top of page

Vụ giết hại Sarah Everard và đại dịch ẩn mình

Translated from Aljazeera's article The murder of Sarah Everard and the shadow pandemic


Ngày 3 tháng 3, một người phụ nữ Anh 33 tuổi, Sarah Everard, đã biến mất tại London.


By Catherine Rottenberg, on 13-03-2021, 12:00:00

Một tấm biển được dựng lên vào ngày 13 tháng 3, 2021, khi người dân tụ tập tại một điểm tưởng niệm ở Sân khấu Mở Clapham tại London, sau vụ bắt cóc và giết hại Sarah Everard. Ảnh: Reuters/Hannah McKay Ngày 3 tháng 3, một người phụ nữ Anh 33 tuổi, Sarah Everard, đã biến mất tại London. Khoảng hơn một tuần sau, hài cốt của cô được tìm thấy trong một khu rừng ở Kent. Một vị cảnh sát đã bị buộc tội bắt cóc và giết hại cô. Chính giữa bi kịch này tại Anh là ngày Quốc tế Phụ nữ và kỷ niệm một năm ngày Tổ chức Y tế Thế giới chính thức phân loại COVID-19 là một đại dịch toàn cầu. Cái chết của Everard xảy ra ngay sau tình trạng bạo lực với phụ nữ tăng đột biến vào năm vừa qua trên khắp thế giới. Vụ án này và tất cả những vụ tấn công bạo lực liên tiếp với phụ nữ cần là hồi chuông cảnh tỉnh cho các xã hội. Đại dịch ẩn mình Hình ảnh của Everard và câu chuyện của cô được lên trang đầu các tờ báo. Thông tin về vụ án dần được công bố, và sự phẫn nỗ cùng cay đắng cũng càng dâng cao trên toàn nước. Trên mạng xã hội, nhiều người phụ nữ đã chia sẻ câu chuyện của họ về trải nghiệm bị quấy rối tình dục và nỗi sợ khi phải đi bộ một mình vào ban đêm. Các nữ chính trị gia trên toàn phổ chính trị cũng đã công khai những câu chuyện cá nhân về ngược đãi tình dục và những nỗi sợ hãi, và yêu cầu chính phủ phải quyết liệt hơn để “nước Anh an toàn hơn với phụ nữ.” Dù vụ giết hại Everard đã thu hút được sự chú ý của giới truyền thông Anh và quốc tế - khả năng cao là vì cô là một người phụ nữ trắng, ưa nhìn, và thuộc giới trung lưu - công chúng lại không được nghe tin gì về phần lớn các vụ quấy rối tình dục và bạo lực dẫn đến tử vong đối với phụ nữ. Một cuộc khảo sát gần đây từ Phụ nữ Liên Hiệp Quốc Anh cho thấy rằng trong nhóm phụ nữ từ 18 đến 24 tuổi, 97% nói rằng họ đã từng bị quấy rối tình dục, và 80% phụ nữ thuộc mọi độ tuổi nói họ đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng. Số liệu về những cái chết tàn bạo cũng không kém kinh ngạc: tại Anh, cứ cách ngày sẽ có một người phụ nữ bị giết hại, phần lớn bởi người yêu hoặc người quen. Bạo lực gia đình gia tăng trong đại dịch. Trong tháng cách ly xã hội đầu tiên ở Anh, các vụ giết hại liên quan đến bạo lực gia đình tăng gấp 3 so với năm 2019, và số cuộc gọi tới các dịch vụ bạo lực gia đình tăng vọt 50%. Dữ liệu toàn cầu cho thấy bạo lực giới cũng gia tăng đột biến. Một báo cáo rợn người của Phụ nữ Liên Hiệp Quốc cho thấy các tội phạm tấn công phụ nữ đã tăng mạnh khắp toàn thế giới từ tháng 3, 2020. Nhiều người phụ nữ phải chịu bạo lực trong nhà mà không nhận được bất kì sự hỗ trợ nào. Báo cáo từ Liên Hiệp Quốc kết luận rằng sự gia tăng bạo lực giới toàn cầu - cả trong nhà lẫn ngoài đường - cần được coi như một loại đại dịch khác, một đại dịch ẩn mình. Như các số liệu và báo