top of page

Vì sao phe Bảo thủ tại Mỹ lại đứng về phía Hoàng gia Anh?


Những trở ngại của Harry và Meghan chính là bài trắc nghiệm Rorschach cho thấy bạn nhìn nhận vấn đề dưới góc độ của chủ nghĩa tự do hay bảo thủ.

By Joanna Weiss, on 02-03-2021, 17:07:00

Những trở ngại của Harry và Meghan chính là bài trắc nghiệm Rorschach cho thấy bạn nhìn nhận vấn đề dưới góc độ của chủ nghĩa tự do hay bảo thủ. Khi Meghan và Harry trải lòng về bi kịch hoàng gia với Oprah Winfrey đêm Chủ nhật vừa rồi - từ những bình luận ẩn ý về chủng tộc, thái độ lạnh lùng của người cha, tới những chú gà cứu hộ - một hiện tượng kỳ lạ đã xuất hiện trên Twitter của tôi: mọi thứ chia thành hai, theo khuynh hướng chính trị một cách rõ rệt. Phe Tự do đều ủng hộ Công tước và Công nương xứ Sussex; nhiều người khen ngợi Meghan Markle vì sự thành thật của cô về những vấn đề tâm lý, cùng Winfrey phẫn nộ trước sự độc ác của cánh báo chí Anh, và tuyên bố rằng hai người phụ nữ da màu đã một tay đánh đổ một thể chế lâu đời. Nhưng phe Bảo thủ rõ ràng không hề tồn tại sự cảm thông - thậm chí còn có đôi chút lo lắng dành cho áp lực mà các thành viên đáng thương của Hoàng gia đang hứng chịu. “Quá nhiều lời phàn nàn dành cho một tuần căng thẳng và những chiếc váy xúng xính,” biên tập viên Dana Perino của Fox News viết, kèm theo những lời như “cô ta trả lời như thể mình chẳng biết trước chuyện gì sẽ tới” và “tôi thấy tệ thay cho Nữ hoàng.” Thoạt tiên, sự tương phản này thật bất ngờ. Nếu có một điểm chung giữa những người công dân của một nước từng là thuộc địa của Anh Quốc - một mưu cầu tối thượng của cả hai phía - thì đó là mong muốn được vùi dập chế độ quân chủ. Chẳng phải đây là nguyên do dẫn tới cuộc chiến giành độc lập hay sao? Nhưng thật ra có một lý do chính đáng tại sao việc mâu thuẫn trong hoàng gia Anh lại gây ra sự chia rẽ giữa hai xu hướng chính trị ở quốc gia bên kia bờ Đại Tây Dương. Những quan điểm trái ngược về Meghan và Harry phản chiếu hai thế giới quan khác nhau đã tồn tại từ lâu: giữa cánh tả, chú trọng vào sự thay đổi mang tính hệ thống, và cánh hữu, nhấn mạnh vào trách nhiệm cá nhân. Với phe Tự do, Meghan Markle là nạn nhân của một vấn đề to lớn hơn nhiều. Cuộc hôn nhân của cô và Hoàng tử Harry diễn ra có thể với sự thiếu hiểu biết về cách thức hoàng gia hoạt động - vì thật khó để nhìn ra thực tế phũ phàng đằng sau câu chuyện cổ tích lãng mạn, hay vì bên thông gia ngay từ đầu luôn mang vẻ thân thiện - hoặc một niềm hi vọng rằng thể chế cổ xưa này đã sẵn sàng cho một sự thay đổi thực sự mà cô đại diện. Thảm họa xảy tới, theo cách nhìn này, là lỗi của Vương thất - và những kẻ nắm chuôi cứng nhắc mà Markle gọi là “Tập đoàn” (the Firm). Chế độ quân chủ chưa bao giờ sẵn sàng để thay đổi. Một cá nhân như Markle, lý tưởng và đầy thiện chí, nào có thể khuất phục được thế lực kiên cố đó. Trước tiên, cô là người ngoài, một công dân Mỹ ngây thơ bước vào một hệ thống phức tạp và cực kỳ phân tầng, không hay biết lý do mình cần phải cúi chào Nữ hoàng, nếu không phải vì ánh mắt soi mói