Translated from The Atlantic article What Ruth Bader Ginsburg’s Death Means for America
Russell Berman, ngày 18 tháng 9, 2020
CHARLES DHARAPAK / AP
Một trận chiến khốc liệt cho chiếc ghế trống của Tối cao Pháp viện là điều cuối cùng nước Mỹ cần trong lúc này.
Sự ra đi của Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg hôm nay là một mất mát vô cùng lớn lao cho các nhà hoạt động bình đẳng giới, những người luôn xem bà là một biểu tượng của nữ quyền, và là một bức tường thành bảo vệ quyền được phá thai cũng như hàng loạt các lý tưởng cấp tiến khác tại Tối cao Pháp viện. Nữ luật gia sinh ra ở Brooklyn này đã trở thành một trong những nhà đấu tranh tiên phong chống lại phân biệt giới tính với tư cách là một luật sư cho Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), cả chục năm trước khi Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm bà trở thành người phụ nữ thứ hai vào toà án tối cao của đất nước.
Gần hai tháng trước thềm bầu cử tổng thống, sự ra đi của bà như thêm một que diêm ném vào ngọn lửa sôi sục của nền chính trị quốc gia Mỹ năm 2020: Nó chắc chắn sẽ càng kích động một đất nước vốn đã phân cực sâu sắc và rạn nứt do đại dịch, suy thoái kinh tế nặng nề, cũng như bạo loạn dân sự tại các thành phố lớn.
Tại thủ đô Washington, cuộc đấu đá để giành chỗ trống tòa án này có thể gia tăng căng thẳng lên mức độ chưa từng thấy, ngay cả trong nhiệm kỳ tổng thống đầy xáo động của Trump. Tổng thống sẽ nóng lòng chọn người thay thế bà Ginsburg ngay lập tức, tận dụng cơ hội để hiệu triệu người ủng hộ ông trước thềm bầu cử và để củng cố di sản của ông cho dù ông có thất cử vào tháng 11. Ông ta còn có thể trở thành vị tổng thống đầu tiên, ngoài ông Nixon, được bổ nhiệm ba thẩm phán Tối cao Pháp viện chỉ trong một nhiệm kỳ bốn năm. Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell đã đánh tiếng rằng ông ta sẵn sàng cho một cuộc chiến chuẩn thuận nữa, dù là trước hay sau bầu cử. Phe Cộng hòa sẽ chịu nhiều áp lực trong việc xem xét và chấp thuận ứng viên của ông Trump chỉ tám tuần trước tháng 11. Nhưng cho dù Phó tổng thống Joe Biden thắng lợi và phe Dân chủ chiếm lại Thượng viện, thì họ cũng không thể ngăn cản Trump bổ nhiệm một thẩm phán mới. Đảng Cộng hòa sẽ vẫn kiểm soát cả Nhà Trắng lẫn Thượng viện cho đến khi Quốc hội nhiệm kỳ mới nhậm chức vào tháng 1.
Theo như tường thuật vào thứ sáu của Nina Totenberg của hãng NPR, trong những ngày cuối đời mình, bà Ginsburg đã viết rõ trong di ngôn: “Một trong những ước nguyện mãnh liệt nhất của tôi vào lúc này, đó chính là vị trí của tôi sẽ không bị thay thế cho đến khi chúng ta bầu được tổng thống mới.”
