top of page

Tranh luận của tác giả quyển ‘Biện minh Hành động Trộm cướp’ trong cuộc biểu tình

Translated from NPR’s article One Author's Argument 'In Defense Of Looting'


Natalie Escobar, ngày 27 tháng 8 năm 2020

Cờ Mỹ treo rải rác khắp các kệ bị cướp phá trong một cửa hàng gia dụng trong thời kỳ bất ổn trên toàn quốc sau cái chết của George Floyd vào ngày 31 tháng 5 năm 2020 tại Philadelphia, Pennsylvania. Mark Makela/Getty Images


Trong những tháng biểu tình cho Mạng sống của người Da Đen vừa qua, đã có rất nhiều tai tiếng về nạn trộm cướp. Thống đốc tiểu bang New York Andrew Cuomo nói rằng việc ăn cắp ví và giày thể thao từ các cửa hàng cao cấp ở Manhattan là "không thể bào chữa được". Thị trưởng thành phố St. Paul, ông Melvin Carter, cũng nói rằng những kẻ trộm cướp "[đang] phá hoại cộng đồng của chúng tôi". Các sĩ quan cảnh sát, các quan chức chính phủ, cũng như các chuyên gia đều than phiền về thiệt hại tài sản và yêu cầu chấm dứt bạo loạn. Chỉ trong tuần này, sau vụ cảnh sát bắn chết Jacob Blake, những người bạo loạn đã đốt các tòa nhà và cướp phá các cửa hàng ở thành phố Kenosha, Wisconsin. Thượng nghị sĩ Ron Johnson của tiểu bang Wisconsin đã phát biểu: "Biểu tình ôn hòa là một hình thức tự do ngôn luận được bảo vệ theo hiến pháp. Sự bạo loạn thì không."


Cuốn sách Biện minh Hành động Trộm cướp (In Defense of Looting) của nhà văn Vicky Osterweil đã được xuất hành vào Thứ Ba mới đây. Khi cô viết xong cuốn sách vào tháng Tư năm nay, cô ghi (như một lời tiên đoán) rằng “một nguồn lực kháng chiến mới đang được xây dựng trên toàn quốc.” Giờ đây, khi các cuộc biểu tình và bạo loạn tiếp tục xảy ra trên các thành phố, cô cho rằng việc cướp bóc là một công cụ mạnh mẽ để mang lại thay đổi thực sự và lâu dài trong xã hội. Cô nói, những người bạo loạn đập phá cửa sổ và lấy đồ từ các cửa hàng đang tham gia một chiến thuật mạnh mẽ nhằm đặt câu hỏi về sự công bằng của "luật pháp và trật tự", cũng như việc phân phối tài sản và của cải trong một xã hội bất bình đẳng.


Tôi đã phỏng vấn cô Osterweil về các cuộc náo loạn trong hè này. Chúng tôi thảo luận về các ý kiến chính liên quan đến việc trộm cướp và lý do vì sao cách dùng từ “không bạo động” (ôn hòa) có thể là một thuật ngữ sai lệch. Cuộc trò chuyện của chúng tôi đã được biên tập và tóm gọn để dễ hiểu hơn.


Cho những người chưa đọc sách của cô, cô có thể cho biết cách cô định nghĩa sự trộm cướp không?

Khi tôi sử dụng từ looting (tạm dịch là “trộm cướp”), ý của tôi là sự chiếm đoạt tài sản và ăn cắp đồ tiêu dùng hàng loạt trong một thời điểm biến động hoặc bạo loạn. Đó cũng là điều tôi đang biện minh. Tôi không biện minh cho bất kỳ tình huống nào mà tài sản bị đánh cắp bởi vũ lực. Sự trộm cướp không phải vì lợi ích cá nhân như cướp vặt ở nhà dân. Tôi đang nói cụ thể về một loại hành động xảy ra trong các cuộc biểu tình và cuộc bạo loạn.


