top of page

Từ nạn nhân tội phạm tới chính trị gia, lỗi định danh người Á: lịch sử phân biệt chủng tộc tại Mỹ

By Angela Yang, on 01-03-2022, 00:00:00

“Tôi nghĩ mọi người hiểu sai thuật ngữ ‘kì thị vô ý’ theo nhiều cách khác nhau, chúng là những hành vi nhỏ nhặt, nhưng đồng nghĩa với việc những tác động chúng gây ra cũng nhỏ ," một người từng bị nhầm lẫn với những nhân vật khác hoạt động trong cùng lĩnh vực. Một người biểu tình la ó Beth Huang, một nhà vận động cho quyền bầu cử tại Massachusetts khi nhầm lẫn bà với thị trưởng Boston, Michelle Wu. Đây là lần thứ ba hoặc thứ tư bà Huang bị nhận nhầm với bà Wu, thị trưởng da màu đầu tiên của bang. “Mọi người nhận nhầm tôi và rất nhiều phụ nữ người Á khác với Michelle Wu,” bà Huang, lãnh đạo điều hành của Massachusetts Voter Table chia sẻ. “Họ hết lần này tới lần khác nhận nhầm những đại biểu người Việt Nam hay Hàn Quốc với Michelle Wu. Họ chắc phải nghĩ rằng Michelle Wu xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi quá.” Đối với Huang và những người Mỹ gốc Á khác trong cả nước, những sự cố kiểu như thế này là chuyện cơm bữa, và chẳng ai thèm chú ý tới. Theo bà, sự kiện lần này được các báo tập trung đưa tin là bởi nó xuất hiện công khai ngay trước một cuộc họp báo. Vào tháng trước chương trình "“ABC World News Tonight” nhận danh nhầm nhà hoạt động cộng đồng của thành phố New York, Grace Lee với Michelle Go, một phụ nữ người Mỹ gốc Á, người bị đẩy xuống đường ray tàu điện ngầm hồi tháng 1, trong một bản tin nói về buổi thắp nến tưởng niệm Christina Yuna Lee, một phụ nữ người Mỹ gốc Á khác vừa bị sát hại trong chính căn hộ của mình. Người phát ngôn của đài ABC cho biết đài đã ngay lập tức nhận lỗi và sửa sai trước khi tin này được phát sóng ở trên các nền tảng khác. Trong một tuyên bố gửi tới Asian American Journalists Association, họ nói sự nhầm lẫn này là “một sự cố kỹ thuật chứ không phải do thiếu nhận nhạy cảm.” Trong bản tin về giải Super Bowl năm nay, đài NBC cũng nhầm ca sĩ nhạc đồng quê Mickey Guyton với ca sĩ nhạc R&B Jhené Aiko trong một buổi biểu diễn trước trận đấu. NBC Sports đã công khai xin lỗi trên Twitter và không phản hồi yêu cầu bình luận. NBCUniversal là công ty mẹ của NBC News, NBC Asian America và NBC Sports. “Bất cứ khi nào sự việc như thế này xảy ra thì đều là vô ý. Hoặc tôi cứ cho là vô ý,” bà Huang chia về những lần bị nhận nhầm của mình. “Tuy vậy nhưng việc này khiến tôi nghĩ rằng chúng tôi thường không được công nhận xứng đáng như những nhà lãnh đạo độc lập.” Những lỗi đơn giản như vậy thường xuyên xảy ra mà không có ác ý, các chuyên gia nhận định. Tuy nhiên người Mỹ gốc Á cũng không xa lạ gì với quá khứ phân biệt chủng tộc thảm thương ở Mỹ, thứ đã liên tục tước bỏ danh tính của nhiều người, và nhiều người bắt đầu nhận thấy sự một sự thiếu hiểu biết nhất định khiến những lỗi như vậy xảy ra thường xuyên ngày nay. Mặc dù cộng đồng người gốc Á đã đặt chân lên đất Mỹ từ những năm 1800s, sự thù nghịch của nhóm dân chiếm đa số đã buộc họ và những nhóm thiểu số khác dựng nên những ốc đảo văn hoá như Chinatown. Pháp luật hồi nửa sau thế kỷ 19, ví dụ như Đạo luật Page và Đạo luật phân biệt với người Trung Quốc, tiếp tục gom hết những người gốc Hoa vào thành một dạng duy nhất. Người nhập cư gốc Á ban đầu được xem như một nguồn lao động rẻ mạt và dễ dàng thay thế. Khi nhiều người nhập cư hơn đến Mỹ, thì những bức biếm hoạ về “Yellow Peril” mô tả họ như mối hoạ đối với phương Tây. Việc không phân biệt được những gốc gác khác nhau của người gốc Á càng trở nên rõ rệt hơn khi Mỹ tham gia chiến tranh với những nước châu Á. Từ việc bắt giam người Mỹ gốc Nhật mà không qua xét xử trong thế chiến thứ II cho đến việc trộn lẫn những sắc dân gốc Á khác nhau trong thời kì chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam, các chuyên gia nói rằng những xung đột này dẫn tới việc đồng nhất người Mỹ gốc Á. Scott Wong, giáo sư giảng dạy lịch sử người Mỹ gốc Á tại Đại học Williams, cho biết: “Người Mỹ có thể phân biệt Đức Quốc xã với người Đức, trong khi nhiều người Mỹ không thể phân biệt Việt Cộng với người Việt Nam nói chung. "Hoặc họ không thể phân biệt được binh lính Nhật và người Mỹ gốc Nhật. Trong khi những sự việc như vậy có thể được quy cho hiệu ứng chủng tộc chéo- vốn là khái niệm chỉ việc con người ta dễ nhận dạng những người cùng chủng tộc với mình hơn – Wong cho rằng điều khiến cho hiệu ứng này ảnh hưởng nhiều hơn tới cộng đồng người Mỹ gốc Á bắt nguồn từ sự ngoại lai hoá xuyên suốt trong lịch sử Hoa Kỳ. “Rất nhiều người Mỹ, cả đời chẳng bao giờ thấy một người gốc Á,” Wong nói. “Tôi nêu ra điều này không phải để biện minh vì có rất nhiều người gốc Á trên nước Mỹ, nhưng là để chỉ ra rằng đây là hệ quả của nạn phân biệt chủng tộc diễn ra từ lâu.” Wong cho biết: "Mọi người giờ đây có lẽ ít nhận thức được toàn bộ ngữ cảnh ấy mỗi khi họ nhầm người gốc Á này với một người Á khác. Tuy họ không có ác ý gì nhưng đó lại là thành phẩm từ thói thờ ơ của người Mỹ trong việc học cách phân biệt giữa các công dân gốc Á và các cộng đồng khác nhau. Kể từ khi nhà hoạt động dân quyền Mia Ives-Rublee nhận được sự chú ý trên phạm vi toàn quốc nhờ các hoạt động đòi công lý cho người khuyết tật, cô bắt đầu nhận thấy tên cô được 'tag' vào những khuôn mặt của một trong số những phụ nữ Mỹ gốc Á khác trong cùng lĩnh vực trên mạng xã hội. Và ngược lại, cô cho biết điều tương tự cũng xảy ra đối với họ. Những sự cố lầm lẫn như vậy xảy ra quá đổi thường xuyên đến nỗi mỗi lần ai đó mời Ives-Rublee tới phát biểu, cô không chắc liệu họ đã liên hệ đúng người hay không. Cô nói nhiều trường hợp lầm lẫn cứ liên tục tiếp diễn khiến bản thân cô cảm thấy mình giống như một kẻ lừa đảo. Cô nói: “Một trải nghiệm thật sự khó chịu, đặc biệt là khi bạn nhận được sự công nhận và đạt được cột mốc nhất định nhưng vẫn bị nhầm lẫn với người khác. Nó tước đi niềm vui từ các hoạt động công việc mà chúng tôi đã khó khăn dốc công sức vào. Rằng, liệu công việc của tôi có mang tầm ảnh hưởng to lớn mà tôi nghĩ hay không nếu mọi người thậm chí không thể phân biệt cá nhân tôi với những người khác?” DongWon Song, một nhà đại diện xuất bản văn học ở thành phố New York, cho biết nhiều lần bị nhầm lẫn với một trong số ít những nhà đại diện người Mỹ gốc Á có tiếng mỗi khi tham gia các hội nghị chuyên môn. Dù cho Song và những người kia mang quốc tịch khác nhau, có các đặc điểm ngoại hình chẳng mấy liên quan. Song nói: “Cảm giác như nó mang động cơ phân biệt chủng tộc. Mình nghĩ mọi người hiểu sai thuật ngữ 'kỳ thị vô ý' theo nhiều cách, đó là những hành động nhỏ, nhưng không có nghĩa tác động của chúng cũng nhỏ. Song cho rằng, dù cho mục đích có ra sao, những trường hợp "kì thị vô ý" như vậy mang lại cảm giác bất nhân, chẳng khác nào những hành vi kì thị lộ liễu hơn: Rõ ràng là thủ phạm trong những tình huống này giữ trong đầu một định kiến về đối tượng mà họ đang tiếp xúc, thay vì đối xử với họ như một cá nhân cụ thể. “Nghe có vẻ như là nói quá, nhưng tất cả mọi khoảng khắc nhỏ nhoi ấy lại là thứ khiến ai đó dám đẩy người khác xuống đường ray tàu điện, mà không thèm mảy may suy nghĩ, hoặc tấn công phụ nữ ở nơi công cộng" Song cho biết. “Cho đến khi mọi người nhận ra rằng họ đang đồng loã trong cùng một bộ máy, cho dù đó là chế nhạo tên tôi hay lầm lẫn đại từ nhân xưng của tôi hoặc nghĩ rằng tôi thật sự là một người nào đó khác, mọi hành động này là động cơ nhằm rũ bỏ nhân tính và quyền tự quyết của tôi theo cách mà sẽ mở ra một cánh cổng dẫn đến sự bạo lực.”

