top of page

Thị trường tự do của Hoa Kỳ chỉ tồn tại trên danh nghĩa

Translated from The Atlantic's article The U.S. Only Pretends to Have Free Markets

Từ vé máy bay đến phí điện thoại, hệ thống độc quyền đã khiến người tiêu dùng Mỹ mất hàng tỷ đô la mỗi năm.


By Thomas Philippon, on 29-10-2019, 03:00:00

Từ vé máy bay đến phí điện thoại, hệ thống độc quyền đã khiến người tiêu dùng Mỹ mất hàng tỷ đô la mỗi năm.

Năm 1999, khi tôi đến Hoa Kỳ từ Pháp, tôi có cảm tưởng rằng tôi đến được xứ sở của thị trường tự do. Gần như tất cả mọi thứ- từ máy tính cá nhân đến chi phí mạng đến vé máy bay- đều rẻ hơn so với Châu Âu. Hai mươi năm sau, gió đã xoay chiều. Chi phí mạng, thuê bao điện thoại, và vé máy bay tại Hoa Kỳ đều rất đắt đỏ hơn nhiều so với Châu Âu và Châu Á. Năm 2018, theo như số liệu từ trang Cable, số tiền trung bình hàng tháng cho kết nối mạng là $29 tại Ý, $31 tại Pháp, $32 tại Hàn Quốc, và $37 tại Đức và Nhật. Chi phí cho dịch vụ kết nối mạng tại Mỹ là $68, ngang hàng với Madagascar, Honduras, và Swaziland. Theo Khảo Sát Chi Tiêu Của Người Tiêu Dùng từ Cục Thống Kê Lao Động, những hộ gia đình ở Mỹ chi gần $100 hàng tháng cho thuê bao điện thoại. Trong khi đó theo như nhà kinh tế học Mara Faccio và Luigi Zingales, các hộ gia đình ở Pháp và Đức chỉ phải trả bằng một nửa số tiền ấy cho chi phí thuê bao. Những điều này không phải là sự tình cờ ngẫu nhiên. Năm 1999, Hoa Kỳ có thị trường tự do và đầy tính cạnh tranh trong nhiều kỹ nghệ trong khi ở Âu Châu bị chiếm lĩnh bởi nhiều nhà độc quyền. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì diễn ra hiện nay. Người tiêu dùng Pháp có thể lựa chọn ít nhất năm nhà phân phối mạng; người tiêu dùng Mỹ chỉ có một hoặc hai lựa chọn. Ngành hàng không tại Mỹ đã hoàn toàn bị thống trị bởi những nhà độc quyền; lợi nhuận từ khách hàng trên mỗi dặm đã gấp hai lần so với Châu Âu, nơi mà có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng hàng không giá rẻ và các hãng ông lớn. Đây một phần là do các nước trên thế giới ngưỡng mộ và học hỏi từ Hoa Kỳ; trong khi đó, Hoa Kỳ thì giống như ngủ quên trên ngai vàng nên bị tụt lại phía sau. Vào cuối những năm 1990s, để thành lập một doanh nghiệp hợp pháp tại Pháp cần 15 bước quản trị và mất 53 ngày; con số này giảm xuống còn 4 ngày vào năm 2016. Trong khoảng giai đoạn này, các bước thủ tục tại Mỹ tăng từ bốn ngày lên sáu ngày. Nói tóm lại, ngày xưa mở công ty ở Mỹ sẽ nhanh hơn rất nhiều so với ở Pháp; trong khi đó hiện nay thủ tục tại Pháp lại ngắn ngày hơn so với Mỹ, Điều trớ trêu là những ý tưởng về thị trường tự do và mô hình doanh nghiệp tại Châu Âu bây giờ là nhở cảm hứng từ luật lệ của Mỹ vào những năm 1990. Trong khi đó tại Mỹ, nơi sản sinh ra nhiều đạo luật chống độc quyền, các tập đoàn lớn ngày càng thu tóm thị trường. Họ sử dụng nhiều cách khác nhau như mua lại các đối thủ cạnh tranh còn non trẻ, vận động hành lang với các cơ quan quản lý, và chi nhiều tiền cho các chiến dịch tranh cử. Thị trường tự do đúng nghĩa sẽ khiến các công ty tư nhân luôn cố gắng làm hài lòng khách hàng. Tuy nhiên với thực trạng ngày càng nhiều doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường như hiện nay tại Mỹ, họ không hề ngại ngùng với chuyện áp bức khách hàng, ra giá trên trời, hay thậm chí là thu thập, sử dụng thông tin riêng tư của khách hàng một cách không an toàn. Tại Châu Âu, sự hội nhập giữa nhiều nền kinh tế của các quốc gia làm gia tăng sự cạnh tranh. Có nhiều chính trị gia tuy không thích thị trường tự do tại nước nhà nhưng vẫn ủng hộ hệ thống ấy trong khối Châu Âu. Vì sao ư? Bởi vì ai cũng hiểu là thị trường tự do cần những nhà quản lý độc lập và sự cam kết chính phủ không trợ cấp cho