Translated from NBC's article Criticism of Zhu Yi highlights challenges of belonging for Asian Americans
By Victoria Namkung, on 12-02-2022, 04:30:00
Vận động viên trượt băng nghệ thuật từ Los Vegas là đại diện thi đấu của Trung Quốc tại Olympic. Sau hai cú ngã trong hạng mục đồng đội, cô nhận phải hàng loạt sự chỉ trích trên mạng xã hội.
Zhu Yi (Chu Dịch), vận động viên trượt băng nghệ thuật đến từ Los Angeles, người quyết định đại diện thi đấu cho Trung Quốc vào năm 2018, đã té ngã trong tiết mục đơn nữ ngắn ngày 6 tháng 2 — đưa Trung Quốc từ vị trí thứ ba xuống thứ năm. Ngày hôm sau, cô lại ngã thêm hai lần trong nội dung trượt băng tự do nữ. Sau đó, vận động viên 19 tuổi này phải nhận lấy hàng loạt các chỉ trích trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Hashtag #ZhuYiFellDown (Zhu Yi ngã) có hơn 200 triệu lượt xem chỉ trong vài giờ. Cô bị công kích vì không thể nói thông thạo tiếng Trung Quốc, bị gièm pha vì sinh ra ở Hoa Kỳ, và bị khiển trách vì đã không thể khống chế cảm xúc sau khi hoàn thành tiết mục. “Tôi nhìn cô ta khóc mà phát ghét. Khóc lóc có giải quyết được gì không?” một cư dân mạng viết. Người khác thì nói cô “ô nhục” và “thối nát”. Một số người Mỹ thì ăn mừng cho thất bại của cô trên Twitter vì cô đã từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ và đổi tên từ Beverly Zhu để đại diện cho Trung Quốc.
Zhu Yi, đội tuyển Trung Quốc, thi đấu nội dung trượt băng tự do đồng đội nữ trong cuộc thi trượt băng nghệ thuật tại Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh hôm 7 tháng 2. Natacha Pisarenko / AP Zhu là một trong số không ít những vận động viên nước ngoài được Trung Quốc chiêu mộ về để nâng cao triển vọng cho đội nhà tại Thế vận hội Mùa đông 2022. Tuy nhiên, chưa có một ai phải hứng chịu mức độ chỉ trích thậm tệ như vận động viên trượt băng nghệ thuật này, như việc một số cư dân mạng vô căn cứ cáo buộc cô có được vị trí trong đội tuyển nhờ vào sự hậu thuẫn từ người cha là nhà khoa học máy tính xuất chúng. "Tôi nghĩ cô ấy bị soi mói là vì trong mắt rất nhiều khán giả Trung Quốc, cô ấy thiếu sự hiểu biết văn hóa của một công dân: cô ấy không nói được ngôn ngữ, cô ấy không lớn lên ở đó, văn hóa gốc của cô ấy không phải ở Trung Quốc," Christina Chin, đồng biên tập của cuốn sách “Asian American Sporting Cultures,” nói với NBC Asian America. “Các vận động viên này thường bị đặt vào tình huống đặc biệt đòi hỏi họ phải biết ‘nhìn trước ngó sau’ mà xử trí. Họ ở thế tiến thoái lưỡng nan vì họ không cách nào có thể đáp ứng được kỳ vọng của cả hai quốc gia.” Theo các chuyên gia, Zhu Yi bị nhắm tới là do giới tính và tuổi đời của cô, cộng với mức độ phổ biến rộng rãi của môn trượt băng nghệ thuật và việc Thế vận hội Mùa đông được tổ chức ở Bắc Kinh trong thời điểm mối quan hệ địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng. Đối với nhiều người Mỹ gốc Á, sự đối xử Zhu Yi nhận được trong Thế vận hội đã nêu bật một số thách thức dành cho người có bản sắc song văn hóa. Ellen Wu — một sử gia chuyên nghiên cứu về chủ đề chủng tộc, di cư và khái niệm quê hương trong lịch sử Hoa Kỳ — cho biết tính đối ngẫu trong trải