top of page

Ảnh về các hộp thư của USPS bị thu hồi là một bài học về việc chia sẻ thông tin sai lệch

Hãy đề phòng những gì quý vị đăng lại trên mạng xã hội.


Rebecca Heilweil, ngày 19 tháng 8, 2020

Các bức hình của các hộp thu thư bị dời bỏ đang được lan truyền trên mạng. Đôi khi chúng được thay thế vì đã cũ. Katherine Frey/The Washington Post via Getty Images


Giữa nhiều câu chuyện rất đáng lo ngại về tình trạng của Sở Bưu Điện Hoa Kỳ (US Postal Service), gần đây một bức ảnh đặc biệt gây hoang mang đã được lan truyền. Bức ảnh này cho thấy một loạt hộp thu thư màu xanh dương của Sở Bưu Điện Hoa Kỳ chồng lên nhau đằng sau hàng rào ở một nơi nhìn giống như một bãi rác. Trong lúc những lo ngại ngày càng gia tăng vì Sở Bưu điện có khả năng sẽ phải xử lý một số lượng các lá phiếu bầu được gửi qua thư cao kỷ lục trong cuộc bầu cử tháng 11, đối với vài người, bức ảnh này có thể xem như bằng chứng về sự đàn áp cử tri. Nhưng điều này không đúng - hoặc không hẳn là đúng hoàn toàn.


Khi mối lo âu về việc Tổng thống Trump có thể phá ngầm dịch vụ thư từ tăng cao, bức ảnh về hộp thu thư này thể hiện một loại thông tin sai lệch đặt biệt nguy hiểm, một dạng thông tin sai lệch mà các công ty truyền thông xã hội vẫn đang tìm cách kiểm duyệt. Một tweet, hiện đã được đăng lại trên Twitter gần 80,000 lần, sử dụng hình ảnh để minh họa một ý kiến táo bạo:

"Hình được chụp tại tiểu bang Wisconsin. Việc này đang xảy ra ngay trước mắt chúng ta. Họ đang phá bỏ Dịch vụ Bưu Điện Hoa kỳ (USPS) để phá ngầm việc bầu cử qua thư. Đây là một hình thức đàn áp cử tri qui mô lớn và là một phần trong kế hoạch của họ để cưỡng chiếm cuộc bầu cử."


Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các hộp thu thư trong ảnh đó không phải đang nằm trong một bãi rác. Chúng đang nằm trong mảnh đất thuộc về công ty Hartford Finishing Họ thường tân trang các hộp thư cho Sở Bưu Điện. Nói cách khác, không có gì lạ trong việc các hộp thu thư được chồng lên ở nơi như ảnh đã cho thấy. Hình này không liên quan gì đến nỗ lực phá ngầm cuộc bầu cử.


Dù việc một bức ảnh lan truyền gây hiểu lầm là không hiếm trên mạng, điều đặc biệt cần đáng quan tâm là thông tin sai lệch liên quan đến cách người Mỹ sẽ bỏ phiếu và cuộc bầu cử nói chung. Các bài đăng và hình ảnh được lan truyền cũng không cần phải chứa thông tin hoàn toàn sai lệch để gây nguy hiểm. Những bài đăng thiếu ngữ cảnh cần thiết cũng góp phần vào sự hoài nghi về quá trình bầu cử và làm giảm giá trị của sự thật. Trong trường hợp này, các bài đăng có chứa hình ảnh hộp thu thư được lan truyền có thể được vạch trần, và điều đó lại có thể khiến mọi người đặt câu hỏi ngược lại rằng liệu có mối đe dọa thật sự đối với Sở Bưu điện Hoa Kỳ hay không.


Đây không phải là để coi nhẹ những việc rất đáng lo ngại đang xảy ra tại USPS trong lúc này. Trong những tuần lễ kể từ khi ông Louis DeJoy, người gây quỹ lâu năm của đảng Cộng hòa và nhà đóng góp tài chính cho Trump, đảm nhận vị trí tổng giám đốc bưu điện, USPS đã chậm trễ trong việc giao hàng trên khắp mọi nơi và máy soạn thư từ đã bị gỡ bỏ khỏi các bưu điện. Sở Bưu điện cũng đã cảnh báo 46 tiểu bang và Washington, DC, rằng họ không thể bảo đảm các lá phiếu được gửi bằng thư sẽ đến tay các hội đồng bầu cử đúng hạn vào tháng 11, trong khi Trump đã thừa nhận rằng ông phản đối việc tăng cứu trợ cho Sở Bưu điện Hoa Kỳ vì điều đó sẽ cho phép bình thường hoá việc bỏ phiếu bằng thư.