Trộm cướp, hay looting, là một thuật ngữ mang tính phân biệt chủng tộc rất cao ngay từ khi mới được thành lập trong Anh ngữ. Chữ này có gốc từ chữ “lút” của tiếng Ấn (Hindi), có nghĩa là "hàng hóa" hoặc "chiến lợi phẩm", và nó đã xuất hiện trong sổ tay [về "Từ vựng Ấn Độ"] của một sĩ quan thuộc địa người Anh vào thế kỷ 19.


Trong các cuộc nổi dậy vào mùa hè vừa qua, sự bạo loạn và trộm cướp thường song hành với nhau. Cô có thể nói về sự khác biệt giữa hai việc này không?

“Bạo loạn,” hay rioting, thường nói đến bất kỳ thời điểm bất ổn hoặc biến động lớn nào. Một số đông đã tạo ra một tình huống mà các luật xã hội thông thường không còn hiệu lực nữa và ai cũng có thể làm gì họ muốn trên đường phố và ở nơi công cộng. Tôi nghĩ sự bạo loạn là một phạm vi lớn hơn, bao gồm sự trộm cướp là một chiến thuật.


Thông thường, sự trộm cướp xảy ra nhiều hơn trong các phong trào từ tầng lớp hạ lưu . Mục đích chính của chiến thuật này sau khi tấn công vào một trung tâm thương mại, một không gian công cộng, có thể là một tòa nhà chính phủ là để lấy đi những thứ thường được thương mại hóa rồi kiểm soát và chia sẻ chúng miễn phí.


Cô có thể nói thêm về việc trộm cướp là một chiến thuật? Vì sao mọi người lại triển khai việc này như là một chiến lược?

Trộm cướp giúp mọi người nhận được những thứ họ cần ngay lập tức. Như vậy, họ có khả năng sống và tái tạo cuộc sống của mình mà không cần phải phụ thuộc vào công việc hoặc tiền lương. Đây là hai điều không được bảo đảm trong thời kỳ COVID, đặc biệt ở những cộng đồng với nguy cơ rủi ro cao. Đó là sức mạnh chiến thuật cơ bản nhất của sự trộm cướp trong hành động chính trị.


Việc trộm cướp thách thức hệ thống phân phối tài nguyên và ý tưởng tư bản. Nó lên án sự bất công trong xã hội khi con người phải làm tôi tớ cho kẻ giàu chỉ để mưu sinh. Vì vậy, bạn đi vào trung tâm của mối quan hệ tài sản đó, và chứng minh rằng không có cảnh sát và không có sự áp bức của chính phủ, chúng ta có thể có mọi thứ miễn phí. Để chứng minh rằng mọi người dân có thể sống tốt hơn khi không có chính phủ và cơ quan hành luật bảo vệ giới thượng lưu, chúng ta phải chỉ trích hệ thống tư bản.


Quan trọng hơn cả, tôi nghĩ rằng trong bối cảnh đặc biệt như việc người Da Đen nổi dậy hiện nay, điều này lên án lịch sử của người Da Trắng và những đặc quyền tối cao của họ. Từ thời điểm sơ khai, Hoa Kỳ tạo lập tài sản từ người Da Trắng áp bức người Da Đen, qua việc dùng nô lệ và đô hộ những đất nước khác. Trộm cướp ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản của những người Da Trắng và cả cảnh sát, phê phán mối quan hệ mật thiết giữa tài sản, người Da Trắng, và cơ quan hành luật. Khi con người bị đàn áp nổi dậy, họ có một cảm giác tự do và niềm vui để giúp bản thân hình dung thế giới này có thể trở nên như thế nào khi họ không còn bị áp bức bóc lột nữa. Tôi nghĩ không nhiều người nghĩ đến bạo động và trộm cướp như một trải nghiệm của niềm vui và tự do.


Xin cô cho biết một số thuyết và điều hiểu lầm mà cô đã nghe về trộm cướp.

Donald Trump và cả Đảng Dân chủ đã lạm dụng một hiểu lầm lớn có tác động mạnh đến quần chúng, đó là yếu tố kích động từ bên ngoài, cho rằng bạo động không có nguyên nhân từ chính họ, mà đổ lỗi cho người ngoài.


