top of page

'Bất nhập hổ huyệt, yên đắc hổ tử': Người đi săn virus tại chợ Vũ Hán

Translated from The New York Times's article He Goes Where the Fire Is’: A Virus Hunter in the Wuhan Market

By Carl Zimmer, on 20-03-2022, 13:00:00

Khi virus corona mới xuất hiện vào cuối 2019, nhà sinh vật học Edward Holmes đã nghĩ về những con lửng chó mà ông đã thấy tại chợ Vũ Hán năm năm trước. “Nó là một cơn đại dịch chỉ đợi để xẩy ra” ông nói, “và rồi nó đã bùng nổ một cách đẫm máu.” Credit: David Maurice Smith cho tờ The New York Times.


Trong nhiều năm qua, Edward Holmes đã lo lắng rằng những khu chợ mua bán động vật hoang dã có thể gây ra một cơn đại dịch. Và giờ, ông bị kẹt giữa trung tâm cuộc tranh cãi về nguồn gốc của virus corona. Thời điểm mà Edward Holmes thấy những cặp mắt với quầng thâm của những chú lửng chó nhìn ông qua cũi sắt, ông đã biết mình phải ghi lại khoảnh khắc đó. Đó là vào tháng 10 năm 2014. Tiến sĩ Holmes, một nhà sinh vật học ở Đại học Sydney, đã đến Trung Quốc để khảo sát về hàng trăm các loài động vật nhằm tìm kiếm các loại virus mới.

Trong một chuyến thăm Vũ Hán, một trung tâm thương mại với 11 triệu người, các nhà khoa học từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch Bệnh của thành phố đã đưa ông tới Chợ Đầu mối Hải Sản Hoa Nam. Trong từng quầy hàng ở khu vực thiếu thông gió này, ông đã thấy rất nhiều loại động vật sống - rắn, lửng, chuột xạ hương, chim - bị bán làm thực phẩm. Nhưng những con lửng chó mới là thứ khiến ông phải lấy điện thoại ra và ghi lại. Là một trong những chuyên gia của thế giới về sự tiến hoá của virus, tiến sĩ Holmes có hiểu biết sâu về khả năng lây nhiễm của virus từ loài này sang loài khác - thỉnh thoảng mang theo những hậu quả chết người. Dịch SARS vào năm 2002 cũng bắt nguồn từ một loại virus corona trên dơi ở Trung Quốc, đã lây nhiễm cho một vài loài động vật có vú hoang dã trước khi lây sang người. Và đứng đầu danh sách những nghi phạm lần này cho động vật trung gian truyền bệnh: những chú lửng chó- raccoon dog. “Bạn không thể có một ví dụ tiêu chuẩn hơn cho một cơn đại dịch đang chờ bùng nổ,” tiến sĩ Holmes, 57 tuổi, đã nói trong một lần phỏng vấn.

Vị tiến sĩ người Anh đã cố không gây chú ý khi ông chụp một bức ảnh của bọn lửng chó, chúng trông như loài gấu mèo chân dài nhưng họ hàng gần hơn với loài cáo. Ông cũng chụp thêm một vài bức ảnh của những loài động vật khác trong lồng của chúng. Khi một người bán hàng bắt đầu dùng gậy đánh những sinh vật này, tiến sĩ Holmes đã nhanh chóng cất điện thoại vào túi và rời đi. Những bức ảnh phai mờ dần trong tâm trí ông cho tới ngày cuối cùng của năm 2019. Khi đang lướt Twitter từ nhà ở Sydney, khi ông biết được một đợt bùng phát cơn dịch đang diễn ra ở Vũ Hán - một loại viêm phổi như SARS với những ca đầu tiên liên quan đến chợ Hoa Nam. Ông lập tức nghĩ về những con lửng chó. “Nó là một cơn đại dịch chỉ chờ để xảy ra, và rồi nó đã bùng nổ một cách đẫm máu," ông nhận xét.

