top of page

Tối cao Pháp viện "bỏ rơi" Quyền Bầu cử của người dân Mỹ

Translated from The New York Times's article The Supreme Court Abandons Voting Rights


Đạo luật về Quyền bầu cử năm 1965 là một trong những đạo luật quan trọng bậc nhất trong lịch sử Mỹ. Đạo luật này rốt cuộc đã tuân theo Tu chính án thứ 15 và đánh dấu cột mốc lần đầu tiên nước Mỹ có thể tự xưng là đại diện cho một nền dân chủ bằng việc cấm các hành vi phân biệt chủng tộc trong việc bầu cử và đặt các cơ quan giám sát Liên bang ở những tiểu bang có truyền thống phân biệt đối xử.

By The Editorial Board, on 01-07-2021, 00:00:00

Đạo luật về Quyền bầu cử năm 1965 là một trong những đạo luật quan trọng bậc nhất trong lịch sử Mỹ. Đạo luật này rốt cuộc đã tuân theo Tu chính án thứ 15 và đánh dấu cột mốc lần đầu tiên nước Mỹ có thể tự xưng là đại diện cho một nền dân chủ bằng việc cấm các hành vi phân biệt chủng tộc trong việc bầu cử và đặt các cơ quan giám sát Liên bang ở những tiểu bang có truyền thống phân biệt đối xử. Cho tới thập kỉ trước, đạo luật này vẫn luôn giữ một vị trí thiêng liêng trong hệ thống tư pháp Mỹ. Vào năm 2006, Quốc hội Mỹ đã thống nhất tái thông qua đạo luật với số phiếu gần như tuyệt đối. Kể từ đó, phe bảo thủ chiếm đa số ở Tối cao Pháp viện đang dần vô hiệu hoá đạo luật này, từng chút từng chút một. Điển hình là mới đây, toàn bộ sáu Thẩm phán theo khuynh hướng bảo thủ đã bỏ phiếu ủng hộ duy trì hai đạo luật bầu cử ở Arizona, mặc dù các toà án liên bang cấp thấp hơn tìm được bằng chứng rõ ràng cho thấy các luật này khiến các cử tri da màu gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đi bầu — cho dù đó là cử tri da Đen, Mỹ Latin hay cử tri Mỹ bản địa. Một đạo luật yêu cầu các quan chức bầu cử loại bỏ những phiếu bầu gửi sai đơn vị bầu cử; còn đạo luật kia thì cấm phần lớn cá nhân, và các tổ chức thu thập phiếu khiếm diện và bỏ vào thùng phiếu tại những địa điểm bầu cử. Hai đạo luật ở Arizona đáng lẽ phải bị vô hiệu hoá vì Mục 2 trong Đạo luật Quyền bầu cử nghiêm cấm bất kỳ luật nào có hành vi kỳ thị chủng tộc, dù có cố ý hay không. Tuy nhiên, các thẩm phán bảo thủ đã bác bỏ lập luận này vì họ cho rằng chỉ một phần nhỏ cử tri bị ảnh hưởng. Thẩm phán Samuel Alito đã đề cập trong một văn bản ý kiến pháp lý, được viết bởi ông và các Thẩm phán bảo thủ khác, rằng, “Những đạo luật này có tác động lớn hơn đối với một số cử tri là sự thật không thể bàn cãi, nhưng đây không có nghĩa là hệ thống bầu cử này thiếu khách quan hay không tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người bỏ phiếu.” Cú phẩy tay này gạt phắt đi những bằng chứng mà chính Quốc hội đã mời các nguyên đơn bảo vệ quyền bầu cử trình lên tòa án. Như Thẩm phán Elena Kagan đã chỉ ra (trong một màn phản biện còn dài hơn thời gian đưa ra phán quyết của phiên xử), chỉ một phần nhỏ thôi cũng có thể đủ sức tạo nên đột phá. Ví dụ là năm 2020, Joe Biden đánh bại Donald Trump tại bang Arizona chỉ bằng hơn 10,000 phiếu bầu, ít hơn hẳn số phiếu mà tiểu bang đã loại bỏ theo chính sách ngoại khu trong hai cuộc bầu cử trước đó. Vì tòa án đang thảo luận về chủ đề “sự thật không thể bàn cãi" nên các thẩm phán bảo thủ chắc hẳn cũng đã chú ý đến xu hướng thông qua các dự luật tương tự như Arizona của nhiều nhà lập pháp ở vài tiểu bang, trái với sự thật không thể bàn cãi là chuyện gian lận bầu cử gần như