top of page

Báo cáo an ninh y tế toàn cầu: không có nước nào đủ sẵn sàng để đối phó với đại dịch.

By KATE HARRISON BELZ, on 06-12-2021, 12:00:00

Nhiều năm dài sống trong đại dịch COVID-19, có thể dễ dàng nghĩ rằng đây là sự kiện chỉ xảy ra một lần trong mỗi thế hệ. Nhưng theo một báo cáo an ninh y tế toàn cầu, thay vào đó, đại dịch nên được xem như là “một phát súng cảnh báo” về những mối đe dọa sinh học ngày càng gia tăng mà các quốc gia vẫn chưa chuẩn bị đẩy đủ để đối phó. Chỉ số An Ninh Y Tế Toàn cầu 2021 cho thấy bất chấp những nỗ lực được thực hiện để đối phó với đại dịch, không hề có quốc gia nào trong tổng số 195 quốc gia có nguồn lực y tế dài hạn đủ sẵn sàng - làm cho toàn cầu trong trạng thái nguy hiểm trước những tình trạng y tế khẩn cấp trong tương lai. Jessica Bell, giám đốc cấp cao của Chương trình và chính sách sinh học toàn cầu tại Tổ chức Sáng kiến đe dọa Hạt nhân (Nuclear Threat Initiative-NTI) nói:“ Đã có một lượng tiền khổng lồ được đổ vào để ứng phó lại COVID-19, nhưng kết quả thu được như vậy thật nản lòng”. Tổ chức này cùng với Trung tâm Johns Hopkins đã công bố chỉ số về An ninh Y tế tại Trường Y tế công cộng Bloomberg. “Tôi cho rằng điểm mấu chốt là chúng ta cần khá nhiều thời gian để đo lường loại thay đổi này. Hàng thập kỷ thiếu hụt nguồn lực của y tế công cộng gây nên nhiều hậu quả trên thực tế.” Lần công bố thứ hai của Chỉ số này bắt đầu sau 2 năm sau khi chỉ số năm 2019 trở nên vô dụng: thời điểm bắt đầu của đại dịch. Phiên bản 2021 có được với sự quan tâm cao, tính cấp thiết và tầm nhìn mới bắt nguồn sau những nỗ lực đối phó với COVID-19. Và thêm một lần nữa, nó rung lên hồi chuông cảnh báo. Ngay cả những quốc gia với xếp hạng cao về mức độ sẵn sàng như Hoa Kỳ cũng có những thất bại đáng buồn khi phải ứng phó thật sự với đại dịch. Ernest J. Moniz, đồng chủ tịch và CEO NTI cho biết trong một phát biểu: “COVID-19 đưa ra một minh họa tàn khốc về khả năng chuẩn bị và ứng phó kém với đại dịch có thể ảnh hưởng đến y tế và an ninh ở mọi cấp độ: địa phương, quốc gia và toàn cầu. Cần nguồn đầu tư lớn, và các lãnh đạo trên thế giới cần phải hành động. Các mối đe dọa sinh học đang không ngừng tăng lên, và tất cả quốc gia cần đầu tư nhiều hơn vào khả năng chống chọi để ứng phó với những mối đe dọa như thế.” COVID-19 thúc đẩy hành động - nhưng chưa đủ Bóng tối của đại dịch bao trùm lên việc tạo ra chỉ số GHS của năm 2021, phức tạp hoá tất cả mọi thứ, từ việc thu thập dữ liệu đến việc gặp mặt của những cố vấn quốc tế - tất cả những người tham gia vào việc chống dịch của quốc gia họ. Tuy vậy, nhóm nghiên cứu vẫn có nhiều động lực để cập nhật chỉ số, để cung cấp trực tiếp đến những người chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định về sức khỏe cộng đồng và an ninh - những lãnh đạo của chính phủ, y tế, kinh tế, thiện nguyện và những lĩnh vực khác. Anita Cicero, phó giám đốc Trung tâm An ninh Sức khỏe, người đã mô tả Chỉ số như là “cột mốc chỉ đường” cho biết: Chỉ số nhằm mục đích cho biết những thiếu sót mà các quốc gia cần lấp đầy để đối phó với những đợt bùng phát trong tương lai và giúp họ “ biết được cách tốt nhất để sử dụng nguồn tài nguyên rất hạn chế để bảo vệ chính họ một cách có ý nghĩa.” Để làm được điều này, Chỉ số dựa trên dữ liệu công khai có sẵn, được biên soạn bởi Economist Impact - dịch vụ nghiên cứu và truyền thông từ The Economist - để ước định năng lực dựa trên 6 hạng mục: phòng ngừa, phát hiện, phản ứng nhanh, hệ thống y tế tổng thể, sự tôn trọng các tiêu chuẩn toàn cầu, và các mối đe dọa chính trị an ninh. Kết quả thu được ấn tượng nhưng cũng đáng thất vọng. Các quốc gia đã xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp với tốc độ đáng kinh ngạc. Nhưng những kế hoạch này chủ yếu là ngắn hạn và cụ thể về COVID, với rất ít hoặc không có nguồn vốn cố định hay chính sách dài hạn để đối phó với những đợt bùng phát trong tương lai. Jennifer Nuzzo, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế cho biết: Những đánh giá sơ bộ cho thấy những hành động có ý nghĩa “không nằm ngoài tầm với của các quốc gia.” Nhưng chúng vẫn chưa đủ. Nuzzo nói:" Chúng ta cần có tư tưởng chính trị và sự tuân thủ cao để đảm bảo rằng đây không phải là thứ sẽ bị mai một sau vài năm sau khi chúng ta quên hết về COVID. Một phần những thứ mà chúng ta đang cố gắng xây dựng ở đây là nền móng dài hạn cho những mối nguy trong tương lai, và không sụp đổ mỗi khi tình huống khẩn cấp xẩy đến." ‘Nguồn lực bị lãng phí’ Xếp sau Hoa Kỳ, những quốc gia có thứ hạng cao về chỉ số này là Úc, Phần Lan, Canada, Thái Lan, Slovenia và Vương quốc Anh. Nhưng các nhà nghiên cứu nhanh chóng nhấn mạnh rằng không có quốc gia nào đạt điểm ở top đầu, và chỉ dựa vào bảng xếp hạng không đánh giá được toàn bộ vấn đề. Số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ ở mức cao nhất trên toàn cầu - 790,000 - dẫn đến các nhà phê bình đặt câu hỏi về thứ hạng cao nhất của Mỹ ở chỉ số 2019. Báo cáo 2021 dành toàn bộ một chương lớn để giải mã nguyên nhân Hoa Kỳ “lãng phí nguồn lực của họ” khi đối phó với COVID-19, và rào cản tài chính đến dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đã gây nguy hại đến người dân như thế nào. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng báo cáo được thiết kế để đo lường nguồn lực của một quốc gia để đối phó với một đợt bùng phát, chứ không đánh giá việc ứng phó với dịch của quốc gia đó. Nuzzo ví nó như là việc đo lường khả năng phòng chống hoả hoạn. Một toà nhà có thể có hệ thống báo khói hoạt động, nhưng nó không xác định được con người sẽ phản ứng như thế nào khi có thứ gì đó bốc cháy. Nuzzo nói: “Chúng tôi không đánh giá được liệu bạn có phớt lờ tiếng chuông báo cháy khi nó ngưng kêu, hay các chính trị gia có nói với mọi người hãy ở yên tại chỗ khi chuông báo đang được tắt.”