Điều này quá kinh điển. Truy ngược về chế độ nô lệ, nơi những chủ đồn điền tuyên bố rằng Freedmen và Yankees đổ xuống miền Nam và nhồi vào trí óc những người nô lệ ý tưởng điên rồ - rằng họ là người bằng xương bằng thịt - và đó là lý do họ nổi dậy.


Một thuyết phổ biến khác cho rằng những kẻ trộm không phải là một phần của những cuộc biểu tình và không theo phong trào. Trong lịch sử biểu tình, các phong trào thường muốn bảo vệ hình ảnh đáng kính của mình về mặt chính trị để không ra vẻ đáng sợ hay nguy hại.


Một thuyết khác cho rằng những kẻ cướp phá cũng chỉ là người tiêu dùng: Tại sao lại cuỗm mất chiếc TV màn hình phẳng mà không phải là gạo và đậu? Nếu như vì mục đích sinh tồn, tại sao lại lấy rượu?


Tất cả những thuyết trên đều đinh ninh rằng những người biểu tình đang không biết mình đang làm gì. Bạn biết đấy, họ tỏ ra hỗn loạn và vô tổ chức, thậm chí là hành động có phần “thú tính”. Nhưng lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng ở Mỹ thực sự đầy ắp những kẻ trộm cướp và phá hoại. Họ đã luôn là một phần của bước tiến.


Trong cuốn sách của mình, cô có chú thích rằng rất nhiều người coi bản thân họ cấp tiến lại chỉ trích việc cướp bóc. Tại sao điều này lại phổ biến như thế?

Tôi nghĩ phần lớn cách nghĩ này là từ những làn sóng dân quyền. Mọi người hay cho rằng những phong trào dân quyền này thường chỉ thành công khi chúng phi bạo lực và không tập trung vào tiếng nói của cộng đồng Da Đen. Thuyết hoang đường này đã được dạy đi dạy lại từ những phong trào đầu tiên về bước tiến dân quyền: phải phi bạo lực, chấm hết. Điều đó chẳng đúng chút nào.


Phong trào phi bạo lực hình thành và phát triển ở những năm 50 và 60 trong thời kỳ bước tiến dân quyền để tiếp cận đến những người miền Bắc dân chủ. Chúng tỏ ra có hiệu quả chỉ bởi những người tự do miền Bắc có thể tự cao và chối bỏ trách nhiệm, vì phân biệt chủng tộc gắn liền với miền Nam. Cách nghĩ này cũng được dùng trong bối cảnh Chiến tranh lạnh và các cuộc nổi dậy chống thực dân đô hộ tại hàng loạt châu lục như Châu Phi, Đông Nam Á, và Mỹ Latin. Đột nhiên, những quốc gia mới này đều giành được độc lập từ tay những đế quốc Âu châu, và người Mỹ phải lao vào cuộc chiến với Liên bang Xô Viết để tranh giành quyền lực. Thật ra, Hoa Kỳ cần phải loại bỏ chế độ Jim Crow, phân biệt chủng tộc và phát xít. Chỉ có thế, Hoa Kỳ mới có tư cách mời gọi những người Da Đen và Da Nâu trên toàn thế giới và giữ vị trí quyền lực toàn cầu.


Hai yếu tố trên kết hợp lại khiến cho sự phi bạo lực trở thành một chiến lược hiệu quả. Ngay cả dưới những điều kiện đó, những người yêu tự do cùng các sinh viên biểu tình thường được bảo vệ bởi lính gác vũ trang. Tôi vẫn còn nhớ biến cố Birmingham năm 63, với bức ảnh nổi tiếng về Bull Connor thả chó nghiệp vụ và phun vòi cứu hỏa về phía các thanh thiếu niên, như một hình thức phi bạo lực. Nhưng thực chất nó lại châm ngòi cho cuộc bạo động đô thị đầu tiên. Thanh thiếu niên vùng lên, ném đá và đập phá xe cảnh sát và cửa sổ của một số cửa hàng trong trận ẩu đả. Nỗi sợ về làn sóng cướp bóc lan rộng bắt đầu nhen nhóm. Điều đó tạo áp lực buộc Robert F. Kennedy phải ký Dự luật Dân quyền và buộc John F. Kennedy phải thông qua.


