top of page

Thanh âm của một hệ thống quyền lực đang dịch chuyển

Translated from The Washington Post article The sound of a shifting power structure


Mọi thứ sẽ khác đi. Phó tổng thống thứ 46 sẽ tuyên thệ nhậm chức ngay giữa một đại dịch và vắng bóng những đám đông lớn. Nghi lễ được tổ chức sau vụ tấn công Điện Capitol Hoa Kỳ bởi một nhóm người phần lớn là Da trắng, và dân chúng vẫn đang rối bời dưới một chính quyền chia rẽ và phá hoại nhất mà đất nước này từng có. Lần đầu tiên trong lịch sử, những lời tuyên thệ ấy sẽ không do một người đàn ông Da trắng thốt ra, mà từ một người phụ nữ Da đen.


Robin Givhan, ngày 14 tháng 1, 2021


Cựu ứng cử viên Kamala D. Harris xuất hiện tại một sự kiện theo phong cách tòa thị chính tại Nevada vào ngày 1 tháng 3, 2019. (Ảnh: Melina Mara/The Washington Post)


Mọi thứ sẽ khác biệt. Phó tổng thống thứ 49 sẽ tuyên thệ nhậm chức ngay giữa một đại dịch và vắng bóng những đám đông lớn. Nghi lễ được tổ chức sau vụ tấn công Điện Capitol Hoa Kỳ bởi một nhóm người phần lớn là Da trắng, và dân chúng vẫn đang rối bời dưới một chính quyền chia rẽ và phá hoại nhất mà đất nước này từng có. Lần đầu tiên trong lịch sử, những lời tuyên thệ ấy sẽ không do một người đàn ông Da trắng thốt ra, mà từ một người phụ nữ Da đen. Tiếng nói quyền lực này — dưới một người trên triệu người — sẽ không là một giọng nam trung. Nó sẽ không vọng lại những lề lối và phỏng đoán hay những bỏ sót và khinh miệt đã truyền lại qua hàng thế hệ. Thay vào đó, giọng nói của Kamala Harris sẽ ngân vang âm thanh của tương lai.


Đã có nhiều người phá gỡ những rào cản về chủng tộc. Nhiều người đã phá gỡ rào cản về giới. Nhưng Harris, người con gái Mỹ của một người cha Jamaica và một người mẹ Ấn Độ, đang đập tan thật nhiều cánh cửa cùng một lúc. Để hiểu được trọn vẹn sự thăng tiến của bà có ý nghĩa biểu trưng và tác động tới mức nào, ta phải phân tích từng chút, từng chút một. Và trong giây phút này, tầm quan trọng của Harris với những người phụ nữ Da đen — và tính đại diện của bà cho những phụ nữ này — cần được đặc biệt chú ý.


Phụ nữ Da đen tồn tại nơi giao thoa hai thứ tà khí phân biệt chủng tộc và kỳ thị nữ giới của đất nước này. Họ là chứng cứ bằng xương bằng thịt rằng những định kiến của chúng ta đã và đang cản trở sự bình ổn kinh tế của những người lao động cần mẫn nhất, và sự phát triển chuyên môn của một cơ số người dân tài năng nhất cả nước. Phụ nữ Da đen cũng đã là chuẩn mực mang phẩm giá ra đáp trả lại sự khinh thường, đem sự bền bỉ đấu với nghi ngờ. Họ chính là niềm hy vọng được nhân hoá.


Hình thể của họ làm lộ ra những thiên vị thẩm mỹ và lời lăng mạ tỉnh queo của chúng ta. Chúng ta dùng họ làm meme và GIFs (ảnh động - ND) để gán một gương mặt chung cho sự phẫn nộ và xấc xược, cho sự bông phèng và ham muốn hèn nhát. Họ là Jezebel (nhân vật ngược ngạo trong Kinh thánh - ND). Họ là Madea (nhân vật của Tyler Perry). Họ là vú nuôi của nền dân chủ trẻ này. Và chỉ gần đây thôi, họ đã được một dàn đồng ca đầy cảm kích trên mạng xã hội tung hô rằng họ đã cứu lấy nền dân chủ — #cảmơnphụnữdađen.


