Translated from BBC News article Covid vaccines: Who decides if they are safe?
Trong khi rất nhiều người mong chờ được tiêm vaccine càng sớm càng tốt, một số người sẽ lấy làm lo lắng khi họ phải đưa vào cơ thể một thứ mà họ chả biết là gì.
Michelle Roberts, ngày 1 tháng 12, 2020
Hình từ Getty: Chúng ta sẽ sớm có một vài vaccine phòng ngừa COVID-19 trong tương lai gần.
Làm thế nào chúng ta biết được là vaccine có an toàn hay không?
Đây là câu hỏi đầu tiên và quan trọng nhất được các nhà khoa học đặt ra ngay từ giai đoạn thiết kế và thử nghiệm một loại vaccine hay một phương pháp điều trị mới.
Những thử nghiệm về an toàn bắt đầu từ phòng thí nghiệm trên các tế bào và trên động vật trước khi tiến hành thử nghiệm trên người.
Nguyên tắc tiến hành là bắt đầu từ các thử nghiệm cỡ nhỏ và chỉ chuyển sang bước tiếp theo khi không có mối lo ngại đáng kể về an toàn .
Vai trò của các thử nghiệm là gì?
Chỉ khi nào các dữ liệu về an toàn trong phòng thí nghiệm đạt yêu cầu, các nhà khoa học mới kiểm tra xem vaccine hay cách điều trị đó có hiệu quả hay không.
Bước thử nghiệm này sẽ cần một số lượng lớn tình nguyện viên. Một nửa trong số đó sẽ được tiêm vaccine, nửa còn lại được tiêm giả dược (một chất vô thưởng vô phạt như nước muối sinh lý hoặc một loại vaccine thông dụng khác). Cả hai phía nhà khoa học hay tình nguyện viên đều không biết ai nằm trong nhóm nào cho tới khi kết thúc thử nghiệm và kết quả được phân tích. Điều này sẽ hạn chế tâm lý thiên lệch trong đánh giá thông tin. Tất cả các công việc này đều được thực hiện và giám sát độc lập.
Các thử nghiệm vaccine cho COVID-19 được thực hiện thần tốc nhưng không hề bỏ qua các bước nào.
Thử nghiệm vaccine của The Oxford/AstraZeneca đã tự nguyện dừng lại để đánh giá tại sao có một người tham gia trong hàng ngàn người đã tử vong. Sau khi kiểm tra, các nhà nghiên cứu thấy vấn đề này không liên quan đến vaccine thì thử nghiệm đã được khởi động lại.
Ai cấp phép cho vaccine hay các phương pháp điều trị được dùng cho cộng đồng?
Vaccine và các phương pháp điều trị chỉ được cấp phép sử dụng nếu các cơ quan quản lý của chính phủ về thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ (MHRA-UK hay FDA-US) thấy sản phẩm đó đạt cả hai yêu cầu về an toàn và hiệu quả.
Sau khi được cấp phép, quá trình kiểm tra vẫn tiếp tục tiến hành để xem có những phản chứng phụ hoặc những mối nguy hại lâu dài hay không. Nếu một người cảm thấy có sự xuất hiện của các phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine thì có thể thông báo cho MHRA hay FDA
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/111E2/production/_114241107_vaccine_timeline_v62x-nc.png
Covid vaccine là gì?
Covid vaccine được phát triển bằng nhiều cách khác nhau.
Một số sẽ chứa chính virus gây bệnh đó nhưng được làm yếu đi.
Vaccine của The Oxford/AstraZeneca thì sử dụng một loại virus vô hại nhưng có bề ngoài gần giống với con Sars-Cov-2 gây ra Covid-19.
Còn vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna thì sử dụng một đoạn vật chất di truyền để gây ra các đáp ứng miễn dịch. Nó còn được gọi là vaccine mRNA.
Các loại vaccine không làm thay đổi tế bào của con người. Nó chỉ như là bảng hướng dẫn sử dụng giúp cho cơ thể chúng ta tạo miễn dịch chống lại Covid.
