top of page

Tòa án Tối cao và Joe Manchin: hai bài toán khó giải cho Biden


Tiền đề và hứa hẹn của nhiệm kỳ Tổng thống của Joe Biden và thời gian ngắn ngủi của đảng Dân Chủ nắm quyền ở Washington đang gặp nhiều trở ngại khi phải đối đầu với những thất vọng của các bầu cử trong quá khứ và thực tế hiện tại.

By Stephen Collinson, on 03-09-2021, 00:00:00

Tiền đề và hứa hẹn của nhiệm kỳ Tổng thống của Joe Biden và thời gian ngắn ngủi của đảng Dân Chủ nắm quyền ở Washington đang gặp nhiều trở ngại khi phải đối đầu với những thất vọng của các bầu cử trong quá khứ và thực tế hiện tại. Trong bảy tháng nhiệm kỳ của Biden, chưa có thời điểm nào đảng Dân Chủ lại khốn đốn như bây giờ. Từ luật cấm phá thai của Texas làm phe tự do sửng sốt, sự đe doạ của Thượng nghị sĩ Dân Chủ ôn hoà Joe Manchin lên chương trình nghị sự của Biden, và vấp ngã của Tổng thống ở vấn đề Afghanistan đã đưa Nhà Trắng vào hoàn cảnh tồi tệ nhất cho tới nay. Thứ Sáu vừa rồi lại thêm một tin không vui cho Tổng thống: báo cáo việc làm trong tháng Tám vừa qua chỉ tăng 233 nghìn công việc, một con số đáng thất vọng với dự đoán 728 nghìn việc làm. Chưa kể tới việc, hãng General Motors thông báo sẽ đóng cửa các nhà máy ở Bắc Mỹ từ một đến hai tuần trong tình cảnh thiếu chip điện tử (microchip) đang dần biến thành một cơn khủng hoảng mới. Đó là chưa tính những đợt tấn công về quyền bầu cử từ phía Cộng Hoà, rồi thêm những tranh cãi về khả năng vay mượn của chính phủ. Đảng Dân Chủ đang phải đối mặt với niềm tin mà cử tri đã phó thác cho họ trong cuộc bầu cử năm 2020. Và vẫn còn nhiều thách thức từ đại dịch COVID, bệnh nhân lấp đầy bệnh viện, nhắm vào những người Mỹ chưa chích vaccine – trong đó có cả những trẻ nhỏ đang trông đợi chỉ thị cuối cùng từ những nhà chức trách. Tất cả những điều trên sẽ làm “đau đầu” cho Nhà Trắng trong đợt bầu cử giữa kỳ năm sau. Từng cơn khủng hoảng một đang thử thách vai trò lãnh đạo của Biden, và trong vài trường hợp đã bộc lộ sự bất lực của ông trong việc không thể thông qua nhiều chính sách vì những xâu xé trong nội bộ đảng Dân Chủ và thái độ bất hợp tác của đảng Cộng Hoà. Tổng thống tức giận đưa ra những yêu cầu ủng hộ quyền phá thai và quyền bỏ phiếu. Nhưng với một Thượng Viện 50-50 và một Tòa án Tối cao có phe bảo thủ chiếm đa số hạn chế nghiêm trọng các lựa chọn của ông – trừ khi ông sẵn sàng chấp nhận cơn chấn động chính trị từ việc bãi bỏ thủ thuật filibuster hay việc mở rộng Toà án Tối cao. Nhưng trong tay ông không có thế đa số chính trị và chính bản thân ông cũng không muốn làm những điều này – điều này đã làm cho phe cấp tiến (progressive) tức tối. Những thách thức mà Biden đang phải đối mặt cũng làm dậy lại câu hỏi cố hữ mà người ta thường thắc mắc về triết lý lãnh đạo của ông. Làm thế nào mà một vị Tổng thống, thường làm việc (và hứa sẽ giữ gìn) trên các quy tắc truyền thống của Washington lại có thể tạo nên những thay đổi lớn được, trong khi phe Cộng Hoà đã không ngần ngại “chơi xấu” để giành lại quyền lực của mình? Từ chiến thắng tới thảm hoạ. Những khó khăn mới kể trên diễn ra sau ba tuần “đau đầu” của Biden. Điều đáng nói là mọi chuyền đều bắt đầu suôn sẻ khi Biden thành công trong việc được ra một dự luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng và gói chi tiêu 3.5 nghìn tỉ đô la và được Thượng Viện thông qua. Những sự kiện sau đó (ví dụ như Kabul) đã phơi bày sự mong manh về thế lợi đa số của đảng Dân Chủ và cho thấy các sự kiện bên ngoài ảnh hưởng lên nhiệm kỳ Tổng thống thế nào. Phe cấp tiến trong đảng muốn Tổng thống phải thúc đẩy những chính sách của mình thật mau lẹ. Thế nhưng đảng Dân Chủ có nhiều vấn đề: giới lãnh đạo trong Quốc Hội (vốn phải cân nhắc tới đường lối trung dung của Biden) không có sự đoàn kết nội bộ, không có gan để chống đối lại phe Cộng Hoà ưa phá luật trong vấn đề filibuster và toà án tối cao. Sức mạnh của phe bảo thủ vốn ngày càng mạnh đã chứng tỏ mình vẫn là thế lực đáng gờm ở Washington. Lãnh đạo thiểu số Thượng Viện Mitch McConnell, bậc thầy phá rối, tự tin tung đòn filibuster và gây áp lực lên những nghị sĩ Dân Chủ trung dung mà Tổng thống đang rất cần. Và với phe đa số bảo thủ trong Toà án Tối cao đã không ngăn chặn luật phá thai của Texas, giấc mơ của phe tự do đã bị sụp đổ không chỉ là bây giờ mà còn là nhiều năm sau nữa. Cú sốc sau đạo luật phá thai Có lẽ ngoại trừ chiến thắng bất ngờ của Trump vào năm 2016 thì không có quyết định nào lại gây sốc cho phe tự do trong nhiều năm qua bằng luật phá thai của bang Texas. Luật này cấm phá thai sau sáu tuần thai – thậm chí trong trường hợp người mẹ bị cưỡng hiếp hay loạn luân.

