top of page

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ xuống mức phá kỷ lục

Updated: Aug 9, 2020

Chính quyền Mỹ vừa công bố mức giảm sút 32.9% của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý trước của Hoa Kỳ, một con số chưa từng thấy kể từ năm 1947. Mặc dù các nhà phân tích dự đoán nền kinh tế sẽ phục hồi từ tháng 7 đến tháng 9, tuy nhiên với chiều hướng các ca nhiễm đang tăng trở lại ở một số bang, một số công ty đang trì hoãn lại các quyết định tuyển dụng

Martin Crutsinger và Paul Wiseman, Associated Press, ngày 31 tháng 7, 2020


Eric Gay/AP

Người mua sắm đi ngang qua tiệm trưng bày với những ma-nơ-canh đeo khẩu trang tại một cửa hàng quần áo ở thành phố McAllen, Texas vào ngày 30 tháng 7 năm 2020. Tại nhiều khu vực, sự sự tái bùng phát của coronavirus đã khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa lần thứ hai.


Đại dịch corona đã khiến nền kinh tế Mỹ phá kỷ lục giảm sút 32.9% so với tỷ lệ hàng năm và vẫn còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp, khiến họ phải sa thải nhiều nhân viên. Nền kinh tế trong quý 2 (từ tháng 4 đến tháng 6) đã bắt đầu sụp đổ với một tốc độ đáng sợ, khi làn sóng tái nhiễm bắt đầu trở lại khiến cho các doanh nghiệp phải đóng cửa lần thứ hai ở một số khu vực. Chính phủ ước tính sự sụt giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quý hai vượt qua các kỷ lục từ đầu năm 1947. Năm 1958, dưới chính quyền tổng thống Eisenhower, sự suy giảm tồi tệ nhất là ở mức 10%, ít hơn một phần ba so với báo cáo hôm thứ Năm.


Chuyên gia kinh tế Andrew Hunter phát biểu , sự sụt giảm của tổng sản phẩm quốc nội “làm nổi bật thiệt hại chưa từng có của nền kinh tế do đại dịch. Chúng tôi dự trù sẽ mất nhiều năm để có thể phục hồi hoàn toàn.”


Đó là vì phản ứng đối với virus đã cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng – thứ chiếm đến 70% cơ cấu kinh tế và là sự thúc đẩy của nền kinh tế Mỹ.


Hoạt động kinh tế Mỹ phụ thuộc 70% vào người tiêu dùng. Trong mùa dịch bệnh và cách ly, người tiêu dùng đã cắt giảm nhiều chi phí. Nội trong quý trước, chi tiêu đã giảm xuống 34.6% vì mọi người phải ở trong nhà, các chuyến du lịch bị trì hoãn, và các sắc lệnh cách ly đã buộc nhiều nhà hàng, địa điểm giải trí, và các cơ sở bán lẻ khác phải đóng cửa.


Dù làn sóng đại dịch thứ nhì dường như đang chững lại, các ca nhiễm vẫn tăng lên ở 30 tiểu bang.


Nhiều tiểu bang đã áp dụng các lệnh hạn chế đối với du khách từ các tiểu bang được báo cáo có mức độ lây nhiễm cao, gây thiệt hại cho hàng loạt các khách sạn, các hãng hàng không và các ngành công nghiệp khác phụ thuộc vào ngành du lịch.


Điều đó đã làm tăng số lượng người thất nghiệp đến một con số khổng lồ. Hơn 1.4 triệu người Mỹ bị sa thải đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước cho thấy thị trường lao động suy yếu. Đó là tuần thứ 19 liên tiếp mà hơn 1 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Trước khi dịch corona bùng phát vào tháng 3 ở Hoa Kỳ, số người Mỹ tìm kiếm lương thất nghiệp chưa bao giờ vượt qua 700,000 trong bất kỳ tuần nào, ngay cả trong cuộc Đại suy thoái (Great Recession).


Tình trạng này có thể sẽ còn trở nên nghiêm trọng hơn khi khoản tiền $600 trợ cấp thất nghiệp hàng tuần sắp hết hạn, và Quốc hội đang tranh cãi về việc gia hạn viện trợ, và chi phí này có thể sẽ bị giảm.


Nhà kinh tế trưởng của Hoa Kỳ tại công ty tư vấn kinh tế High Frequency Economics là ông Rubela Farooqi cho biết, “nguy cơ sự mất việc tạm thời trở thành vĩnh viễn là rất cao. Điều đó có thể dẫn đến tốc độ phục hồi thậm chí chậm hơn bây giờ.”


Những người ủng hộ Trump cho biết trong một tuyên bố rằng báo cáo về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) phản ánh một giai đoạn “khi mà phần lớn nền kinh tế đã phải đóng cửa để cứu hàng triệu dân Mỹ.”


Nhiều doanh nghiệp đang trì hoãn các quyết định tuyển dụng vì triển vọng kinh tế không chắc chắn. Cô Miranda Meyerson đã cố gắng tìm một công việc khác và đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp kể từ khi cô bị sa thải bởi một tổ chức phi lợi nhuận trong ngành công nghệ vào giữa tháng 5.


Nhiều nhà kinh tế ghi chú rằng nền kinh tế không thể phục hồi hoàn toàn cho đến khi đánh bại được đại dịch – đây là một điểm mà ông Jerome Powell đã nhấn mạnh tại cuộc họp báo vào thứ Tư của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve). Ông cảnh báo rằng đại dịch đã gây nguy hiểm cho sự phục hồi kinh tế và do đó, Liên bang có kế hoạch giữ lãi suất gần 0% trong tương lai.


Ông Gregory Daco, là nhà kinh tế trưởng của Hoa Kỳ tại Oxford Economy, nói rằng “Sự quản lý yếu kém về tình trạng sức khỏe cùng với thu nhập bị suy giảm có nghĩa là nền kinh tế có nguy cơ suy sụp hai chiều mà không có viện trợ tài chính khẩn cấp.”


Ông Daco cho biết việc hết hạn $600 trợ cấp thất nghiệp liên bang có nghĩa là rất nhiều gia đình, từ 50% đến 75%, sẽ bị mất thu nhập. Điều đó có thể khiến việc chi tiêu suy giảm thêm, và làm nền kinh tế Mỹ tiếp tục suy thoái vô kiểm soát.


Ông Daco nói, “Nền kinh tế không còn nhiều nguồn lợi tức để giúp phục hồi qua giai đoạn này.”


Translated by Que Do

Edited by Khanh Doan & Khanh (Vy) Le

Comments


bottom of page