Translated from POLITICO's article Andrew Yang’s Loss Fits a Pattern. Why Do Asian Americans Struggle in Mayoral Races?
By JOEL LAU, on 08-07-2021, 00:00:00
Trong mục Hỏi Đáp của tạp chí POLITICO, cựu ứng viên thị trưởng Boston, Sam Yoon, chia sẻ về những thách thức đặc thù mà các ứng viên người Mỹ gốc Á và đảo Thái Bình Dương (AAPI) phải đối mặt và tại sao ông lạc quan về những thay đổi sắp đến.
Vào tháng 4, khi tên của Andrew Yang được đăng trên các trang tin tức, cựu ứng viên tổng thống một thời đã đứng đầu các cuộc thăm dò bầu cử sơ bộ trong đảng Dân Chủ cho chiếc ghế thị trưởng New York. Có vẻ đây là dấu hiệu thời thế đang thay đổi: một người Mỹ gốc Đài Loan đang nuôi hy vọng chiếm được chiếc ghế cao nhất trong thành phố lớn nhất cả nước, và ông đang thực sự có cơ hội chiến thắng.
Nhưng vài tháng sau, ông Yang kết thúc ở vị trí thứ tư trong cuộc bầu cử sơ bộ cho vị trí thị trưởng, trở thành ứng cử viên nặng ký đầu tiên bỏ cuộc. Đối với nhiều người Mỹ gốc Á, sự thất bại này chỉ là một bất ngờ nhỏ. Mặc dù sự nhìn nhận về các vấn đề của người Mỹ gốc Á và đảo Thái Bình Dương (AAPI) có gia tăng trong vài năm qua và bất chấp thành công gần đây của các ứng viên AAPI ở cấp quốc hội, người Châu Á vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong các vị trí thị trưởng, so với tỷ lệ dân số của người gốc Á tại các đô thị.
Châu Á là nhóm sắc tộc phát triển nhanh nhất ở Mỹ. Trong 20 năm qua, dân số người Mỹ gốc Á đã tăng gần gấp đôi, đạt 23 triệu người. Trong số này, tính đến năm 2016, hơn 97% sống ở các đô thị lớn so với tỉ lệ tương đương của người Mỹ da trắng là 81%. Tỷ lệ dân số của người Mỹ gốc Á đặc biệt cao ở nhiều thành phố ven biển như: 34% ở San Jose, California và 14% ở New York.
Tuy nhiên, khi nói đến các cuộc tranh cử cấp thành phố, người gốc Á luôn có thành tích kém hơn, ngay cả khi so sánh với các nhóm thiểu số khác. Trong khi người gốc Á chiếm 7% dân số Hoa Kỳ, họ chỉ chiếm 2% trong tổng số các quan chức thành phố được bầu vào năm 2020. Ngược lại, người Da đen, chiếm 13% dân số Hoa Kỳ, nắm giữ 21% số ghế lãnh đạo cấp thành phố. Năm 2019, trong số 100 thành phố đông dân nhất của Hoa Kỳ, chỉ có ba thành phố có thị trưởng là người gốc Á - tất cả đều ở California. Thậm chí tại 25 thành phố lớn có tỷ lệ cư dân AAPI cao nhất, chỉ có 8 thành phố đã từng bầu chọn lãnh đạo là người gốc Á - cũng như trên, tất cả đều ở California.
Bên ngoài California, hầu như không có các thị trưởng gốc Á. Người gốc Á là nhóm sắc tộc lớn thứ hai tại Seattle, chiếm hơn 15 phần trăm dân số, nhưng thành phố chỉ từng có một nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Á. Đó là cựu thành viên Hội đồng thành phố Bruce Harrell. Ông đã tranh cử không thành công vào năm 2013 trước khi giữ chức thị trưởng trong chỉ năm ngày vào năm 2017, sau khi người tiền nhiệm của ông từ chức. Honolulu, đô thị có gần 1 triệu dân trong đó 62% là người gốc Á, chưa bao giờ bầu chọn thị trưởng là người gốc Á.