Bell cho biết thêm, một lỗ hổng nhỏ trong các hạng mục cần chuẩn bị sẵn sàng có thể là gót chân Achilles của một quốc gia. Bell nói: "Có được thứ hạng cao không có nghĩa là những quốc gia đó đã được chuẩn bị sẵn sàng tốt. Nếu có một lỗ hổng ở đây, nó có thể trở thành một điểm quan trọng dẫn tới việc đối phó quá tồi tệ, hay thiếu khả năng ứng phó. Theo chỉ số báo cáo, ở nhiều quốc gia, lỗ hổng quan trọng là thiếu an ninh chính trị, với bất ổn xã hội và xung đột khu vực gia tăng trong năm qua. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng ngờ vực chính trị có tác động rất lớn đến việc ứng phó với đại dịch, gây nên những hậu quả tàn khốc. Hoa Kỳ ghi nhận mức điểm thấp nhất có thể có về “niềm tin công khai vào chính phủ”, một phát hiện thường thấy ở những quốc gia với số ca COVID-19 cao. Nuzzo nói: “Bạn có thể có kế hoạch truyền thông về những mối nguy hiểm, nhưng khi không một ai tin vào chính phủ, họ sẽ không làm theo nó. Việc có khả năng xét nghiệm diện rộng là rất tuyệt, nhưng nếu không ai tin vào chính phủ, họ thậm chí còn không tin vào kết quả.” Trong khi một số quốc gia không thể ứng phó nổi cơn dịch, một số khác “làm nhiều hơn với những gì họ có”, Nuzzo cho biết. New Zealand, xếp hạng thứ 39 trong chỉ số 2019, có một số yếu điểm như là sức chứa bệnh viện thấp và các cơ quan y tế kém phát triển. Nhưng khi đại dịch tấn công, các nhà lãnh đạo sử dụng chỉ số này để xác định và giảm bớt số khu vực yếu kém. Một cố vấn y tế hàng đầu chia sẻ với một tờ báo sau đó rằng chỉ số đánh giá này “thực sự đã cứu chúng tôi”. Quốc gia này hiện xếp hạng thứ 13. Các nhà nghiên cứu cho biết việc tính toán này là mục tiêu của chỉ số. Xếp hạng của một quốc gia không phải là mục tiêu: nó là phương tiện để chỉ đến những bước tiếp theo. Nhóm nghiên cứu hi vọng rằng có thể công bố Chỉ số mỗi 2-3 năm với hi vọng tiếp tục thúc đẩy sự thay đổi lâu dài. Họ hy vọng rằng tác động nội tại của COVID-19 có thể vẫn thúc đẩy các quốc gia đầu tư vào những bước trên. Nuzzo nói: “Tôi xem nó như là một lời kêu gọi hành động. Chúng ta vẫn có những lỗ hổng khổng lồ ở khả năng sẵn sàng của mọi quốc gia, không chỉ với COVID mà còn với những mối đe doạ khác. COVID không phải là đại dịch cuối cùng mà chúng ta đối mặt, và không có gì đảm bảo nó đã là thứ tồi tệ nhất.”


Người dịch: Tran Tuan Hanh

Biên tập: Tran Tuan Hanh & Chau Tran

Comments


bottom of page