top of page

Ý nghĩa và cách chào đón Tháng Di sản của Người Mỹ gốc Á và Đảo Thái Bình Dương

Ngày 1 tháng 5 là khởi đầu chuỗi 31 ngày tưởng nhớ những đóng góp quý báu của người Mỹ gốc Á và đảo Thái Bình Dương (viết tắt là AAPI).


By Linh Ta, on 30-04-2021, 03:00:00

Ngày 1 tháng 5 là khởi đầu chuỗi 31 ngày tưởng nhớ những đóng góp quý báu của người Mỹ gốc Á và đảo Thái Bình Dương (viết tắt là AAPI).

Tháng 5 là Tháng Di sản của Người Mỹ gốc Á và Đảo Thái Bình Dương (AAPI). Trong 31 ngày, chúng ta mừng kỷ niệm các cộng đồng AAPI tại nước Mỹ và tất cả các ảnh hưởng và thành tựu vĩ đại của họ. Cụm từ viết tắt AAPI được dùng để gọi chung các nhóm đa sắc tộc rực rỡ đến từ châu Á cũng như các quần đảo Melanesia, Micronesia và Polynesia ở Thái Bình Dương (TBD). Tháng này là một cách tôn trọng những người Mỹ gốc Á và TBD trong lịch sử cũng như cuộc sống hiện tại của chúng ta. Tháng di sản này kỷ niệm những thành công và ghi nhận những cuộc đấu tranh và phân biệt đối xử mà cộng đồng của chúng ta đã phải đối mặt. Nguồn gốc Tháng Di sản Đôi khi, chỉ cần một người cũng có thể tạo nên sự thay đổi. Theo tờ Time cho biết, vào năm 1976, một cựu nhân viên Quốc hội, Jeanie Jew, đã nhận thấy hiện tượng người AAPI ít được công nhận trong các lễ kỷ niệm 200 năm của Hoa Kỳ. Jew muốn nước Mỹ công nhận các thành tựu của cộng đồng AAPI cũng như những khó khăn và đau thương mà họ phải đối mặt, như ông cố của cô mà đã bị giết trong thời kỳ châu Á bị kỳ thị vào giữa những năm 1800. Cô nói với Hạ nghị sĩ Frank Horton của New York rằng chúng ta cần có một tuần để công nhận công dân gốc Á và đảo Thái Bình Dương. Sau đó, ông đã đưa ra dự luật cho một tuần kỷ niệm người AAPI vào năm 1978. Vào năm 1992, khoảng thời gian đó đã được tăng thành một tháng, khi HNS Horton đã tiếp cận lại Quốc hội với đề nghị này. Tổng thống George H.W. Bush đã ký một đạo luật kéo dài lễ kỷ niệm đến trọn tháng Năm. Tại sao lại là Tháng Năm? Tháng 5 được chọn cho Tháng Di sản Người AAPI vì đó là một cách để ghi nhận những người Nhật Bản đầu tiên nhập cư đến Hoa Kỳ vào ngày 7 tháng 5 năm 1843. Tháng 5 cũng đánh dấu sự hoàn thành của tuyến đường sắt xuyên lục địa vào ngày 10 tháng 5 năm 1869, với đa số công nhân là dân đến từ Trung Quốc. Việc tôn vinh thành tích hoành tráng của họ cũng giúp nâng cao nhận thức rằng họ đã thường bị cưỡng bức lao động và trải qua những điều kiện làm việc khủng khiếp. Cách ăn mừng ngày lễ năm nay Tháng di sản AAPI không chỉ có đặt đồ ăn ở nhà hàng châu Á yêu thích của bạn, mà còn là hỏi thăm những người bạn gốc AAPI của mình và bảo đảm họ biết bạn vẫn ủng hộ họ sau một năm tội ác kỳ thị dân châu Á tăng cao. Kỷ niệm cũng là việc tự giáo dục bản thân về lịch sử, kỷ niệm những thành tựu, và không bỏ quên những khó khăn của người AAPI. Tổ chức một buổi nghe Podcast* *Podcast là những chương trình âm thanh với nhiều chủ đề khác nhau được đăng lên mạng - ND Có rất nhiều người sáng tạo podcast AAPI tài năng sẽ khiến bạn cười, khóc hoặc phân tích phản biện cùng với họ trong vòng chỉ một tiếng đồng hồ. Hãy mời bạn bè của bạn cùng chung vui một buổi lắng nghe hoặc nhắn tin một số liên kết (link) và trò chuyện qua Zoom. Chúng tôi đã chọn lọc một số podcast cho bạn bên dưới. Self Evident: Asian America's Stories (Tự hiển nhiên: Câu chuyện của người Mỹ gốc Á) mang đến cho người nghe cái nhìn sâu sắc về cuộc sống và cuộc đấu tranh của những người AAPI khi họ chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của họ, bao gồm cả những cuộc hôn nhân bạo lực và trải nghiệm xem lại phim hoạt hình Mulan của Disney, đồng thời thảo luận