top of page

Điều tra viên của WHO huỷ bỏ báo cáo sơ bộ liên quan tới nguồn gốc Covid-19


Căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng vì điều tra khi một nhóm các nhà khoa học thúc giục điều tra mới, bao gồm lý thuyết lây lan từ phòng thí nghiệm

By Betsy McKay, Drew Hinshaw, Jeremy Page, on 04-03-2021, 09:30:00

Căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng vì điều tra khi một nhóm các nhà khoa học thúc giục điều tra mới, bao gồm lý thuyết lây lan từ phòng thí nghiệm Bắc Kinh - Một nhóm điều tra nguồn gốc Covid-19 thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang dự định huỷ bỏ một bản báo cáo sơ bộ về nhiệm vụ mới đây của họ ở Trung Quốc giữa lúc căng thẳng đang leo thang giữa Bắc Kinh và Washington về cuộc điều tra và một nhóm khoa học gia quốc tế lên tiếng yêu cầu thăm dò mới. Hơn 20 nhà khoa học, trong một lá thư ngỏ, đang yêu cầu mở một nhiệm vụ quốc tế mới. Họ cho rằng nhóm điều tra của WHO vừa hoàn thành công tác ở Vũ Hán - thành phố Trung Quốc nơi phát hiện ca bệnh Covid đầu tiên - không có đủ khả năng tiếp cận để điều tra thích đáng nguồn gốc của coronavirus mới, bao gồm liệu có phải nó đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm hay không. Khiếu nại của họ đến trong lúc Mỹ - quốc gia vừa rút lại quyết định rời WHO - đang vận động hành lang đế yêu cầu điều tra minh bạch hơn, lấy lý do rằng Mỹ đang chờ xem xét kỹ lưỡng báo cáo Vũ Hán, và thúc ép Trung Quốc công bố tất cả dữ liệu liên quan, bao gồm ca nhiễm được xác định đầu tiên vào tháng 12 năm 2019 và những ca có thể xảy ra trước đó. Trong khi đó, Bắc Kinh đang gây sức ép để WHO mở các cuộc điều tra tương tự ở các nước khác, bao gồm Mỹ, để điều tra nếu virus có thể bắt nguồn từ ngoài lãnh thổ Trung Quốc và lây lan đến Vũ Hán qua thực phẩm đóng gói đông lạnh. Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, phát biểu vào ngày 12 tháng 2 rằng nhóm điều tra sẽ công bố một bản báo cáo sơ bộ tóm tắt về nhiệm vụ Vũ Hán, có thể vào tuần kế tiếp, và một báo cáo đầy đủ hơn sau đó. Tuy nhiên, bản bảo cáo tóm tắt vẫn chưa được công bố và giờ đây nhóm điều tra của WHO đang huỷ kế hoạch ban đầu, theo Peter Ben Emarek, nhà khoa học an toàn thực phẩm dẫn đầu cuộc công tác. Ông nói rằng nhóm dự kiến sẽ công bố một đoạn tổng kết cùng với bản báo cáo đầy đủ sau cùng. Báo cáo đó “sẽ được công bố trong những tuần tới và bao gồm những phát hiện quan trọng," một phát ngôn viên của WHO cho biết. Ben Embarek phát biểu, “Theo định nghĩa thì bản báo cáo tóm tắt sẽ không có tất cả thông tin dữ liệu. Vì có rất nhiều sự quan tâm dành cho bản báo cáo, chỉ một đoạn tóm tắt sẽ không đủ để đáp ứng sự tò mò của người đọc." Peter Ben Embarek, người dẫn đầu công tác, ghé thăm chợ Huanan (Hoa Nam) ở Vũ Hán vào ngày 31 tháng 1. Sự trì hoãn trong việc công bố phát hiện và khuyến nghị từ nhiệm vụ tại Vũ Hán, được tiến hành cùng các nhà khoa học và quan chức Trung Quốc có nhiệm vụ phê chuẩn bất kỳ báo cáo nào, diễn ra trong bối cảnh chính trị căng thẳng và tranh luận khoa học xung quanh cuộc tìm kiếm nguồn gốc của đại dịch. Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả bức thư công khai là “bình mới rượu cũ” áp đặt sai phạm và thiếu uy tín khoa học, và trích dẫn kết luận của nhóm điều tra Vũ Hán rằng nguồn gốc Covid-19 đến từ phòng thí nghiệm “cực kỳ khó xảy ra” và không đáng nghiên cứu thêm. Cả bộ ngoại giao và ủy ban y tế quốc gia của Trung Quốc đều không trả lời yêu cầu bình luận về báo cáo của cuộc công tác Vũ Hán. Theo một bản sao của bức thư cũ trước bức thư được công bố, nhóm bao gồm 26 nhà khoa học và chuyên gia từ lĩnh vực virus học, động vật học và vi sinh vật học cho rằng “không có khả năng” nhóm điều tra WHO có thể tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ, và bất kỳ báo cáo nào cũng sẽ phải thoả hiệp chính trị vì phải được thông qua bởi Trung Quốc. Một cuộc điều tra tin cậy cần có những cuộc phỏng vấn bí mật và quyền truy cập đầy đủ hơn vào hồ sơ bệnh viện về các ca bệnh được xác nhận và có thể dẫn đến lây lan của ca coronavirus từ Trung Quốc