Điều gì giải thích cho sự vắng bóng của các thị trưởng người Mỹ gốc Á, và liệu điều này có thể thay đổi? Để hiểu rõ hơn về những thách thức đặc thù mà các ứng cử viên người Mỹ gốc Á phải đối mặt trong các cuộc tranh cử thị trưởng, Tạp chí POLITICO đã trò chuyện với Sam Yoon, người Mỹ gốc Á đầu tiên tranh cử thị trưởng thành phố Boston, vào năm 2009. Là ủy viên hội đồng châu Á đầu tiên của thành phố, ông Yoon, một đảng viên Dân chủ gốc Hàn Quốc, trong suốt thời gian tranh cử thị trưởng đã nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng châu Á trên khắp nước Mỹ, như tại các bang California và New York. Nhưng cuối cùng ông đã về thứ ba trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Ông Yoon nói rằng trong khi các ứng cử viên lập pháp AAPI có thể hưởng lợi từ việc vận động tranh cử dựa trên hình ảnh là “nhân tố mới,” các ứng cử viên thị trưởng gốc Á gặp khó khăn hơn trong việc thuyết phục cử tri rằng họ có kinh nghiệm phù hợp để trở thành người điều hành một thành phố lớn. “Người Mỹ gốc Á bị đóng khung với suy nghĩ từ phía cử tri rằng, ‘Chà, bạn là người mới. Bạn có ít kinh nghiệm hơn. Bạn vừa mới đến. Bạn có thể không biết nhiều như bạn nói.’" Ông Yoon về sau chuyển đến Washington, nơi ông đã lãnh đạo Hội đồng Người Mỹ gốc Hàn và nhóm vận động hành lang Người Mỹ gốc Hàn Quốc trước khi trở thành giáo viên toán cấp ba ở ngoại ô Virginia.
Trong khi sự thất bại của ông Yang ở New York có thể gây thất vọng cho nhiều người Mỹ gốc Á, ông Yoon nói rằng các chính trị gia gốc Á tiên phong khác như ứng cử viên thị trưởng Michelle Wu ở Boston và Hạ nghị sĩ Hoa Kỳ Andy Kim ở New Jersey vẫn mang đến hy vọng về một làn sóng đại diện chính trị cho AAPI trong một tương lai gần.
Dưới đây là tóm lược của cuộc trò chuyện, đã được chỉnh sửa cho rõ ràng và phù hợp với thời lượng đọc.
JOEL LAU: Anh nghĩ gì về chiến dịch của Andrew Yang ở New York?
SAM YOON: Khi chứng kiến cuộc tranh cử của Andrew Yang, tôi tự hỏi: tại sao lại có sự khác biệt trong lựa chọn của cử tri tại các cuộc tranh cử thị trưởng và các cuộc bầu cử hạ viện hoặc thậm chí là bầu cử thượng viện? Vai trò của một nhà lập pháp và một nhà hành pháp là rất khác nhau. Điều này khiến tôi đặt thêm câu hỏi liệu người Mỹ gốc Á có gặp khó khăn hơn trong việc thuyết phục công chúng rằng họ có thể là một nhà lãnh đạo hành pháp xuất sắc hay không.
Khi một người ứng cử vào vị trí lập pháp, chiến dịch tranh cử có thể hướng tới ý tưởng và lý tưởng trên diễn đàn chính trị hoặc đảng phái của người đó. Ý tưởng là điều đã khiến Andrew Yang thực sự đáng chú ý trong tư cách ứng cử viên tổng thống. Tôi không chắc các cử tri đã suy nghĩ thật sự sâu sắc về khả năng điều hành của ông ấy với tư cách là một lãnh đạo hành pháp. Nhưng đến cuộc bầu cử cấp thành phố, tại một nơi như thành phố New York, các cử tri sẽ cân nhắc yếu tố cá nhân hơn rất nhiều. Anh ta có tên tuổi, nhưng anh ta sẽ tương tác hiệu quả với các nhà quản lý giáo dục, hay giới chức cảnh sát và lãnh đạo công đoàn ra sao? Anh ta sẽ xử lý các thử thách khắc nghiệt của một người lãnh đạo hành pháp như thế nào?