Ước nguyện đó có được hoàn thành hay không hiện vẫn còn đang là dấu chấm hỏi. McConnell đã và đang khẳng định rằng, tiền lệ mà ông tạo ra để bác bỏ đề cử của cựu Tổng thống Obama đối với Thẩm phán Merrick Garland cho chức vụ Thẩm phán Tòa án Tối cao đã không còn được áp dụng nữa. Chính vì cả Nhà Trắng lẫn đa số Thượng Viện đang bị cùng một đảng kiểm soát. “Chúng ta chắc chắn sẽ lấp đầy Tòa án” đó chính là lời cam kết của vị Thượng nghĩ sĩ đảng Cộng hòa vào tháng 5/2019, chỉ hơn một năm sau khi bà Ginsberg tuyên bố mắc phải căn bệnh ung thư vừa đoạt đi mạng sống của bà. Khi nói đến sự hợp lý trong luận điểm chính McConnell đã đưa ra tại thời điểm đó – rằng người dân nên có quyền can thiệp vào thẩm phán tiếp theo của Tối cao Pháp viện – rõ ràng sự tôn trọng ý kiến cử tri này càng phải được áp dụng khi những lá phiếu bầu cử tổng thống đầu tiên đã được gửi đi.
Tuy nhiên câu hỏi quan trọng hơn chính là cho dù McConnell có cố gắng thông qua đề cử của Tổng thống Trump thì liệu phần lớn những thành viên còn lại của đảng Cộng hòa có đồng tình với quyết định đó - cho dù là trước khi bầu cử kết thúc vào tháng 11, hay là trong giai đoạn Quốc hội chuyển giao ngay sau đó. Một vài Thượng nghị sĩ Cộng hòa đã cho thấy họ muốn lấp đầy ghế trống của Tối cao Pháp viện khi Trump vẫn tại vị. Tuy nhiên, McConnell sẽ cần 50/52 phiếu để Phó Tổng thống Mike Pence có thể phá thế cân bằng (trong trường hợp tất cả các ghế của đảng Dân chủ bác bỏ đề cử của Tổng thống Trump), và lần này phần thắng chưa chắc sẽ thuộc về ông. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lisa Murkowski của bang Alaska đã bỏ phiếu chống lại đề cử cho Brett Kavanaugh, người đã được bổ nhiệm chỉ với một phiếu cách biệt vào năm 2018. Một Thượng nghị sĩ khác là bà Susan Collins của bang Maine, người đã ủng hộ Kavanaugh, cũng đang đối mặt với nguy cơ thất cử trong nhiệm kỳ thứ sáu sắp tới của mình. Vị Thượng nghị sĩ Cộng hòa thứ ba có thể sẽ mang lại thất bại cho Trump chính là Mitt Romney của bang Utah, người đã một phiếu kết án cho Trump vào phiên tòa luận tội tổng thống đầu năm nay. Với tiền lệ trong việc cố loại bỏ Trump ra khỏi bộ máy chính quyền, khả năng cao ông sẽ không để Trump bổ nhiệm một vị trí trọn đời vào Tối cao Pháp viện.
Đến nay, Tối cao Pháp viện đã có ba ghế bỏ trống chỉ trong vòng năm năm qua. Trường hợp của bà Ginsburg tuy ít gây bất ngờ nhất vì bà đã cao tuổi và sức khoẻ kém, nó có thể sẽ là trường hợp để lại nhiều hệ quả nhất. Sự ra đi của Thẩm phán Antonin Scalia năm 2016 không làm thay đổi cán cân quyền lực của Pháp viện (ông được thay thế bởi Thẩm phán bảo thủ Neil Gorsuch thay vì Merrick Garland), trong Kavanaugh không bảo thủ hơn là bao so với người tiền nhiệm Anthony Kennedy do Tổng thống Ronald Reagan chuẩn thuận. Tuy nhiên, nếu ông Trump lựa chọn người thay thế bà Ginsburg, chuyển dịch ý thức hệ sang cánh hữu sẽ là đáng kể nhất cho một ghế Tối cao Pháp viện kể từ khi Clarence Thomas của phe bảo thủ thay thế Thurgood Marshall của phe cấp tiến gần ba thập niên trước. Đây là một cơ hội quá hấp dẫn để đảng Cộng hòa bỏ qua.