Một yếu tố quan trọng chính là sự kỳ thị cộng đồng Da Đen và sự khinh miệt người nghèo. Trộm cướp có thể cứu vớt cho họ ngay lập tức dù điều đó khiến người ta hoảng sợ. Xét cho cùng, trong bối cảnh phạm tội tiềm ẩn chống lại liên bang, về cơ bản điều đó là phi bạo lực. Bạn đang trộm cắp quy mô lớn. Hầu hết các cửa hàng đều có bảo hiểm; điều này sẽ chỉ làm những công ty bảo hiểm đó thất thoát chút đỉnh, chẳng thực sự hại ai cả.


Một lập luận tôi thường nghe thấy gần đây là những kẻ trộm cướp ở các thành phố như Minneapolis thực chất đang làm hại đến chính cộng đồng của mình bằng cách phá hoại các cửa hàng kinh doanh nhỏ của chính hàng xóm láng giềng, người nhập cư và da màu. Cô có ý kiến gì về điều trên?

Những người đưa ra lập luận trên về trường hợp của Minneapolis không đột nhiên ăn mừng cho những kẻ lái xe xuống khu phố giàu có nhất Chicago, Magnificent Mile và đột nhập vào những nơi như Tesla và Gucci. Đó không phải là trọng tâm vấn đề. Đây chỉ là một cách đặt bản thân vào vị trí như thể bạn đang đồng cảm.


Tuy nhiên, những người trộm cướp và bạo động không tấn công tư gia. Họ cũng không tấn công các trung tâm công cộng. Ở Minneapolis, có những nhà sách nhỏ độc lập không hề hấn gì. Tất cả những dãy gần đó gần như đều bị cướp sạch hoặc thậm chí là thiêu rụi. Những cửa hàng nhỏ vẫn bình yên vô sự sau hàng tuần biểu tình.


Việc nói rằng bạn đang tấn công chính cộng đồng của mình cũng tương đương như nói với những người biểu tình rằng bạn chẳng biết mình đang làm cái quái gì cả. Nhưng tôi không đồng ý. Tôi nghĩ họ biết chứ. Họ có thể đã từng vào mua sắm và bị theo sau bởi chủ tiệm hoặc bảo vệ. Bạn biết đấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc bạo động ở L.A là một chủ tiệm người Hàn đã giết đứa trẻ 15 tuổi Latasha Harlins, người đến đó chỉ để mua nước cam. Và đó là cửa hàng sở hữu của gia đình, của một người nhập cư, ở nơi mà sự chống lại người Da Đen và bạo lực liên quan đến Da Trắng cực đoan đang diễn ra.


Cô sẽ nói gì đến những người đang lo lắng cho những nơi thiết yếu như cửa hàng nhu yếu phẩm hay nhà thuốc trong các cộng đồng bị tấn công?

Khi nhắc đến những tiệm nhỏ, thuộc sở hữu gia đình hoặc của người dân địa phương, họ thường không có các biện pháp bảo vệ người làm của mình. Họ cũng không hơn những công ty lớn là bao trong khoản cung cấp những mặt hàng tốt cho cộng đồng. Đó thực sự là một thuyết của Đảng Cộng hòa suốt 20 năm qua, đi vào diễn ngôn cánh tả: rằng những doanh nghiệp nhỏ như vậy nên được tôn trọng, và rằng chúng đã tạo ra việc làm và là một phần của cộng đồng. Nhưng, sự thật thì đó lại là một thuyết cánh hữu.