Và tôi nghĩ rằng người Mỹ gốc Á bị đóng khung với suy nghĩ từ phía cử tri rằng, “Chà, bạn là người mới. Bạn có ít kinh nghiệm hơn. Bạn vừa mới đến. Bạn có thể không biết nhiều như bạn nói."
Khi tôi được bầu vào Hội đồng Thành phố Boston năm 2005, tôi nghe mọi người nói rằng bỏ phiếu cho Sam Yoon trong cuộc bầu cử đó là một lá phiếu "làm việc tốt” - cảm giác thật tuyệt khi bỏ phiếu cho một người khác biệt. Nhưng để bầu chọn thị trưởng, cử tri phải tin rằng đường hướng của thành phố đang tệ đến mức cần có một người thực sự khác biệt để xoay chuyển tình thế.
LAU: Tương tự như cuộc tranh cử của ông Yang tại New York, nhiều phương tiện truyền thông và công chúng thực sự nghĩ rằng anh có thể trở thành thị trưởng người Mỹ gốc Á đầu tiên (và lần đầu không phải người da trắng) của Boston. Tại sao cơn sốt này lại không đem lại nhiều phiếu bầu?
YOON: Rất khó đánh giá những điều đó khi bạn là người trong cuộc. Tương tự như khi bạn đang ở giữa một cơn bão, rất khó để có cái nhìn toàn cục về những gì đang thực sự diễn ra. Và một phần có lẽ là vì tôi không phải là một người quá tinh thông chính trị và chắc chắn không phải là một người lão luyện trong các lĩnh vực khác để đúc kết những gì tôi đã trải qua vào thời điểm đó. Tất cả đều rất mới.
Chiến dịch tranh cử phải nhấn mạnh vào việc tôi khác biệt và mới mẻ, thậm chí đến mức mạo hiểm chấp nhận những nhận xét rằng tôi ngây thơ hoặc thiếu kinh nghiệm. Ý tôi là, đó là cái giá của việc là một “nhân tố mới.” Thông điệp về sự mới mẻ phải được đẩy đến mức đó chỉ để thu hút sự chú ý cần thiết.
LAU: Anh nghĩ tại sao các ứng cử viên gốc Á gặp khó khăn hơn trong việc thuyết phục cử tri họ có thể làm thị trưởng?
YOON: Có vẻ hơi nực cười nhưng đây là sự thật: là vì ngoại hình của tôi - cụ thể là gương mặt của tôi. Đó là điều mà tất cả người Châu Á gặp phải. Chúng ta trông trẻ hơn so với tuổi. Tôi ở độ tuổi 50 và năm ngoái, tôi vấn phải trình thẻ căn cước. [Cười.] Tôi đi cùng với cậu con trai tuổi teen của mình và họ nói: "Tôi có thể xem giấy tờ tùy thân của con không?" Đó chỉ là một sự thật. Chúng ta ít râu ria; và tóc không bạc nhanh như những người khác.
Đối lập hoàn toàn với tôi trong cuộc đua thị trưởng năm 2009 - một trong các đối thủ, [Michael] Flaherty có mái tóc bạc trắng rất sớm, ngay cả đối với một người Mỹ gốc Ireland. Nó có màu trắng không tự nhiên, tuy cả hai chúng tôi bằng tuổi nhau. Lúc đó tôi đã gần 40 tuổi, nhưng tôi vẫn có thể trông như một sinh viên đại học.
“Đây là điều mà tất cả người Châu Á gặp phải. Chúng ta trông trẻ hơn so với tuổi.”