Ông DeJoy đã hứa sẽ tạm ngưng một số biện pháp cắt giảm chi phí đã gây ra sự trì hoãn cho đến sau cuộc bầu cử, và nói rằng “thiết bị soạn thư và hộp thu thư màu xanh dương sẽ vẫn ở nguyên vị trí của chúng.” Nhưng niềm tin của người dân Mỹ đối với Sở Bưu điện có khả năng đã bị đánh đổ, không chỉ do sự thật mà còn vì thông tin sai lệch.


Có các báo cáo đã được xác minh về việc các hộp thu thưmáy soạn thư bị loại bỏ đang làm gây thêm mối lo về việc phá ngầm bầu cử. Những sự việc đáng lo ngại này cũng đã tạo ra một môi trường hoàn hảo để các bài đăng gây hiểu lầm như bài viết trên của Thomas Kennedy được lan truyền rộng. Trong một loạt bài đăng trên Twitter, Kennedy cũng bao gồm một số bài báo từ nguồn tin đáng tin cậy về tình trạng của Sở Bưu điện. Tuy nhiên các bài báo đó đã bị mất uy tín khi bài viết của Kennedy không cung cấp ngữ cảnh chính xác của bức ảnh này. Và Kennedy không phải là người chụp bức ảnh. Như nhiều người trên mạng, anh ấy chỉ đơn giản là chia sẻ suy nghĩ của mình cùng với bức ảnh sau khi nhìn thấy nó từ chỗ khác.


Kennedy cho Recode biết, “Khi tôi đang đọc tin về việc các hộp thu thư của USPS bị dời bỏ ở tiểu bang Montana và Oregon, đã có nhiều hình ảnh được chia sẻ trên mạng, và tôi đã thấy bức hình đó. Và tôi nghĩ trong đầu, ‘Trời đất ơi, cái này nhìn thật là sai.” Và tôi chỉ đăng ảnh để chia sẻ thôi.”


Nhiều người khác điều tra tấm ảnh đấy kỹ hơn. @UsHadrons, một người dùng Twitter tìm ra rằng nguồn gốc của tấm ảnh được Kennedy đăng lên là từ một bài viết trên mạng xã hội Reddit vào ngày 14 tháng 8, và lần ra được địa chỉ của bức ảnh đó ở công ty Hartford Finishing tại Wisconsin nhờ vào Google Maps. Gary He, một phóng viên ảnh tại Eater, liên hệ Hartford Finishing và được một người phụ nữ trả lời rằng công ty lấy hộp bưu thư “từ mọi nơi và làm chúng nhìn đẹp trở lại.” (Eater và Recode đều có cùng công ty mẹ là Vox Media.)

“Vậy là ai cũng đã thấy bức hình đang “lan toả" của chồng hộp bưu điện tại Wisconsin được sử dụng để làm chứng cớ rằng Trump muốn phá hoại bầu cử qua thư từ. Chuyện là những hộp thư ấy nằm đó lâu rồi. Hartford Finishing là một công ty chuyên đánh bóng và sửa hộp thư cũ.” (1/8)


Không chỉ thế, Reuters còn gây thêm hoang mang khi họ gửi nhiếp ảnh gia tới địa điểm và chụp thêm hàng loạt tấm ảnh của những cái hộp này mà không đính theo bối cảnh tình hình tại sao chúng lại nằm ở cơ sở Wisconsin đó, một vấn đề mà ông He đã nhắc đến. Một lát sau đó Reuters đã bổ sung bối cảnh kèm với hình ảnh và xác nhận với Recode rằng họ không chụp tấm ảnh mà Kennedy đã dùng.


“Một người hay tổ chức mà không phải là nguồn chính của ảnh hay làm tôi lo ngại, và tôi sẽ thường ấn vào trang của họ để xem tôi có thể tìm được chứng chỉ hay thông tin xác thực nào không,” He cho biết trong cuộc phỏng vấn với Recode.


Cho dù vậy, bức ảnh được chia sẻ bởi Kennedy vẫn lan toả nhanh hơn lời giải thích của nó, không chỉ trên Twitter mà còn trên Facebook và những mạng xã hội khác. Những người nổi tiếng như Alyssa Milano, Kyle Kuzma, John Cusack và Jeri Ryam cũng đều khuếch đại bức ảnh ấy.


Sau một thời gian, tấm ảnh của Kennedy đã có được sự chú ý của nhà chống tin tức giả mạo Eric Litke từ PolitiFact, và đã được xác nhận rằng thông tin của Kennedy là sai, cùng với những bài viết tương tự như vậy. Litke đưa ra bằng chứng rằng đánh bóng và sửa hộp thư là một chuyện thường ngày của Công ty Hartford Finishing nhờ vào những ảnh trước đó được chụp từ Google Maps.


“Điều đó không có nghĩa rằng không có chuyện bất chính xảy ra ở chỗ khác, nhưng nó cũng không có nghĩa rằng mọi chuyện đều là bất chính,” Litke cho biết.