Một số khác có chứa những protein của coronavirus. Đôi khi vaccine có chứa một số phụ gia như chất nhôm để làm cho vaccine ổn định và hiệu quả hơn.
Vaccine có thể làm chúng ta bị bệnh không?
Không có bằng chứng cho thấy những thành phần của vaccine có thể gây hại cho cơ thể ở một lượng nhỏ như vậy. Vaccine không gây bệnh. Ngược lại, nó hướng dẫn cho hệ thống miễn dịch của con người nhận diện và chống lại những mầm bệnh mà vaccine được thiết kế nhằm vào.
Một số người sẽ có vài triệu chứng nhẹ, như đau cơ hay sốt nhẹ sau khi tiêm.
Đây không phải là dấu hiệu bệnh, đó là dấu hiệu cơ thể bạn đang phản ứng lại với vaccine.
Những phản ứng dị ứng với vaccine cũng hiếm khi xảy ra. Với bất kỳ vaccine nào được cấp phép, các thành phần của nó cũng được liệt kê rõ ràng.
Hãy cẩn thận với những câu chuyện bài xích vaccine trên mạng xã hội. Chúng thường không dựa trên bất kỳ bằng chứng khoa học nào.
Chú thích hình: vaccine của Oxford khi tiêm 2 liều đầy đủ chỉ cho hiệu quả 62%, khi tiêm nửa liều trong lần đầu và nguyên liều trong lần sau sẽ cho kết quả là 90%. Kết quả trung bình của hai thử nghiệm là vaccine có 70% khả năng bảo vệ.
Nếu tiêm vaccine cho người đã bị Covid thì liệu có an toàn?
Nếu vaccine cho coronavirus được chấp thuận, thì ai cũng sẽ được tiêm chủng cho dù họ đã bị Covid hay chưa.
Bởi vì chúng ta chưa biết liệu miễn dịch tự nhiên có tồn tại lâu dài trong cơ thể hay không. Do đó khi tiêm bổ sung có thể gia tăng sự bảo vệ cho cơ thể.
Hướng dẫn từ cơ quan sức khoẻ công cộng Anh-UK nói rằng cũng không có lo ngại về an toàn cho người bị bệnh Covid dài ngày. Nhưng đối với người đang bị mắc Covid và đang cảm thấy không khoẻ thì không nên tiêm vaccine ngay lúc đó. Hãy đợi đến lúc khỏi hẳn bệnh.
Vaccine có chứa sản phẩm từ động vật - animial friendly hay không?
Vài vaccine như vaccine shingles- giời leo hay vaccine cúm cho trẻ có thể chứa chất gelatine có nguồn gốc từ heo.
Vài vaccine được phát triển trên trứng gà hoặc trên tế bào phôi gà.
Có hàng trăm loại vaccine cho Covid đang được phát triển. Chúng ta chưa có thông tin đầy đủ cho tất cả, nhưng rất nhiều vaccine cho Covid được mong đợi là phù hợp với người ăn chay.
Nếu đã có nhiều người tiêm phòng vaccine thì chắc chắn tôi sẽ không cần tiêm chứ?
Có rất nhiều bằng chứng khoa học cho thấy việc chủng ngừa giúp chúng ta ngăn ngừa những căn bệnh nguy hiểm.
Covid vaccine giúp con người không bị bệnh nặng và bảo toàn mạng sống.
Những liều đầu tiên sẽ có trong nay mai cho những đối tượng ưu tiên nhất như người cao tuổi mà có thể diễn tiến lên bệnh rất nặng khi mắc phải.
Chúng ta chưa biết được mức độ bảo vệ của vaccine trong việc ngăn chặn sự lây lan bệnh trong cộng đồng.
Nếu vaccine có thể làm tốt việc của nó, chỉ cần tiêm phòng cho một số lượng người vừa đủ là có thể dập tắt dịch bệnh. Nhưng quan trọng là chúng ta chưa biết rõ điều này.
Người dịch: Châu Trần
Comments