Những sự nhầm lẫn như vậy là một phần của mô hình hành vi bạo lực lâu đời chống cộng đồng người Mỹ gốc Á. Khi hai người đàn ông sát hại Vincent Chin ở Michigan vào năm 1982, hai người họ muốn trút cơn giận lên ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản. Chin, một người Mỹ gốc Hoa, phải trở thành mục tiêu của tội ác nhắm vào một cộng đồng chẳng liên quan gì tới sắc tộc của ông.

Lok Siu, một phó giáo sư tại Đại học California, Berkeley, chuyên gia nghiên cứu về cộng đồng Châu Á tại hải ngoại, cho biết rằng những cách mô tả mang tính kì thị thường xuyên gắn người Mỹ gốc Á với những định kiến giống nhau, và rằng người ta chỉ nhìn nhận và hiểu người Mỹ gốc Á thông qua những lăng kính đó khi họ không nỗ lực tìm hiểu về những sắc dân khác. Phó giáo sư Siu khẳng định: "Nhiều lúc, những trường hợp nhầm lẫn danh tính xảy ra với một vài nhóm nhất định, thực sự chỉ là sự sơ suất. Tuy nhiên đó là những lỗi lầm mà họ còn chẳng thèm quan tâm tới, bởi thứ họ nhắm đến không phải là các nạn nhân. Nó chỉ đơn giản là để bày tỏ sự tức giận đối với một nhóm người, hoặc một ai đó." Giống như cách các chuyên gia y tế vào cuối những năm 1800 vô tình đổ tội các khu phố người Hoa cho việc lây lan dịch bệnh bằng cách cho rằng người Mỹ gốc Hoa là nguyên nhân bùng phát bệnh đậu mùa và dịch tả, cộng đồng gốc Hoa lại một lần nữa trở thành vật tế cho chủ đề đại dịch Covid-19 vào năm 2020. Và trong bối cảnh nước Mỹ đang có một mối quan hệ ngoại giao căng thẳng đối với Trung Quốc, Siu cho rằng hành động nhắm vào các nhà khoa học Trung Quốc từ chính phủ dạo gần đây là một biểu hiện sợ hãi của thời hiện đại bắt nguồn từ vấn đề không thể nhận dạng các đặc tính của người Mỹ gốc Á. Khi tất cả mọi thành viên của một sắc tộc bị gộp thành một, một cộng đồng sắc tộc bị nhắm thành mục tiêu cũng có nghĩa rằng bất cứ cộng đồng sắc tộc nào cũng có thể bị nhắm đến. Vấn đề bạo lực nhắm đến người Mỹ gốc Á, đặc biệt là người gốc Á Đông, bắt nguồn từ những luận điệu chống Trung Quốc, không có gì đáng ngạc nhiên. Siu cho rằng bởi vì nó là kết quả của cùng một hiện tương đã và đang diễn ra ở trong cộng đồng này trong suốt gần hai thế kỷ. “Đó không phải chỉ xảy ra một lần rồi thôi. Nó chẳng có gì lạ cả. Thật sự nó là một phần của quá trình lịch sử,” Siu nói. “Và ta có thể thấy nó một lần nữa thu hút được sự chú ý ngay trong chính thời điểm này, nhưng về bản chất vẫn vậy từ xưa tới nay."


Người dịch: Linh Nguyen & Phuong Anh

Biên tập: Đông Phong

bottom of page