không tồn tại. Như một vị thẩm phán liên bang đã tuyên bố nhiều năm về trước, ban hành những đạo luật kiểu này cũng giống như sử dụng “búa tạ để đập một con ruồi thật giả bất phân đậu trên mặt bàn kính.” Các thẩm phán bảo thủ không có vẻ gì là bận tâm. Họ cho phép cơ quan lập pháp tiểu bang được tự do phân biệt kỳ thị, nhất là khi các vị thẩm phán này ngày càng yêu sách đối với các cử tri, những người đang phải chứng minh rằng sự kỳ thị này gây tổn hại cho mình. Quyết định này đi ngược với toàn bộ lý tưởng của Đạo luật về Quyền Bầu cử. Đạo luật ra đời vốn dĩ để đáp trả lại những hiến pháp và chính sách kỳ thị bầu cử dai dẳng ở cấp tiểu bang. Thẩm phán Kagan không ngừng nhấn mạnh luận điểm này xuyên suốt màn phản biện của bà. Bà viết, “Bi kịch thay (lại thêm lần nữa) Tối cao Pháp viện chỉnh sửa — với mục đích làm suy yếu — một đạo luật không chỉ là tượng đài cho sự vĩ đại của nước Mỹ mà còn bảo vệ đất nước này khỏi những thế lực đê hèn nhất từ bên trong.” Qua nhiều năm gần đây, những thế lực kia đã được phô bày một cách trắng trợn. Trên toàn quốc, các cơ quan lập pháp có đảng Cộng hòa nắm quyền nối đuôi nhau thông qua hết luật này đến luật khác nhằm gây khó dễ cho quá trình bầu cử — từ việc bắt bẻ cử tri đưa ra nhiều loại giấy tờ tùy thân, hạn chế bỏ phiếu sớm và vắng mặt, tạo ra vô số rào cản đăng ký, cho đến việc bừa bãi cắt xén danh sách cử tri và ban hành các luật lệ như Arizona. Đa số các đạo luật trên đều gây tổn hại đến cử tri người da màu. Chỉ năm nay thôi mà đã có 28 đạo luật hạn chế quyền bầu cử được thông qua tại 17 tiểu bang, theo thống kê của Trung tâm Công lý Brennan. Phía bảo thủ ở toà đã chọn cách lờ đi động cơ đằng sau những đạo luật này, có lẽ do họ và các đồng nghiệp đã tạo điều kiện cho chúng sinh sôi ngay từ đầu. Vào năm 2013, toà án đã quyết định bóp chết linh hồn của Đạo luật về Quyền bầu cử, Mục 5, trong đó yêu cầu các tiểu bang và địa phương có tiền sử phân biệt đối xử trong quy trình bầu cử — bao gồm Arizona — phải có được sự chấp thuận của chính phủ liên bang khi muốn thay đổi hay thông qua bất kỳ luật bầu cử nào. Mục 5 chắc chắn là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn sự kỳ thị đối với quyền bầu cử, nhưng theo Chánh án John Roberts — người đã và vẫn đang tìm cách cản trở Đạo luật về Quyền bầu cử này kể từ khi ông chỉ là một luật sư cấp thấp dưới thời Reagan, cho rằng danh sách những tiểu bang nhúng chàm đã lỗi thời. “Đã có nhiều thay đổi đáng kể,” ông viết trong một bản giải trình phán quyết vào năm 2013, đề cập đến sự gia tăng qua từng năm trong số lượng các cử tri da Đen đăng kí bầu cử và tham gia bỏ phiếu kể từ khi Đạo luật về Quyền bầu cử được thông qua. Thậm chí ông ta đã quên rằng rằng việc gia tăng này vẫn sẽ xảy ra bất kề có nhờ Đạo luật hay không. Nhằm nhấn mạnh vấn đề này, các lãnh đạo Đảng Cộng hoà tại những tiểu bang bị liên bang giám sát đã bắt đầu áp dụng nhiều qui định bầu cử nghiêm ngặt trong vòng chỉ vài giờ sau phán quyết. Sau năm 2013, Mục 2 được ví như công cụ có ý nghĩa duy nhất còn sót lại trong Đạo luật về Quyền Bầu cử — và dĩ nhiên, Chánh án Roberts chỉ ra điều này như để an ủi việc Toà án đã xoá bỏ Mục 5. Tuy nhiên nó có tầm ảnh hưởng không đáng kể. Các vụ kiện cáo buộc một đạo luật nào đó vi phạm Mục 2 chỉ có thể được xem xét dưới điều kiện có một luật bầu cử mới được thông qua và đạo