Một doanh nghiệp bị tấn công cũng tương đương như tấn công một dạng áp bức tồn tại trong cộng đồng. Trong lịch sử, đúng là có những doanh nghiệp từ chối mở cửa hay hoạt động trở lại. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của sự bất công trong xã hội, nơi người dân sống ở nơi mà chỉ có duy nhất một nơi cung cấp cho họ những thứ thiết yếu [như đồ ăn hay thuốc men]. Câu hỏi giả định: chuyện gì xảy ra nếu bạn thiếu lương thực? Nhưng chỉ riêng viễn cảnh đó cũng đã là quá hoang đường. Xu hướng này đang cố để đổ lỗi cho những người đang vùng lên, vì đã để lộ ra những thiếu thốn và bất công đã được hình thành trước đó.


Tôi đã nghe rất nhiều về những kẻ Da Trắng vô chính phủ không thuộc về phong trào nhưng cũng tham gia vào việc đập phá cửa sổ cửa hàng và gây náo loạn.

Đây là một trò lừa bịp kinh điển, bởi nó phá hủy hoàn toàn khả năng có người sẽ đồng cảm với những người cướp bóc. Có lý do để cho Trump hết mình ủng hộ “người Da Trắng theo chủ nghĩa vô chính phủ.” Nó như một mũi tên trúng hai đích vậy: nó tạo ra một hình mẫu hung tàn để khuấy động nỗi sợ hãi cũng như sự đàn áp tiềm tàng, cùng lúc đó là xóa đi dấu vết những người Da Đen ở trung tâm cuộc biểu tình. Điều đó khiến cho những người Da Đen đứng lên và khởi xướng phong trào, những người ở trung tâm, những người đang làm những công việc quan trọng nhất, giá trị nhất và cũng nguy hiểm nhất, trở nên vô hình.


Có một điều mà cô rất cẩn trọng khi nhắc đến trong cuốn sách của mình chính là vũ lực ở các cuộc nổi dậy. Cô phân biệt rất rõ giữa bạo lực hướng đến tài sản, như là đập vỡ cửa sổ hay lấy cắp thứ gì đó, đối lập với bạo lực với con người. Và tôi tự hỏi nếu như cô có thể tiết lộ thêm vì sao việc phân biệt hai khái niệm đó lại quan trọng với cô như vậy.

Hiển nhiên, chúng ta ở một mức độ nào đó đều phản đối bạo lực. Nhưng nó thực sự là một lĩnh vực rất lớn. Như bạn đã chỉ ra, nó có thể là đập vỡ cửa sổ, đốt cháy thùng rác, hoặc cũng có thể là cảnh sát đã giết chết Tamir Rice. Cụm từ đó không thực sự có ích nhiều bởi nó có thể là một trong hai trường hợp trên, nhưng chẳng thể định hướng tôi về mặt đạo đức.


Trên thực tế, có hẳn một chiến lược của cảnh sát cho việc này gọi là điều hành có kiểm soát (controlled management). Cảnh sát nói: “Chúng tôi ủng hộ những người biểu tình ôn hòa. Chúng tôi sẽ bảo vệ họ khỏi những hiểm họa ngoài kia và từ những kẻ bạo lực.”


Đó chính là chính sách chia rẽ phong trào. Khi một người biểu tình ôn hòa sẽ báo cho cảnh sát biết lộ trình tuần hành của mình, các sĩ quan sẽ điều tiết giao thông cho họ. Và thế là bạn có hàng tá người được trang bị vũ trang đứng ở đó nhìn bạn đi qua. Điều đó không làm cho tôi cảm thấy an toàn. Điều đó là phi bạo lực? Những nhà hoạt động, bản thân họ không làm gì, nhưng vẫn có quá nhiều mối nguy bạo lực tiềm tàng xung quanh họ.


Nói cho cùng, phi bạo lực có nghĩa là những nhà hoạt động không làm những gì khiến họ cảm thấy là bạo lực. Và tôi nghĩ đoạt lấy tự do còn phức tạp hơn thế. Chúng ta phải chấp nhận làm những thứ mình sợ, những thứ ta sẽ không làm trong bối cảnh thường nhật, “bình yên”, bởi chúng ta cần phải có tự do.


Dịch thuật: Que Do, Duong Nguyen

Biên tập: Khanh Le

Kommentit


bottom of page