top of page

Giám đốc ICE Tony Phạm có đang bóp chết Giấc mơ Mỹ của những người đồng cảnh ngộ?

Updated: Nov 16, 2020


Philippa PB Hughes, ngày 3 tháng 11, 2020

Minh hoạ: Lucy Jones


Vào tháng Tám, tôi được mẹ chuyển tiếp cho một email với tiêu đề: “Chính quyền Trump chọn người tị nạn gốc Việt làm giám đốc mới của ICE.” Mở email, tôi đọc được rằng anh họ tôi, Tony Phạm, vừa được bổ nhiệm làm lãnh đạo cơ quan Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE). Việc Tony được thăng chức lên vị trí này là một niềm tự hào lớn với gia đình tôi, đặc biệt là những người lớn tuổi với tư tưởng chính trị nghiêng về phía bảo thủ. Nhưng tôi lại thấy ghê tởm khi anh đem cái mác dân tị nạn của mình che đậy cho những chính sách di cư ngày một tàn nhẫn và mất nhân tính hơn. Và tôi cũng nghi ngờ khi anh nói rằng mình đã tuân theo “con đường hợp pháp để được quyền công dân.” Chuyện không đơn giản như thế.

Anh họ tôi đặt chân đến đất nước này năm 1975. Anh là một trong 125,000 người tị nạn gốc Việt được tái định cư ở Hoa Kỳ do Chiến tranh Việt Nam, bất chấp phản đối mạnh mẽ từ người dân Mỹ. “Làm ngơ những người tị nạn khi họ cần giúp đỡ nhất là đang ruồng bỏ những giá trị mà đất nước của người di cư chúng ta trân quý,” Tổng thống Ford phát biểu khi đấu tranh mang những người tị nạn tới đây. “Tôi sẽ không để Quốc hội làm vậy.” Năm nay, Tổng thống Trump giới hạn số người tị nạn Hoa Kỳ sẽ chấp nhận xuống còn 18,000 cho toàn thế giới. Nếu bây giờ anh họ tôi cần lánh nạn ở Hoa Kỳ, anh rất khó được cho phép nhập cảnh.


Khi cộng sản chiếm lĩnh Việt Nam vào năm 1975, hàng triệu người tuyệt vọng chạy trốn khỏi quê nhà. Các cậu tôi cũng vậy, vì đã chiến đấu trong quân đội Việt Nam Cộng hòa cùng lính Hoa Kỳ. Nếu ở lại, chắc chắn họ sẽ bị tra khảo hay xử tử. Như những người dân tị nạn ngày nay, họ sẽ tìm mọi cách để tránh bị hành hạ và để bảo vệ gia đình họ.


Cha của Tony cũng đã làm tương tự. Năm cha mẹ Tony di tản, anh mới lên hai. Nếu gia đình anh tiếp tục ở Việt Nam, có thể anh sẽ phải nhìn cha anh bị xử bắn, chứng kiến gia đình mất kế sinh nhai, và lớn lên trong nghèo khó. Nhưng Tony đã may mắn. Mẹ tôi có một người bạn thân thiết tên Jerry Edwards, người mà anh em chúng tôi hay gọi là bác Edwards. Theo như những trao đổi với gia đình tôi, bác là quan chức trong văn phòng Tùy Viên Quốc Phòng ở Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Ngày 19 tháng 4, 1975, 11 ngày trước khi Việt Nam Cộng hòa thất thủ, bác Edwards viết một lá thư “Gửi tới những ai lưu tâm,” bảo đảm cho sự trung thực của cha Tony. Lá thư mở đầu, “Lá thư này mong muốn giới thiệu em vợ tôi, Đội trưởng Phạm…” và sau đó, “Cậu là một cá nhân rất chân thật, trung thành, và tận tâm. Nếu bạn có thể chia sẻ bất cứ sự trợ giúp nào với cậu ấy hay gia đình cậu, tôi sẽ rất cảm kích.”


Bác Edwards đưa chú tôi lá thư mang theo phòng khi có người nghi ngờ sự hợp pháp của những giấy tờ mà cậu tôi đã vội vã xin được để bắt đầu cuộc hành trình tới nước Mỹ. Những giấy tờ này do mẹ tôi đã bạo gan nhờ vào các mối quan hệ của mình để lo cho cậu. Qua năm tháng, tôi đã được nghe những câu chuyện khác nhau từ gia đình tôi về vai trò của lá thư từ bác Edwards giúp cha Tony trốn đi, trong đó có câu chuyện là cậu không hề cần tới lá thư đó, nhưng luôn sẵn sàng sử dụng nếu gặp trục trặc gì trong quá trình di chuyển. Điều không ai nhắc tới là qua năm tháng, lá thư đã trở thành tín vật gia truyền và tới tận ngày nay, Tony nói anh vẫn giữ lá thư đã rách bươm ấy trong ví. Anh gọi đó là “tờ giấy dẫn tới tự do” của gia đình anh. Trong một buổi phỏng vấn gần đây với Fox, Tony quả quyết rằng lá thư đóng vai trò rất lớn trong việc đảm bảo mẹ anh trốn thoát thành công, khẳng định thêm rằng “bà đã nhờ lá thư này mà giành được một ghế ngồi trên chuyến bay ra khỏi Sài Gòn ngày 19 tháng 4 đó.” Và trên một bài viết Facebook năm 2014, anh viết, “Tôi mong bác Edwards hiểu được tầm quan trọng khi bác ký tên trên tờ giấy đem chúng tôi đến tự do. Nếu không có nó, cuộc đời của chúng tôi đã khác rất nhiều.”


