top of page

Thế nào là tội ác thù ghét?

Translated from U.S.News's article What Is A Hate Crime

By Claire Hansen, on 26-04-2021, 13:04:34

Hầu hết các tiểu bang và liên bang đều có những điều luật chính thức về tội ác thù ghét. Tuy nhiên, chính những điều luật, định nghĩa, cũng như quá trình điều tra và xét xử cũng có sự khác biệt rõ rệt giữa các cơ quan. Vẽ biểu tượng chữ Vạn lên Hội đường. Lăng mạ ai đó bằng ngôn từ phân biệt chủng tộc. Đốt cây thập giá trước nhà một gia đình Da đen. Tàn sát có chủ đích nhắm tới một nhóm đối tượng cụ thể. Đây đều là những ví dụ điển hình của tội ác thù ghét - được các bang và liên bang định nghĩa là những hành động bắt nguồn từ thiên kiến hoặc tấn công người khác dựa trên những yếu tố như chủng tộc, sắc tộc và tôn giáo. 47 tiểu bang và chính quyền liên bang đã thông qua thành văn các đạo luật về tội ác thù ghét, trừ Arkansas, South Carolina và Wyoming. Tội ác thù ghét trở thành tâm điểm sau một loạt các sự việc nhắm vào người Mỹ gốc Á giữa đại dịch coronavirus, bao gồm một số các cuộc tấn công lớn và một cuộc xả súng ở ngoại ô Atlanta vào tháng Ba, cướp đi sinh mạng của tám người, trong đó có sáu phụ nữ gốc Á. Gần đây, các chính sách thúc đẩy nỗ lực chống lại tội ác thù ghét liên quan tới đại dịch đã được phê chuẩn. Sự khác biệt giữa các đạo luật về tội ác thù ghét Các tiểu bang đều có sự khác biệt trong luật pháp, một số có mức độ bao phủ rộng hơn các khu vực còn lại. Hầu hết các đạo luật chống tội thù ghét đều đề cập tới các yếu tố chủng tộc, sắc tộc và tôn giáo. Một số lượng nhỏ hơn nhưng vẫn đáng kể bao gồm cả giới, xu hướng tính dục và khuyết tật. Một số khác cũng đưa vào quan điểm chính trị, bản dạng giới và tuổi tác. Ví dụ: Luật của bang California bao gồm tất cả những yếu tố nêu trên, trong khi luật tại Montana mới chỉ quy định về ba yếu tố cơ bản - chủng tộc, sắc tộc hoặc tôn giáo - theo phân tích của NAACP. Khác với nhiều bộ luật khác, tội ác thù ghét quan tâm tới động cơ và là tình tiết tăng nặng khi cấu thành tội, nghĩa là người mắc án nếu mang thêm tội này sẽ ngồi tù lâu hơn một người mắc án tương tự nhưng không có động cơ hoặc thiên kiến. Chính quyền liên bang đã nhiều lần đưa ra các chính sách xử lý tội thù ghét, bao gồm Bộ luật Dân sự năm 1969 và Đạo luật Shepard Byrd được thông qua năm 2009, cho phép xét xử loại tội này ở mức độ liên bang với những trường hợp xuất phát từ xu hướng tính dục và bản dạng giới của nạn nhân. Vì sao nên thông qua đạo luật về tội ác thù ghét? Những người ủng hộ giải thích rằng hành động thù ghét có ảnh hưởng lâu dài tới cả nạn nhân lẫn cộng đồng của họ, tạo ra mối đe doạ cho một nhóm người cũng như ảnh hưởng tới cảm nhận “thuộc về” và khả năng hoà nhập xã hội của cá nhân. Steven Freeman, Phó chủ tịch Quyền dân sự và Vụ trưởng Pháp chế tại Liên đoàn Chống Phỉ báng (Anti-Defamation League/ADL) làm rõ: “Đây là những loại tội nghiêm trọng hơn vì tầm ảnh hưởng của chúng – vượt khỏi cá nhân nạn nhân, chúng gây sang chấn, đe dọa và thương tổn tới những cộng đồng lớn hơn.” ADL đã soạn thảo khung pháp chế mẫu dành cho tội ác thù ghét vào năm 1981 và đã được Tòa án Tối cao sử dụng để chấp thuận một quy định tại Wisconsin vào năm 1993, kết luận rằng các điều luật về tội ác thù ghét không vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án I của bị cáo. Các chuyên gia cho rằng luật về tội ác thù ghét phản ánh cách nhìn nhận của xã hội về những sự kiện diễn ra xung quanh ta. “Tội ác thù ghét tác động sâu sắc tới cá nhân bị tấn công bởi thiên kiến, và luật pháp cần công nhận điều này.” Jeannine Bell, một Giáo sư ngành Luật đang nghiên cứu về hành pháp và tội ác thù ghét tại Đại học Indiana cho biết. “Xã hội chúng ta nhìn nhận và tôn trọng điều đó. Luật