David Partenheimer, một người phát ngôn cho Sở bưu điện xác nhận với Recode rằng Hartford Finishing đã làm việc với họ được vài năm rồi.


“Họ là nhà thầu sửa chữa và phá huỷ các hộp thư cũ. Hiện tại họ cũng đang làm ra hộp thư mới. Cứ vài năm là sẽ có những bức ảnh như vầy hiện diện,” Partenheimer giải thích.

Partenheimer cũng cho biết rằng “mỗi năm Sở bưu viện xem xét lại các hộp bưu điện để tìm ra những cái dư thừa và hiếm được sử dụng vì càng ngày số lượng Thư gửi càng ít đi. Dựa vào giám sát tỷ trọng, những hộp hiếm được sử dụng sẽ được đánh dấu và thông báo sẽ được cấp dán lên hộp để người tiêu thụ có cơ hội nêu ý kiến trước khi quyết định loại bỏ được đưa ra.”


Facebook đã đính kèm nhãn xác minh sự thật lên một trong những ảnh chụp bài đăng của Kennedy sau khi PolitiFact đánh giá nó - nhưng không phải bài đăng nàoy cũng có nhãn nàyn. Trong khi đó, bài đăng trên Twitter của Kennedy vẫn không có nhãn kèm, và một người phát ngôn của Twitter cho Recode biết rằng bài đăng đó không phạm quy định hiện tại của Twitter và sẽ không nhận nhãn xác nhận.


Dù được xác nhận là thông tin sai lệch, Kennedy cho biết rằng ông không hối tiếc đăng bức ảnh này và cho rằng nó giúp tăng cường nhận thức của mọi người về tính trung thực của cuộc bầu cử và Sở Bưu điện. Nhưng nhiều người tranh luận ngược lại: Thông tin sai trong bất kì tình huống nào sẽ làm độc giả nghi ngờ sự trung thực của truyền thông, củng cố những nghi ngờ mà quần chúng đã có từ trước về sự thật.


“Chưa gì hết, các tường thuật quan trọng từ Sở bưu điện đã làm rẻ rúng bởi những bức ảnh của “nghĩa địa hộp thư" trong khi chúng chỉ là khu sửa chữa. “Không chỉ vậy, các lời đồn từ những nhân viên giấu danh từ bưu điện làm lu mờ thông tin thật sự và giúp Nhà trắng cùng với đồng minh của họ gieo những lời vu khống lên những lo ngại chính đáng từ dân chúng về việc bầu cử qua thư từ,” Charlie Warzel từ New York Times cho biết.


Cùng lúc đó, phe bảo thủ đã bắt đầu lợi dụng các bài xác minh của bức ảnh ấy để làm mất uy tín những cáo buộc rằng Trump muốn phá ngầm bầu cử qua thư. Lấy ví dụ, cựu Thống đốc Cộng hoà Scott Walker đã chia sẻ hình chụp của bài xác minh từ PolitiFact trên Facebook và dùng nó để chứng minh rằng "cánh tả muốn khuấy động một scandal giả tạo với hi vọng người nào lo sợ sẽ gửi phiếu bầu trước cả cuộc tranh luận đầu tiên.”

(Scott Walker)


“Thật ra, tôi tin rằng bên cấp tiến muốn khuấy động một cuộc tranh cãi giả tạo với hi vọng những người lo ngại sẽ gửi phiếu bầu trước cuộc tranh luận đầu tiên. Họ không muốn người đi bầu thấy Joe Biden bào chữa những lý tưởng cấp tiến hay thấy những lời đối đáp của ông ta tệ như thế nào.”

Ví dụ này phù hợp với khuôn mẫu quen thuộc rằng thông tin sai lệch tạo thêm nhiều thông tin sai nữa, và càng lúc kéo lệch tường thuật khỏi sự thật.


“Sau cùng, chúng ta sẽ thấy rất nhiều bức ảnh hoàn toàn rời xa khung cảnh và rồi các tấm áp phích có thể đi kèm với bất cứ ý kiến gì có lợi cho họ về mặt chính trị,” Litke nói Recode rằng.


Việc ép buộc người đọc nhận ra thông tin nào đúng sai hoặc ngăn chặn nó khỏi được chia sẻ có vẻ bất khả thi - trách nhiệm của các mạng xã hội để giúp người dùng tránh khỏi thông tin sai trái chưa bao giờ rõ ràng như bây giờ. Sở bưu điện đang đối mặt với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng Việc đối phó với thông tin giả mạo không nên trở thành một trong những vấn đề khác nữa.


Dịch bởi: Q. Đỗ & Ron Phan

Biên tập: Cookie Duong

Comments


bottom of page