Bác Edwards hiểu rất rõ sức ảnh hưởng từ hành động của mình. Tận tâm muốn cứu gia đình tôi, bác đã nói dối trong bức thư này. Bác không phải anh vợ hợp pháp của Đội trưởng Phạm vào lúc bác viết lá thư cho cha Tony. Vụ ly dị của bác với người vợ đầu tới tận năm 1978 mới chính thức hoàn tất - ba năm sau khi bác viết lá thư ấy. Và dù sau đó bác có sống với mẹ tôi, em tôi, và tôi sau khi chúng tôi chuyển đến Virginia, bác Edwards và mẹ tôi không hề kết hôn.

Anh họ tôi viết trong một email tới các luật sư của ICE rằng anh đã tuân theo “con đường hợp pháp để được quyền công dân,” và cũng đồng thời ca ngợi “tờ giấy dẫn tới tự do” này - một lá thư dối trá. Hành động xuyên tạc lịch sử gia đình của chính anh cho thấy rõ rệt tính đạo đức giả trong lời nói của anh và những khiếm khuyết của một hệ thống nhập cư sai lệch trầm trọng.

Bác Edwards qua đời năm 1988, nên bác đã không được chứng kiến con đường tới quyền lực của Tony trong chính quyền Trump. Sau khi cha mẹ tôi ly dị, bác đã lấp vào chỗ trống ấy và tôi luôn coi bác như một người cha. Bác đưa tôi đến nhà thờ vào Chủ Nhật, đọc truyện cổ tích cho tôi hàng đêm trước khi ngủ, và đón tôi về mỗi khi tôi phải ở lại trường muộn để tham gia hoạt động ngoại khoá. Bác giúp tôi ôn luyện cho giải vô địch đánh vần cấp tiểu học - tôi đã đoạt giải nhất, và bác cũng giúp tôi thực hiện một dự án cho lớp tên là Thế vận hội Trí não khi các bạn cùng nhóm tôi không xuất hiện. Quan trọng nhất, bác đã dạy tôi sự tử tế, tính khoan dung, và lòng trắc ẩn. Tôi vẫn chưa hoàn toàn được như kỳ vọng của bác, nhưng tôi đã nỗ lực nhiều.


Tôi biết ơn bác đã đánh cược công việc và thanh danh của mình vì gia đình tôi. Tôi ngưỡng mộ bác vì đã đặt tính mạng con người lên trên luật pháp cứng nhắc. Tôi hiểu tại sao bác lại thay đổi sự thật khi giúp cứu vớt họ hàng tôi. Sự dũng cảm của bác phơi bày những lời phản kháng rỗng tuếch của nhiều người di cư bảo thủ như anh tôi - họ cho rằng mình “đã làm đúng luật” khi tới Mỹ còn những người hiện đang tìm cách tị nạn tới đây là đáng xấu hổ và thấp kém.


Sâu thẳm trong lòng, tôi biết bác Edwards sẽ không đồng tình với sự đạo đức giả của anh họ tôi, và chắc chắn sẽ không đồng tình với những chiến thuật trục xuất hung hãn của anh. Bác Edwards là hiện thân của lòng thấu cảm và sự khoan dung trong từng hành động. Không đời nào bác sẽ ủng hộ những chính sách đang theo hướng đi vi phạm nhân quyền.

Anh họ và tôi chưa bao giờ nói chuyện về những vấn đề này. Tôi không nhớ lần cuối tôi gặp anh là khi nào. Năm năm trước, khi anh tranh cử cho văn phòng nhà nước tại Richmond, Virginia - quê hương chúng tôi - tôi đã từ chối tham dự chiến dịch gây quỹ của anh ở một vùng ngoại ô đông người Việt ở Washington, D.C., và tôi cũng quyết định không quyên góp tiền cho chiến dịch của một người có tam quan đối lập với tôi.

