top of page

Vì đâu Donald Trump thua?

Updated: Nov 9, 2020

Translated from BBC News article US election 2020: Why Donald Trump lost


Hãy để cuộc tranh cử 2020 chôn vùi, một lần và mãi mãi, ý niệm sai lầm về cuộc tranh cử 2016 - một tai nạn mang tính lịch sử, một vết nhơ của nước Mỹ.


Nick Bryant, ngày 07 tháng 11, 2020


Donald Trump thắng hơn 70 triệu phiếu bầu phổ thông, cao thứ nhì trong lịch sử tranh cử Mỹ. Tính trên toàn quốc, ông có hơn 47% số phiếu bầu, thắng 24 bang, kể cả hai tiểu bang yêu dấu của mình là Florida và Texas.


Ông nắm trong lòng bàn tay một phần lớn của đất nước, một mối thân tình giữa hàng ngàn người ủng hộ đã đem lại sự tận tụy gần như tôn thờ đối với ông. Sau bốn năm ở Nhà trắng, những người ủng hộ ông đã nghiên cứu dáng hình của triều đại tổng thống này và tuân theo đến độ cuồng nhiệt những chính sách và điều lệ của nhiệm kì ấy.


Bất kì sự phân tích nào về khuyết điểm chính trị của ông đều phải công nhận sức mạnh chính trị của ông. Tuy nhiên, ông đã bị đánh bại, trở thành một trong bốn vị Tổng thống duy nhất tại vị ở thời hiện đại không tái đắc cử. Ông cũng là Tổng thống đầu tiên thua phiếu phổ thông trong hai kì bầu cử liên tiếp.


Donald Trump đắc cử Tổng thống vào năm 2016 một phần bởi vì ông là một người đứng ngoài chính trường, phá đảo những thông lệ để dám nói những điều trước đây không được nói.


Nhưng Donald Trump cũng thua cuộc tranh cử năm 2020 cũng bởi vì ông là người đứng ngoài chính trường, phá đảo thông lệ để dám nói những điều trước đây không được nói.


Mặc dù người theo Trump phần đông cũng vẫn bầu cho ông bất chấp ông đã bắn một người trên Fifth Avenue, một sự khoe khoang tai tiếng của ông bốn năm trước, những người còn lại đã ủng hộ ông nay bị thất vọng bởi lối cư xử hiếu chiến này.


Điều này đặc biệt đúng ở vùng ngoại ô. Joe Biden vượt trội hơn Hillary Clinton ở 373 hạt ngoại ô, giúp ông giành lại những tiểu bang Rust Belt (Vành đai Rỉ sét) như Pennsylvania, Michigan và Wisconsin. Điều đó cũng giúp ông có được Georgia và Arizona. Donald Trump lại có vấn đề đặc thù với phụ nữ vùng ngoại ô.


Chúng ta đã chứng kiến một lần nữa những gì đã xảy ra vào cuộc tranh cử giữa nhiệm kì năm 2018 - những đảng viên Cộng hòa có học thức cao, trong đó có những người đã bầu cho Trump bốn năm trước và sẵn sàng cho ông một cơ hội, nghĩ rằng sự tại vị của ông không được ra dáng tổng thống cho lắm. Mặc dù họ biết ông sẽ khác biệt, nhiều người thấy rằng sự thách thức những tục lệ và qui củ về tác phong của ông đáng thất vọng và thường gây phản cảm.


Họ còn hụt hẫng bởi ông quá hiếu chiến. Từ việc gia tăng căng thẳng sắc tộc, sử dụng ngôn ngữ phân biệt chủng tộc khi tweet nói xấu người da màu; việc thất bại lên án đúng mực chủ nghĩa thượng đẳng da trắng, cho đến việc bôi nhọ đồng minh lâu năm của Mỹ và việc ngưỡng mộ hình mẫu độc tài quyền uy, như Vladimir Putin.


