Translated from Washington Post's article Merrick Garland final
Thẩm phán Merrick Garland cuối cùng - sau bao nhiêu năm nay - cũng đã lên tiếng.
By Robin Givhan, on 22-02-2021, 03:00:00
Thẩm phán Merrick Garland cuối cùng - sau bao nhiêu năm nay - cũng đã lên tiếng. Sáng thứ Hai, ông đã đến Đồi Capitol và ngồi sau chiếc bàn nhân chứng phủ khăn xám với những chai nước và bình dung dịch rửa tay Purell cho riêng mình; ông khoanh tay trên bàn và đã đối mặt với Ủy ban Tư pháp Thượng viện. Đã năm năm kể từ khi thẩm phán liên bang tóc bạc này được Tổng thống Barack Obama đề cử vào Tối cao Pháp viện, năm năm kể từ khi Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát quyết định rằng họ sẽ ngó lơ ông. Đối với công chúng, ông được biết đến như là một luật gia có trình độ mà Thượng viện đã từ chối xem xét chuyên môn, là một người tốt đã bị các quan chức "chơi xấu", một công chức chịu thiệt hại trong cuộc tranh giành quyền lực của hai đảng phái. Nhưng bây giờ ông đứng trước ủy ban với tư cách là lựa chọn của Tổng thống Biden cho vị trí bộ trưởng tư pháp, và ông đang được mọi người lắng nghe. Ông cho thấy một đầu óc pháp lý nhạy bén, có thể giải thích và trấn an, được cân bằng cùng sự kiềm chế của một nhà ngoại giao. Ông nói rõ, nhưng không hề chỉ trích những người tiền nhiệm. Ông không hề tỏ ra bất bình về việc đề cử trước đây của ông đã bị gạt bỏ như thế nào. Ông bơm đầy căn phòng những lời lẽ dài và những đoạn văn hào phóng - một kỳ tích hiếm có khi các thành viên ủy ban thường chạy đua với thời gian cho việc bổ nhiệm của mình. Tuy nhiên các lời bày tỏ đó không thực sự cần thiết. Chỉ với vài từ kèm với khoảng dừng dài đặc biệt và đầy cảm xúc, ông đã tóm tắt ngắn gọn định nghĩa công lý của mình: công lý phải khách quan nhưng không nên vô tâm. Suốt cả ngày, ông Garland đã phát biểu với giọng trầm và hơi khàn. Ông rất sâu sắc, lịch sự và vô cùng kiên nhẫn. Ông đặc biệt kiên nhẫn khi đàm thoại với Thượng nghị sĩ John Neely Kennedy (đảng CH - Louisiana), người dường như không hiểu được định nghĩa “thành kiến ngầm” mà không tự làm khó mình vì sợ bị gọi là kẻ phân biệt chủng tộc. “Tôi sẽ hỏi ông về khái niệm thành kiến ngầm này,” Kennedy phát biểu với một bộ vía buồn bã khi lún vào trong ghế. “Điều đó có phải tức là tôi là người phân biệt chủng tộc bất kể tôi làm gì hay suy nghĩ gì? Tôi là một người phân biệt chủng tộc, dù không biết mình là một người phân biệt chủng tộc? ”
“Tôi sẽ không áp dụng từ phân biệt chủng tộc như vậy,” Garland trả lời một cách đều đều - không có một chút ý coi thường trong giọng nói của mình. “Thành kiến ngầm chỉ có nghĩa là mỗi con người đều có thành kiến. Đó là một trong những ý nghĩa của việc làm người. Mục đích của việc kiểm tra những thành kiến ngầm để nhằm đưa cách suy nghĩ có ý thức của chúng ta đến với tâm trí vô thức của mình và để biết khi nào chúng ta đang hành xử theo một định kiến. Mọi người đều có định kiến. [Chúng ta] không thể sống mà không cải thiện định kiến của mình. Những thành kiến ngầm là những định kiến mà chúng ta không nhận ra được. Điều đó không biến ông thành người phân biệt chủng tộc."
Khi các đảng viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đặt câu hỏi, việc mỗi bên xô đẩy cuộc thẩm vấn đã cho thấy rõ sự chia rẽ đảng phái khi đem công lý vào thực tiễn của họ. Đối với hầu hết các đảng viên Cộng hòa trong ủy ban, công lý dường như được định nghĩa hoàn toàn là sự trừng phạt: tại sao một số người đáng bị trừng phạt, có thể phạt khắc nghiệt như thế nào, tại sao không khắc nghiệt hơn nữa và liệu Hunter Biden có bị trừng phạt công bằng hay không.
