top of page

Amy Barrett có thể sẽ là thẩm phán bảo thủ nhất của Tối cao Pháp viện từ thời Clarence Thomas


Lá phiếu của bà sẽ có nhiều khả năng xóa bỏ Obamacare, vô hiệu hóa các cơ quan quản lý liên bang và mở rộng quyền sử dụng súng.


Greg Stohr, ngày 26 tháng 9, 2020

Thẩm phán Amy Barrett được Tổng thống Donald Trump đề cử vào Tối Cao Pháp Viện tại Vườn hồng trong Tòa Bạch Ốc ngày 26, tháng Chín, 2020 Ảnh: Olivier Douliery/AFP via Getty Images


Bà Barrett có thể sẽ là thẩm phán bảo thủ nhất của Tối cao Pháp viện từ thời Clarence Thomas Amy Coney Barrett sở hữu bản lý lịch đủ sức biến bà trở thành thẩm phán mới bảo thủ nhất kể từ thời thẩm phán Clarence Thomas và là sự bổ sung trong mơ cho những người Cộng hòa đang tìm cách thay đổi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.

Bà Barrett, người được Tổng thống Donald Trump đề cử hôm thứ Bảy 26/9, ủng hộ cách tiếp cận “nguyên bản” đã trở thành phương pháp bảo thủ chính thống trong việc giải thích văn bản Hiến pháp. Bà ấy là một phụ tá của cố thẩm phán Antonin Scalia. Bà có niềm tin Công giáo sâu sắc và tin rằng sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai. Bà có thể phục vụ hơn 30 năm vì bà chỉ mới 48 tuổi. Và nếu bà ấy được Thượng viện thông qua để kế nhiệm thẩm phán quá cố Ruth Bader Ginsburg, Barrett có thể mang lại sự thay đổi pháp lý lớn nhất từ nhiều thập kỷ qua. Lá phiếu của bà sẽ khiến Tối cao Pháp viện dưới quyền của Chánh Thẩm phán John Roberts có nhiều khả năng xóa bỏ Obamacare, vô hiệu hóa các cơ quan quản lý liên bang và mở rộng quyền sử dụng súng. Bà ấy thậm chí có thể giúp cho những người bảo thủ đạt được mục tiêu họ đã theo đuổi từ lâu là lật đổ phán quyết về quyền phá thai năm 1973 từ vụ Roe kiện Wade.

Phát biểu tại Vườn Hồng của Nhà Trắng sau khi được Trump giới thiệu, bà tuyên thệ sẽ cố gắng theo bước Scalia. Bà làm thư ký cho ông trong tòa án nhiệm kỳ 1998-99. “Triết lý tư pháp của ông ấy cũng là của tôi,” bà Barrett nói. “Một thẩm phán phải áp dụng luật như đã viết. Các thẩm phán không phải là nhà hoạch định chính sách và họ phải kiên quyết gạt bỏ bất kỳ quan điểm riêng nào họ có”. Theo thang dự đoán do học giả Lee Epstein - giáo sư luật và nhà khoa học chính trị tại Đại học Washington ở St. Louis - tạo ra, bà Barrett còn bảo thủ hơn cả hai người Trump đề cử đầu tiên: Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh. Cả hai thẩm phán này nói chung đều là những lá phiếu đáng tin cậy cho Trump và các niềm tin bảo thủ, mặc dù Gorsuch đã khiến nhiều người ủng hộ ông thất vọng vào tháng Sáu năm 2020 khi ý kiến đa số của ông ủng hộ mở rộng luật chống phân biệt đối xử liên bang để bảo vệ người thuộc LGBTQ tại nơi làm việc.