những công ty lớn của đất nước họ. Hậu quả là, các chính trị gia lo lắng hơn về việc cơ quan quản lý bị nước khác bắt giữ hơn là chúng bị thu hút bởi cơ hội nắm được chính cơ quan quản lý đó. Các chính trị gia Pháp (hoặc Đức) có thể không thích một cơ quan quản lý chống độc quyền mạnh mẽ và độc lập bên trong biên giới của họ, nhưng họ càng ít thích ý tưởng của việc Đức (hoặc Pháp) gây ảnh hưởng chính trị lên cơ quan quản lý chống độc quyền của EU. Kết quả là, nếu họ đồng ý về bất kỳ thể chế siêu quốc gia nào, nó sẽ có xu hướng độc lập hơn. Trường hợp của hai ông lớn Alstom của Pháp và Siemens của Đức mang lại một thử nghiệm hoàn hảo cho lý thuyết của tôi. Năm 2017, sau khi Alstom và Siemens quyết định hợp nhất hoạt động đường sắt của họ, cả Đức và Pháp, hai nước lớn và có ảnh hưởng nhất EU này đều muốn sự hợp nhất được hấp thuận. Tuy nhiên, bà Margrethe Vestager, ủ viên cạnh tranh và quyền lực EU không nhượng bộ. Bà và đội ngũ của mình cho rằng sự hợp nhất này “sẽ làm giảm tính cạnh tranh" đối với các thiết bị tín hiệu và tàu lửa cao tốc, “tước đoạt cơ hội lựa chọn các sản phẩm và nhà cung cấp của các khách hàng, kể cả các nhà điều hành, nhà quản lý cơ sở hạ tầng trong ngành đường sắt." Ủy ban đã bác bỏ sự hợp nhất của Alstom và Siemens vào tháng Hai năm 2019. Trong khi đó tại Hoa Kỳ, việc thực thi chống độc quyền ngày càng lỏng lẻo và các cuộc tranh luận về thị trường tự do toàn mang tính lý thuyết thay vì thông qua số liệu thực tiễn. Trường Chicago với phương pháp tiếp cận tự do (tạm dịch từ laissez-faire) có rất nhiều ảnh hưởng lên những cơ quan quản lý của Mỹ trong việc nên nới lỏng trong các vấn đề sát nhập công ty. Một lập luận chủ đạo của trường Chicago là sự độc quyền kinh tế chỉ xảy ra trong khoảng thời gian ngắn vì nhiều doanh nghiệp mới sẽ bị thu hút bởi các ngành có lợi nhuận cao. Ví dụ trong hai ngành kinh doanh, ngành nào mà lợi nhuận đang tăng cao sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp hơn ngành còn lại. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng cho đến cuối thập niên 1990. Tuy nhiên, kể từ khoảng năm 2000, lợi nhuận cao vẫn tồn tại, thay vì thu hút các đối thủ cạnh tranh mới vào thị trường Mỹ. Điều này cho thấy một sự chuyển dịch từ nền kinh tế mà sự gia nhập đóng vai trò cơ chế tái cân bằng cơ bản sang một nền kinh tế lợi nhuận cao chủ yếu phản ánh các rào cản gia nhập lớn. Trường phái Chicago coi việc vào cửa tự do là đương nhiên và đánh giá thấp nhiều cách mà các công ty lớn có thể giữ chân các đối thủ mới. Tuy nhiên, điều mà trường học Chicago đã đúng là một số rào cản với thành phần gia nhập đến từ các quy định quá mức. Trong một số kỹ nghệ, các quy tắc cấp phép trực tiếp loại trừ đối thủ cạnh tranh mới; trong các trường hợp khác, các quy định phức tạp đến mức chỉ những công ty lớn nhất mới có khả năng đáp ứng. Thay vì tranh luận nên có nhiều hay ít luật lệ- theo kiểu hệ tư tưởng bên cánh tả và cánh hữu- người Mỹ nên suy nghĩ luật nào có lợi (bảo vệ thị trường tự do) và luật nào gây hại (làm khó các nhóm khởi nghiệp). Hiện trạng độc quyền kinh tế đang từ từ nhưng chắc chắn sẽ bóp nghẹt tầng lớp trung lưu. Từ năm 2000 đến năm 2018, thu nhập bình quân hàng tuần của người lao động toàn thời gian tăng 54 phần trăm, từ $575 lên $886; tuy nhiên, Chỉ Số Giá Tiêu Dùng tăng 46 phần trăm. Điều này đồng nghĩa với thu nhập thực tế mỗi năm tăng ít hơn một phần ba của một phần trăm (<0.33%) trong hai thập kỷ gần đây. Đó là lý do tại sao mà rất nhiều người ở tầng lớp trung lưu không còn tin tưởng vào chính quyền; họ cho rằng hệ thống kinh tế có nhiều sự dối trá và gian lận, thậm chí còn tẩy chay tư tưởng tư bản chủ nghĩa. Thế nhưng, tầng lớp trung lưu