top of page

Thanh thiếu niên gốc Á nghĩ gì về bản sắc của mình khi cộng đồng bị tấn công?

Translated from npr's article Asian American teens navigate being themselves as their communities are targeted By Eric Lee, on 17-10-2021, 11:00:00

Thế giới chìm trong cơn đại dịch được một năm thì con số các vụ tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương tăng cao.

Từ rất lâu, nhiếp ảnh gia Eric Lee đã luôn tự chiêm nghiệm về vấn đề bản sắc người Mỹ gốc Á, đặc biệt là đối với người ở một thành phố đa văn hóa như anh ở New York. Với anh, nỗi hoang mang này nảy sinh từ thời anh còn là một thiếu niên (như thể độ tuổi ấy còn chưa đủ phức tạp). Từ chính kinh nghiệm của mình, Lee cảm thấy tò mò không biết thiếu niên ngày nay đang làm gì và nghĩ gì về cơn đại dịch đã buộc tội, nhạo báng, và cướp đi sinh mạng của nhiều người trong cộng đồng họ.

Để có thể hiểu rõ giới trẻ hơn, Eric Lee đã mời 14 thanh thiếu niên người Mỹ gốc Á tại thành phố New York đến để hỏi chuyện và chụp ảnh. Với một số bạn trẻ, cơn đại dịch đã thúc đẩy họ khám phá bản sắc của mình theo những cách hoàn toàn mới. Với các bạn trẻ khác, cơn đại dịch lại khiến họ phải suy ngẫm về sự tái xuất của nhiều vấn đề cũ và các trải nghiệm quá khứ.

Vicki Z. Vicki Z. (17 tuổi) và bạn đang trên đường về nhà ở Lower East Side khi một người đàn ông lạ mặt tiến lại chỗ cô và nói, “NYC không có chỗ cho Corona!” Cô rất sốc trước hành động ấy và lo sợ rằng người nọ sẽ tiếp tục quấy rối mình. Giờ đây, mỗi khi đi bộ một mình, Vicki phải ngụy trang bảo vệ bản thân bằng cách đội nón và đeo tai nghe, vì cô là một thiếu nữ Mỹ gốc Á. Chiếc nón che kín khuôn mặt giúp cô khỏi phải bắt gặp ánh mắt của người đi đường, và tai nghe giúp cô khỏi phải nghe thấy những lời bàn tán. Cuối cùng, cô đã không đi trình báo vụ công kích ngôn từ nọ, bởi vì cô không có bằng chứng gì. Với Vicki, cơn đại dịch đã thay đổi quan điểm của cô về cái cách mà thế giới sẽ nhìn nhận người Mỹ gốc Á. “Khi em bắt đầu có nhận thức rõ rệt hơn về xuất thân của mình, em nhận ra rằng có nhiều thứ xảy ra là vì nó, không chỉ là tại COVID-19, mà ngay cả trước đó nữa,” Vicki Z. nói. “Ví dụ như việc đang đi tàu điện ngầm cái tự dưng có người tới nói này nói nọ với mình. Hay đang đi bộ trên đường tự dưng có người tới nói này nói nọ với mình.” “Em nghĩ đó là lúc em nhận ra rằng, đối với một người Mỹ gốc Á như em thì mọi thứ sẽ không còn như trước kia nữa, đặc biệt là với COVID. Kiểu như là, người ta sẽ đối xử với mình khác đi. Người ta sẽ dùng những tiêu chuẩn khác để đánh giá mình.”

Christopher C. Christopher C. (17 tuổi) đã quen với việc mình là “đứa bạn châu Á” trong nhóm bạn bè. Cậu cố gắng hòa nhập và bỏ ngoài tai những lời trêu chọc. Cậu không muốn làm lớn chuyện hay để người khác nghĩ là mình cứ “cuống quýt cả lên”. Nhưng bây giờ, trước các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào các cụ già người Á châu, Chris cảm thấy tức giận. “Em sợ những điều như vậy xảy ra,” Chrishtopher C. tâm sự. “Với em thì sau đại dịch, thứ duy nhất thay đổi là em cảm thấy rất tức giận trước những việc như thế này.” “Trước giờ em cũng rất quan tâm tới chuyện này rồi, nhưng sau khi chứng kiến mấy vụ này xảy ra thường xuyên như cơm bữa, mà nạn nhân thường có khuynh hướng là người châu Á lớn tuổi, nhiêu đó thôi cũng làm em thấy tức điên lên rồi.”