Thêm vào đó là những lời khoác lác lạ lùng của ông ta về chuyện trở thành “một thiên tài rất bền vững” và những thứ kiểu vậy; việc ông ta ủng hộ những thuyết âm mưu hay ông ta thích sử dụng loại ngôn ngữ lóng khiến ông ta đôi khi tựa như trùm tội phạm, như là lúc ông ta mô tả cựu luật sư của mình, Michael Cohen, người đã đạt được thỏa thuận bào chữa với công tố viên liên bang, là “một con chuột”.


Rồi đến chuyện mà công chúng đem ra chế nhạo như là minh chứng cho chế độ độc tài đáng sợ của ông, thể hiện rõ trong việc ông từ chối chấp nhận kết cuộc hậu tranh cử.


Riêng tôi cũng có một khoảnh khắc quyết định trong chiến dịch lần này khi tôi ở Pittsburgh, trò chuyện cùng Chuck Howenstein trước thềm nhà anh. Đã từng ủng hộ Trump năm 2016, năm nay anh bầu cho Biden.


“Người dân trở nên mệt mỏi,” anh nói với tôi. “Họ muốn thấy sự bình thường quay lại đất nước này. Họ muốn thấy sự tử tế. Họ muốn thù hận chấm dứt. Họ muốn đất nước này đoàn kết. Và tất cả điều đó sẽ giúp đưa Joe Biden lên nhiệm kì mới.”


Vấn đề của Trump là ông đã không thể mở rộng sự ủng hộ mình ra khỏi “căn cứ của Trump”, mà ông cũng chẳng quá cố gắng để làm như vậy. Năm 2016, ông thắng 30 tiểu bang và cai trị như thể ông là một tổng thống của một nước Mỹ thuần “đỏ” và bảo thủ. Là một vị tổng thống cố ý gây chia rẽ nhất trong vòng 100 năm qua, ông hầu như chẳng làm gì để “hớp hồn” phần màu xanh của nước Mỹ, 20 tiểu bang đã bầu cho Hillary Clinton.


Sau bốn năm kiệt quệ, nhiều cử tri chỉ đơn giản muốn một nhiệm kì tổng thống “làm nền” - một người canh giữ Nhà trắng biết cách cư xử phép tắc hơn. Họ đã mệt mỏi với sự xúc phạm thiếu chín chắn, ngôn từ xấu xí và đối đầu không ngừng nghỉ. Họ muốn trở lại với một sự bình thường nào đó.


Nhưng tranh cử năm 2020 không phải là sự tái diễn của năm 2016. Lần này ông là người tại vị, không phải người khởi nghĩa. Ông ta phải bào chữa cho nhiệm kì của mình, bao gồm sự mất kiểm soát đại dịch coronavirus, để lại di chứng 230,000 ca tử vong tính đến ngày bầu cử. Trong thời đại tiêu cực đảng phái - khi con người ta theo đảng này vì ghét đảng còn lại - Trump không còn đối đầu với một hình mẫu đáng ghét như Hillary Clinton.


Joe Biden rất khó để “quỷ hóa”, cũng là một phần lý do để Đảng Dân chủ rất muốn ông làm ứng viên Tổng thống. Vị ứng viên 77 tuổi ôn hòa này cũng đã làm đúng công việc được giao; đó là giành lấy tầng lớp cử tri lao động da trắng ở Vành đai rỉ sét.


Câu hỏi tại sao Trump thất cử biến thành một câu hỏi thú vị và đáng tranh luận hơn - “Trump bắt đầu thất cử từ lúc nào?”


Có phải đó là ngay sau sự chiến thắng của ông năm 2016, khi những người đã bầu cho ông một phần để chống lại sự đề bạt của Washington, ngay lập tức nhận ra điều khả nghi? Sau cùng thì nhiều cử tri trong số đó không hy vọng ông sẽ thắng.