Được hậu thuẫn bởi các Thượng nghị sĩ Cộng hoà đã phê chuẩn những quyết định trước của ông, McConnell đã cho thấy ông sẵn sàng tận dụng tối đa quyền lực của mình để diễn giải quyền “cố vấn và đồng thuận” (advise and consent) mà Hiến pháp đã uỷ nhiệm cho Thượng viện trong việc đề cử ứng viên vào nhánh tư pháp liên bang. Ông ta xem việc bổ nhiệm các thẩm phán bảo thủ quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác mà Thượng viện làm. Trong lịch sử, các lãnh đạo và cử tri phe bảo thủ có vẻ quan tâm hơn về nhánh tư pháp nói chung và Tối cao Pháp viện nói riêng hơn là phe cấp tiến. Đảng Cộng hòa cho rằng hai ghế trống trong các cuộc bầu cử năm 2016 và 2018 đã khiến cử tri của họ đi bầu đông hơn, bao gồm cho các cuộc đua quan trọng ở Thượng viện, trong khi đảng Dân chủ bốn năm trước đã không thể chuyển hóa giận dữ từ việc McConnell kéo dài đề cử của Garland thành động lực để cử tri của họ đi bầu giúp Hillary Clinton đắc cử hay để giành được đa số ở Thượng viện.
Đảng Cộng hoà có thể hy vọng ghế trống từ sự qua đời của bà Ginsburg sẽ có tác động tương tự trong năm nay, nhất là ở những tiểu bang như Arizona, North Carolina, Iowa, Maine, and Colorado, những bang mà cả Trump và các ứng cử viên Thượng viện đảng Cộng hòa đều có nguy cơ thua cuộc. Thế nhưng vị trí của bà Ginsburg nắm giữ còn có ý nghĩa quan trọng hơn đối với các đảng viên đảng Dân chủ, những người đã lo sợ về tình trạng sức khoẻ và tuổi tác của bà qua nhiều năm. Họ không chỉ lo sợ sự thụt lùi của những thành quả cấp tiến đã đạt được – bao gồm những hạn chế trong quyền phá thai và khả năng Affordable Care Act (tạm dịch: Đạo luật Chăm sóc y tế hợp túi tiền) bị vô hiệu hoá – mà còn là khả năng phe bảo thủ số đông 6-3 có thể dẫn đến thao túng quyền lực của Trump, hoặc lật đổ những thành tựu quan trọng nhất định mà Tổng thống Biden có thể đạt được. Do vậy chiếc ghế trống này có khả năng sẽ kích động và gia tăng lượng phiếu cho đảng Dân chủ, điều mà những cuộc chiến pháp lý trước đó chưa làm được. Việc này cũng có thể thúc đẩy mong muốn phục thù nếu phe Cộng hoà tỏ ra phớt lờ ý muốn của các cử tri. Nỗ lực thành công nhằm thay thế Ginsburg với một người bảo thủ trước hoặc ngay sau chiến thắng bầu cử tổng thống của đảng Dân chủ gần như chắc chắn sẽ gia tăng lời kêu gọi từ phe cấp tiến để hối thúc Biden – cùng với một Thượng viện đảng Dân chủ đồng lòng – bổ sung thêm ghế vào Tối cao Pháp viện nhằm cân bằng lợi thế đang có của phe bảo thủ.
Tầm quan trọng của 2 tháng tới – cùng với hàng trăm người tử vong mỗi ngày vì coronavirus, với một vị tổng thống đương nhiệm đang kích động bạo lực và huỷ hoại sự minh bạch của cuộc bầu cử quốc gia - thật khó có thể lên cao hơn ngay cả trước lúc bà Ruth Bader Ginsburg trút hơi thở cuối cùng do bệnh ung thư. Thêm vào tình thế dầu sôi lửa bỏng đó bây giờ là cuộc chiến Tối cao Pháp viện, với kết quả có thể thay đổi xã hội Hoa Kỳ không chỉ cho 4 năm tới, mà còn cho cả một thế hệ mai sau.
Người dịch: Cookie Duong, Khanh Doan, Khoa Le, Tegan Tran
Biên tập: Derek P., Khoa Le
Comments