top of page

Tóm tắt lịch sử của Học Thuyết Chủng Tộc Phê Phán

Translated from The New York Times's article Critical Race Theory: A Brief History

Một một lý thuyết hàn lâm và phức tạp, phát triển trong những năm 1980 đã trở thành một đề tài chính trị nóng bỏng sau hơn 40 năm như thê nào.

By Jacey Fortin, on 27-07-2021, 03:00:00

Sự chỉ trích hướng về “học thuyết chủng tộc phê phán” (tạm dịch từ “critical race theory”) diễn ra cùng lúc với nhiều cuộc biểu tình trên toàn quốc. Vào ngày 28 tháng 8 năm 2000, hàng ngàn người đã tập trung tại thủ đô Washington nhằm ủng hộ với các phong trào công bằng xã hội cũng như tưởng niệm cuộc diễu hành March on Washington diễn ra cùng ngày vào 57 năm về trước. Ngày 28 tháng 8 năm 1963, Linh Mục Dr. Martin Luther King đã có một bài phát biểu “Tôi có một ước mơ” đi vào lịch sử. (Hình của Jason Andrew, The New York Times) Chỉ mới năm ngoái thôi khi khắp nơi trên Hoa Kỳ diễn ra nhiều cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc, rất nhiều người Mỹ vẫn không hề biết đến cái gọi là “học thuyết chủng tộc phê phán.” Hiện giờ, đột nhiên, thuật ngữ này được nhắc đến ở mọi nơi, từ tin tức trong nước đến quốc tế, và là một đề tài nóng bỏng. Các cuộc tranh cãi về học thuyết chủng tộc phê phán diễn ra khắp nơi, đặc biệt nảy lửa tại nhiều hội đồng trường. Hơn nữa, thuật ngữ này ngày càng thêm rối ren do các cuộc chiến nhiệm kỳ (tạm dịch từ tenure) tại nhiều trường đại học. Nhiều thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã gọi nó là “cẩm nang huấn luyện của nhà hoạt động.” Thế nhưng học thuyết C.R.T., như thường được viết tắt, đã ra đời từ lâu và thường được dạy tại các chương trình sau đại học. Qua nhiều thập kỷ, học thuyết bao gồm những nghiên cứu mang tính học thuật. Do đó, để thật sự giải nghĩa cho học thuyết chủng tộc phê phán không phải là điều dễ dàng. Đầu tiên… Người có công trong việc đưa ra thuật ngữ này là bà Kimberlé Williams Crenshaw, giáo sư luật tại Trường Luật U.C.L.A. và Trường Luật Colombia. Khi được hỏi về học thuyết này, bà đã hỏi lại vì sao thuật ngữ này lại được nhắc đến bây giờ.