pháp cũng nên như vậy.” Freeman nói thêm rằng mặc dù luật về tội ác thù ghét – giống như hầu hết các luật hình sự khác – không thật sự có tính ngăn chặn nhưng nó vẫn lan truyền được thông điệp: Những hành động xuất phát từ thù hằn sẽ không được chấp nhận. Nhận biết tội ác thù ghét Luật dành cho tội thù ghét vẫn chưa đi sâu vào gốc rễ và còn nhiều hạn chế, vậy nên việc nhận diện, điều tra, luận tội và báo cáo về những sự việc thuộc nhóm này gặp phải nhiều khó khăn. Số lượng vụ án do tội thù ghét dựa trên báo cáo của cơ quan hành pháp thấp hơn nhiều so với thực tế. Theo Khảo sát Quốc gia cho Nạn nhân Tội ác (National Crime Victimization Survey), trung bình mỗi năm hơn 200,000 người trở thành nạn nhân của các vụ tấn công. Tuy vậy, chỉ khoảng nửa số này được báo cho cảnh sát, và số vụ được điều tra còn ít hơn nữa. Theo số liệu lấy từ FBI, các cơ quan địa phương và liên bang báo cáo rằng có 8,552 nạn nhân của hơn 7,000 tội ác thù ghét trong năm 2019. Các chuyên gia đã chỉ ra một vài nguyên nhân tạo ra khoảng cách này. Những vụ việc này thường không được thông báo cho chính quyền, đặc biệt là với người từ những cộng đồng vốn không có niềm tin ở cảnh sát. Chính lực lượng cảnh sát cũng không nhận ra đâu là tội do thù ghét gây ra. Đôi khi loại tội này không rõ ràng. Người thi hành công vụ có thể không được đào tạo kỹ hoặc thiếu thông tin, và chính bộ phận của họ cũng thiếu động lực để cung cấp cả hai. Sự yếu kém trong việc giải quyết các vụ việc này có thể là lý do một số cộng đồng vẫn mất lòng tin ở họ. Thậm chí, chúng ta còn không chắc chắn về số lượng vụ án do tội thù ghét được điều tra hay truy tố mỗi năm. FBI thường ỷ lại vào sự tự nguyện của cơ quan hành pháp, khiến một số sở cảnh sát có thể không báo cáo hoặc xóa án về không. ProPublica phân tích rằng năm 2017, gần 90% số sở cảnh sát gửi báo cáo cho FBI đều báo cáo không có vụ án do thù ghét nào, và một cuộc điều tra của BuzzFeed phát hiện 15 vụ tấn công do thiên kiến tại 10 cơ quan hành pháp lớn nhất mà từng thống kê rằng không có tội ác thù ghét nào. Freeman bày tỏ: “Điều này một phần là do cảnh sát không được huấn luyện các dấu hiệu của thiên kiến – để có thể nhìn vào một hiện trường và nói rằng, ‘Đây có thể là một vụ thù ghét, ta nên điều tra thêm.’ Tôi nghĩ việc này liên quan tới chương trình đào tạo, việc thu thập số liệu và cả sự nghiêm túc trong thái độ giải trình vấn đề từ phía cảnh sát và hệ thống luật pháp.” Trái lại, theo các chuyên gia, những nơi có số liệu lớn các vụ tội ác thù ghét lại thường đủ khả năng để xoay xở vì càng ngày càng nhiều vụ án được cả người dân báo cáo và cảnh sát tiến hành điều tra. Xét xử tội ác thù ghét Kể cả khi một vụ án đã được nạn nhân hoặc cảnh sát xác nhận là tội ác thù ghét, công tố viên có thể không kết tội hoặc không thành công trong việc xét xử bị cáo đúng với tội danh. Chứng minh rằng vụ việc thực sự có động cơ từ sự thù hận khó hơn rất nhiều so với việc kết luận rằng đã có hành vi phạm tội diễn ra. Theo Bell, công tố viên là những người không thích rủi ro. Bell nói: “Họ muốn những vụ chắc chắn thắng được. Nếu nhận những vụ tội thù ghét, họ sẽ phải tìm thêm lập luận. Điều đó làm kết quả vụ án khó đoán hơn.” Một số người phản đối luật dành cho tội ác thù ghét vì cho rằng luật ảnh hưởng tới quyền tự do ngôn luận – dù điều đó ít nhất đã được giải quyết về mặt pháp luật qua phán quyết của Tòa án Tối cao về đạo luật tội ác thù ghét của Winsconsin từ những năm 90. Những người ủng hộ luật này cho rằng đây vẫn chưa phải là công cụ hiệu quả để ngăn chặn sự thù ghét, không chỉ vì khả năng điều tra yếu kém của cảnh sát hay sự thiếu hụt trong số lượng báo cáo mà còn là vì luật pháp hiếm khi xóa bỏ hoàn toàn được tội ác.

Comments


bottom of page