Trump gọi Barrett là “một người phụ nữ có thành tích vô song, trí tuệ ngất ngưởng, bằng cấp xuất sắc và lòng trung thành tuyệt đối với Hiến pháp”. 'Bảo thủ vững chắc' Mặc dù các thẩm phán khác của Tối cao Pháp viện đã khiến những người ủng hộ thất vọng trong quá khứ, bà Barrett có trình độ chuyên môn đặc biệt vững vàng, xuất hiện ít nhất chín lần tại các sự kiện do Hiệp hội Liên bang bảo thủ tài trợ kể từ năm 2014. Mike Davis, người sáng lập Dự án Điều III và ủng hộ các lựa chọn tư pháp của Trump, nói: “Bà ấy là một người bảo thủ vững chắc. Với việc bổ nhiệm thẩm phán Barrett làm lựa chọn thứ ba của ông vào Tối cao Pháp viện, Tổng thống Trump sẽ chuyển đổi cơ cấu 5-4 của John Roberts thành cơ cấu 6-3 của Clarence Thomas.” Ilya Shapiro, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hiến pháp Robert A. Levy tại Viện Cato theo chủ nghĩa tự do, phát biểu rằng các công việc mang tính hàn lâm của bà cho thấy bà sẵn sàng bỏ tiền lệ hơn cả Scalia, biểu tượng bảo thủ mà bà đã từng làm thư ký dưới quyền. “Bạn có thể thấy trong các bài viết của bà ấy rằng bà quý trọng ông ấy và nhìn chung là đồng ý với cách tiếp cận pháp luật của ông ta,” Shapiro nói. “Nhưng tôi nghĩ bà ấy sẵn sàng hơn ông ấy một chút, ít nhất là khi ở vị trí thẩm phán của Tòa án tối cao, trong việc chất vấn tiền lệ.” Lật đổ tiền lệ Scalia ít có xu hướng bỏ đi các phán quyết trước đây của Tối cao Pháp viện hơn đồng nghiệp Thomas của ông, người được thông qua vào năm 1991. Về sự tuân thủ tiền lệ, Shapiro cho rằng bà Barrett có thể sẽ ở khoảng giữa hai ông này. Lý lịch bản thân cho thấy bà ấy sẽ còn ủng hộ quyền sử dụng súng hơn cả Scalia, người đã viết quyết định mang tính bước ngoặt năm 2008 rằng Tu chính án thứ hai bảo vệ các quyền tự do cá nhân, trích lời Adam Winkler, giáo sư Trường Luật UCLA có chuyên môn về lĩnh vực này. Ông nói rằng Barrett có thể sẽ bỏ phiếu để bãi bỏ luật "cờ đỏ" tạo ra để tạm thời tước quyền mang súng của những người nguy hiểm. Barrett “có thể sẽ có tác động lớn đến chính sách súng của Mỹ nếu bà ấy được bổ nhiệm vào Tối cao Pháp viện,” Winkler đã tweet. Bà ấy đã bày tỏ sự hoài nghi về Affordable Care Act (Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Phải chăng), còn được gọi là Obamacare. Trong một bài báo đánh giá luật năm 2017, bà chỉ trích quan điểm của Roberts về việc cầm cân nảy mực, nói ông đẩy văn bản "vượt quá ý nghĩa hợp lý của nó." Một tuần sau ngày bầu cử, Tối cao Pháp viện sẽ xét xử xem Obamacare liệu có hợp Hiếp pháp. Một trong những thượng nghị sĩ đồng hương của Barrett, Mike Braun, chỉ ra sự tương phản giữa bà với Roberts, một người cũng được Đảng Cộng hòa bổ nhiệm nhưng đã bỏ lá phiếu quan trọng để duy trì chương trình hoãn trục xuất DACA và ngăn Trump thêm câu hỏi về quyền công dân vào cuộc điều tra dân số năm 2020. “Một lý do khiến tôi phấn khởi về Amy là tôi không thấy bà ấy gió chiều nào xuôi chiều ấy, hay sẽ bắt đầu thiên tả sau khi được bổ nhiệm,” Braun nói. "Bà ấy là một nhà lập hiến và thừa hưởng di sản bảo thủ tốt." Barrett lớn lên ở vùng ngoại ô New Orleans và theo học một trường trung học dành cho nữ sinh Công giáo trước khi tốt nghiệp đại học Rhodes ở Memphis, Tennessee và Trường Luật Notre Dame ở South Bend, Indiana. Bà đã làm thư ký cho thẩm phán bảo thủ của Tòa Phúc thẩm Liên bang Washington Laurence Silberman trước Scalia. Bà trở lại Trường Luật Notre Dame làm giáo sư vào năm 2002 và dạy toàn thời gian ở đó cho đến khi Trump bổ nhiệm bà vào Tòa Phúc thẩm Liên bang ở Chicago vào năm 2017. Bà và chồng Jesse Barrett, một công tố viên liên bang, có bảy người con, trong đó có hai con nuôi từ Haiti và một con trai mắc hội chứng Down. Tôn giáo đóng vai trò trung tâm trong cuộc sống của bà. Trong bài phát biểu khai giảng năm 2006 của Trường Luật Notre Dame, Barrett kêu gọi các sinh viên tốt nghiệp hướng sự nghiệp pháp lý của họ theo hướng “xây dựng Vương quốc của Đức Chúa Trời”. Barrett đã từng là người được ủy thác của trường học do một nhóm nhỏ Cơ đốc giáo có tên là People of Praise (tạm dịch: Những Người Khen Ngợi) điều hành, kết hợp các giáo lý Công giáo với các niềm tin Ngũ tuần như lời tiên tri và nói tiếng lạ. Cho đến gần đây, nhóm này đã gọi phụ nữ trong vai trò lãnh đạo là “người hầu gái”, khiến một số nhà phê bình cánh tả so sánh họ với chế độ áp bức trong tiểu thuyết và phim truyền hình nhiều tập “The Handmaid’s Tale” (Câu chuyện người hầu gái).