Bà Kimberlé Williams Crenshaw phát biểu trong cuộc Đồng hành cùng phụ nữ tại thành phố Los Angeles năm 2018. (Hình của .Amanda Edwards/Getty Images) Theo như bà, “Học thuyết này được chú ý trong thời gian gần đây vì khối bảo thủ cánh hữu cho rằng nó có nhiều ý tưởng muốn lật đổ trật tự xã hội.” Các công ty truyền thông, kể cả báo New York Times, nhắc đến học thuyết chủng tộc phê phán chẳng qua là vì “nhiều nhóm lợi ích có tên tuổi, tài chính, và tầm ảnh hưởng cao liên tục chỉ trích học thuyết này,” bà cho biết thêm. Theo như nhiều nhà phê bình, phân biệt chủng tộc chủ yếu là do các thành phần cá biệt, cố chấp, và họ không hề xấu hổ khi thể hiện sự kỳ thị ra bên ngoài. Những nhà phê bình còn khẳng định thảo luận về phân biệt chủng tộc mang đầy tính buộc tội và gây ra sự chia rẽ. Nhưng các lý huyết gia của học thuyết chủng tộc phê phán nói rằng họ quan tâm nhiều đến thể chế và hệ thống. Theo Mari Matsuda, giáo sư luật tại trường Đại Học Hawaii và cũng là một trong những người tiên phong của học thuyết này, “Vấn đề không phải đến từ các cá thể xấu, mà là từ một hệ thống vốn mang lại những hậu quả không tốt. Thế nên, sẽ là vừa nhân văn vừa đầy đủ để nói rằng ”Chúng ta đã làm những điều tổn thương đến tất cả mọi người, và chúng ta cần tìm một lối ra."" Học thuyết chủng tộc phê phán là gì? Học thuyết chủng tộc chối bỏ “triết lý mù màu” (tạm dịch từ “colorblindness”, những người theo triết lý này tin rằng chỉ cần đối xử với mọi người như nhau và không phụ thuộc vào màu da sẽ khiến cho xã hội công bằng hơn). Họ cho rằng sự phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại ở Hoa Kỳ sau nhiều thập kỷ cải cách dân quyền. Họ phê phán những luật lệ và định kiến, kể cả của những người có ý định tốt, đã khiến các trật tự về chủng tộc không hề thay đổi. Những người ủng hô học thuyết hiểu rằng chủng tộc chẳng qua là quan điểm của xã hội, không liên quan đến cấu trúc sinh học. Theo họ, nâng cao và quan tâm đến trải nghiệm của những người đã bị phân biệt đối xử vì màu da là rất quan trọng. Tuy nhiên, học thuyết chủng tộc phê phán không phải là một thế giới qua duy nhất, và những người theo đuổi học thuyết này cũng có các chí hướng khác nhau. Theo như Giáo Sư Crenshaw, học thuyết này nên gắn liền với hành động hơn là lời nói suông. Bà nói, “Lý thuyết này là một cách nhìn nhận, chú ý, đánh giá, tìm hiểu, và phân tích khái niệm về chủng tộc và vì sao bất bình đẳng chủng tộc được tạo ra và củng cố trong suốt chiều dài lịch sử đến tận ngày nay. Sự thật này sẽ không thay đổi trừ phi chúng ta công nhận rằng những bất công luôn tồn tại." Giáo Sư Matsuda thì cho rằng học thuyết này là kim chỉ nam cho các thay đổi tiến bộ. Bà cho biết, “Theo tôi, học thuyết chủng tộc phê phán công nhận sự ảnh hưởng của kỳ thị chủng tộc lên cuộc sống thường ngày, trong đó sự thật lịch sử và xã hội là những bằng chứng nói lên sự ảnh hưởng của phân biệt chủng tộc lên hệ thống pháp luật và văn hóa Mỹ. Qua đó, lý thuyết này muốn tiến tới một xã hội công bằng bình đẳng bằng cách xóa bỏ các hệ thống của nạn kỳ thị.” Tại sao học thuyết này lại được nhắc đến hiện nay?