cáo trên đã vạch trần và vụ ám sát Everard đã nhấn mạnh, sự kì thị nữ giới, hệ thống pháp luật đầy tính phụ hệ, và bạo lực đối với nữ giới đang hoành hành. Đã hơn 100 năm trôi qua kể từ ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên, nhưng ta vẫn còn một chặng đường dài để đặt dấu chấm hết với kỳ thị giới và bạo lực giới. Ít các không gian an toàn hơn Vụ giết hại Everard và phản ứng của công chúng cần được xem xét trong bối cảnh lớn hơn là hiện tượng phụ nữ có ít các không gian an toàn hơn. Những nỗi lo lắng xoay quanh tấn công tình dục nhấn mạnh rằng những nơi công cộng thường xuyên trở nên vô cùng nguy hiểm với phụ nữ. Thêm nữa, dù những vụ tấn công tưởng chừng ngẫu nhiên không phổ biến như những vụ tấn công bởi những đàn ông thân quen với nạn nhân, tin tức về các vụ án như Everard vẫn có ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Nếu chuyện này có thể xảy đến với một người như Everard, nếu một sĩ quan cảnh sát có thể là thủ phạm, và nếu vụ tấn công tưởng chừng như ngẫu nhiên, thì bất kì người phụ nữ nào, ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào, đều có thể thành nạn nhân. Vụ giết hại Everard đã tạo ra và duy trì cảm giác rằng mối đe doạ bạo lực giới đang hiện diện khắp mọi nơi. Ta cần chia sẻ những câu chuyện khó nói và thường không có hậu, cũng như vạch trần sự bạo lực và nỗi sợ hãi đang lan toả. Và đúng vậy, ta cần kiên quyết rằng đàn ông phải thay đổi hành vi của họ và các chính phủ phải tạo ra các điều luật chống lại quấy rối và bạo lực tình dục. Nhưng câu trả lời cho phân biệt giới tính trong bộ máy chính trị và cơ cấu xã hội không phải là điều phối thêm cảnh sát tuần trên phố hay mỗi người đàn ông thay đổi cách hành xử của họ. Đúng hơn, ta phải biến đổi hoàn toàn xã hội hiện tại: từ những chuẩn mực giới đến lý lẽ thông thường và nền kinh tế luôn tái sản xuất chế độ phụ quyền. Tất cả những điều trên đều quay trở lại với Ngày Quốc tế Phụ nữ. Buổi biểu tình này, cùng nhiều đấu tranh chống bạo lực giới đương đại quanh thế giới - phong trào #MeToo trên nhiều quốc gia, buổi Diễu hành Phụ nữ tại Hoa Kỳ, Ni Una Menos tại Argentina, các buổi biểu tình chống nạn giết hại phụ nữ tại Nigeria, Uganda, và Nam Phi, cùng những buổi biểu tình tại Ấn Độ lên án các vụ cưỡng hiếp tập thể với phụ nữ thuộc tầng lớp hạ đẳng - đã huy động phụ nữ và đàn ông chống lại tấn công tình dục, nạn giết hại phụ nữ, và tất cả phân biệt đối xử giới. Những phong trào này đã giúp mở đường cho sự phẫn nộ bị kìm nén từ lâu với sự tràn lan bạo lực đối với phụ nữ. Chúng đã giúp thể hiện rõ ràng và mạch lạc rằng phụ nữ - phụ nữ hợp giới, chuyển giới, cả những người không theo tiêu chuẩn giới và các đồng minh - sẽ không chùn bước và họ sẽ đấu tranh không ngừng nghỉ cho đến khi giành lại được buổi đêm của mình - cả ngoài đường và trong nhà. Ta chỉ có thể thành công mang lại những thay đổi cấp tiến để biến công lý giới thành thực tại mới qua sự đoàn kết nữ quyền trên toàn cầu và huy động quần chúng trên diện rộng.

Người dịch: Ren Dinh

Biên tập: Khanh Doan Nguyen

Comments


bottom of page