Họ là những người chuyên bảo vệ luật pháp và trật tự, đặc biệt là đối với những người bên cánh tả kích động, chẳng hạn như những người đã tấn công tòa án liên bang ở Portland năm ngoái hoặc những kẻ đã hạ bệ các tượng đài của Liên minh miền Nam Hoa Kỳ. Tuy nhiên, họ lại hơi kém công bình một chút, bất ổn hơn một chút về các chủ đề như chủ nghĩa da trắng thượng đẳng trong các sở cảnh sát và quân đội. Tai họa của phân biệt chủng tộc trong nền chính trị dường như đặc biệt không áp dụng với những đảng viên Cộng hòa, người vào ngày 6 tháng 1, đã bỏ phiếu để hủy bỏ các lá phiếu được bầu hợp pháp của hàng nghìn công dân da màu. Các thượng nghị sĩ này cho biết họ đứng lên bảo vệ luật pháp và trật tự. Hình phạt cho một tội ác không có thực là việc tước quyền. Đó là phiên bản cho công lý của họ.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Josh Hawley của Missouri, chính trị gia trẻ tuổi vênh vang đấm tay lên trời trong tình đoàn kết với những kẻ bạo loạn tìm cách ngăn chặn chứng nhận cuộc bầu cử tổng thống, đã tiến hành vòng chất vấn đầu tiên, nghiêng người về phía trước tại chỗ ngồ i của mình. Hawley cho khán giả của C-SPAN thấy ba phần tư của mặt mình, như để đảm bảo rằng máy ảnh sẽ quay được góc đẹp của mình. Anh ta xoay cây bút chì và đặt câu những câu hỏi với giọng nam trung ấm áp của mình, bao gồm việc liệu Garland có ủng hộ việc giảm chi quỹ cảnh sát hay không. Garland trả lời rằng không, một lời đáp không ngạc nhiên - việc này Biden cũng không ủng hộ. Tuy nhiên, đối với Hawley, nhận được câu trả lời không phải là mục tiêu. Hành động đặt ra câu hỏi là một cách nhắc lại rằng công lý đối với Hawley là giày lính nện rền vang, tiếng còi của cảnh sát và rút súng.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz của Texas, người vừa mới trở về từ chuyến ăn chơi tai hại ở Cancun trong khi cử tri bang ông chịu cảnh lạnh cóng đến chết, chả có vẻ gì là bớt ngạo mạn hay nhận được sự cảm thông nào. Con người này, cùng với Hawley và Kennedy, đã bỏ phiếu nhằm vô hiệu hóa cuộc tranh cử tổng thống, lại còn đề nghị xem xét lại tư cách của ông Garland. Garland phải làm sao mới có thể vươn tới tầm cái chuẩn mực đạo đức được đặt ra bởi Bộ trưởng Bộ tư pháp tiền nhiệm William P. Barr, người từng bộc bạch thản nhiên rằng ông không tin có nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống, kiểu ông không tin vào Thỏ Phục Sinh?
Đối với đảng viên Cộng hòa, công lý chẳng phải thứ “uyển chuyển tựa nước xuôi dòng," mà nó là thứ giáng xuống như búa tạ.
Tư tưởng hỏng hóc này là điểm Thượng nghị sĩ Cory Booker (Dân Chủ - New Jersey) muốn làm rõ khi ông hỏi Garland có quen thuộc với trích dẫn về công lý của kinh thánh hòng khuyên răn “hành sự công bình, ưa sự nhân từ”. Thắc mắc của Booker đa phần chú trọng về sự hiện diện của nạn phân biệt chủng tộc ngay trong hệ thống hình sự - việc số người thuộc sắc dân thiểu số bị bắt bớ, số người nghèo phải an phận với đại diện pháp lý tệ hại, số lần cán cân công lý lệch hẳn khi kết án bất cân xứng, cũng như cái hiện trạng đã khiến Kennedy mụ mẫm và ngầm định kiến đến vậy.
Thượng nghị sĩ Cory Booker, một đảng viên Dân Chủ từ New Jersey, đặt vấn đề với Garland về nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống trong giới cảnh sát và trên pháp viện. Garland nhìn nhận những vấn đề nọ, những khiếm khuyết trong hệ thống tổ chức, lẫn cả đòi hỏi cải tổ. Rồi kế đến ông công khai tường thuật, câu chuyện riêng tư ông đã chia sẻ với Booker về việc tại sao ông lại khước từ một ghế bổ nhiệm trọn đời trên hàng liên bang để đeo đuổi công việc này. Một câu hỏi hợp lý, nhưng thường chẳng ai hỏi: tại sao quý vị muốn được làm việc này? “Tôi xuất thân từ một gia đình có ông bà phải sơ tán trốn nạn bài xích Do Thái và bách đạo,” Garland bộc bạch. Và sau đó ông mặc niệm. Ông lặng im ngồi thêm vài ba phách. Và khi đã hoàn hồn, giọng ông nghẹn ngào. “Đất nước này tiếp nhận và che chở chúng tôi. Thế nên tôi một lòng chịu ơn đất nước, mong sao đền ơn đáp nghĩa.” “Đây là giải pháp tối ưu, là cách tốt nhất cho tôi vận dụng tài mọn cá nhân,” Garland thổ lộ. “Vì vậy mà tôi tha thiết được trở thành vị Bộ trưởng Bộ tư pháp mà quý vị mong tôi có thể trở thành.” Và đó sẽ là một vị Bộ trưởng tận tụy với công tác bảo vệ quyền lợi của kẻ cao cao tại thượng lẫn người thấp cổ bé miệng - và thậm chí là cả thành phần đốn mạt. Trừng trị là một phần nghĩa vụ. Nhưng đó nào phải định nghĩa của hai chữ công lý.
Người dịch: Que Do & Quyen Tran
Biên tập: Khanh Tran
Kommentare