Những người phản đối học thuyết chủng tộc phê phán biểu tình bên ngoài văn phòng Hội đồng Trường học Quận Loudoun ở Ashburn, Va., vào ngày 22 tháng 6. (Hình của Evelyn Hockstein/Reuters) Cũng như nhiều lý thuyết khác, học thuyết chủng tộc phê phán luôn bị chỉ trích từ khi mới ra đời. Nhiều nhà phê bình bình luận học thuyết này nghiêng về các câu chuyện cá nhân và không có tính học thuật cao. Một số khác cho rằng học thuyết này quá tập trung vào lỗi hệ thống mà quên mất lỗi cá nhân. Tuy nhiên, trong năm nay các cuộc tranh luận không chỉ đơn thuần về mặt học thuật nữa. Năm ngoái, các cuộc biểu tình phản đối cảnh sát lạm quyền dẫn đến cái chết của George Floyd đã khơi dậy nhiều cuộc đối thoại về sự tồn tại của phân biệt chủng tộc có hệ thống tại Hoa Kỳ. Tổng Thống Donald J. Trump đã ban hành một văn bản đến các cơ quan liên bang để cảnh báo về học thuyết chủng tộc phê phán. Theo như văn bản thì học thuyết này làm chia rẽ nước Mỹ. Không lâu sau đó, Trump đã ký một lệnh hành pháp cấm bất kỳ các tập huấn nào mà nói là nước Mỹ có sự phân biệt chủng tộc trong cốt lõi. Sự tập trung của Trump vào học thuyết này dường như bắt nguồn từ một phỏng vấn của Tucker Carlson trên đài Fox News với Christopher F. Rufo, một học giả cánh hữu của Viện Nghiên Cứu Manhattan. Trong buổi nói chuyện, Rufo kể với Carlson về "sự răn dạy huấn luyện sùng bái” của học thuyết chủng tộc phê phán. Từ đấy, thuật ngữ “học thuyết chủng tộc phê phán” ngày càng được nhiều người nhắc đến. Điều đáng nói là nó bị sử dụng trong nhiều hoàn cảnh không liên quan đến cái định nghĩa học thuật. Hai trong số các ví dụ nổi bật là dạy và học về sự phân biệt chủng tộc trong lịch sử hay tham gia các khóa tập huấn về sự đa dạng chủng tộc tại các cơ quan. Chính quyền Biden đã thu lại lệnh của Trump, tuy nhiên vào thời điểm ấy vần đề này đã trở thành một đề tài tranh cãi. Các tiểu bang của đảng Cộng Hòa đã và đang cho ra những sắc lệnh tương tự với sự ủng hộ của các nhóm bảo thủ. Nhiều nhóm trong số này đã chọn các trường công lập làm bãi chiến trường.

Thống Đốc tiểu bang Florida, Ron DeSantis phát biểu trước bộ giáo dục tiểu bang vào tháng Sáu: “Thành phần chống phân biệt chủng tộc và bất công (tạm dịch chữ woke class) muốn dạy cho con trẻ là phải ghét bỏ nhau, thay vì dạy chúng đọc hiểu.” Sau đó không lâu, ông đã ký sắc lệnh cấm lý thuyết chủng tộc phê phán. Ông gọi học thuyết phân biệt chủng tộc là một loại “phân biệt chủng tộc được nha nước ủng hộ." Theo như Giáo Sư Crenshaw, những người phản đối học thuyết này đang sử dụng một chiêu bài cũ rích khi cho rằng cứ đòi phải thừa nhận phân biệt chủng tộc chính là phân biệt chủng tộc. Bà nhận xét, “Chính cách nói này đã khiến cho các bộ luật, các đòi hỏi, và các phong trào đòi sự bình đẳng chủng tộc bị coi là sự chống lại và kỳ thị người da trắng.” Đây thật ra là trái ngược với quan điểm của các nhà học giả theo trường phái học thuyết chủng tộc phê phán trong bốn thập kỷ qua. Câu chuyện của bốn thập kỷ trước:

Derrick Bell, giáo sư Luật của đại học Harvard, đang cùng nhiều học sinh phản đối việc trường luật đã không cấp nhiệm kỳ cho các giáo sư nữ. (Hình của Steve Liss/Time Life Pictures, Getty Images)

