top of page

Thiên sử kỳ lạ về các phong trào phản đối vaccine - Phần 2

Translated from Vox's article The long, strange history of anti-vaccination movements By Anna North, on 04-03-2022, 01:00:00

Mọi việc tưởng chừng đã tốt hơn

Bác sĩ người Anh Andrew Wakefield và vợ Carmel vây quanh bởi những người ủng hộ trước Hội đồng Y khoa Tổng quát tại London, Anh, vào ngày 16 tháng 7 năm 2007. Wakefield bị cáo buộc có hành vi sai trái và được cho là nguyên nhân làm bùng phát bệnh sởi ở Vương quốc Anh vì tuyên bố MMR vaccine khiến hàng triệu trẻ em bị tự kỷ. Ảnh bởi: Daniel Berehulak/Getty

Phong trào chống đối này không kéo dài mãi. Khởi đầu là khi chính phủ Mỹ và Anh bắt đầu ban hành đạo luật miễn trừ. Ví dụ vào năm 1907, chính phủ Anh bắt đầu cho phép quyền miễn trừ tiêm chủng đậu mùa cho bất kỳ ai đăng ký. “Điều đó chấm dứt phong trào ngay lập tức,” Durbach nói, “bởi vì chẳng có gì để tranh luận vào thời điểm đó.” James Colgrove, một giáo sư khoa Khoa học Y sinh Xã hội, đại học Columbia và là tác giả của cuốn Tình trạng miễn dịch: Chính trị của việc tiêm chủng ở Mỹ thế kỷ 20, nói :"Khi mà thế kỷ 20 tiếp tục, nhiều người Mỹ bắt đầu tôn trọng các bác sĩ và tổ chức y khoa hơn." Giai đoạn giữa thế kỷ là “dấu ấn rõ rệt nhất của lòng tin và sự kính trọng cho khoa học y khoa,” Colgrove nói, nhờ “một loạt các tiến bộ y học ấn tượng” - không kể vaccine bại liệt, đã khiến làn sóng phản đối ít quyết liệt hơn so với vaccines đậu mùa thế kỷ trước. Nhưng không phải người Mỹ nào cũng được hưởng những lợi ích từ những tiến bộ này; người da đen, người Mỹ bản địa và những người Mỹ da màu khác thường bị bỏ qua hoặc là nạn nhân của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Dẫu vậy, truyền thông vẫn thường che đậy và tán thưởng những thành quả về thuốc và phương pháp điều trị, lan truyền một thông điệp về một bối cảnh tốt đẹp dẫu cho nó vẫn chưa đáp ứng được trên diện rộng. Trong lúc đó, tại Anh đang diễn ra một sự kiện khác: sự thành lập của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). Durbach nói: “Nước Anh đang đi từ ‘một xã hội nơi người lao động cảm thấy bị tấn công bởi chính phủ và thuốc men’ thành ‘nơi mà người dân được chăm sóc y tế miễn phí’”. Sự thành lập NHS giúp thúc đẩy “sự thay đổi sâu sắc trong văn hóa” khi mà “người dân cảm thấy tin tưởng hơn những thứ chính phủ cung cấp”, kể cả vaccines. Tuy nhiên, ở một mặt khác, y tế cộng đồng lại không có những bước phát triển khả quan. Năm 1932, Dịch vụ Y tế Công cộng Hoa Kỳ bắt đầu làm thí nghiệm khét tiếng Tuskegee. Thí nghiệm này nghiên cứu và quan sát hàng trăm đàn ông da đen bị bệnh giang mai mà không thực sự chữa trị cho họ. Kể cả sau khi phương pháp điều trị hiệu quả - penicillin - trở nên phổ biến vào những năm 1940, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục thí nghiệm và chỉ thực sự dừng lại vào năm 1972, sau khi hơn 100 người đàn ông đã chết vì bệnh giang mai hoặc biến chứng nặng hơn từ căn bệnh. Karen Lincoln, một giáo sư tại USC Suzanne Dworak- Trường Công tác xã hội Peck đã nghiên cứu về sự chênh lệch sức khỏe, nói: "Cuộc thí nghiệm, bắt nguồn từ một ý tưởng phân biệt chủng tộc rằng cơ thể của đàn ông da đen về cơ bản khác với đàn ông da trắng, vẫn được nhắc tới tại thời điểm hiện tại như một lời giải thích cho sự do dự trong việc tiêm vaccine của cộng đồng người da đen." Thực tế, thí nghiệm Tuskegee vẫn còn thua xa ví dụ hàng đầu về phân biệt chủng tộc trong y tế nhằm vào người da đen. Lịch sử y tế của Mỹ đầy những trường hợp như Tuskegee, ví dụ thời chế độ nô lệ trong quá khứ, J. Marion Sims, được biết tới như “cha đẻ của phụ khoa hiện đại”, đã thực hiện nghiên cứu đầy đau đớn và xúc phạm mà không có thuốc gây tê lên phụ nữ nô lệ. Phân biệt chủng tộc trong hệ thống y tế vẫn tiếp tục cho tới ngày nay, nó là nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ tử vong cao do sinh nở ở người mỹ da đen, cùng với những sự chênh lệch sức khỏe khác. Colgrove nói: “Cùng với sự phân biệt chủng tộc kéo dài trong hệ thống y tế, một số những sự kiện khác cũng góp phần làm lung lay niềm tin vào vaccines vào cuối thế kỷ 20.” Vào những năm 70 và 80, một vài nghiên cứu gây tranh cãi đã cho rằng vaccine bệnh ho gà (sau được gọi là DPT) có thể gây hại đến não. Nghiên cứu nhận được nhiều sự chú ý từ truyền thông, thậm chí nó còn được dựng thành một bộ phim tài liệu với cái tên mỹ miều “DPT: Cò quay Vaccine.” Sau đó, vào năm 1998, bác sĩ người Anh Andrew Wakefield xuất bản một nghiên cứu trên 12 đứa trẻ với mục đích chỉ ra mối liên kết giữa MMR (bệnh sởi, quai bị và rubbella) vaccine và bệnh tự kỷ. Nghiên cứu bị đánh giá là không đáng tin cậy - Wakefield được cho là đã thao túng dữ liệu và bị tước bằng y khoa. Những nghiên cứu sau đó cho thấy không có mối liên hệ giữa vaccines và bệnh tự kỷ. Nhưng như Julia Belluz của Vox đã tường thuật, truyền thông đã che đậy những nghiên cứu đó với một sự nhiệt huyết và cả tin to lớn, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa bài trừ vaccine. Colgrove nói nghiên cứu của Wakefield ra mắt vào thời điểm internet bắt đầu được sử dụng rộng rãi. Đó là một sự không may của lịch sử - một mẩu tin giả được lan truyền “tại đúng thời điểm phương tiện truyền thông mới cho sự lan truyền tin giả và những thuyết âm mưu bắt đầu thịnh hành.” Nghiên cứu giả dối của Wakefield và sự che đậy của truyền thông cùng những cuộc nói chuyện trên mạng đã kích động phong trào phản đối vaccine đương thời. Những yếu tố kể trên đã giúp phong trào phát triển xuyên suốt đầu những năm 2000, bao gồm sự trỗi dậy của tâm lý phản đối chính phủ và sự phát triển của mạng xã hội góp phần khuếch đại những xung đột và tranh cãi, Colgrove nói.