Sau khi biết về việc anh ấy được bổ nhiệm vào ICE, tôi đã gửi email cho anh hai lần, mong sẽ được trò chuyện. Tôi muốn hiểu tại sao quan điểm của chúng tôi lại trái ngược, mặc dù chúng tôi là anh em, cùng lớn lên tại một thành phố nhỏ ở miền Nam nước Mỹ, học cùng trường trung học và cả cao đẳng, và chúng tôi đã cùng tốt nghiệp chung một trường luật. Tôi rất muốn nghe cách anh ấy giải thích nghịch lý giữa quá khứ tị nạn của gia đình và cách anh đối xử với những người tị nạn đang tìm kiếm chỗ nương tựa.


Nhưng tôi chưa bao giờ nhận được câu trả lời từ anh.


Anh họ của tôi đến Hoa Kỳ cùng gia đình, nhờ vào một trung tâm quản lý người tị nạn ở Fort Chaffee, Arkansas, khi anh mới chập chững biết đi. Họ chuyển đến Richmond, Virginia, sau khi được Tổ chức từ thiện Công giáo Commonwealth tài trợ. Bố mẹ anh đã phải cố gắng học tiếng Anh và lam lũ làm nhiều việc để kiếm sống. Họ cuối cùng cũng mua được một căn nhà riêng trong một khu phố trung lưu yên ổn. Một cô con gái trở thành bác sĩ, và con trai của họ trở thành luật sư, và sau đó trở thành lãnh đạo chính quyền. Họ đã làm việc chăm chỉ và được đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực đó. Họ đã sống và đạt được Giấc mơ Mỹ.

Giống như anh họ của mình, tôi cũng không được sinh ra tại Mỹ, cũng không phải ở Việt Nam, mà là Philippines, nơi bố tôi làm việc vào thời điểm đó. Nhưng không giống như anh, bố tôi là công dân Mỹ - một người California tóc vàng, mắt xanh. Bố mẹ đã gặp nhau ở Việt Nam, nơi tôi được cấp quốc tịch Mỹ khi vừa mới sinh ra. Ngôn ngữ chính của tôi là tiếng Anh. Ngay cả khi mọi người hỏi tôi thực sự đến từ đâu, tôi luôn biết tôi là người Mỹ. Tôi luôn tự hào về điều đó, ngay cả khi bị miệt thị là “chink” và được yêu cầu “quay trở về nơi mày đến đi!”. Tôi biết anh họ tôi cũng đã nghe những lời nói ấy khi sống ở thành phố chúng tôi cùng lớn lên.


Nét mặt châu Á của tôi không giống với những khuôn mặt mà tôi thấy trên truyền hình Mỹ, cũng không giống với những người ở ngoại ô miền Nam nơi tôi lớn lên. Tôi từng nâng mí mắt và nâng sống mũi để trông giống người Mỹ hơn, nhưng không thành công. Nhưng ngoài diện mạo thì tôi không có gì khác giống người châu Á. Tôi nói tiếng Mỹ lưu loát. Phong cách ăn mặc thì thời thượng và trông giống những cô nàng lướt ván. Khi còn nhỏ, tôi đã dành thời gian rảnh để đọc Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, Những người phụ nữ nhỏ bé, và tất cả những gì do Judy Blume viết. Những buổi chiều xem phim Brady Bunch, Gilligan’s Island và “Afterschool Specials” đã dạy tôi trở thành một đứa trẻ người Mỹ. Tôi luôn cảm thấy mình là người Mỹ, ngay cả khi tôi bị dán nhãn châu Á và ngay cả khi tôi đấu tranh để chứng tỏ mình là người Mỹ.


Tuy nhiên, nhiều người nhìn vào khuôn mặt châu Á và nghĩ rằng tôi không phải là người Mỹ, rằng tôi là khách đến đất của họ và phải tuân theo các quy tắc khác nhau. Tôi đã cảm thấy mình phải tốt hơn mức trung bình để được coi là trung bình. Anh họ của tôi chắc chắn cũng chịu áp lực này khi phải chứng minh mình là một người nhập cư tốt và xứng đáng được sống ở đây.


Trên trang web của ICE, Tony trích dẫn một câu nói cùng với tiểu sử của mình: “Tôi mắc một khoản nợ phải trả cho quyền tự do và những cơ hội của mình”. Anh chọn trả nợ bằng cách cánh đóng cửa cơ hội của những người khác và trục xuất họ. Tôi tự hỏi liệu việc trục xuất những người nhập cư khác, ngay cả những người được luật pháp bảo vệ, có khiến anh cảm thấy mình giống người Mỹ hơn không. Khi anh làm cố vấn pháp lý tại ICE, trước khi trở thành giám đốc, 30 người gốc Việt nhập cư đã bị trục xuất, bất chấp thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về việc những người Việt nhập cư đã sống ở Hoa Kỳ trước tháng 7 năm 1995 sẽ không bị trục xuất. Dưới một cơ quan quản lý độc đoán trên đất nước của dân nhập cư, còn bao lâu thì đến lượt những công dân như gia đình anh bị trục xuất?


