top of page

Tổng thống Joe Biden ký lệnh hành pháp mua hàng Mỹ


Tuy nhiên, trên thực tế, các đối tác thương mại có thể sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều.


Ngày 26 tháng 1, 2021

TIỀN NGƯỜI MỸ NỘP THUẾ nên được chi cho hàng hóa Mỹ do công nhân Mỹ sản xuất sử dụng linh kiện Mỹ. Tổng thống Joe Biden mới được bổ nhiệm đã phát biểu. Vào ngày 25 tháng 1, ông đã ký một lệnh hành pháp chuyển hơn 600 tỷ đô la chi tiêu mua sắm liên bang hàng năm vào tay người dân Mỹ. Lệnh này mang tính chất bảo hộ: nhiều linh kiện sản xuất trong nước hơn đồng nghĩa với việc sử dụng ít linh kiện nước ngoài hơn. Nhưng dựa trên các cam kết quốc tế của Mỹ, các biện pháp mới của ông Biden có thể không có nhiều tác dụng.


Những nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế mua sắm đã có từ gần trăm năm trước. Năm 1933, Herbert Hoover đã ký Đạo luật Mua hàng Mỹ (BAA), cố gắng tạo công ăn việc làm cho người Mỹ bằng cách hạn chế cách thức mua hàng trực tiếp của liên bang. Luật quy định rằng các cơ quan phải ưu tiên các nhà thầu trong nước cho các hợp đồng có trụ sở tại Mỹ trị giá hơn 10.000 đô, miễn là ít nhất 50% sản phẩm của họ là sản xuất trong nước và (đối với các doanh nghiệp lớn) chúng không đắt hơn 6% so với mặt hàng nước ngoài rẻ nhất. Gần đây hơn, Tổng thống Donald Trump đã ký tới 10 lệnh hành pháp trong nỗ lực loại bỏ các nhà cung cấp nước ngoài. Do đó, kể từ ngày 22 tháng 2, để đủ điều kiện được ưu tiên, các sản phẩm sắt thép sẽ phải có 95% được sản xuất trong nước. Các sản phẩm khác sẽ phải có ít nhất 55% sản xuất trong nước. Ưu đãi về giá sẽ lên đến 20%.


Ông Biden có thể chấp nhận các ngưỡng giá này hoặc nâng cao hơn nữa. Ông cũng muốn đảm bảo rằng ngành sản xuất thực sự hỗ trợ tạo việc làm cho người Mỹ (dù không rõ ông sẽ thực hiện điều này bằng cách nào). Các công ty mong muốn được miễn trừ sẽ công khai yêu cầu của họ. Các cơ quan sẽ tìm kiếm các công ty nhỏ để lấp đầy những khoảng trống mà những công ty khác không thể. Và các quan chức sẽ xem xét danh sách các sản phẩm được miễn BAA vì chúng không có sẵn ở Mỹ, bao gồm thiết bị bảo hộ cá nhân, vonfram và nọc rắn hổ mang.


Những thay đổi này có ý nghĩa gì đối với các công ty sản xuất? Các nhà thầu ngày càng mệt mỏi với những lời hứa đẩy lùi các nhà cung cấp nước ngoài. Jimmy Christianson của Hiệp hội Tổng thầu Hoa Kỳ (AGC) nói rằng, trừ khi có động thái trực tiếp, các thành viên hiệp hội sẽ “không thực sự để tâm.” Trong khi một số người muốn ông Trump mạnh tay hơn, những người khác lại đang bày tỏ lo ngại sâu sắc. Một đại diện của Netzsch Pumps North America đã phàn nàn rằng việc tìm kiếm các linh kiện sản xuất trong nước sẽ rất khó và sẽ đội giá cả lên cao. Phục vụ thị trường trong nước chỉ chiếm 30% hoạt động kinh doanh của họ, nên chi phí đội thêm “chắc chắn sẽ bóp chết khả năng cạnh tranh của chúng tôi ở các thị trường bên ngoài Hoa Kỳ.”


Jean Grier, một chuyên gia thương mại chính phủ, cho biết những thay đổi của ông Biden đối với quy trình miễn trừ nghe có vẻ phức tạp. Ông Christianson lưu ý rằng chúng sẽ phản tác dụng. Nếu chính phủ liên bang cố gắng đẩy nhanh dòng tiền vào các sản phẩm không có chuỗi cung ứng có sẵn ở Mỹ, quy trình miễn trừ dễ bị tắc nghẽn và làm trì hoãn các dự án. Brian Turmail, cũng thuộc AGC, cho biết điều này đã xảy ra vào năm 2009, khi các bang được yêu cầu chi tiền liên bang cho cơ sở hạ tầng cấp nước của Mỹ, nhưng một số nguyên vật liệu lại không có sẵn.


Tình hình này có thể như một sự hắt hủi đối với các đối tác thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, những thay đổi về quy tắc có thể không ảnh hưởng nhiều đến các hợp đồng lớn. Bất kỳ khoản nào trị giá hơn 182.000 đô la đều được mở cho 20 thành viên của Hiệp định Mua sắm Chính phủ (GPA), bao gồm Úc, Canada, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như các thành viên của các thỏa thuận thương mại khác. Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ ước tính rằng khoảng 5 tỷ đô la trong số 291 tỷ đô la chi tiêu mua sắm liên bang đã được chuyển đến các công ty ở sáu quốc gia cung cấp lớn nhất trong năm 2014-15. Một ước tính khác đưa giá trị nhập khẩu (bao gồm cả linh kiện) cao hơn, ở mức 9%. Nếu không có những thay đổi lập pháp — và những thay đổi đối với GPA — sẽ rất khó để đẩy những nước khác ra khỏi miếng bánh thương mại cấp liên bang.


Ông Biden đã nói rằng ông muốn làm việc với các đối tác thương mại để “hiện đại hóa các quy tắc thương mại quốc tế, bao gồm các quy tắc liên quan đến mua sắm chính phủ.” Nhưng đó cũng là một khó khăn: vào tháng 11, khi chính quyền Trump cố gắng loại bỏ một số sản phẩm y tế khỏi GPA, động thái này đã bị Anh, Thụy Sĩ và EU đánh dấu. Bà Grier cảnh báo rằng việc rời khỏi GPA có thể khiến Mỹ bị hạn chế việc mua sắm dịch vụ ở nước ngoài.


Một số đối tác thương mại lo lắng rằng ông Biden, khi mất kiên nhẫn với việc điều chỉnh các quy tắc về chi tiêu liên bang, có thể đưa ra các điều kiện nghiêm ngặt về cách các bang chi tiêu gói cứu trợ, vốn nằm ngoài giới hạn của GPA. Tuy nhiên, điều này sẽ làm ngắt quãng chuỗi cung ứng và tạo ra nhiều vấn đề. Chẳng hạn, sau lần đầu tiên loại trừ Canada khỏi gói kích cầu vào năm 2009, chính nền sản xuất tích hợp ở Bắc Mỹ do chính quyền Obama đã tạo ra một ngoại lệ cho họ. Bàn về chủ đề này từ góc nhìn bảo hộ khi còn tranh cử là điều rất dễ dàng. Đưa nó vào thực tế là một vấn đề hoàn toàn khác.


Người dịch: Quân Lý

Biên tập: Ren Dinh



Comments


bottom of page