top of page

Ủy ban Olympic ký hợp đồng đồng phục với công ty Trung Quốc có liên hệ với Tân Cương


Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC) đã ký hợp đồng đồng phục cho Thế vận hội mùa hè Tokyo 2021 cùng Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 với một công ty dệt may Trung Quốc có nhà máy liên kết đặt tại Tân Cương cũng như công khai quảng bá việc sử dụng bông vải Tân Cương trong sản phẩm.

By Bethany Allen-Ebrahimian, Shawna Chen, on 06-04-2021, 01:00:00

Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC) đã ký hợp đồng đồng phục cho Thế vận hội mùa hè Tokyo 2021 cùng Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 với một công ty dệt may Trung Quốc có nhà máy liên kết đặt tại Tân Cương cũng như công khai quảng bá việc sử dụng bông vải Tân Cương trong sản phẩm. Tại sao điều này quan trọng: Sự thiếu minh bạch trong chuỗi cung ứng tại Trung Quốc đồng nghĩa với việc khó để xác định liệu hàng hóa có phải là sản phẩm của lao động cưỡng chế hay không.

  • Công ty nói với IOC rằng bông được sử dụng cho đồng phục Olympic không có xuất xứ từ Tân Cương.

Chi tiết: IOC tuyên bố vào tháng 9 năm 2019 rằng Tập đoàn Hengyuanxiang (HYX) sẽ trở thành nhà cung cấp lễ phục chính thức, ví dụ trang phục được sử dụng trong các buổi lễ, cho các thành viên và nhân viên của IOC.

  • Tập đoàn HYX có lịch sử hợp tác lâu dài với Ủy ban Olympic Trung Quốc và là nhà tài trợ cho Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008.

  • Trên các nền tảng trang thương mại điện tử như Taobao và JD.com, công ty đăng quảng cáo rất nhiều sản phẩm của mình có sử dụng bông vải Tân Cương.

  • Theo trang web của công ty, Tập đoàn HYX giám sát hàng loạt các nhà máy nhượng quyền, một trong số đó nằm tại Tân Cương.


Hình chụp màn hình một vài sản phẩm của Hengyuanxing trên Taobao quảng bá được sản xuất từ “bông Tân Cương.” Bối cảnh: Các chuỗi cung ứng ở Trung Quốc (và các nơi khác) thường khá mơ hồ, khiến cho việc điều tra các sản phẩm từ lao động cưỡng bức trở nên khó khăn.

  • The Better Cotton Initiative, một tổ chức quốc tế về sản xuất bông vải bền vững, tuyên bố hồi tháng 10 2020 rằng họ sẽ rút khỏi Tân Cương sau khi xác nhận không có cách nào để có thể hoạt động một cách có đạo đức ở đây.

Sau khi xem xét các thông tin về Tập đoàn HYX, Penelope Kyrtisis, giám đốc nghiên cứu chiến lược tại Worker Rights Consortium, một tổ chức về quyền lao động, đã phát biểu: “Olympics không nên có bất cứ liên hệ nào với các tập đoàn sản xuất ở Khu vực Duy Ngô Nhĩ. Việc hợp tác với một công ty không chỉ khai thác từ vùng này mà còn công khai rêu rao về nó là một việc đáng bị lên án về mặt đạo đức.”

  • Kyritsis nói: “Khi mà cả thế giới bàng hoàng trước những điều kinh khủng diễn ra ở Vùng Duy Ngô Nhĩ, IOC lại giả vờ không nhận thấy.”

Thiên hạ đang nói gì: Một phát ngôn viên của IOC đã trả lời với Axios rằng Tập đoàn HYX đã cung cấp chứng nhận nguồn gốc bông được sử dụng trong các sản phẩm đồng phục của IOC có nguồn gốc từ bên ngoài Trung Quốc.

  • Tuy nhiên người phát ngôn này lại không nói đến cơ quan nào đã cấp giấy chứng nhận cũng như từ chối đưa ra bản sao của giấy tờ khi Axios yêu cầu.

  • Trong một tuyên bố cung cấp cho Axios, IOC đã phát biểu: “Với sự tham gia đa dạng trong Thế vận hội, IOC phải giữ thái độ trung lập trước tất cả các vấn đề chính trị toàn cầu.”

  • Cũng theo tuyên bố, trong khi IOC cam kết bảo đảm nhân quyền, tổ chức này “không có nhiệm vụ cũng như khả năng để thay đổi hệ thống chính trị hay luật pháp của một quốc gia độc lập.”

Đây không phải lần đầu IOC đối mặt với các tranh cãi xung quanh vấn đề Tân Cương. Hồi tháng 12, một liên minh đại diện các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Trung Quốc đã viết trong thư ngỏ rằng IOC đã “làm ngơ trước chính quyền Trung Quốc vi phạm nhân quyền một cách rộng rãi và có hệ thống.”

  • Theo AP, IOC vẫn tiếp tục khẳng định mình chỉ tổ chức sự kiện thể thao chứ không thể chịu trách nhiệm cho các chính sách quốc nội.

HYX không phản hồi trước hàng tá email và cuộc gọi, và các tin nhắn được gửi đến cửa hàng chính thức trên Taobao không được trả lời. Các công ty Trung Quốc thường quảng cáo các sản phẩm của họ được làm từ bông Tân Cương, nổi tiếng vì chất lượng cao. Trong quá khứ, một số nhà bán lẻ quốc tế như hãng quần áo Nhật Bản Muji và Uniqlo cũng đã làm tương tự.

  • Nhưng bông vải Tân Cương đã ngày càng trở nên đáng tránh cãi, cả trong và ngoài Trung Quốc, khi chứng cứ ngày càng nhiều cho thấy hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ có thể đã bị cưỡng chế làm việc trong ngành bông Tân Cương, một phần của chiến dịch cưỡng bức đồng hóa lớn hơn thế.

  • Hồi tháng 1, Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm bông có nguồn gốc từ Tân Cương với cáo buộc lao dộng cưỡng bức.

  • Hồi tháng Ba, người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc đã chỉ trích H&M, Nike và các thương hiệu toàn cầu lớn khác vì các tuyên bố từ chối sử dụng bông Tân Cương trước đó, các cửa hàng HM đã bị gỡ khỏi bản đồ Baidu và các nền tảng thương mại điện tử - buộc các công ty phải chọn giữa làm vừa lòng chính quyền Trung Quốc cùng người tiêu dùng nước này hay đáp lại lời kêu gọi toàn cầu dừng sử dụng nguyên liệu từ Tân Cương.

Tìm hiểu sâu hơn:

  • Mức độ cưỡng bức lao động ở Tân Cương lớn hơn chúng ta nghĩ

  • Các cơ quan giám sát dệt may toàn cầu chật vật để cảnh báo về Tân Cương


Người dịch: Duong Nguyen

Biên tập: Tung Nguyen


Comments


bottom of page