Bất chấp điều đó, Trump vẫn có được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người Mỹ gốc Việt bởi vì họ tin là ông sẽ đứng lên chống lại Trung Quốc và chủ nghĩa cộng sản. Tôi nghe được điều này từ những người anh em họ của mình. Tôi hiểu nguyên nhân, nhưng không thể thấu được vì sao những mối quan tâm xa xôi ấy có thể lấn át lòng trắc ẩn trong mỗi con người.

Giống như hầu hết người Mỹ, tôi không thực sự hiểu hết sự phức tạp của luật nhập cư Hoa Kỳ. Và cũng giống hệt họ, tôi có ý kiến riêng về luật nhập cư dựa trên những giá trị và lương tâm của mình: Tôi tin rằng nước Mỹ nên dành ít nguồn lực cho ICE, và tập trung nhiều hơn cho việc cải cách hệ thống nhập cư mà ai, dù theo mảng miếng chính trị nào, cũng đồng ý là đang rạn vỡ. Có những người không có giấy tờ tùy thân đã đóng thuế cho Hoa Kỳ nhiều năm, và những người có con sinh ra ở đây, đang sống trong nỗi sợ hãi bị trục xuất. Bên cạnh đó là những người nhập cư đang xếp hàng đợi nhiều thập kỷ để được cấp thẻ xanh, rồi những người tị nạn tìm kiếm nơi trú ẩn nhưng lại đối mặt với nguy cơ bị từ chối. Tôi thắc mắc liệu chúng ta có nhớ rằng nước Mỹ được xây dựng bởi những người nhập cư và phát triển tột bậc nhờ sức mạnh kinh tế và nền văn hóa đa dạng hay không.


Tôi nhận ra việc trục xuất không quá mới, và Obama đã được những người làm việc trong lĩnh vực này gọi là “Tổng tư lệnh trục xuất’. Hệ thống này lẽ ra nên được sửa chữa từ lâu trước khi Trump nhậm chức tổng thống. Tuy nhiên, chính ông đã làm tê liệt nó đến vô chừng. Ví dụ, chính quyền của Trump đã cố tình quản lý sai sót USCIS, kết quả là 300,000 người nhập cư không được nhập quốc tịch kịp thời để bỏ phiếu, trong đó bao gồm cả những người tị nạn. Chính quyền cũng tách trẻ em khỏi bố mẹ chúng như một biện pháp ngăn chặn và giờ không thể xác định bố mẹ của 545 đứa trẻ đó. Và chính quyền bằng mọi cách tiếp tục chấm dứt DACA cho 1,3 triệu người, bất chấp việc phần lớn người Mỹ ủng hộ con đường trở thành công dân Hoa Kỳ của những người này.


Tôi hy vọng anh họ mình sẽ làm việc với chút lòng trắc ẩn. Vào đầu nhiệm kỳ, anh đã nói “Tôi mong được tin cậy khi nói rằng, kinh nghiệm [từng là người tị nạn] sẽ giúp tôi đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến hướng đi của cơ quan này một cách chu đáo và đem lại ý nghĩa.”

Tôi hiện tại không còn cảm thấy rằng phải chứng minh mình là một người Mỹ tốt. Tôi đơn giản là một người Mỹ. Tôi không coi thường cơ hội và quyền lợi mà mình may mắn có khi được sinh ra, bao gồm cả quyền chỉ trích chính phủ và lập trường chống lại sự bất công. Đó là lý do tôi đã cam kết chống lại những bất công mà ICE và hệ thống nhập cư của Mỹ đã gây ra. Và cũng là lý do tôi rất khó chịu khi chứng kiến người anh họ của mình tiếp tục gây ra những bất công đó.


Nhưng tôi ước rằng anh ấy sẽ nói chuyện với mình về quá khứ của gia đình - và quá khứ của chính anh. Tôi nguyện hết lòng chung tay giải quyết những vấn đề trên đất nước chúng ta cùng với tất cả những người con đất Mỹ với nhiều góc nhìn chính trị. Điều này bao gồm cả anh họ của tôi, Tony. Một nền dân chủ lành mạnh phụ thuộc vào sự mở mang đón nhận và tôn trọng tranh luận giữa những người dân có quan điểm đối lập như anh và tôi. Khi đối mặt với những khác biệt, thay vì che giấu bản sắc chính trị của mình, chúng ta cần tiến gần nhau hơn để chạm đến ước mơ tạo ra một nước Mỹ mà tất cả chúng ta đều mong muốn: một nơi bình đẳng, dân chủ, và tự do cho tất cả mọi người.


Người dịch: Ren Dinh, May

Biên tập: K.Tran

Comentarios


bottom of page