Naomi R. Một cô gái trẻ như Naomi R. (16 tuổi) bao giờ cũng sợ phải đi bộ về nhà vào ban đêm hay đi tàu điện ngầm một mình. Nhưng từ lúc tội ác vì thù ghét nhằm vào người gốc Á bắt đầu gia tăng, nỗi sợ của cô ngày một tệ hơn. Rồi vụ xả súng ở Atlanta xảy ra. “Tất nhiên rồi, em cảm thấy sợ vì xuất thân của em, nhưng em nghĩ là nhờ vậy mà em thấy gắn bó với nó hơn. Em nghĩ đó là điều chúng ta cần,” Naomi thổ lộ. “Chúng ta phải giữ vững tinh thần. Chúng ta không thể cứ, trốn tránh nó.”

Zach Whitfield Khi nhìn lại năm 2020, Zach Whitfield (18 tuổi) nhớ về nỗi đau từ cuộc biểu tình Black Lives Matter. Mang trong mình dòng máu nửa Mỹ gốc Phi và nửa Hàn, câu hỏi về bản sắc chưa bao giờ là dễ dàng cho Zach. Cậu vẫn đang trong quá trình hồi phục từ những tổn thương và bất đổng của năm ngoái. Và lại một lần nữa, cậu cảm thấy thế giới đã bỏ rơi mình. Vào một buổi tối của năm rồi, khi Whitfield đang trên đường về nhà, cậu thấy một người hàng xóm đang đi đằng trước. Nhưng khi khoảng cách giữa hai người thu hẹp, cô này bắt đầu rảo bước nhanh hơn, cho đến lúc cả hai cùng bước vào tiền sảnh của khu chung cư họ ở. Whitfield bước vào sau và lướt qua cô, cậu cảm nhận được nỗi bất an của người này. Whitfield nhận ra rằng dù cậu ở đâu đi chăng nữa, dù đó là khu xóm hay ngôi nhà của mình, cậu cũng không được chấp nhận. “Nương theo bên nào cũng làm em thấy khó xử, đặc biệt là với phong trào Black Lives Matter năm ngoái,” Whitfield nói. “Em thấy, khi đó cứ như là một bên gia đình của em bị tổn thương vậy. Nhưng mà trước giờ nó đã như vậy rồi. Người Mỹ gốc Phi lúc nào cũng bị coi rẻ và chèn ép xuống đáy của xã hội. Chuyện này thường quá rồi." “Giờ thì bên gia đình châu Á của em bị tấn công, đúng theo nghĩa đen, cứ như là mọi thứ đâu lại vào đó …. Bây giờ em cảm thấy khá hoang mang, em thấy là không có phần nào của con người em là vừa mắt với xã hội.”

Emma L. Emma L. (15 tuổi) sinh ra tại Trung Quốc và chuyển đến Thành phố New York năm 4 tuổi. Đó là lần đầu tiên cô bé sinh sống giữa những người có ngoại hình trông rất khác mình. Emma cho biết mình luôn cảm thấy hơi lạc lõng “so với người khác, nhất là về ngoại hình, sau đó là về ngôn ngữ rồi đến văn hóa.” Khi Emma đọc bình luận dưới các đoạn video và các bài báo trên mạng về việc người châu Á bị tấn công, cô bé tự hỏi tại sao chính quyền lại cứ chần chừ không gọi chúng là tội ác vì thù ghét khi chúng xảy ra. Đối với em, điều này là vô cùng rõ ràng, nhất là khi có đến hàng loạt vụ tấn công xảy ra cùng một lúc. Emma nghĩ pháp luật đang xem nhẹ những vụ tấn công này. Cô bé cảm thấy mất niềm tin vào luật pháp. “Em muốn có thay đổi,” Emma nói. “Đương nhiên là em muốn mọi thứ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Nhưng với bề dày lịch sử nước Mỹ, muốn thay đổi [những giá trị] nền móng của đất nước này là rất khó.” “Vấn đề không nằm ở việc chúng ta có luật bình đẳng chủng tộc hay không, vì nếu mọi người không tuân thủ, nếu mọi người người không thi hành, thì nó vô ích thôi.”