không hoàn toàn hiểu sự trì truệ tăng trưởng là do các tập đoàn độc quyền đã làm tốn tiền của người tiêu dùng. Viễn thông và hàng không là hai trong số những ngành đắt đỏ nhất, nhưng các luật lệ làm khó doanh nghiệp mới cũng làm giá cả của nhiều dịch vụ tư pháp, tài chính, và nhiều lĩnh vực khác tăng nhanh. Hành vi phản cạnh tranh của nhiều bệnh viện và công ty dược là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chi phí chăm sóc sức khỏe tại Mỹ luôn ở trên trời. Theo như đánh giá trong nghiên cứu của tôi, giá cả cho người tiêu dùng năm 2018 hơn từ 5 đến 10 phần trăm so với mức giá giả sử nếu Mỹ vẫn duy trì thị trường tự do như năm 2000. Giá cả từ thị trường cạnh tranh có thể sẽ giúp các hộ gia đình tiết kiệm ngay được $300 hàng tháng, đồng nghĩa với $600 tỉ trên toàn quốc mỗi năm. Không những vậy, sự cạnh tranh sẽ đẩy mạnh khâu sản xuất, công ăn việc làm, và lương bổng. Khi các công ty gặp phải sự cạnh tranh từ thị trường, họ sẽ phải ra sức đầu tư, điều này sẽ làm tăng sản xuất và chế độ lương bổng. Nghiên cứu của tôi chỉ ra rằng đầu tư tư nhân- từ nhà máy và thiết bị, cũng như phần mềm, nghiên cứu và phát triển, và sở hữu trí tuệ- trong thời gian gần đây rất yếu, mặc dù lãi suất thấp, lợi nhuận và giá stock cao. Nói cách khác, lợi nhuân độc quyền không hề dẫn đến việc tăng năng suất đầu tư, mà chỉ biến thành cổ tức và cổ phiếu mua lại. Tính toán những tác động gián tiếp nói trên, tôi ước tính rằng tổng sản phẩm nội địa của Hoa Kỳ sẽ tăng gần $1000 tỉ và tổng thu nhập lao động $1250 tỉ nếu nước Mỹ ngày nay có thị trường tự do tương tự như những năm 2000. Những con số này cho thấy tiền sẽ chảy về túi của người lao động. Tuy bình quân các hộ gia đình sẽ kiếm ít hơn một chút trong cổ tức, bù lại thu nhập lao động của họ sẽ tăng lên rất nhiều. Nếu nước Mỹ muốn dẫn đầu một lần nữa trong lĩnh vực này, họ phải nhớ lại lịch sử của chính mình và học lại những bài học mà họ đã dạy thành công cho phần còn lại của thế giới. Mặc dù các học giả pháp lý và các quan chức được bầu cũng đã thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến việc chống độc quyền ở Hoa Kỳ, nhưng phần lớn sự chú ý đó đã tập trung hoàn toàn vào các nền tảng mạng internet lớn. Để thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế lớn hơn, sự trỗi dậy của chống độc quyền sẽ cần phải giải quyết cả độc quyền mới và cũ - Google và Facebook cũng như các công ty dược phẩm và viễn thông. Bất kể những thách thức có thể dự đoán này là gì, việc đổi mới cam kết truyền thống của Mỹ đối với thị trường tự do là một nỗ lực xứng đáng. Các thị trường thực sự tự do và cạnh tranh giữ cho lợi nhuận được kiểm soát và thúc đẩy các công ty đầu tư và đổi mới. Chiến dịch tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ năm 2020 đã tạo ra một số đề xuất chính sách thú vị, nhưng không có đề xuất chính sách nào, chẳng hạn như chính sách khôi phục thị trường tự do, sẽ làm tăng thu nhập lao động lên được hơn 1 nghìn tỷ đô la. Thuế quan không thể giải quyết tất cả các vấn đề của nước Mỹ. Thuế quan có thể phân phối lại. Cạnh tranh có thể phân phối lại, nhưng nó cũng có thể làm cho ổ bánh chia chung to lên hơn. Bài viết này được chỉnh sửa từ cuốn sách “The Great Reversal: How America Gave Up on Free Markets” (dịch “Sự đảo ngược kinh hoàng: con đường nước Mỹ bỏ rơi thị trường tự do”). Thomas Philippon là Giáo Sư Max L. Heine ngành Tài Chính tại trường Kinh Doanh Stern của Đại Học New York. Cuốn sách mới ra của ông “Sự đảo ngược kinh hoàng: con đường nước Mỹ bỏ rơi thị trường tự do,” đang được bán tại nhà xuất bản của Đại Học Harvard ( Harvard University Press).


Người dịch: Quynh Anh

Biên tập: Michael Le


Comments


bottom of page