Và tôi nhớ một nhà báo viết sau cuộc tranh luận, "Tôi không thể tưởng tượng được một người trẻ như Sam Yoon lại điều hành thành phố Boston." Nhưng tôi bằng tuổi Michael Flaherty! Họ đang nói gì vậy? Họ đã đánh giá tôi qua gương mặt, và trong chính trị, tất nhiên hình ảnh của bạn rất quan trọng.
Vì vậy, nếu tôi được làm lại hình ảnh của mình của chiến dịch tranh cử, tôi chắc chắn sẽ mua một ít thuốc nhuộm tóc bạc. Tôi không biết liệu họ có bán thuốc nhuộm tóc bạc không? [Cười.] Tôi sẽ nhuộm một ít tóc hai bên chỉ để họ thấy rằng tôi có đủ kinh nghiệm sống để làm thị trưởng thành phố.
Và thành thật mà nói, tôi nghĩ đàn ông Châu Á gặp khó khăn nhiều hơn. Những người đàn ông có khuôn mặt trẻ trung sẽ bị đánh giá thấp hơn về kinh nghiệm và độ thông thái để điều hành một tổ chức lớn nào đó. Nét mặt trẻ trung là ngược với kỳ vọng mà cử tri dành cho các ứng cử viên nam . Họ nghĩ, “Nếp nhăn trên khuôn mặt thể hiện một người thực sự từng trải và sẽ không có gì làm khó được họ.”
LAU: Điều này khiến tôi nhớ đến các cuộc thảo luận ở tầm quốc gia về việc người Mỹ gốc Á là “thiểu số kiểu mẫu” và là hình ảnh của một người mọt sách nhưng ít va chạm thực tế. Đó có phải là một khía cạnh được quan tâm trong các cuộc bầu cử thị trưởng?
YOON: Chính xác. Hoàn toàn đúng. Tôi chắc chắn rằng trong một bộ phận cử tri có cách tư duy kiểu này: “Bạn có thể là kỹ sư phần mềm. Nhưng để thực sự điều hành mọi thứ, tại các cuộc họp trong giới lãnh đạo cấp cao hay hội đồng quản trị, chúng tôi cần một người thực sự có thể thao túng, chiến đấu và biết đàm phán nhằm đạt được những việc cần làm. Nhưng không sao cả nếu bạn có thể tạo ra các thuật toán."
LAU: Cộng đồng người Mỹ gốc Á tham gia bầu cử có phải là một thách thức không? Đã có báo cáo cho thấy tỷ lệ cử tri Châu Á đi bỏ phiếu là một trong những tỷ lệ thấp nhất trên toàn quốc.
YOON: Khi dân số người Mỹ gốc Á ở các thành phố như New York và Boston chỉ vào khoảng 10%, thì ngay từ đầu bạn đã chưa thực sự có một nhóm cử tri trung thành và vững chắc. Vì vậy, bạn cần thuyết phục tất cả các nhóm dân số khác rằng bạn là người thực sự có năng lực.
Ở New York, có vẻ như mọi người đang tìm kiếm một ứng cử viên có tính cải tổ như Eric Adams. Tôi biết hầu như anh ấy chỉ vận động tranh cử ở các khu dân cư lao động người Da đen và Latin. Anh ta có một nhóm cử tri trung thành, hiểu biết về cả chính trị và con người anh ta. Nhóm cử tri trung thành của Andrew Yang khá nhỏ, đó là vì qui mô khu vực cử tri gốc Á ở New York chỉ có vậy. [Người Mỹ gốc Á] còn lạ lẫm với hoạt động chính trị. Vì vậy, tôi nghĩ đó là một bất lợi ngay từ đầu.
“Ngay từ đầu bạn đã chưa thực sự có một nhóm cử tri trung thành và vững chắc … Vì vậy, bạn cần thuyết phục tất cả các nhóm nhân khẩu học khác rằng bạn là người thực sự có năng lực.”