của công chúng, chứ chưa nói tới biết cách cúi chào như thế nào cho đúng. Thêm nữa cô còn là một phụ nữ da màu, có lẽ là người đầu tiên được giới thiệu vào gia đình Windsors. (Dù phim nhiều tập Bridgerton của Netflix đã khơi gợi giả thiết rằng Hoàng phi Charlotte, vợ của Vua George III, có dòng máu Châu Phi.) Đôi mắt của Oprah tưởng như sắp rớt ra khi Markle tiết lộ rằng một vài thành viên giấu tên trong hoàng tộc đã băn khoăn về màu da của con trai họ. Thực tế cũng không khác xa: nhiều người Mỹ da trắng vẫn phải rùng mình trước sự kỳ thị vô thức của họ hàng, hay lôi kéo một người chú bác ngoan cố tiếp nhận luồng tư tưởng mới. Nhưng nhiều người Mỹ bảo thủ lại nghĩ khác: Meghan đáng ra phải biết đích xác mình đang dấn thân vào điều gì - và, thật lòng thì, nên biết ơn vì những đặc quyền to lớn mà mình được ban cho. Tuyên bố của cô rằng mình không hề biết gì về hoàn cảnh của Harry trước khi bắt đầu mối quan hệ không có tính xác thực: Ai lại không điều tra đối phương thật kĩ trên Google trước khi nhận lời tới buổi hẹn đầu tiên hay thứ hai chứ? Những than thở của cặp đôi Sussexes về tài chính - việc Hoàng gia từ chối chi trả cho chi phí bảo vệ bé Archie - có vẻ thiếu tế nhị, nhất là từ những người sống trong cung điện và luôn xuất hiện trong trang phục dạ hội được thiết kế riêng. Kể cả việc họ đang sống trong biệt thự tại Los Angeles của Tyler Perry, hành động mà cánh tả coi là sự giải cứu của một người bạn da màu, đối với cách hữu đây cũng chỉ là một ví dụ về văn hóa bốc đồng của những người nổi tiếng. Làm sao những nhân vật này - hoàng gia Hollywood và hoàng gia theo nghĩa đen lại có thể mù mờ trước sự tệ hại của chế độ quân chủ cơ chứ? Trong thực tế, cả Harry và Meghan chưa chắc đã nhẫn tâm như những lời công kích, nhưng cũng không cao thượng ngây thơ như cách họ miêu tả về mình khi phỏng vấn với Oprah. Cuộc sống của họ tại Anh Quốc đúng là khá khổ sở, giống như tất cả những người khác trong hoàng tộc; giới báo chí lá cải Anh giống hệt những tên săn ảnh Hollywood, luôn trong trạng thái kích động. Nhưng cặp đôi này cũng khá khôn khéo, hay gian xảo, trên con đường thoái lui của mình, và luôn có sự tính toán chiến lược trong việc sử dụng sự nổi tiếng của mình để kinh doanh. Khi mới thông báo việc sẽ rời khỏi hoàng gia, những ngày trước đại dịch trong tháng Một năm 2020, họ đã đăng kí bản quyền cho thương hiệu “Hoàng gia Sussex” để in trên sách và quần áo. (Họ đã bị buộc phải bỏ tên này, và đã lập một doanh nghiệp mới, Archewell). Mặc dù Markle đã so sánh trải nghiệm của bản thân với tất cả mọi người sống trong cảnh giãn cách xã hội thời đại dịch, hầu hết chúng ta đều chưa được ẩn náu trong những biệt thự chín phòng ngủ và mười sáu phòng tắm. Nhưng những góc độ trái chiều về Meghan và Harry giúp chúng ta lý giải được tại sao nền chính trị của chúng ta lại có sự chia rẽ sâu sắc như vậy, cũng như vì sao rất nhiều người - trước, trong và sau thời kì của Trump - lại bất đồng ý kiến như vậy. Ta có thể quan sát sự căng thẳng trong sự chia rẽ bộ máy đối đầu với