Rõ ràng là đa số bảo thủ trong Toà Án Tối Cao đang nhắm tới vụ Roe v. Wade. Nhưng cách mà các vị thẩm phán, trong một phán quyết 5-4, đồng ý với việc tước đi quyền kiện tụng hay tranh cãi trước toà thật đáng kinh ngạc. Chiếu theo luật Texas, ai ở Mỹ cũng đều có thể buộc tội người khác “giúp việc phá thai”, dù đó là bác sĩ, người thân hay đơn thuần là tài xế Uber chở người có thai đi chăng nữa. Điều này mở ra một thứ luật “dân phòng” với nhiều hệ luỵ tới các quyền hiến định của nước ta. Trong nhiều thập kỷ vừa qua, việc đe doạ quyền phá thai những tưởng đã được chấm dứt kể từ phán quyết Roe năm 1973. Trừ khi Toà án Tối cao sau này “lật” lại ý kiến trên, các tiểu bang bảo thủ giờ đây đã có cẩm nang để vượt qua phán quyết Roe một cách dễ dàng. Tổng thống Biden phản ứng với phán quyết của Toà với một tuyên bố mạnh mẽ: chính quyền của ông sẽ sử dụng mọi khả năng để bảo vệ quyền lựa chọn của phụ nữ ở Texas. Tổng thống chỉ trích “Đây là một vụ tấn công chưa từng có tiền lệ lên quyền hiến định của phụ nữ." Phó Tổng thống Kamala Harris hứa rằng quyết định của Toà không phải là “dấu chấm hết” cho Roe v. Wade. Tổng Chưởng lý Merrick Garland trình bày Bộ Tư Pháp đang “quan ngại sâu sắc” về luật phá thai Texas. Mỉa mai thay, nếu lãnh đạo phe Cộng Hoà tại Thượng Viện Mitch McConnell không phản đối việc đệ trình Garland vào Toà Án Tối Cao trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ cựu Tổng Thống Obama, kết cục của luật phá thai Texas có thể đã bị đảo ngược. Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi quyết định sẽ đưa lên một dự luật đảm bảo người dân có thể tiếp cận với việc phá thai bình ngay khi Hạ Viện nhóm họp lại vào tuần tới. Bà nói luật của Texas là “lệnh cấm phá thai nguy hiểm nhất, cực đoan nhất trong nửa thế kỷ qua – mà mục đích cuối cùng là để tiêu diệt Roe v. Wade.” Nhưng lấy đâu ra 60 phiếu trong Thượng Viện để thông qua một đạo luật quan trọng mà hầu hết mọi đảng viên Cộng Hoà đều sẽ chống lại? Để vượt qua chướng ngại đó, phe Dân Chủ sẽ phải bỏ phiếu theo đa số đơn giản (simple majority) để loại bỏ filibuster. Nhưng Manchin cùng nhiều Thượng Nghị sĩ Dân Chủ khác (và ngay cả Biden nữa) đều chần chừ trước nước cờ này, vì một phần lo ngại nếu đảng Cộng Hoà kiểm soát cả Nhà Trắng và Thượng Viện trong tương lai thì có thể sẽ đẩy nước Mỹ vào cảnh “chống phá thai, ủng hộ súng" như Texas bây giờ vậy. Một lựa chọn khác được phe cấp tiến ủng hộ trong năm bầu cử vừa qua là mở rộng Toà án Tối cao để chống lại cái mà những đảng viên Dân Chủ này xem là “các thẩm phán Cộng Hoà không được bổ nhiệm hợp lệ.” Biden, một người tuân theo truyền thống Washington và cả sự nghiệp chính trị đã thúc đẩy những dự luật lưỡng đảng, không mặn mà gì mấy với nước đi có thể gây nên cơn bão chính trị như thế này. Ông đã tập hợp một tổ tư vấn để giúp ông trong việc cải tổ Toà án Tối cao. Nhưng phe cấp tiến lại coi đây là nước đi “đánh trống lảng" thay vì tập trung vào mục tiêu là mở rộng tòa. Cuối