Josh N. và Gabe N. Hai anh em Josh N. (16 tuổi) và Gabe N. (14 tuổi) đã trú ẩn tại chỗ từ khi đại dịch xảy ra. Các em lo lắng vì không biết virus sẽ ảnh hưởng đến gia đình mình như thế nào. Nhưng các vụ tấn công nhằm vào cộng đồng người Á châu trên báo làm hai em sợ hãi. Josh và Gabe từng đi bộ đến trường hoặc đi xe lửa với bạn, nhưng bây giờ đi đâu cũng phải có bố mẹ đưa đón. “Với tình hình này, em cảm thấy chắc em không nên đi chung với người châu Á, mà nên đi chung với người da trẳng chẳng hạn,” Josh nói. “Tại vì nếu em ở bên cạnh những người da trắng hiểu chuyện … thì có lẽ là em sẽ thấy đỡ sợ hơn.” “Em vẫn thấy sợ khi nghĩ về nó. Nếu ai đó trong gia đình em cũng gặp chuyện như vậy thì sao?” Gabe nói.

Kaden và Maya Kaden (13 tuổi) và Maya (15 tuổi) đang trên đường đến khu Chinatown của Manhattan để thăm bà. Kaden bắt đầu thấy lo lắng về những vụ tấn công, bởi vì mẹ cậu bé thì chuẩn bị đi làm trở lại, chị gái thì chuẩn bị đi học lại ở trường, còn bà thì hay đi loanh quanh một mình. Trước khi trò chuyện với chúng tôi, cậu bé biết về vụ xả súng tiệm spa ở Atlanta thông qua tin tức trên điện thoại của mẹ. “Em thấy vừa giận vừa buồn, tại họ có làm gì sai đâu,” Kaden nói. "Họ không thể làm gì về Corona[virus]. Không phải người châu Á nào cũng liên quan đến Corona[virus]."

Aden H. và Adele H. Khi hai anh em Aden (17 tuổi) và Adele (15 tuổi) đi lên phía Bắc New York trong mùa dịch để leo núi, có một suy nghĩ cứ ám ảnh lấy Aden. Sau khi đỗ xe, gia đình họ phải băng qua đường cao tốc để đến lối vào đường mòn, nhưng tất cả những gì Aden có thể nghĩ đến là một chiếc xe hơi nào đó sẽ cố ý đâm vào bọn họ. Aden nghĩ vậy cũng chỉ vì những vụ tấn công gần đây. Làn sóng thù ghét, bài xích người gốc Á đã thôi thúc Aden đi tìm giải pháp, bất cứ giải pháp nào, để sửa chữa tâm lý kỳ thị ăn sâu bám rễ này. “Em nghĩ điều quan trọng nhất là sự thông cảm,” Aden nói. “Nhưng em nghĩ bước đầu tiên để có được sự thông cảm là thông qua những cuộc trò chuyện. Và theo em, lắng nghe, nó quan trọng hơn là lên tiếng. Nên để cho người Mỹ gốc Á có cơ hội chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của họ, không chỉ là về hoàn cảnh họ lớn lên, mà còn là về cảm nhận của họ đối với mọi thứ đang xảy ra ngay bây giờ."

Đối với cô em gái Adele, đây là một trải nghiệm thức tỉnh. “Em không nghĩ là bản chất của mình thay đổi,” Adele nói. “Em chỉ nghĩ là em trở nên ý thức hơn về bản sắc người Mỹ gốc Á của mình đối với mọi thứ đang diễn ra.”

Emma Tang Emma Tang (19 tuổi) là một nhà hoạt động xã hội. Cô đang điều hành một trang Instagram chuyên bàn về những chủ đề xã hội liên quan lẫn nhau như bạo lực cảnh sát, quyền sinh sản, người Mỹ gốc Á, và bản sắc/căn tính. Hồi năm 2020, một lần khi Emma Tang đang ngồi ở Union Square với bạn, một người đàn ông dùng một tấm vải bẩn tẩn vào đầu cô và nhìn cô bằng ánh mắt thách thức. Nhưng cô chỉ có thể chết trân tại chỗ. Cô nhìn bạn mình, bọn họ đều có cùng một suy nghĩ, “đây này là tội ác vì thù ghét.” Gã đàn ông bỏ đi như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Kể từ đó, Emma Tang luôn tự hỏi liệu vụ tấn công kia đã có thể tệ hơn đến mức nào. “[kể từ vụ xả súng ở Atlanta], em trở nên tự hào hơn về bản sắc của mình,” Cô nói. “Nói sao nhỉ, giống như là, em thấy gắn bó với nó hơn. Em nghĩ là sau năm vừa rồi, em nhận ra là người gốc Á sẽ chẳng bao giờ được coi là người da trắng. COVID vừa xảy ra một cái là người da trắng liền trở mặt với chúng ta.” "Người thiểu số có thể làm mọi cách để có thể đến gần hơn với ‘vị thế da trắng’, nhưng cho đến khi người thiểu số chúng ta triệt phá tư tưởng da trắng thượng đẳng và đoàn kết lại với nhau, thì những vụ việc thế này vẫn sẽ diễn ra và chúng ta sẽ không bao giờ đạt được sự công bằng và bình đẳng."