Có phải đó là trong 24 giờ đầu của nhiệm kì Tổng thống, khi ông ta phát ngôn “Thảm sát Mỹ” trong bài phát biểu nhậm chức - thứ đã miêu tả đất nước gần như suy vong với những nhà máy đóng cửa, những công nhân bị bỏ rơi và những gia đình trung lưu bị bóc lột - trước khi ông thao thao bất tuyệt về lượng thính giả và tuyên thệ sẽ tiếp tục sử dụng Twitter? Khi ngày đầu tiên làm Tổng thống của ông kết thúc, ta càng thấy rõ rằng Donald Trump sẽ cố gắng thay đổi cách làm Tổng thống hơn là ngôi vị Tổng thống sẽ thay đổi Donald Trump.


Liệu đó có phải là sự dồn nén, là hiệu ứng bóng tuyết của quá nhiều xì-căng-đan, quá nhiều nỗi ô nhục, quá nhiều sự thay đổi nhân sự và quá nhiều hỗn loạn?


Hay liệu đó là kết quả của Coronavirus, là khủng hoảng lớn nhất đã kìm chân bước đường tổng thống? Trước khi virus kịp cập bến, dấu hiệu sinh tồn trên chính trường của Trump rất mạnh mẽ. Ông đã sống sót qua phiên tòa luận tội. Tỉ lệ tán đồng ông trở nên cao hơn bao giờ hết - 49%. Ông ta có thể khoe khoang về một nền kinh tế dũng mãnh và lợi thế khi còn đương chức: hai yếu tố sóng đôi mà thường giúp người ta tái đắc cử nhiệm kì tiếp theo. Thông thường, bầu cử tổng thống sẽ gợi nên một câu hỏi đơn giản: đất nước có tốt hơn bốn năm trước hay không? Sau khi Covid ập đến, kèm theo khủng hoảng kinh tế đi sau, tin rằng đất nước đã tốt hơn trở thành điều bất khả thi.


Nhưng cũng sẽ là sai trái khi nói rằng nhiệm kì của Trump thất bại chỉ do coronavirus. Những tổng thống thường mạnh mẽ hơn sau khi vươn lên từ những cơn địa chấn. Khủng hoảng tạo nên sự vĩ đại. Điều đó đúng với Franklin Delano Roosevelt. Khi ông cứu nước Mỹ khỏi cuộc Đại Suy thoái, không ai chỉ trích được ông. Phản ứng đầu tiên của George W. Bush với những cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 cũng làm danh tiếng ông vang xa và giúp ông thắng một nhiệm kì thứ hai.


Vì vậy không có lý gì để nói rằng Covid đã được định sẵn để “kết liễu” Donald Trump. Đó là do cách xử lý yếu kém của cuộc khủng hoảng nên dẫn đến sự thất bại của ông.


Dù vậy, một lần nữa thì cũng đáng ghi nhận rằng Donald Trump vẫn duy trì là một người có tiềm năng chính trị cho đến phút chót, bất chấp đất nước đang trải qua khủng hoảng y tế lớn nhất trong vòng hơn 100 năm, khủng hoảng kinh tế lớn nhất kể từ thập niên 30 của thế kỉ 20 và cũng là sự hỗn loạn sắc tộc rộng nhất kể từ cuối thập kỉ 60.


Sẽ có rất đông phần đỏ nước Mỹ và những người theo xu hướng bảo thủ được ông thu phục mong ngóng sự trở lại của ông. Ông sẽ tiếp tục là hình mẫu thống trị trong xu hướng bảo thủ trong nhiều năm tới. Chủ nghĩa Trump có thể có kết cục tương tự. Nó có thể trở thành một sự lột xác với những người Mỹ bảo thủ như cách chủ nghĩa Reagan đã biến đổi đảng này.


Vị tổng thống phóng khoáng này sẽ mãi là một hình tượng phân cực sâu sắc và có thể tái tranh cử năm 2024. Những tiểu bang không “hiệp chủng quốc” không tự nhiên trở nên “hiệp chủng quốc” trở lại, cho dù là một chút bởi vì người Mỹ có nhiều cảm xúc khác nhau về Trump, từ tận tụy cho đến chán ghét.


Đất nước này chắc chắn sẽ còn nghe về hoặc trông thấy vị Tổng thống không chính thống nhất trong lịch sử của mình.


Người dịch: Kim Phạm

Comentários


bottom of page