cá thể trong các tranh luận về nhập cư: Phe Tự do thấy đó là những gia đình chạy trốn khỏi tình cảnh thực sự khốn cùng, thường là do những chính sách kinh tế và chính trị mà Hoa Kỳ cổ súy hay thậm chí tạo ra. Phe Bảo thủ xem đây là một chuỗi lựa chọn do cá nhân đưa ra và thay đổi theo tình hình hiện tại: Nếu bạn không muốn bị chia cắt với con cái của mình ở biên giới nước Mỹ thì từ đầu hãy đừng đưa chúng vào theo con đường bất hợp pháp. Cuộc tranh luận tương tự cũng xuất hiện trong những chính sách về giáo dục - liệu chúng ta nên đầu tư để nâng cấp hệ thống giáo dục công hay cung cấp nguồn tiền cho các gia đình để họ tự lựa chọn hình thức giáo dục tốt nhất? Đây chính là tiền đề cho mọi tranh luận liên quan tới tư pháp hình sự, chính sách phúc lợi và hàng loạt những vấn đề khác. Đây đúng là một động thái chính trị Mỹ điển hình, theo Dannagal Young, một giáo sư tại University of Delaware đã viết về sự khác nhau giữa góc nhìn của cánh tả và cánh hữu trong truyền thông và văn hóa trong cuốn sách Irony and Outrage. “Vì họ muốn giữ nguyên hiện trạng, trật tự xã hội, chính trị và văn hóa vốn có” cô viết trong email gửi cho tôi, “khi kết quả không tốt phe bảo thủ sẽ thường dồn trách nhiệm cho cá nhân thay vì quy kết cho hệ thống." Nhưng phe Tự do, cô đánh giá, “ít gắn bó với các tryền thống, chuẩn mực xã hội và văn hóa.” Vậy nên họ sẽ ủng hộ những thay đổi mang tính vĩ mô hơn, phá vỡ toàn bộ hệ thống, “để bớt số lượng cá nhân gặp phải những rủi ro đó.” Hầu hết những vấn đề mà người Mỹ tranh luận đều lớn lao hơn nhiều so với cuộc sống đầm ấm của một cặp vợ chồng nổi tiếng. Kể cả ở phân đoạn xúc động nhất trong cuộc đối thoại với Oprah - khi Meghan kể lại việc chia sẻ những suy nghĩ về việc tự tử, rồi tham dự một sự kiện tại Royal Albert Hall như không có chuyện gì xảy ra - gợi lên một nghịch cảnh tinh tế trong cuộc sống hoàng gia của Meghan và Harry. (Ít nhất một người trên giao diện Twitter của tôi thắc mắc vì sao, với khối tài sản khổng lồ, họ lại không thể lấy một chiếc xe sang trọng và lái tới văn phòng của một bác sĩ tâm lý.) Giờ đây, khi họ khoe chiếc chuồng gà tự đóng và quay cảnh cả gia đình thả bộ dọc bờ biển - Meghan trong chiếc váy hiệu Armani giá $4700 - nhu cầu cần nhận được sự cảm thông dường như đã giảm xuống mức thấp không tưởng tượng được . Sức mạnh của sự nổi tiếng xem ra là một mạng lưới an sinh tuyệt vời. Và kể cả vậy, những cạm bậy vượt bậc ngoài sức tưởng tượng trong câu chuyện của Meghan và Harry, với nhiều thăng trầm bất thường, chính là thứ khiến cho câu chuyện của họ cuốn hút, bất kể bạn đứng về phe nào. Nhiều người Mỹ đã tự hỏi, qua nhiều năm, vì sao chúng ta lại quan tâm tới tình hình bên kia bờ Đại Tây Dương như vậy. Câu trả lời của tôi luôn là vì hoàng gia là phép ẩn dụ - cho những căng thẳng bất đồng trong gia đình, những tranh cãi và khát khao lãng mạn, truyền thống đối đầu với hiện đại. Oprah cho chúng ta thấy rằng họ cũng là ẩn dụ cho chính trị nữa.

Người dịch: Phuong Dang

Biên tập: Le Tran

Comentários


bottom of page