo đuổi giấc mơ Mỹ cuồng vọng hão huyền. Ông muốn độc giả thấy rõ bản chất cuồng bạo của một hệ thống giai cấp tử tế giả tạo, một hệ thống tôn vinh dăm ba kẻ mạnh quyền thế và trừng phạt lớp người thiếu thốn thua thiệt. Các bậc cha mẹ rất ít khi than phiền về “Gatsby”, rất nhiều học sinh hoan nghênh câu chuyện, và giáo viên thì trân trọng giá trị văn học và lịch sử của tác phẩm. Việc phe bao thủ thường chăm chăm vào các tác phẩm đương đại cho thấy, cái khiến nhiều bậc cha mẹ lo sợ chính là các mối đe dọa xã hội tân thời (trong mắt họ) hơn là nội dung thực sự của sách, chứ đừng nói tới hậu quả của chúng lên trẻ em. Danh sách những tác phẩm bị phản đối nhiều nhất của Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ là một minh chứng hùng hồn. Vào năm 2019, 9 trong số 10 cuốn sách thường bị cấm ở trường học hoặc thư viện đều có liên quan đến chủ đề tình dục và giới tính — gần như tất cả các tác phẩm này bị cấm là vì nó có nhân vật và chủ đề LGBTQ+. Vào năm 2020, khi làn sóng biểu tình cho George Floyd vỡ òa, phe bảo thủ chuyển mục tiêu phản đối sang các cuốn sách có nội dung về vấn đề chủng tộc và “quan điểm chống cảnh sát.” Trong cuộc hỗn chiến dai dẳng này, thứ bị bỏ quên là cảm nhận của các em học sinh về những tác phẩm mà các em phải đọc. Học sinh của tôi muốn được đọc một cuốn sách có cái kết hậu. Trừ “Jane Eyre” ra, các em ít khi có cơ hội này. Hầu hết những tác phẩm được tôn lên hàng kinh điển và phổ biến trong nhà trường đều mang thông điệp cuộc sống khá nặng nề và hồ nghi về bản chất con người. Theo các giáo viên, học sinh còn có thể cảm thấy những tác phẩm trong chương trình giáo dục (đặc biệt là cấp ba) quá tuyệt vọng và đau khổ, bởi vì chúng quá giống với trải nghiệm ngoài đời của các em. Một học sinh trong lớp của cô Chanea Bond ở Texas đã xin được miễn học về tác phẩm có cảnh trẻ em da Đen bị bắn vì bạo lực súng đạn năm rồi đã cướp đi nhiều người bạn của em. Nếu chúng ta lo lắng cái này cái kia sẽ ảnh hưởng đến tâm lý học sinh thì có lẽ chúng ta nên lắng nghe các em. Tôi không nói chúng ta nên bắt đầu loại bỏ hết những tác phẩm bạo lực để tránh cho học sinh thấy khó chịu. Giáo viên chúng tôi hiểu rằng con đường học hành có gian nan thì mới thành tài. Vấn đề chính ở đây là nhiều người lớn bận tâm cái gì khiến họ khó xử nhiều hơn là về cảm nhận thật sự của các em, hoặc thậm chí là còn hơn cả những hiểm họa thực thụ. Thời gian giảng dạy mùa dịch đã thôi thúc tôi lắng nghe và để tâm tới những mối lo của học sinh mình nhiều hơn. Bao giờ thì học sinh cũng thấy hứng thú với các nhân vật và tình huống gần gũi với bản thân, và trong giai đoạn u ám này, hy vọng là điều các em muốn có nhất. Kết quả của nghiên cứu "học sinh ngày nay lo gì" hoàn toàn trái ngược với nỗi sợ về “các khái niệm gây chia rẽ" của đạo luật trên. Giờ thì giáo viên lại còn phải chống chọi với nhiều phản đối sách vở dạy học nhiều hơn thế nữa. Ngày càng có nhiều đạo luật hà khắc được soạn thảo trên tinh thần tự biên tự diễn hòng cầu hòa với các cử tri cánh hữu kích động: Trong số gần 900 bình luận đóng góp ý kiến của công chúng về quyết định giới hạn giảng dạy về nạn phân biệt chủng tộc và giới tính của chính quyền bang Tennessee, chỉ có hai bình luận là từ học sinh Tennessee. Các nhà cầm quyền này có đủ quyền lực chính trị để giúp các em thực sự thấy an toàn hơn. Ví dụ, họ có thể giảm số lượng súng và xe cộ trên đường phố. (Theo dữ liệu từ Cơ quan lưu trữ tài liệu bạo lực súng, có gần 300 trẻ em bị bắn chết vào năm 2020, gấp đôi con số của năm 2019, và còn có hàng nghìn trẻ em khác bị giết hại hoặc tấn công.) Rất khó để tin vào lời các nhà lập pháp và quan chức chính quyền khi sự lo lắng về “an toàn cho trẻ em" của họ chỉ bắt đầu và dừng lại ở việc cấm sách. Không cần đến chính trị gia can thiệp hay nhà nước vào cuộc đe dọa, phụ huynh và giáo viên nên có cơ hội tiếp tục làm những gì họ đã luôn làm: lắng nghe về những bận tâm của đối phương trong khi các chuyên gia giáo dục định hình và thay đổi chương trình dạy học sao cho phù hợp với nhu cầu của học sinh thời nay. Dù là trên phương diện nghiệp vụ hay cá nhân, hai nhóm người trưởng thành này đều là những người hiểu trẻ em hơn ai hết, và họ có thể hợp tác với nhau để đảm bảo cho trẻ em có được một môi trường học tập an toàn. Nhưng chúng ta không thể đạt được điều này nếu chỉ biết tưởng tượng xem trẻ em nghĩ gì và cảm thấy gì như thể các em chỉ là nhân vật trong vở kịch mà chúng ta đạo diễn. Chúng ta phải biết hỏi các em.


Người dịch: Phuong Anh

Biên tập: Bảo Trân & Vũ Yên

Comments


bottom of page