nghiệm của người Mỹ gốc Á rất thường xảy ra với thế hệ di cư và con cái của họ. Cô dẫn chứng trường hợp của những người Nhật sinh ra ở Mỹ vào những năm 1920 và 1930, rất nhiều người trong số họ mang hai quốc tịch vào lúc hai kình địch đế quốc Hoa Kỳ và Nhật Bản bành trướng sức mạnh. “Có rất nhiều người thuộc thế hệ Nisei (二世, nhị thế) lúc đó cho rằng cách giải quyết vấn đề này là biến bản thân trở thành ‘cầu nối cho sự thấu hiểu,’" Wu nói. “Đến Đệ nhị Thế chiến, có rất nhiều người trẻ trong số này bị buộc phải chọn một trong hai, và nhiều người trong họ đã chiến đấu cho quân đội Hoa Kỳ.” Cô nói người Mỹ gốc Á thường sống ở nơi “chính giữa” của các không gian, các quốc gia và của hệ thống chủng tộc da đen - da trắng ở Hoa Kỳ. Cô Wu cho biết việc người Trung Quốc săm soi những người gốc Hoa lớn lên ở nước ngoài là một truyền thống lâu đời. “Thậm chí là dựa trên kinh nghiệm lớn lên ở Hoa Kỳ và quan sát cá nhân, người Trung Quốc sinh ra ở Mỹ cũng có xu hướng bị đánh giá qua khả năng ngôn ngữ,” cô nói. “Bạn hoặc là được khen ngợi, hoặc là bị chỉ trích hay chê bai dựa trên khả năng ngôn ngữ của mình — trải nghiệm đó có thể gây tổn thương.” Đại diện cho đội tuyển Trung Quốc, vận động viên 18 tuổi từ Mỹ Eileen Gu đã trở thành nhà vô địch Thế vận hội trẻ tuổi nhất trong bộ môn trượt tuyết tự do hồi hôm 8 tháng 2. Khác với Zhu Yi, Eileen Gu được khen ngợi vì khả năng nói tiếng Quan thoại lưu loát và là đứa con cưng của mạng xã hội Trung Quốc, nhưng cô cũng nhận được rất nhiều chỉ trích. Theo nhà nhân loại học Stanley Thangaraj, chuyên gia nghiên cứu về chủng tộc và giới tính trong các bộ môn thể thao kiêm tác giả của cuốn “Desi Hoop Dreams”, thất bại là một phần tất yếu của thể thao, nhưng khi phụ nữ không thành công như kỳ vọng, họ thường bị đối xử khắc nghiệt hơn, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi mà các vấn đề bất bình đẳng giới tính vẫn tồn tại. “Về phía Zhu Yi, nếu cô ấy giành được huy chương vàng thì chuyện cô ấy không nói tiếng Quan thoại lưu loát sẽ không đáng bận tâm, nhưng một khi thất bại, phụ nữ trở thành tụ điểm để thương thuyết vấn đề bản sắc quốc gia,” Thangaraj nói. “Cô ấy không được phép thất bại chính bởi vì quan niệm là cô ấy không đủ Trung Quốc trong hoàn cảnh này và không đủ Mỹ trong hoàn cảnh khác.” Thangaraj cho biết dư luận hiếm khi khua chiêng gõ mõ khi số lượng lớn tuyển thủ NBA thi đấu cho các quốc gia khác nhau trong Thế vận hội và khi các huấn luyện viên người Mỹ làm việc với các đội tuyển nước ngoài. “Khi người ta thấy người da trắng đi thi đấu cho nước khác, đó là nghĩa cử giúp đỡ một quốc gia phát triển bộ môn thể thao, nhưng khi người đó là người Mỹ gốc Á, nó lại chứng minh cho sự mong manh của thân phận người Mỹ của người gốc Á khi chúng tôi chọn đại diện một đất nước khác,” Thangaraj nói. “Về phần những người mang bản sắc phức hợp, chúng tôi thường cảm thấy bản thân lạc lõng trong cái nhìn của đại cục, nơi mà khái niệm quốc gia và định nghĩa rạch ròi về công dân không bao giờ có tính đến chúng tôi, dù là ở nơi đây hay ở 'quê nhà,’” Thangaraj nói.
Người dịch: Phuong Dang & Trang Ly
Biên tập: Vũ Yên
Comentários