Năm 1980, Derrick Bell rời khỏi trường Luật Harvard, và ông mất năm 2011. Ông là cha đẻ của học thuyết chủng tộc phê phán. Giáo sư Matsuda nhân xét, “Ông đã mở ra một kỷ nguyên mới cho người da đen tiến vào môi trường học thuật hàng đầu của ngành luật.” Công trình nghiên cứu của ông tìm hiểu về ý nghĩa của việc nhận định kỳ thị chủng tộc là một đặc tính bất biến của Mỹ, và có phải việc thông qua luật dân quyền tại Hoa Kỳ dễ dàng vì những luật ấy thực chất vẫn có lợi cho người da trắng. Sau khi ông rời trường Luật Harvard, nhiều học sinh đã biểu tình vì giáo sư tại đây không có sự đa dạng về màu da. Theo như tờ New York Times năm 1983, trường luật Harvard có đến 59 trên tổng số 69 giáo sư là nam, và chỉ có một giáo sư là người da đen. Những học sinh biểu tình ngày ấy, có cả giáo sư Crenshaw và Matsuda khi đó vẫn là nghiên cứu sinh tại Harvard, cũng chê bai những hạn chế trong chương trình học của bộ môn nghiên cứu pháp lý. Bộ môn này mục đích là để đánh giá sự trung lập trong hệ thống tư pháp của Mỹ. Hơn nữa, các học sinh đòi hỏi chương trình của bộ môn này phải mở rộng tìm hiểu sự duy trì của hệ thống chủng tộc trong ngành pháp lý. Giáo sư Crenshaw cho biết, “Đây là nhiệm vụ của học sinh chúng tôi. Chúng thôi phải suy nghĩ mình được dạy những gì và làm sao để có thể khiến chương trình giảng dạy chú tâm hơn vào các mặt công bằng xã hội.” Học sinh thời điểm ấy thấy được rằng sự bất bình đẳng chủng tộc vẫn luôn tồn tại mặc dù đã có nhiều luật dân quyền ra đời vào thập kỷ 1950 và 1960. Vì thế, họ đã nghiên cứu và rồi phát triển một cách nghĩ mới để giải thích sự tồn tại của nạn kỳ thị. Năm 1989, giáo sư Crenshaw đã tổ chức một hội thảo để thành hình các ý tưởng của học thuyết chủng tộc phê phán. Ngày nay Học thuyết Chủng tộc Phê phán được xử dụng vào việc gì ? Oiyan Poon, phó giáo sư về chủng tộc, giáo dục, và lý thuyết giao nhau tại Đại Học Tiểu Bang Colorada, lên tiếng rằng những người phản đối học thuyết chủng tộc phê phán nên tìm hiểu kỹ càng về lý thuyết này. Bà khẳng định, “Nếu họ thật sự tìm hiểu về học thuyết này, họ có lẽ đã biết những người sáng lập nên học thuyết này đã phê phán đường lối của khối tự do và kêu gọi những người học giả phải tìm hiểu kỹ càng vì sao bất bình đẳng chủng tộc luôn tồn tại; qua đó phá bỏ sự kỳ thị một cách có hệ thống.” Với cách nhìn nhận này, nhiều nhánh của học thuyết chủng tộc phê phán đã mở rộng để bao gồm trải nghiệm của nhiều sắc tộc như người bản địa châu Mỹ, người Latin, người Mỹ gốc Á, và người da đen. Giáo sư Poon nghiên cứu sự nhìn nhân của người Mỹ gốc Á đối với affirmative action dưới góc nhìn của học thuyết chủng tộc phê phán. Giáo sư của ngành lãnh đạo trong giáo duc, María C. Ledesma tại trường đại học San Jose nhận xét rằng sự bao trùm của học thuyết chủng tộc phê phán “cho thấy tầm ảnh hưởng và sức mạnh của lý thuyết này đã và luôn biến đổi theo thời gian.” Bà dùng học thuyết này trong nghiên cứu của mình về môi trường đại học, tính sư phạm, và các trải nghiệm của các sinh viên mà là thế hệ đầu tiên của gia đình vào đại học. Bà nói rằng, “mọi người thích học thuyết này bởi vì họ thấy được câu chuyện của chính mình.” Một số học giả của học thuyết chủng tộc phê phán tin rằng nó sẽ giúp cho nước Mỹ trở nên tốt đẹp hơn và giống như những gì các nhà lập quốc đã đặt ra. Học thuyết này như một cách nghĩ về các vấn đề lớn đã và đang là mối bận tâm của toàn cầu. Giáo sư Matsuda nói, “Giống như chuyện thay đổi khí hậu, đây là một vấn đề nhức nhối và đòi hỏi sự thay đổi mang tính hệ thống nếu chúng ta muốn một tương lai tốt đẹp cho các thế hệ sau. Nếu chúng ta không thể suy nghĩ hay quan tâm đến bố cục lớn hơn của các vấn đề như nạn kỳ thị hay thay đổi khí hậu, hay hòa bình thế giới, thì chúng ta đang đi dần vào bóng tối.”


Người dịch: Quynh Anh

Biên tập: Michael Le

Comments


bottom of page