luật kia phải được chứng minh là đã kỳ thị cử tri trong nhiều năm. Các vụ kiện này thường rất tốn kém và mất thời gian, và điều đó thường làm các nguyên đơn nhụt chí. Ngay cả khi trường hợp có nguyên đơn đưa ra các chứng cứ không thể chối cãi về việc bị phân biệt đối xử như vụ kiện mới đây, cơ hội thắng kiện của họ vẫn rất mong manh. Đây là tin tức không mấy tốt lành cho những vụ kiện trong tương lai chống lại các đạo luật hạn chế cử tri do phe Cộng hoà khởi xướng tại những tiểu bang khác. Tệ đến mức nào thì còn phải phụ thuộc một phần vào kết quả của vụ kiện được Bộ Tư pháp tiến hành chống lại một luật bầu cử mới ở Georgia. Đơn kiện cho rằng các đảng viên Cộng hoà quyết định thông qua dự luật này do thất vọng trước chiến thắng của đảng Dân chủ trong các cuộc đua tranh cử Tổng thống và ở Thượng viện, cố tình nhắm đến nhóm cử tri da Đen do họ đa số đã bỏ phiếu cho đảng Dân chủ. Không dễ để chứng minh hành vi cố ý phân biệt kỳ thị này, tuy nhiên, các nhà lập pháp ở Georgia đã giúp công việc này trở nên dễ dàng hơn bằng cách thông qua tất cả các thể loại luật hạn chế vốn gây bất lợi cho một số lượng lớn cử tri da Đen. Quốc hội đã cân nhắc một dự luật khôi phục lại điều khoản chủ chốt trong Đạo luật về quyền bầu cử bằng cách thiết lập lại sự giám sát của liên bang đối với các tiểu bang liên lục có những hành vi phân biệt đối xử trong suốt 25 năm qua. Nhờ sự phản đối rộng rộng khắp từ phía đảng Cộng hoà cộng với sự tồn tại của chiến thuật Cướp diễn đàn (Filibuster) cho phép nhóm thiểu số thượng nghị sĩ chặn một dự luật được ủng hộ bởi nhóm chiếm đa số, dự luật này sẽ không có hiệu lực — trừ khi đảng Dân chủ quyết định chấm dứt tập tục này. Ngay cả nước đi đó cũng sẽ không đảo ngược được trào lưu phản Dân chủ, vốn đã phán triển thành một làn sóng dưới thời Trump. Ở Georgia, Arizona và những nơi khác, các nhà lập pháp đảng Cộng hoà, bị ảnh hưởng bởi những lời nói dối thô thiển về những vụ gian lận bầu cử trong năm 2020, đang thay đổi các quy tắc kiểm phiếu và chứng nhận kết quả. Họ đang tước bỏ quyền lực của nhiều viên chức, như Ngoại trưởng Georgia Brad Raffensperger, người đã làm đúng trách nhiệm và không đầu hàng trước áp lực từ Trump và đồng minh nhằm “kiếm” thêm phiếu bầu và lật ngược kết quả bầu cử. Chiến thuật này độc địa chính bởi cái vẻ lẩn thẩn của nó. Người ta rất dễ phẫn nộ trước các luật lệ vớ vẩn, ví dụ như như đạo luật mới của Georgia bắt tội những ai dám đưa nước uống cho cử tri đang xếp hàng nhiều giờ chờ bỏ phiếu. Không dễ để thay đổi cả một bộ máy bầu cử hành chính phức tạp. Nhưng những qui định mới này cá mè một lứa với những đạo luật hạn chế bầu cử được thông qua bởi cùng những gương mặt lập pháp đó. Tất cả những chiêu trò này được tạo ra với mục đích ngăn cản các cử tri thiên tả đi bầu, và trong trường hợp thất bại, thì mục đích của chúng là để chối bỏ chiến thắng của các ứng cử viên Dân chủ, dù họ có thắng nhiều phiếu hơn đi chăng nữa. Phe đa số bảo thủ hiện nay của Tòa án Tối cao, dưới sự dẫn dắt của Chánh án Roberts, không mặn mà với việc ngăn chặn đòn giáng lên nền dân chủ này, và họ cũng chẩng hứng thú bảo vệ quyền bầu cử căn bản được ghi trong trong hiến pháp của người dân Mỹ. Trách nhiệm bây giờ là ở Quốc hội, và thời gian thì không còn nhiều.


Người dịch: Phuong Anh & Quyen Tran

Biên tập: Đông Phong


Comments


bottom of page