Alena P. Giống như hầu hết các học sinh lớp 11, Alena P. (15 tuổi) phải bắt đầu chuẩn bị hồ sơ đăng ký vào các trường đại học. Tuy nhiên, Alena nhỏ tuổi hơn đa số học sinh lớp 11 đến gần hai năm. Điều này khiến cô bé gặp khó khăn trong việc hòa nhập với cộng đồng học sinh ở trường. Cô bé gặp khó khăn trong việc mở lòng với bạn bè, nhất là về trải nghiệm đa sắc tộc của bản thân. Trong thời kỳ đại dịch, cả mẹ lẫn chị gái của Alena đều bị người lạ chặn đường và tra hỏi họ đến từ đâu. Khi họ đáp lại “Mỹ," những người đàn ông này vô cùng bối rối và chất vấn ngược lại họ bằng cách nói bọn họ “nhìn giống người châu Á,” ám chỉ là bọn họ sinh ra ở đất nước khác. Cô bé đã luôn cảm thấy khó chịu về việc bản thân bị lạc lõng, kể cả từ trước đại dịch. “Vấn đề bản sắc đã làm em bứt rứt lâu lắm rồi, nhất là khi, anh thấy đó, em lai trắng, nên em là con lai,” Alena P. nói. “Và nhiều lúc, những thành phố ở Mỹ như New York làm cho mình có cảm giác là mình châu Á quá đi, giống như là cái phần da màu của mình nó bị trội quá. Nhưng cùng lúc đó, cũng có nhiều lúc, những năm mà em về Đài Loan. Em vẫn có cảm giác mình là người ngoại quốc ở đó, nên nó còn tệ hơn nữa.” “Vậy nên, không có nơi nào thực sự khiến cho mình thấy là mình có thể, được ở cạnh những người giống như mình, chắc là vậy. Bởi vì mình có đi đâu đi chăng nữa, thì người ta vẫn sẽ nhìn mình bằng con mắt khác.”

Robert L. Robert L. (16 tuổi) rời Trung Quốc đến Úc khi mới 7 tuổi. Cậu vẫn nhớ việc mình không thể nói tiếng Anh và cảm thấy bơ vơ mà không có cách để giao tiếp, vì vậy mà bạn học trở nên tức giận với cậu. Hiện tại, Robert sống ở Mỹ và học trường cấp 3 ở Thành phố New York. Cậu không có nhiều bạn bè thân thiết và thường tìm đến internet để trò chuyện, vì chỉ có ở đó Robert mới có thể là chính mình. Cậu cảm thấy lạ lẫm về việc mình là người Trung Quốc. “Em nghĩ mình là một người Trung Quốc di cư vì em đã tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, nên em thấy khó mà tự nhận mình là người Mỹ hay người Úc gốc Trung Quốc hay chỉ là người Trung Quốc nói chung," Robert L. nói. “Em đoán là đại dịch khiến em phải suy nghĩ đôi chút về, sự khác biệt trong cách em nhìn nhận bản sắc của mình so với những người gốc Á khác. ‘Mình thuần Á đến cỡ nào?’ Nó giống như một ranh giới rạch ròi, nhưng cũng gần như là một ý nghĩ vu vơ. Đại khái như là, trong nền văn hóa này, quốc gia này, nhóm người này, mình thuộc về quần thể này được bao nhiêu?”


Người dịch: An Nguyen & Linh Nguyen

Biên tập: Vũ Yên & Bảo Trân

Comments


bottom of page