về cách chống lại sự phân biệt chủng tộc trong chính cộng đồng của họ. Asian Enough (Đã đủ Châu Á) là một podcast do tờ Los Angeles Times tổ chức và chương trình này đi sâu vào bản sắc phức tạp của người Mỹ gốc Á qua những cuộc trò chuyện với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Một số khách mời trước đây bao gồm diễn viên hài Margaret Cho, Phó chủ tịch Kamala Harris, và tác giả Nguyễn Thanh Việt. Asian Americana (Người Mỹ gốc Á) đi sâu đặc biệt vào các khía cạnh của văn hóa người Mỹ gốc Á, như cơn sốt điên cuồng với trà sữa trân châu và những khuôn mẫu thành kiến về râu trên mặt và những người đàn ông châu Á. Thăm các viện bảo tàng Có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật châu Á tuyệt đẹp và thấm thía trong các viện bảo tàng trên khắp nước, và cũng có một số điểm độc lập dành riêng cho lịch sử và phạm vi rộng lớn của nền nghệ thuật này. Hãy ghé qua để tìm hiểu lịch sử cũng như những ảnh hưởng văn hóa sâu sắc mà nghệ thuật gốc Á và Đảo Thái Bình Dương đã để lại cho xã hội của chúng ta. Viện Bảo tàng Wing Luke ở Seattle trưng bày cả các nghệ thuật hiện đại cũng như các bộ sưu tập cho thấy cuộc sống của những người nhập cư đầu tiên. Hiệp hội và Bảo tàng Châu Á ở New York đang ra mắt một số tác phẩm nghệ thuật Châu Á xuất sắc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, bao gồm cả những cái nhìn lịch sử và tôn giáo về Đức Phật và Thần Shiva. Họ cũng thường xuyên tổ chức các buổi trò chuyện về phim ảnh, chính trị và các nghệ sĩ AAPI. Nếu bạn không sống tại các thành phố nêu trên, tất cả chúng đều có thể được xem trực tuyến. Xin truy cập trang asianpacificheritage.gov để biết thêm thông tin về các cuộc triển lãm. Hãy ngồi xuống và thưởng thức một cuốn sách Nếu bạn quan tâm đến một số quan điểm và lịch sử của người AAPI, hãy thử những cuốn sách dưới đây. Minor Feelings: An Asian American Reckoning (tạm dịch: Xúc Cảm Thiểu Số: Nhìn Nhận Lại Từ Góc Độ Người Mỹ Gốc Á) Cathy Park Hong truyền tải những hiểu biết sâu sắc của cô về mục tiêu bất khả thi của chủ nghĩa biệt lệ kiểu Mỹ (American exceptionalism) và cách nó dẫn đến xung đột nội bộ, đặc biệt là đối với những người gốc Á vốn tuân theo tiêu chuẩn “thiểu số kiểu mẫu” nguy hiểm. Cuốn sách vừa là một hồi ký về cuộc đời của Hong, vừa là một bài học lịch sử về sự phân biệt đối xử ngầm và cũng không quá ngầm mà người Mỹ gốc Á đã phải đối mặt trong suốt thời gian qua. Mua sách: Minor Feelings: An Asian American Reckoning ($16, Barnes and Noble) All You Can Ever Know: A Memoir (Tất Cả Bạn Có Thể Biết: Một Hồi Ký) All You Can Ever Know là một cuốn hồi ký về cuộc đời của Nicole Chung và những trải nghiệm khi sống là đứa con nuôi của một gia đình da trắng ở Oregon. Nicole Chung, từng bị cha mẹ Hàn Quốc của cô cho đi làm con nuôi, chia sẻ cảm giác bị phân biệt đối xử mà cha mẹ cô không thể hiểu được cũng như sự tìm kiếm và cảm nghĩ cuối cùng của cô về cha mẹ đẻ của mình. Mua sách: All You Can Ever Know: A Memoir ($16, Barnes and Noble) Yellow Peril!: An Archive of Anti-Asian Fear (Mối Hiểm Họa Da Vàng!: Lưu Trữ Về Nỗi Sợ Hãi Chống Người Châu Á) Vào thế kỷ 19, “hiểm họa da vàng” là một cụm từ phân biệt chủng tộc miêu tả người Á Đông như mối đe dọa cho xã hội phương Tây. Cuốn sách soi xét lịch sử của hệ tư tưởng này và cách những câu chuyện tai hại về người châu Á “kỳ lạ” hay “ngoại lai” tiếp diễn trong mọi khía cạnh từ văn hóa đại chúng đến chiến dịch vận động chính trị. Mua sách: Yellow Peril!: An Archive of Anti-Asian Fear ($35, Barnes and Noble)


Người dịch: Que Do

Biên tập: Ren Dinh


Comments


bottom of page