top of page

Thống Đốc bang Arkansa kí sắc lệnh gần như cấm hoàn toàn việc phá thai trên toàn tiểu bang.

Thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson hôm thứ Ba đã ký ban hành đạo luật gần như hoàn toàn cấm việc phá thai trên toàn tiểu bang, một biện pháp quán triệt mà những người phản đối phá thai hy vọng sẽ buộc Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xem xét lại quyết định mang tính lịch sử cho quyền phá thai trong vụ kiện Roe v. Wade, trong khi đó những người ủng hộ quyền phá thai đã tuyên bố sẽ ngăn chặn đạo luật này trước khi nó có hiệu lực vào cuối năm nay.


By ANDREW DeMILLO, on 10-03-2021, 00:00:00

LITTLE ROCK, Ark. (AP) - Thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson hôm thứ Ba đã ký ban hành đạo luật gần như hoàn toàn cấm việc phá thai trên toàn tiểu bang, một biện pháp quán triệt mà những người phản đối phá thai hy vọng sẽ buộc Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xem xét lại quyết định mang tính lịch sử cho quyền phá thai trong vụ kiện Roe v. Wade, trong khi đó những người ủng hộ quyền phá thai đã tuyên bố sẽ ngăn chặn đạo luật này trước khi nó có hiệu lực vào cuối năm nay. Thống đốc Cộng hòa này đã bày tỏ sự dè dặt về đạo luật này vì nó chỉ cho phép thực hiện thủ tục cứu sống người mẹ và không đưa ra trường hợp ngoại lệ cho những người có thai khi bị cưỡng hiếp hoặc loạn luân. Arkansas là một trong 14 bang mà các nhà lập pháp đã đề xuất lệnh cấm phá thai hoàn toàn trong năm nay. Hutchinson cho biết ông đã ký dự luật vì "sự ủng hộ của đông đảo các nhà lập pháp và niềm tin chân thành và lâu dài của tôi về bảo vệ sự sống." Các lệnh cấm đã được thúc đẩy bởi các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa, nhũng người muốn Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xem xét lại án lệ Roe v. Wade năm 1973 cho phép hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc. Những người bảo thủ tin rằng tòa án sẽ cởi mở hơn trong việc lật ngược quyết định Roe v. Wade với ba thẩm phán mới được bổ nhiệm bởi cựu Tổng thống Donald Trump. “Chúng ta phải xóa bỏ việc phá thai trên toàn quốc như chúng ta đã xóa bỏ chế độ nô lệ vào thế kỷ 19 - tất cả sinh mạng đều quan trọng”, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Jason Rapert, nhà tài trợ của đạo luật cho biết trong một tuyên bố. Hutchinson đã ký một vài sắc lệnh hạn chế phá thai nghiêm ngặt kể từ khi nắm quyền vào năm 2015, nhưng ông đã bày tỏ lo ngại về việc luật này vì nó trực tiếp thách thức Roe và hơn thế nữa đạo luật không hề có các ngoại lệ đối với việc hiếp dâm và loạn luân. Hutchinson nhắc lại những lo lắng ấy khi ông thông báo quyết định của mình. “(Lệnh cấm) mâu thuẫn với các án lệ ràng buộc của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, nhưng mục đích của lệnh cấm này là tạo tiền đề cho Tòa án Tối cao lật ngược án lệ hiện hành,” ông nói trong một tuyên bố do văn phòng của mình đưa ra. “Tôi rất muốn bộ luật này bao gồm các ngoại lệ đối với các trường hợp cho hiếp dâm và loạn luân, vốn là quan điểm nhất quán của tôi từ trước đến giờ, và những ngoại lệ như vậy sẽ tăng cơ hội được Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xem xét lại.” Khi Cơ quan lập pháp cân nhắc về đạo luật này, Hutchinson đã chia sẻ với các nhà lập pháp một bức thư được viết bởi một luật sư đại diện những người chống phá thai thuộc tổ chức Quyền Được Sống nói rằng khả năng dự luật dẫn đến việc Roe bị lật ngược là "rất nhỏ và xa vời." Tổ chức Quyền Được Sống này không đưa ra quan điểm của mình về lệnh cấm này, mặc dù một nhánh nhỏ ở Arkansas của tổ chức ủng hộ nó. Đạo luật sẽ không có hiệu lực cho đến 90 ngày sau khi Cơ quan lập pháp mà đảng Cộng hòa chiếm đa số tạm ngừng năm nay. Điều đó có nghĩa là sớm nhất thì nó cũng sẽ không có hiệu lực cho đến mùa hè này. Những người ủng hộ quyền phá thai cho biết họ dự định sẽ đưa lệnh cấm ra trước tòa trước thời điểm đó. Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ của Arkansas gọi lệnh cấm là "tàn nhẫn và vi hiến." “Thống đốc Hutchinson: hẹn gặp lại ông tại tòa án,” Giám đốc điều hành ACLU tại Arkansas, Holly Dickson phát biểu. “Đây là chính trị đang ở mức cực kỳ tồi tệ nhất“, ông Alexis McGill Johnson, chủ tịch của Quỹ hành động Kế Hoạch Hóa Gia Đình, cho biết trong một tuyên bố. "Vào thời điểm mà người dân cần nhất các biện pháp cứu trợ kinh tế, bảo vệ sự an toàn cơ bản nhất, thì việc phá bỏ quyền tiếp cận phá thai là tàn nhẫn, nguy hiểm và bất công trắng trợn”. Hutchinson có thời gian đến chiều thứ Tư để hành động về dự luật trước khi nó trở thành luật mà không có chữ ký của ông, một động thái trước đây các thống đốc đã thực hiện để bày tỏ sự không hài lòng với dự luật mà không tạo ra nguy cơ gây tranh cãi về quyền phủ quyết với Cơ quan Lập pháp. Cơ quan Lập pháp chỉ cần đạt đa số để thay thế quyền phủ quyết của thống đốc bang Arkansas. Arkansas là một trong những nơi có luật phá thai nghiêm ngặt nhất trong nước và hai năm trước, Hutchinson đã ký thành luật một biện pháp cấm hoàn toàn việc phá thai này nếu án lệ Roe bị lật ngược. Một đạo luật cấm phá thai khác mà Hutchinson đã kí với nội dung là cấm hoàn toàn việc phá sau khi thai được 18 tuần cũng đang bị treo vì gặp thách thức pháp lý. Một số hạn chế khác vẫn đang được xem xét trong Cơ quan lập pháp, bao gồm một hạn chế đã được Thượng viện Bang phê duyệt một ngày trước đó yêu cầu phụ nữ muốn phá thai trước tiên phải xem hình ảm siêu âm của mình. Một lệnh cấm phá thai khác đã được thống đốc Nam Carolina ký thành luật vào tháng trước nhưng nhanh chóng bị thẩm phán liên bang chặn lại do thách thức pháp lý của tổ chức Kế Hoạch Hóa Gia Đình. Alabama đã ban hành lệnh cấm phá thai gần như hoàn toàn vào năm 2019 nhưng đã bị chặn lại vì những thách thức của tòa án.


Người dịch: Tran Nguyen

Biên tập: Khanh Doan Nguyen


コメント


bottom of page