Những so sánh như vậy đã thu hút sự chỉ trích từ những người ủng hộ Barrett; một số người đã chỉ ra sự nghiệp và thành tích của Barrett, xem đó là bằng chứng về sự độc lập của bà ấy. Carter Snead, một đồng nghiệp của Barrett ở Notre Dame, cho biết: “Ở South Bend này, mọi người đều biết đến People of Praise (Những Người Khen Ngợi). Đó chỉ là một nhóm những người thực sự tốt bụng. Cho rằng họ mờ ám là rất buồn cười khi bạn thực sự biết con người họ." Những người theo chủ nghĩa tự do đã bày tỏ lo ngại rằng Barrett sẽ để niềm tin tôn giáo hướng dẫn phán xét của bà ấy. Tại phiên điều trần xác nhận trước Tòa phúc thẩm năm 2017, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dianne Feinstein đã nói với Barrett rằng “luật tôn giáo sống quá mạnh mẽ trong tâm bà.” Barrett nói rằng bà ấy sẽ không để niềm tin cá nhân can thiệp vào phân tích pháp lý của mình, và nhiều người bảo thủ tôn giáo đã tỏ ra khó chịu trước nhận xét của Thượng nghị sĩ Feinstein. Sau đó, họ đã sử dụng những lời nói của Feinstein như một lời kêu gọi tập hợp, dán chúng lên áo thun và cốc cà phê. “Không có dấu hiệu nào cho thấy với tư cách là một người Công giáo sùng đạo, Barrett sẽ để khía cạnh cuộc sống cá nhân của mình can thiệp vào quyết định tư pháp của bà ấy,” trích lời Scalia và Thomas, Steven Aden, giám đốc pháp lý tại hãng luật Americans United for Life (tạm dịch Người Mỹ Đoàn kết Ủng hộ Sự sống), nơi đã thúc giục Trump đề cử Barrett. Quan điểm về phá thai Tại Tòa Bạch Ốc, Barrett cho biết bà sẽ làm công việc của mình tại Tòa án Tối cao một cách công minh không thiên vị.

“Nếu được bổ nhiệm, tôi sẽ không đảm nhận vai trò đó chỉ vì lợi ích cục bộ và chắc chắn không phải vì lợi ích của riêng tôi,” bà nói. "Tôi sẽ đảm nhận vai trò này để phục vụ mọi người." Barrett đã thể hiện rõ ràng sự phản đối của cá nhân mình đối với việc phá thai trong một bài báo luật năm 1998 dựa theo quan điểm của Công giáo. Bà ấy viết rằng phá thai và giúp người bệnh nan y chết êm ái là "lấy đi sự sống vô tội" và phá thai "luôn luôn trái đạo đức." Với tư cách là thẩm phán, bà đã ký vào một ý kiến pháp lý ủng hộ yêu cầu của bang Indiana rằng các phòng khám phải chôn cất hoặc hỏa táng hài cốt thai nhi và một lệnh cấm riêng của Indiana về việc phá thai dựa trên chủng tộc, giới tính của thai nhi hoặc nguy cơ rối loạn di truyền như hội chứng Down. Bà Barrett ủng hộ một phiên điều trần mới cho các quan chức tiểu bang sau khi ủy ban ba thẩm phán hủy bỏ luật nêu trên. Tối cao Pháp viện sau đó đã phục hồi luật về thai nhi mà không cần nghe tranh luận - ủng hộ quan điểm của Barrett - nhưng từ chối việc bang Indiana muốn khôi phục luật phá thai có chọn lọc. Elizabeth Sepper, giáo sư luật tại Đại học Texas ở Austin, cho biết: “bà ấy rõ ràng là ứng cử viên trong mơ cho những người bảo thủ tập trung vào việc phá thai.” Nhưng Jonathan Adler, một giáo sư luật của Đại học Case Western Reserve, người thân thiện với Barrett, nói rằng không ai nên cho rằng bà ấy sẽ bỏ phiếu bãi bỏ luật Roe. Trong một bài phát biểu năm 2013, bà bày tỏ nghi ngờ rằng quyết định này sẽ bị đảo ngược, và cho biết cuộc chiến chống phá thai đang ngày càng tập trung vào việc liệu tiền đóng thuế có nên được sử dụng để trợ cấp cho các thủ tục phá thai hay không. Adler nói: “Bà ấy nghĩ rằng Roe đã không chính xác từ trong trứng nước. Nhưng điều đó khác với câu hỏi có nên bãi bỏ nó hay không.”


Người dịch: Le Tran

Biên tập: K.Tran

Comments


bottom of page