Tâm lý bài trừ vaccine lại một lần nữa bùng phát trong đại dịch Covid-19, với những cuộc biểu tình và tranh luận không khác là bao so với cuộc phản đối vaccine đậu mùa vào thế kỷ 19. Những người phản đối vaccine diễu hành trong các thành phố, đem theo những biển hiệu phản đối sự can thiệp quá mức của chính phủ hoặc những cảnh báo sai lệch về sự nguy hiểm của vaccines. Giống như hồi những năm 1800, mọi người có khuynh hướng dùng thuốc truyền thống hoặc những người theo quan niệm sức khỏe “tự nhiên” lo rằng vaccines là phi tự nhiên hoặc có chứa độc tố.

Một số người thậm chí còn cố “thu hồi” lại vaccines sau khi bị bắt buộc tiêm, cũng giống như những phụ huynh cố hút vaccines đậu mùa ra khỏi người con họ 100 năm trước. Vào tháng 1 năm 2022, 16% người Mỹ nói rằng họ “chắc chắn sẽ không” tiêm vaccine phòng Covid-19 hoặc sẽ chỉ tiêm nếu được yêu cầu, một số kiên định với việc đó được hơn một năm. Theo Goldenberg, giáo sư Đại học Guelph: “Y tế cộng đồng, dẫu sao, cũng đã đi một chặng đường dài từ thế kỷ 19. Đã xa rồi những ngày chúng ta tiêm vaccine cho trẻ con chung một con dao bẩn - vaccine ngày hôm nay là hoàn toàn an toàn, vaccine Covid-19 đã được kiểm nghiệm nghiêm ngặt và tác dụng phụ là cực kỳ hiếm. Dù vậy, chỉ nói những điều đó với họ là không đủ - những chiến dịch truyền thông công chúng, dẫu đã tạo ra một số tác động, đã không thể xóa bỏ hoàn toàn sự do dự trong việc tiêm vaccine.”


Người dịch: Quynh Nguyen & Ha Do Thanh

Biên tập: Ha Do Thanh

留言


bottom of page