từ cuối 2019, năm dịch bùng nổ được phát hiện lần đầu ở Vũ Hán, và nhiều yếu tố khác, theo lá thư được ký bởi các chuyên gia từ Pháp, Mỹ, Ấn Độ và các nước khác. Cũng theo lá thư trên, các nhà điều tra cũng nên được phép truy cập vào các hồ sơ bảo trì, nhân sự, nhân giống động vật và ghi chép từ tất cả các phòng thí nghiệm làm việc với coronavirus. “Chúng ta không thể có một cuộc điều tra vào nguồn gốc của đại dịch không kỹ lưỡng hoặc tinh cậy. Những nỗ lực cho tới bây giờ không có thay thế một cuộc điều tra kỹ lưỡng, đáng tin cậy và minh bạch,” trong thư viết. Các vệ sĩ đứng gác trước bệnh viện Jinyintan (Kim Ngân Đàm) ở Vũ Hán trong một chuyến thăm từ các thành viên của WHO vào ngày 20 tháng 1. Lời kêu gọi khó có khả năng được hưởng ứng, vì bất kỳ các thăm dò nào trong tương lai đều cần sự hợp tác của Bắc Kinh. Thêm nữa, nhiều chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu hoài nghi khả năng một tai nạn trong phòng thí nghiệm có thể dẫn đến đại dịch. Tuy vậy, lời kêu gọi phản ánh sự bất bình, được chia sẻ bởi chính phủ Mỹ, Anh và nhiều nhà khoa học khắp thế giới, rằng Trung Quốc đã cung cấp quá ít thông tin và dữ liệu cho WHO để giúp các nhà nghiên cứu cố gắng xác định nguồn gốc của virus và cách nó lây sang người, Ngoại trưởng Antony Blinken nói trong một cuộc phỏng vấn với PBS vào thứ Tư, “Trung Quốc đã không hoàn toàn minh bạch và hiệu quả từ đầu dại dịch, lúc điều đó là quan trọng nhất, và ngay cả ngày nay khi các cuộc điều tra đang được tiến hành để đi đến tận cùng những gì đã xảy ra." Trung Quốc nhiều phen quả quyết rằng họ đã tận lực hợp tác với WHO cũng như bác bỏ khẳng định (bao gồm cả từ các viên chức dưới chính quyền Trump) về khả năng virus bắt nguồn từ một cơ sở nghiên cứu chuyên về coronavirus trên loài dơi nào đó ở Vũ Hán. Trong nhiệm vụ vào tháng trước, nhóm điều tra WHO báo cáo rằng các thành viên phía họ cùng phía Trung Quốc đã phân tích những giả thuyết hàng đầu nhằm xác định phương hướng chính chonhững nghiên cứu trong tương lai. Cuối nhiệm vụ, các trưởng nhóm nhất trí việc nên đẩy mạnh nghiên cứu cách virus có thể đã lây lan từ nhiều loại động vật có vú nhỏ khác nhau, đồng thời khuyến nghị từ bỏ điều tra thêm về khả năng tai nạn phòng thí nghiệm, một giả định mà theo họ là “cực kỳ không có khả năng”. Kết luận ấy nhận được sự tán tụng từ phía Bắc Kinh lẫn các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia cho rằng virus lan truyền một cách tự nhiên - nhiều khả năng nhất là từ loài dơi, sau đó có thể di chuyển qua động vật khác, rồi đến loài người - đồng thời cho rằng giả thiết phòng thí nghiệm chỉ nhằm để bôi nhọ với động cơ chính trị. Tuy nhiên, sau khi trở về từ Trung Quốc, một số nhà điều tra WHO lại điều chỉnh kết luận của mình, lấy lý do họ không có quyền hạn, chuyên môn hay dữ liệu gì để có thể kiểm tra thấu đáo bất kỳ phòng thí nghiệm nào. Nhóm điều tra cũng thiếu dữ liệu quan trọng về những ca nhiễm được xác định đầu tiên, hay về số lượng bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng tương tự từ trước đó. Tai nạn phòng thí nghiệm chắc chắn là “không nằm ngoài khả năng”, Tiến sĩ Ben Embarek phát biểu tại một hội thảo tuần qua. Sau chuyến đi của nhóm điều tra, “mọi giả thuyết đều chưa sáng tỏ và cần được xem xét thêm”, tiến sĩ Tedros cho biết hồi tháng 2. Bên ký kết của lá thư ngỏ đa phần là thành viên của một nhóm quy mô lớn, do các nhà khoa học Pháp, những người đã chia tài liệu nghiên cứu cũng như thông tin ngoài lề về Covid-19 từ khoảng tháng 12, dẫn đầu. Không ai trong số họ tham gia vào cuộc điều tra của WHO. Bên ký kết thư ngỏ đang kêu gọi mở một cuộc điều tra mới sau chuyến đi của phái đoàn WHO mà một trong những địa điểm là trung tâm kiểm soát dịch bệnh của tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: THOMAS PETER/REUTERS Trong số những người tham gia ký tên có thể kể đến Etienne Decroly và Bruona Canard, hai nhà virus học phân tử tại phòng thí nghiệm AFMB của Đại học Aix-Marseille và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, cơ quan nghiên cứu nhà nước của Pháp.