Phụ nữ da màu lắng nghe Harris phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Nữ Doanh nghiệp Da đen Quyền lực tại Las Vegas, ngày 1 tháng 3, 2019. (Ảnh: Melina Mara/The Washington Post).


Phụ nữ Da đen đã đấu tranh tới cùng với những cử tri Dân chủ cứng đầu và thúc đẩy họ bỏ phiếu. Họ lập tổ chức và thuyết phục, giải thích và diễu hành đến khi giọng khàn chân tê. Kẻ phê phán cho rằng họ thô tục và đáng ghê tởm, nhưng họ vẫn tiếp tục tham gia vào xã hội như những kỵ binh nghĩa dũng. Harris chính là quả ngọt của sự kiên trì đó.


Nhưng đây không phải những đấng cứu thế quên mình; họ cũng là con người. Chính Harris cũng bày tỏ sự thật giản đơn ấy.


Sự thành công của bà đã khiến phụ nữ bật khóc — đặc biệt là phụ nữ Da đen. Nhà chiến lược Dân chủ Donna Brazile khóc vì chiến thắng của Harris bởi bà đã nghe được giọng của người mẹ và những người bà quá cố — những người phụ nữ Da đen không còn sống để chứng kiến ngày này — thì thầm lời cầu nguyện cảm tạ. Brazile khuyến cáo rằng đất nước này không nên nhầm lẫn sự thăng chức của Harris thành liều thuốc trị dứt bệnh bất bình đẳng giới hay phân biệt chủng tộc. Harris chỉ là người đầu tiên — và như bà vẫn hay nhắc, bà không có ý định là người cuối cùng. Nhưng chỉ mình bà sẽ không thay đổi được gì. Cũng như Barack Obama đắc cử đã không mang lại bình đẳng chủng tộc, bà cũng sẽ không mang bình đẳng giới tới nước Mỹ. Harris sẽ không dập tắt được hết những lời phê phán tính “cố chấp” của phụ nữ, thói quen đòi bình đẳng “ghê sợ”, và lời từ chối trở về “xó xỉnh” của họ vì họ tin chắc rằng nơi họ đang đứng đây là xứng đáng.


Không chỉ thế, vẫn còn nhạc điệu trong giọng nói của Harris.


Đã rất lâu rồi, khi ta hình dung một người phụ nữ vươn tới những bậc thang quyền lực cao nhất, tâm điểm luôn là mỹ quan của cảnh tượng ấy — tức người dân sẽ thấy sự khác biệt khi quyền lực được đặt trên vai người phụ nữ như thế nào. Lịch sử đã cho chúng ta những chiếc nơ lỏng lẻo dưới chiếc áo khoác nam tính quá khổ và hàng loạt các bộ âu phục vuông vức lòe loẹt. Harris vô cùng hiệu quả biến những trang phục đi làm hàng ngày của mình thành một chuyện nhỏ nhặt, một khoái cảm mỹ quan đơn thuần.


Bà thích âu phục tối màu. Có thể là một chiếc áo sơmi màu đối nghịch, hoặc một chiếc áo tiệp màu. Bà mặc đồng phục nhưng không để nó biến thành thông điệp phục tùng. Bà không phải nhân vật diêm dúa trong trí tưởng tượng của giới thời trang. Bà là một người phụ nữ thành đạt được giải phóng để tự khoác lên mình những trang phục hợp ý, nhờ công các tủ trang phục đã nhận chỉ trích, phân tích, ngưỡng mộ, hay được đem ra làm vũ khí, của những người phụ nữ trước bà: họa tiết luôn gây dấu ấn của Shirley Chisholm; váy lụa và chuỗi ngọc trai của Geraldine Ferraro; quần suông nhiều màu của Hillary Clinton; sự đĩnh đạc thanh tao, cổ xưa của Nancy Pelosi; bộ sưu tập những chiếc trâm đầy tính tượng trưng của Madeleine Albright; phong cách trang điểm lệch tông Neiman Marcus của Sarah Palin; và hàng loạt những nữ chính trị gia đã tận dụng thời trang làm một công cụ giao tiếp, hoặc đơn giản là hòa hoãn sống chung với nó.