[Và trong cuộc tranh cử thị trưởng của tôi,] phiếu bầu của người gốc Á ở Boston có lẽ là 5% hoặc ít hơn [tổng số dân đủ điều kiện bỏ phiếu]. Và trong số những người đã bỏ phiếu, có lẽ có một phần là vì sự tự hào rằng, ‘Chà, thật tuyệt khi thấy một ứng cử viên người Mỹ gốc Á.' Nhưng vẫn không đủ để thực sự lật ngược tình thế. Tôi không muốn phủ nhận rằng các phiếu bầu của người Mỹ gốc Á không thực sự quan trọng - chúng sẽ quan trọng trong các cuộc tranh cử có kết quả rất sát sao. Tuy nhiên, tổng số lượng mới là vấn đề.
LAU: Người Mỹ gốc Á nói chung là nhóm nhân khẩu học mới nhất của Mỹ, với nhiều gia đình nhập cư chỉ trong vài thập kỷ qua. Sự mới mẻ này có làm cho việc vận động tranh cử trở nên khó khăn hơn không?
YOON: Tôi nghĩ rằng, nói chung các chính trị gia người Mỹ gốc Á có trọng trách đại diện cộng đồng. Họ không chỉ có trọng trách đại diện cho một khu vực bầu cử, mà họ còn có gánh nặng đại diện cho toàn bộ cộng đồng người Mỹ gốc Á. Trong số những người Mỹ gốc Á ủng hộ tôi, dựa vào nhân khẩu học của Boston, chỉ một phần nhỏ trong số họ là cử tri ở Boston.
Tôi nhận được hỗ trợ từ rất nhiều nhà tài trợ bên ngoài thành phố Boston và thậm chí trên toàn quốc; nhưng con số chỉ vừa đủ cho những hoạt động tranh cử thiết yếu. Gia đình tôi không có nhiều thế hệ là cư dân Boston và quen với việc quyên góp cho các ứng cử viên yêu thích. Cho dù là tài xế taxi hay giáo viên, người ta đều có truyền thống ủng hộ và tham gia vào các hoạt động chính trị ở địa phương vì cộng đồng của mình. Điều này phải bồi đắp qua nhiều thế hệ.
Còn người gốc Á đã trải qua bao nhiêu thế hệ ở đây? Chắc một nửa? Chúng ta còn rất bỡ ngỡ và có rất nhiều người Mỹ gốc Hàn và người Mỹ gốc Á chưa từng quyên góp [cho một ứng cử viên chính trị nào] hoặc đang quyên góp lần đầu tiên.
LAU: Sau chiến dịch tranh cử không thành công vào năm 2009, anh rời Boston để tham gia vận động hành lang và vận động chính sách trước khi hoàn toàn rời bỏ chính trị để làm giáo viên toán cấp 3. Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo cho các ứng viên AAPI như Andrew Yang?
YOON: Ý thức công dân của một người Mỹ gốc Á trong tôi thực sự hy vọng rằng các ứng viên vẫn tham hoạt động chính trị, bởi vì để vượt qua định kiến là chúng ta còn non kinh nghiệm, thì chính chúng ta cần nhiều người Mỹ gốc Á có thể chứng minh rằng họ có đủ năng lực để điều hành chính quyền hơn.
Nhưng ở phương diện cá nhân - suy cho cùng thì chúng ta cũng là con người - tôi nhận ra rằng việc duy trì sự nghiệp chính trị, giữ gìn hôn nhân và nuôi dạy những đứa con hạnh phúc là điều khó khăn. Vô cùng khó.
"Để vượt qua định kiến chúng ta còn non kinh nghiệm, thì chính chúng ta cần nhiều người Mỹ gốc Á có thể chứng minh rằng họ có đủ năng lực để điều hành chính quyền hơn."