Tiến sĩ Decroly tiết lộ, ông tham gia việc này sau khi kết luận rằng, dựa trên nền tảng của dữ liệu có được, không có khả năng khẳng định SARS-CoV-2 “là kết quả do một chủng virus tự nhiên lây từ động vật hay là một chủng virus thí nghiệm vô tình thoát ra”. Lá thư do Gilles Demaneuf, một nhà khoa học dữ liệu người Pháp ở New Zealand, đồng biên soạn với Jamie Metzl, một thành viên cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương và cố vấn chuyên môn về chỉnh sửa bộ gene người của WHO. Trong những tuần gần đây, các nhà khoa học chỉ trích giả thiết phòng thí nghiệm đã công bố nghiên cứu mới về coronavirus trên loài dơi được tìm thấy ở Đông Nam Á và Nhật Bản. Từ đó, họ đúc kết SARS-CoV-2 nhiều khả năng là tiến hóa tự nhiên để có thể lây lan cho loài người. Robert Garry, một nhà virus học tại Đại học Y Tulane có tham gia vào nghiên cứu trên, cho biết ông cùng đồng nghiệp ban đầu có cân nhắc tới tình huống rò rỉ hoặc tai nạn từ phòng thí nghiệm nào đó, nhưng rốt cuộc nhận định điều này là “gần như không thể”. Chính quyền Biden vẫn chưa công khai lặp lại những quả quyết cụ thể về giả thiết phòng thí nghiệm Vũ Hán của chính quyền tiền nhiệm. Những người ký kết thư ngỏ giải thích: thay vì ủng hộ một giả thiết nhất định, họ chỉ muốn nói còn quá sớm để loại bỏ xác suất xảy ra rò rỉ hay tai nạn có liên quan đến một cơ sở nghiên cứu như Viện nghiên cứu Virus học Vũ Hán (viết tắt tiếng Anh là WIV), nơi vận hành nhiều phòng thí nghiệm an ninh cao và đã từng tiến hành nghiên cứu sâu rộng về coronavirus ở loài dơi. Các nhà khoa học tại WIV bác bỏ giả thiết đây là nơi virus bắt nguồn, khẳng định họ không hề lưu trữ hay làm việc với SARS-CoV-2 trước đại dịch, và không có nhân viên nào có kết quả xét nghiệm dương tính. Các thành viên gửi thư đề nghị các nhà điều tra xem xét thêm nhiều tình huống khả thi, tính cả trường hợp một nhân viên thí nghiệm bị nhiễm virus trong khi lấy mẫu từ dơi trong môi trường hoang dã, trong khi vận chuyển động vật chứa mầm bệnh, hoặc trong khi dọn dẹp chất thải thí nghiệm. Họ còn bổ sung rằng các nhà điều tra nên thăm dò xem SARS-CoV-2 có thể nào là từ các thí nghiệm “gia tăng công dụng” mà trong đó, virus tự nhiên được chỉnh sửa gen để quan sát khả năng truyền nhiễm hoặc tử vong đối với con người.

Người dịch: Anh Ho & Quyen Tran

Biên tập: Khoa Le


Comments


bottom of page