Harris thích âu phục tối màu, ăn mặc theo ý thích của mình. (Ảnh: Melina Mara/The Washington Post)


Chúng ta đã thích nghi với hình ảnh phụ nữ chung phòng và chung bàn với đàn ông — thậm chí là ở ngay chính đầu bàn. Nhưng nghe được giọng của họ trong thứ tạp âm điếc tai của những giọng nam ư? Nghe được họ mà không có chút thành kiến nào? Để nghe được giọng nữ mà không gán cho nó những cái mác “the thé” hay “kích động” là một nhiệm vụ khác hẳn, và không kém phần khó khăn. Nhưng thay đổi nằm trong tay chúng ta.


Khi Harris, ở tuổi 56, cất lời, ta có thể nhận thấy những giây phút giọng bà trở nên như giọng thiếu nữ, tức thanh thoát và sôi nổi. Bà hay cười và cười một cách khoái trá. Bà nói về chuyện nấu ăn, làm mẹ, và đôi giày Converse của bà. Bà không có giọng của một biên tập viên truyền hình — một thứ giọng được rèn luyện để duy trì ở khoảng âm thấp hơn thông thường. Nhưng từ giờ trở đi, sự trang trọng sẽ không còn được đánh giá bởi quãng tám nữa. Làm thiếu nữ là có quyền lực vì quyền lực đã được định nghĩa lại.


Khi Harris hành nghề luật sư, bà nói năng gãy gọn, sắc bén. Bà không lên giọng ở cuối câu để mời gọi phản bác. Những lời bà nói ra mạnh mẽ và chuẩn xác. Bà không quanh co hay ngập ngừng kiểu cách. Bà có thể khiến những đối tượng bị hỏi cung phải rúm người lại — như cựu Tổng chưởng lý William P. Barr và Jeff Sessions. Danh tiếng của bà được dựng trên khả năng đấu quyền bằng lời nói, khi bà bày tỏ sự hoài nghi và bực dọc của một đại cử tri quá mệt mỏi với một chính quyền dường như đang có ý định trốn tránh sự thật. Ta có một hình ảnh vô cùng đắc ý của Thượng nghị sĩ Cory Booker (Đảng Dân chủ, New Jersey) ngồi cạnh Harris đang triệt hạ Barr đần một cách ngoan cố, chăm chú lắng nghe với một vẻ mặt tự hào và thích thú. Nếu có người kích động, đó chính là những người đàn ông run rẩy.


Tiếng nói của bà vươn tới tình chị em của hội nữ sinh Alpha Kappa Alpha từng dành cho sinh viên Da đen; nó mang thấp thoáng những thanh điệu trong nhà thờ của người Da đen và cả sự tự tin phóng khoáng của những cựu sinh viên trường Đại học Howard với bà. Dù có chút âm dài của California, giọng của bà không mang dấu ấn của một vùng cụ thể nào. Nó đơn thuần là giọng Mỹ. Phổ thông, không cụ thể. Và nữ tính.


Chỉ riêng giọng nói của bà đã trả lời được câu hỏi lừng lẫy được cho là của Sojourner Truth: “Tôi không phải phụ nữ sao?” Khi Harris hỏi cung nhân chứng, bà cũng đang khẳng định rằng phụ nữ Da đen xứng đáng nhận được sự chân thực. Khi bà phát biểu về công lý chủng tộc, đó cũng là lời đòi hỏi bình đẳng giới. Toàn bộ bài phát biểu chiến thắng của bà sau khi bà và Joe Biden đắc cử cuộc bầu cử 2020 chính là lời tuyên bố rằng rốt cuộc, mọi thứ đã thay đổi.


Một giọng nói của riêng một người phụ nữ Da đen đại diện cho nhiều thế hệ — và nhiều khía cạnh.


Một người phụ nữ tại Oakland, California, sau khi Harris trở thành tân phó tổng thống vào ngày 7 tháng 11. (Ảnh: Melina Mara/The Washington Post)


Người dịch: Ren Dinh

Biên tập: K.Tran


Comments


bottom of page