Có lẽ tôi hơi thất vọng về bản thân một chút, nhưng tôi đã có thể tiếp tục, nhưng liệu tôi có nên tiếp tục không? Tôi suýt nữa đã ở lại Boston. Nếu để bồi đắp sự nghiệp chính trị thì ở lại Boston là có lý. Nhưng làm vậy rất khó. Tôi phải suy nghĩ về gia đình mình; tôi phải có cách kiếm sống. Thứ khiến tôi do dự là chính bản thân tôi cũng không biết. Nếu có người muốn gây dựng sự nghiệp chính trị, liệu họ có nên làm theo cách tôi đã làm không? Tôi không biết đâu là câu trả lời đúng.
Nhưng tôi nghĩ chúng ta đang sắp có câu trả lời. Tôi biết Andrew Yang có thể truyền cảm hứng cho những người Mỹ gốc Á làm theo những gì anh ấy đã làm. Mỗi người Mỹ gốc Á theo dõi các buổi tranh luận của ứng viên tổng thống, mỗi khi ông Yang phát biểu, đều thấy có điều gì đó rất khác đang diễn ra trong tâm trí và trái tim của họ. Khi các thế hệ sau mở lòng hơn trong việc tham gia các hoạt động chính trị và coi đó là hoạt động phục vụ cộng đồng, chúng ta sẽ tạo ra đủ lượng và chất để một ngôi sao chính trị khác vươn lên và tạo ra một sân chơi mới.
LAU: Có vẻ anh thực sự lạc quan khi nhìn về tương lai. Tại sao anh cảm thấy như vậy?
YOON: Rào cản lớn đối với tôi và những người gốc Á khác đã tham gia tranh cử, một cách đơn giản nhất, là thiếu những người đi trước đã thành công để chúng tôi chiếu theo. Tôi đã phải ra sức thuyết phục gia đình rằng những gì tôi đang làm không phải là điên rồ.
Nhưng từ từ sẽ có nhiều người Mỹ gốc Á tham gia chính trường thành công và trụ lại lâu dài. Nhưng cũng giống như mọi thế hệ tiên phong, họ cần sự hỗ trợ từ cộng đồng hơn rất nhiều. Để các chính trị gia gốc Á có bệ phóng, là những người Mỹ gốc Á, chúng ta phải đặt niềm tin mạnh mẽ hơn nữa vào họ. Đó là lý do tôi thường xuyên đóng góp cho một người như Hạ nghị sĩ Andy Kim ở New Jersey, mặc dù tôi ở Virginia. Anh ấy là đảng viên Dân chủ người Mỹ gốc Hàn đầu tiên trong Quốc hội.
LAU: Bạn nghĩ gì về cuộc tranh cử chiếc ghế thị trưởng của Boston vào mùa thu này? Hầu hết tất cả ứng cử viên nặng ký đều là người da màu, với bốn ứng cử viên đứng đầu đều là phụ nữ, trong đó có Michelle Wu một người Mỹ gốc Đài Loan. Cô ấy đang đứng đầu gần như mọi cuộc thăm dò.
YOON: Đối với Michelle, tôi nghĩ rằng đó sẽ là một con đường thăng tiến đầy khó nhọc, nhưng cô ấy đã biết điều đó. Nhìn vào xu hướng chung và nhận ra sự thay đổi trong thành phần của Hội đồng Thành phố Boston, [mà bây giờ đa số là phụ nữ và đa số là người da màu,] nếu cô ấy có thể bước vào văn phòng thị trưởng, đó sẽ là một kì tích. Nhưng các ứng cử viên thị trưởng [hàng đầu] khác, Kim Janey, Annissa Essaibi George, Andrea Campbell - đều là phụ nữ da màu. Thật phi thường. Điều đó thật tuyệt vời.
Vì vậy, đúng, tôi lạc quan. Tôi lạc quan rằng, dù là một cộng đồng nhỏ, thì [người Mỹ gốc Á] sẽ tiếp tục vượt lên và gây dựng sự nghiệp chính trị và và biến tham gia chính trị thành một yếu tố gắn liền với danh tính người Mỹ.
Người dịch: Trang Vo
Biên tập: Ren Dinh & Bảo Trân
Comments