top of page

Trung Quốc thấy được cơ hội tuyên truyền hiệu quả từ những cuộc biểu tình cho George Floyd

Updated: Jun 13, 2020

John Ruwitch, ngày 3 tháng 6, 2020



Tuần trước, cảnh sát chống bạo động đã giải tỏa các nhóm truyền thông tập trung tại Hong Kong trước cuộc tranh luận về dự luật hình sự hóa việc lạm dụng quốc ca Trung Quốc. Trung Quốc cáo buộc Mỹ dùng “tiêu chuẩn kép” [“double standards”] khi Mỹ ủng hộ các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hồng Kông và chỉ trích tình trạng [vi phạm] nhân quyền của Bắc Kinh.|Ảnh của Vincent Yu/AP


Các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ sau cái chết của George Floyd đã tạo ra một cơ hội không ngờ cho Trung Quốc.


Đài truyền hình nhà nước [Trung Quốc] đã phát sóng những hình ảnh về những cảnh phản kháng hỗn loạn trong chương trình tin tức buổi tối được theo dõi rộng rãi và đưa ra lời chỉ trích gay gắt, làm nổi bật cách chính phủ Mỹ đối phó với đại dịch COVID-19. “Các chính trị gia Mỹ phải tự hỏi mình", một phát thanh viên nói, "Dựa vào đâu mà họ cứ ra rả những điều đạo đức giả vô nghĩa đó? Chẳng phải họ nên xin sự tha thứ từ người dân sao?”


Báo chí Trung Quốc đưa tin về cướp bóc và bạo loạn, và các bài xã luận đã chỉ trích gay gắt chính phủ Mỹ vì đã không giải quyết được bất bình đẳng chủng tộc ở Mỹ. Trên mạng xã hội, các quan chức và các nhà tuyên truyền trêu chọc nỗi đau này.


“Tôi nghĩ rằng bộ máy tuyên truyền của Cộng sản Trung Quốc rất khoan khoái khi thấy một số thành phố ở Hoa Kỳ đang cháy. Trước đó, bộ máy này đã chịu đựng và bị sỉ nhục khi thấy Hong Kong trong tình cảnh hỗn loạn,” nhận xét của Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc, thuộc Hiệp Hội Châu Á [Asia Society’s Center for U.S.-China Relations].


Các nhà phân tích nhận định rằng đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn đánh lạc hướng những chỉ trích về tình trạng vi phạm nhân quyền của Trung Quốc và vẽ ra bức tranh nước Mỹ trong sự xáo trộn để làm Trung Quốc có vẻ tốt đẹp hơn.


Cũng nằm trong tầm ngắm của các quan chức Trung Quốc là sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hồng Kông, vốn ở quy mô rất lớn và đôi khi kèm theo bạo lực.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói trong một cuộc họp báo tuần này rằng Mỹ rất hay sử dụng “tiêu chuẩn kép”.


“Nhiều người có thể muốn hỏi câu này: Tại sao Mỹ gọi những kẻ bạo loạn mặc đồ đen và đòi “độc lập cho Hồng Kông” là “anh hùng” và “chiến binh” nhưng lại gán cho những người Mỹ biểu tình chống phân biệt chủng tộc là “côn đồ”? Ông nói. “Tại sao Mỹ lại không chấp nhận cách thực thi luật pháp ôn hòa và văn minh của cảnh sát Hồng Kông nhưng lại dễ dàng dọa bắn và huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia chống lại chính những người biểu tình trong nước?”


Vấn đề sử dụng lực lượng quân sự để dập tắt các cuộc biểu tình có ý nghĩa đặc biệt trong tuần này, khi những người chỉ trích Đảng Cộng sản [Trung Quốc] tổ chức kỷ niệm 31 năm sự kiện đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Sau sự kiện này, Hoa Kỳ áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt lâu dài đối với Trung Quốc.


Bắc Kinh từ lâu đã phản đối sự chỉ trích của Mỹ về tình trạng [vi phạm] nhân quyền của mình, cho đây là vấn đề nội bộ. Khi các mối quan hệ giữa hai nước trở nên tồi tệ gần đây, Bắc Kinh đã trở nên táo bạo hơn, các nhà phân tích chính trị và truyền thông nhận xét.


Aynne Kokas, Uỷ viên Kluge tại Thư viện Quốc hội, chuyên về truyền thông Trung Quốc, nói rằng việc truyền thông mô tả nước Mỹ trong tình trạng hỗn loạn có tác động đáng kể ở Trung Quốc.


"Ở trong nước, đó là một chiến thuật cực kỳ hiệu quả," bà nói. "Đối với người bình thường đọc một tờ báo hoặc theo dõi truyền thông nhà nước, điều này [tình trạng hỗn loạn ở Mỹ] sẽ định hình cách họ nhìn mọi thứ." Chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ tin tức và thông điệp trên các phương tiện truyền thông, và tin tức nước ngoài thường xuyên bị kiểm duyệt và cắt xén bởi một hệ thống bộ lọc internet chặn nhiều trang web bên ngoài [Trung Quốc].


Và Schell nói rằng các vấn đề của Mỹ có thể giúp Trung Quốc có lợi thế hơn khi cạnh tranh giữa hai bên gia tăng.


“Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ khó có thể đưa mình ra làm hình mẫu chuẩn mực khi Mỹ không chỉ không kiểm soát được cơn đại dịch đang bùng nổ mà các thành phố ở Mỹ còn đang bị cháy với các cuộc bạo loạn chủng tộc. Do vậy tôi nghĩ đây là chiến thắng ròng cho Trung Quốc”, ông nói.


Với nền kinh tế suy yếu nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, Đảng Cộng sản đang dựa nhiều hơn vào chủ nghĩa dân tộc để tăng cường hình ảnh với người dân trong nước, theo Xiao Qiang, thuộc Trường Thông tin tại Đại học California Berkeley.


"Ngay tại thời điểm này, họ rất cần sự ủng hộ chính phủ dựa trên tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc," ông nói. "Lúc này, chính phủ Trung Quốc đặc biệt cần cách tuyên truyền này có hiệu quả trong công chúng Trung Quốc."


Mặc dù vậy, một số nỗ lực của Trung Quốc trong việc ghi điểm không phải lúc nào cũng thành công.


Vào thứ bảy, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus đã tweet kêu gọi "những người yêu tự do" yêu cầu Đảng Cộng sản giải thích kế hoạch áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông.


Người đồng cấp của bà tại Trung Quốc, người đứng đầu Cục thông tin Bộ Ngoại giao Hua Chunying, đã tweet lại, "Tôi không thể thở được" - những lời cuối cùng của George Floyd dưới đầu gối của một viên cảnh sát.


Xiao cho biết, các cơ quan truyền thông [Trung Quốc] đã lên mạng xã hội hả hê với sự bẻ lại của Hua. Nhưng một số người đã phản hồi: "Tôi không thể tweet."


“Bức Tường Lửa” vĩ đại của Trung Quốc chặn Twitter và nhiều trang web nước ngoài khác, ông nói.


Tuy nhiên, các nhà tuyên truyền Trung Quốc đã không bỏ lỡ một nhịp. Họ chỉ cần đơn giản xóa đi những lời chỉ trích.


Translation by Nhan Nguyen

コメント


bottom of page