Tiến sĩ Holmes cho rằng những con lửng chó ở chợ có thể đã bắt nguồn đại dịch corona. Credit: Eddie Holmes


Từ ngày đó, tiến sĩ Holmes đã bị cuốn vào tâm bão của những phát hiện và tranh cãi liên quan đến nguồn gốc của virus - khiến ông thấy bản thân như “một Forrest Gump của Covid". Ông và một đồng nghiệp người Trung Quốc đã đăng bài về một giải trình tự bộ gen của loại virus corona mới vào giữa tháng 1 năm 2020, thúc đẩy một loạt những nghiên cứu về vaccine cùng những cách khác để chiến đấu với đại dịch. Tiếp đó, ông đã phát hiện những manh mối quan trọng về cách thức tiến hoá của mầm bệnh, rất có thể là từ virus corona của dơi. Và trong cuộc tranh cãi nãy lửa địa chính trị về việc liệu virus có bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm Vũ Hán không, tiến sĩ Holmes là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho giả thuyết đối lập: virus lây lan từ động vật hoang dã. Cùng với những đồng nghiệp từ Mỹ, gần đây ông đã công bố nghiên cứu những luận điểm cho rằng những con lửng chó trong lồng sắt ông chụp từ 2014 có thể là nguyên nhân cho việc đại dịch bùng nổ. Nghiên cứu của tiến sĩ Holmes về Covid đã giúp ông có được thành công lớn, bao gồm cả giải thưởng khoa học lớn nhất của Úc. Nhưng nó cũng thu về những nhận định rằng nghiên cứu của ông được chống lưng bởi quân đội Trung Quốc, cùng với một loạt tấn công trên mạng xã hội và cả những đe doạ sẽ giết ông. Trải qua mọi thứ, tiến sĩ Holmes vẫn tiếp tục công bố những nghiên cứu khác về Covid. Những đồng nghiệp lâu năm của ông chỉ ra rằng khả năng viết bài ổn định của ông trong thời kì chông chênh của nhân loại đến từ sở trường tập hợp các đội nghiên cứu lớn, và một sự sẵn sàng để dấn thân vào những cuộc tranh luận trái chiều nếu ông cho rằng chúng quan trọng. Pardis Sabeti, nhà di truyền học ở viện Broad của M.I.T và người từng làm việc với tiến sĩ Holmes về Ebola nói: “Ông ấy là kiểu người rất phù hợp với một tư duy phù hợp, vì ông ấy không có thành kiến, biết suy nghĩ và rất chú tâm, mà không trở nên quá bảo thủ". Cuộc săn tìm virus Lớn lên ở miền Tây nước Anh, Edward Holmes thuở nhỏ đã có một giáo viên sinh học để một áp phích hình đười ươi trên tường với dòng chữ, “Tôi không phải họ hàng của bạn.” Người giáo viên đó đã yêu cầu cả lớp đừng đọc đống rác rưởi trong sách giáo khoa về thuyết tiến hoá. Và đó là thứ khiến cậu bé 14 tuổi hăng hái để học sâu hơn. Ông bước vào hành trình nghiên cứu về sự tiến hoá của vượn và người, tiếp theo đó là về virus. Qua ba thập kỉ - làm việc ở Edinburg, Oxford, Pennsylvania và cuối cùng là Sydney - Tiến sĩ Holmes đã công bố hơn 600 nghiên cứu về sự tiến hoá của virus bao gồm H.I.V, cảm cúm và Ebola. Khi ông được mời đến đại học Sydney, vào năm 2012, ông đã nắm lấy cơ hội để được sống gần hơn với châu Á, nơi mà ông lo lắng rằng các đường dây buôn bán động vật hoang dã có thể khởi nguồn cho một đại dịch mới. “Không vào hang cọp sao bắt được cọp con,” Andrew Read nhận xét. Ông là một nhà sinh học nghiên cứu thuyết tiến hoá ở đại học Penn State cùng với tiến sĩ Holmes. Khi ông đang chuẩn bị cho việc chuyển nhà, Tiến sĩ Holmes nhận được một email bất ngờ từ một nhà virus học người Trung tên Trương Vĩnh Chấn (Yong-Zhen Zhang), thư viết ngỏ ý mời ông đến nghiên cứu virus ở Trung Quốc. Việc cộng tác của hai người nhanh chóng phát triển thành cuộc tìm kiếm cho các loại virus mới trong hàng trăm giống loài động vật. Họ tìm hiểu từ những con nhện lấy từ tường của những túp lều cho đến các loài cá được kéo lên từ biển Đông. Với kết quả lên đến hơn 2000 giống virus mới được hai người tìm ra, ẩn trong đó là nhiều bất ngờ. Ví dụ, các nhà khoa học thường nghĩ rằng virus cúm chủ yếu lây nhiễm với chim, từ đó truyền qua động vật có vú như người. Nhưng Tiến sĩ Holmes và Tiến sĩ Trương đã tìm thấy cá và ếch cũng có thể nhiễm cúm. “Đó là một điều giúp mở mang tầm mắt ,” nhà sinh vật học Andrew Rambaut chia sẻ, tuy ông không nằm trong nhóm khảo sát. “Sự đa dạng của virus ngoài kia thật sự khổng lồ." Trong một chuyến khảo sát vào 2014, Tiến sĩ Holmes và Tiến sĩ Trương đã hợp tác với những nhà khoa học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng Chống Dịch bệnh (CDC) của Vũ Hán để tìm hiểu về những loài động vật quanh khu vực tỉnh Hồ Bắc. Những nhà khoa học của CDC đã đưa họ tới chợ Hoa Nam để thấy tình trạng báo động của việc mua bán động vật hoang dã. Sau chuyến viếng thăm, Tiến sĩ Holmes hi vọng rằng ông và những đồng nghiệp có thể sử dụng những kĩ thuật giải trình tự bộ gen họ đã phát triển cho những chuyến khảo sát động vật để tìm virus trong những động vật ở chợ. Nhưng những đồng nghiệp của ông hứng thú hơn với việc tìm virus trong người nhiễm bệnh. Tiến sĩ Trương và tiến sĩ Holmes bắt đầu làm việc với bác sĩ ở bệnh viện trung ương Vũ Hán, tìm kiếm RNA truyền bệnh trong các mẫu dịch từ phổi của bệnh nhân viêm phổi. Với sự hợp tác này, ông đã được ghi nhận là giáo sư thỉnh giảng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng Chống Dịch bệnh từ năm 2014 tới 2020.