cùng thì việc luật Texas được thông qua và được Toà án Tối cao “bật đèn xanh” phản ánh cơn đau đầu ("hangover") càng ngày càng nặng từ năm 2016. Hillary Clinton thất củ năm đó đã dẫn đường cho Trump đề cử ba Thẩm phán mới: Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett – và luật chống phá thai Texas chỉ mới là bước khởi đầu thôi. Mọi lá phiếu đều quan trọng. Sự lép vế của đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2020 là nguyên nhân dẫn đến những vấn đề chính trị trong đảng tuần này. Phải nhờ cậy tới hai cuộc bầu cử ở Georgia, đảng Dân Chủ mới có thể chiếm thế đa số mong manh ở Thượng Viện được. Thế 50-50 ở Thượng Viện có nghĩa mọi quyết định phải được thông qua từng phiếu của từng Thượng nghị sĩ Dân Chủ một. Biden không thể mất một nghị sĩ Dân Chủ vào thời điểm này. Thế nên khi Manchin cảnh báo rằng ông không “thoải mái lắm” với gói chi tiêu 3.5 nghìn tỉ USD và với việc phải thông qua ở thời điểm bây giờ, đây có thể là khoảnh khắc gây ra nhiều rắc rối trong chính sách đối nội của Biden. “Thay vì chi ra hàng nghìn tỉ đô cho những chương trình mới của chính phủ và tài trợ kích thích bổ sung, Quốc Hội nên tạm dừng lại ở những khoản lập pháp điều chỉnh ngân sách.” Manchin viết cho tờ Wall Street Journal. “Mọi thứ nên dừng lại vì mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn trong hoàn cảnh đại dịch, và giúp chúng ta biết được lạm phát hiện giờ là tạm thời hay sẽ kéo dài thêm.” Kinh nghiệm lập pháp của Biden cho ta thấy vẫn còn quá sớm để Tổng thống có thể nói lý với Manchin. Đã có những lúc các dự luật có vẻ đang đi vào đường cùng. Nhiều dự luật còn suýt bị khai tử trước khi được thông qua. Nhưng những thủ thuật để thông qua này khiến nó dễ bị tấn công. Cũng nên đặt câu hỏi Chủ tịch Uỷ ban Ngân sách Thượng Viện Bernie Sanders có dám “chơi bẩn” để thông qua gói ngân sách cuối cùng ở thời điểm đảng Dân Chủ mong muốn hay không. Viễn tượng ấy tưởng xa mà gần, theo Dân biểu cấp tiến Alexandria Ocasio-Cortez. “Có lẽ chúng ta nên nhấn nút ”huỷ" dự luật “lưỡng đảng” được soạn bởi những tay vận động hành lang (lobbyist) từ Exxon này để thông qua những luật thật sự giúp đỡ kế sinh nhai của người dân, những luật mở rộng chăm sóc y tế, trẻ nhỏ, hay vì môi trường." Ocasio-Cortez viết trên Twitter. Những đắn đo từ phía Manchin không chỉ gây nguy hiểm cho một ưu tiên duy nhất của đảng Dân Chủ. Kế hoạch chi tiêu này bao gồm hầu hết các ưu tiên của Biden, được dự tính sẽ thông qua bằng một thủ thuật “lách” filibuster gọi là “điều chỉnh ngân sách.” Nhưng nếu đảng Dân Chủ không thể lôi kéo Manchin thì dự luật này coi như đi đong. Và không chỉ lần này đâu. Cả dự luật chi tiêu là một phần để thuyết phục những đảng viên cấp tiến như Ocasio-Cortez ủng hộ cho các luật lưỡng đảng sau này. Nếu được thông qua, luật này sẽ là dấu ấn của chính quyền Biden – nhưng vẫn là chưa đủ với những đảng viên cấp tiến hơn.

Người dịch: Sam Tran

Biên tập: Paul Nguyen

Comentários


bottom of page