top of page

Tổng thống Biden có buổi điện đàm đầu tiên với Tập Cận Bình


Bethany Allen-Ebrahimian Dave Lawle, ngày 10 tháng 2, 2021

Ảnh: Biden và Tập Cận Bình trong năm 2012, khi Biden đảm đương chức vụ phó tổng thống Hoa Kỳ và Tập đang giữ chức phó chủ tịch Trung Quốc


Tổng thống Biden trong đêm thứ Tư mở cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ ngày ông Biden nhậm chức, nhắc đến các vấn đề bất đồng chính kiến bao gồm nhân quyền tại Hồng Kông.


Ngay trước cuộc điện đàm, viên chức cấp cao chính quyền Hoa Kỳ cho cánh phóng viên báo chí biết những chi tiết chính sách của Biden dành cho Trung Quốc, và cách chính quyền Biden sẽ xây dựng và thay đổi trên cơ sở chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump.


“Tổng thống Biden quan tâm đặc biệt đến chính sách của Trung Quốc dùng vụ lực và bất công về kinh tế, bắt cớ ở Hồng Kông, đàn áp nhân quyền ở Tân Cương, và những động thái khiêu khích trong khu vực nhắm vào Đài Loan,” theo văn bản cuộc gọi từ Tòa Bạch Ốc.


Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về đại dịch, biến đổi khí hậu, vụ khí nguyên tử, và tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác chỉ khi việc hợp tác phục vụ lợi ích của 2 quốc gia.


Một viên chức nhà nước cấp cao nói với các phóng viên trước cuộc điện đàm rằng chính sách của Biden trong lần tiếp xúc đầu tiên với Tập sau ngày nhậm chức tổng thống sẽ “thực tế, cứng rắn, rõ ràng và bắt nguồn từ những điều tổng thống hiểu rõ về đối thủ của mình.”


“Chúng tôi đã xem cách chính quyền Trump làm việc trong bốn năm qua và tìm thấy những điểm có ích trong đề nghị cơ bản một cuộc cạnh tranh gây gắt với Trung Quốc… Nhưng chúng tôi cũng phát hiện ra những vấn đề nghiêm trọng với chính sách mà chính quyền Trump sử dụng cuộc cạnh tranh đó và… đã đặt chúng ta vào vị thế yếu hơn để có thể thành công trong cuộc cạnh tranh ấy.


Lỗ hổng chính trong cách tiếp cận của Trump, theo viên chức này, là nó đã "làm mất đi nguồn sức mạnh cơ bản của Hoa Kỳ" - ​​các giá trị, hệ thống chính trị và nền kinh tế quốc gia, làm suy yếu tính liên minh và vai trò lãnh đạo trong các tổ chức quốc tế.


Biden lên kế hoạch tiếp tục nơi Trump đã bỏ dở và xác định phần lớn chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ xoay quanh sự cạnh tranh với Trung Quốc, trong khi cố gắng mang các "nguồn sức mạnh” trở lại.


Các viên chức chính quyền cấp cao đề ra một chiến lược gồm 5 phần:


1. Đất nước: viên chức này cho biết, nếu Hoa Kỳ không vực dậy được nền kinh tế của mình, duy trì lợi thế trong đổi mới và "xây dựng lại nền tảng công nghiệp của chúng ta,” thì chiến lược này sẽ thất bại ngay cả khi Hoa Kỳ làm đúng các điều kiện khác.


2. Các liên minh. Trên tất cả các lĩnh vực cạnh tranh với Trung Quốc, Biden sẽ tham gia với các đối tác ở Âu châu và Á châu, đặc biệt là củng cố quan hệ đối tác quân sự "Bộ tứ" với Úc, Ấn Độ và Nhật Bản.


3. Công nghệ: viên chức cho biết chính quyền Biden ngay lập tức bắt đầu làm việc với đảng Cộng hòa để xây dựng sự đồng thuận xung quanh việc đầu tư vào các ngành công nghiệp chủ chốt như chất bán dẫn, trí thông minh nhân tạo, công nghệ sinh học và năng lượng sạch "để đảm bảo chúng ta đang duy trì lợi thế của mình."


4. Thương mại: Biden làm việc "dựa trên cơ sở" về thuế quan của Trump, mặc dù quan chức này cho biết thêm "quý vị có thể đoán trước sẽ có những thay đổi" đối với các chính sách thuế quan sau khi thủ tục xem xét hoàn tất. Biden sẽ phối hợp chặt chẽ các chính sách thương mại của ông với các đối tác, đặc biệt là ở Âu châu.


5. Phòng thủ: viên chức chính quyền cấp cao lưu ý rằng chính quyền Biden đã tiến hành các hành động đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, đi qua eo biển Đài Loan, và bắt đầu các cuộc tập trận hải quân với các đối tác trong khu vực. Viên chức này cũng nói thêm rằng Biden sẽ không giảm số lượng binh sĩ Hoa Kỳ ở Á châu - ngược lại điều mà Trump từng cân nhắc.


“Chúng ta cần phải kiên trì với chính sách này và có trận đấu kéo dài,” một viên chức cấp cao khác thảo luận chiến lược của Biden, đồng thời lưu ý rằng chiến lược này sẽ “phát huy tác dụng trong nhiều năm”.


Điều quan trọng: Một viên chức chính quyền cấp cao trong cuộc họp báo đã cảnh báo rằng có một "cảm giác lo ngại" từ các đồng minh ở Á châu rằng Hoa Kỳ sẽ không thể hoặc không muốn đóng vai trò lãnh đạo của mình trong khu vực, một phần vì độ tin cậy vào Hoa Kỳ giảm sau nhiệm kỳ của Trump và vì việc Hoa Kỳ thất bại trong việc kiềm chế đại dịch ở ngay đất nước này.


“Chúng ta đang ở một vị trí mà chúng tôi tin nếu có thể vượt qua các khó khăn từ 6 đến 8 tháng tới, chúng ta có thể hướng về phía trước và tiếp tục đóng một vai trò lãnh đạo mạnh mẽ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và cũng tìm ra các lĩnh vực quan trọng mà chúng ta có thể làm việc với Trung Quốc," viên chức này nói.


Để thực hiện, Biden cần một "cách tiếp cận thận trọng, có mục đích và ổn định."


Điểm mấu chốt: Chiến lược của Biden sẽ được thúc đẩy bởi sự nhận thức “một phần quan trọng của lịch sử thế kỷ 21 sẽ được viết tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương,” theo lời viên chức cấp cao.


Chuyển ngữ: Tuấn Nguyễn

Opmerkingen


bottom of page