Vào tháng trước, tiến sĩ Holmes vào đồng nghiệp đã công bố báo cáo đầu tiên của dự án, với mẫu thử từ 408 bệnh nhân thu thập vào 2016 và 2017. Nhiều người nhiễm bệnh với hơn một loại virus, và vài người bị nhiễm từ vi khuẩn hay nấm. Các nhà nghiên cứu còn tìm thấy dấu hiệu của một đại dịch tiềm tàng: Sáu bệnh nhân đã bị nhiễm với một enterovirus có mã gen giống nhau. Tiến sĩ Holmes và tiến sĩ Trương tiếp tục nghiên cứu về sinh quyển của virus, phân tích đất, trầm tích và phân động vật dọc Trung Quốc. Nhưng vào cuối tháng 12 năm 2019, công việc đó đã phải tạm dừng. Sự xuất hiện của Covid

Một bệnh viện dành riêng cho Covid tại Vũ Hán vào tháng 3 2020. Nhóm France-Presse, Getty Images


Khi tiến sĩ Trương biết tin có một loại cúm mới tại Vũ Hán, ông đã nhờ đồng nghiệp tại Bệnh viện trung ương Vũ Hán gửi mẫu dịch phổi của một bệnh nhân. Nó đến vào ngày 3 tháng 1, và ông đã dùng kĩ thuật mà ông và tiến sĩ Holmes đã hoàn thiện để giải trình tự virus. Hai ngày sau, đội của tiến sĩ Trương đã tái lập được bộ gen của một loại virus corona mới, SARS-CoV-2. Những đội khoa học khác ở Trung Quốc cũng đã giải trình tự virus. Nhưng không ai công bố nghiên cứu, vì chính quyền Trung Quốc ngăn cấm các nhà khoa học công bố thông tin về nó. Tiến sĩ Trương và Holmes bắt đầu viết một bài báo về bộ gen và xuất bản trên tạp chí Nature. Tiến sĩ Trương đã lờ đi lệnh cấm và đăng về bộ gen của virus trên database công cộng của Viện Sức Khoẻ Quốc Gia Hoa Kì. Nhưng database cần một cuộc phê bình mất thời gian với các bộ gen mới, và cứ thế nhiều ngày trôi qua còn thông tin không được công bố online. Tiến sĩ Holmes kêu gọi cộng tác viên của ông tìm một cách khác để chia sẻ bộ gen với thế giới. “Có vẻ như nó cần phải xảy ra,” tiến sĩ Holmes nói. Ông và tiến sĩ Trương đồng ý chia sẻ nó trên một diễn đàn dành cho những nhà virus học. Tiến sĩ Holmes đã đăng nó vào ngày 10 tháng 1. Tại thời điểm đó, hai bộ gen từ Trung tâm Kiểm soát Dịch Trung Quốc đã được công bố trước đó 24 giờ trên một database quốc tế GISAID. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu về Covid chia sẻ họ đã thấy bộ gen của giáo sư Holmes và Trương trước, nhờ vào lời truyền tay trên mạng. Jason McLellan, một nhà sinh học cấu trúc tại đại học Texas bang Austin, người đã làm việc với công nghệ mRNA tạo ra vaccine Moderna, đã nói rằng trước khi ông tải xuống bộ mã gen của virus, ông cảm thấy bản thân như một người chạy bộ ở vạch xuất phát, chỉ chờ phát súng bắt đầu. “Phát súng đã nổ vào khoảnh khắc Edward và Vĩnh Chấn đăng bộ giải trình tự gen," ông nói. “Ngay lập tức, mạng xã hội Twitter bàn tán sôi nổi, mọi người bắt đầu trao đổi email, và cuộc đua đã khởi động.” Nhưng dựa trên truyền thông Trung Quốc đưa tin, tiến sĩ Trương đã phải trả giá cho việc chống lại lệnh cấm tuyên truyền của đất nước ông ấy. Sau ngày mà bộ mã gen được đăng, phòng thí nghiệm của ông tại Trung tâm Y tế Cộng Đồng Thượng Hải của ông đã bị yêu cầu đóng cửa cho mục đích “cải chính”. Tiến sĩ Trương sau đó đã khẳng định với một phóng viên của tạp chí Nature rằng động thái không phải là một hình phạt, và phòng thí nghiệm của ông đã được mở cửa lại. Những email xin phản hồi của tiến sĩ Trương về vấn đề này đều không được trả lời. Tiến sĩ Holmes từ chối đưa ra bình luận về tình hình hiện tại của tiến sĩ Trương.

Trương Vĩnh Chấn, một nhà virus học người Trung, cùng đội của ông đã giải mã gen của virus SARS-CoV-2 và công khai nó, chống lại lệnh cấm từ chính quyền Trung Quốc về việc chia sẻ thông tin về dịch bệnh, Credit: Keith Bradsher/The New York Times Sau khi bộ gen của virus corona đã được giải trình tự, giáo sư Holmes đã khá bối rối khi về một phần của cấu trúc gen chúng dường như được đặt tại vị trí đó nhờ công nghệ gen. Vào ngày 1 tháng 2 năm 2020, trong cuộc hội nghị qua điện thoại, tiến sĩ Holmes đã chia sẻ những lo lắng của ông cho những nhà virus học khác, trong đó có giáo sư Francis Collins, giám đốc của N.I.H, và giáo sư Anthony S. Fauci, chuyên gia dịch bệnh hàng đầu của Hoa Kì. Những nhà khoa học khác đã giải thích rằng có thể những đặc điểm này của bộ gen có thể dễ dàng có được từ việc tiến hoá tự nhiên của virus. Ngay sau đó, tiến sĩ Holmes đã giúp những nhà nghiên cứu từ đại học Hồng Kông phân tích một virus corona, tìm được từ tê tê, có liên quan mật thiết với SARS-CoV-2. Con virus đặc biệt giống trong cấu trúc protein của bề mặt, còn được biết là gai, cái mà virus dùng để xâm nhập tế bào. Việc tìm ra một đặc tính sinh học đặc trưng trong virus từ một động vật hoang giúp củng cố niềm tin của tiến sĩ Holmes rằng SARS-CoV-2 không phải là sản phẩm của công nghệ gen. “Đột nhiên một thứ kì lạ tại trở nên rất tự nhiên,” ông chia sẻ. Tiến sĩ Holmes và một số đồng nghiệp của ông đã viết về những phát hiện này trong một bài viết được đăng vào tháng 3 năm 2020. Cùng tháng đó, ông đăng một số hình ảnh của các loài động vật trong lồng tại chợ Hoa Nam trong một bài bình luận ông viết cùng tiến sĩ Trương, hàm ý rằng đây có thể là khu vực lây nhiễm từ động vật sang người. Nhưng ý kiến cho rằng loại virus đã được tái tạo từ phòng thí nghiệm liên tiếp được thúc đẩy, và tiến sĩ Holmes đã bị chỉ trích vì nghiên cứu của ông cùng những nhà khoa học người Trung Quốc. Vào tháng 5 năm 2020, tờ Daily Telegraph, một toà soạn từ Úc, đã liên kết ông với quân đội Trung Quốc qua một bài báo với tựa đề, “Cách lực lượng Hồng Quân giám sát nghiên cứu về virus corona.” Tờ báo dựa những nhận định của họ trên việc hai nhà khoa học liên quan tới bài nghiên cứu về tê tê có liên hệ thứ cấp với một phòng nghiên cứu của quân đội Trung Quốc. Tiến sĩ Holmes, người tuyên bố ông chưa bao giờ gặp những nhà khoa học này, lưu ý rằng họ đã giúp giải trình tự RNA từ mô của tê tê. Đại học Sydney đã trả lời thay cho tiến sĩ Holmes với một tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng những nhà nghiên cứu có quyền được hợp tác cùng với những nhà khoa học trên khắp thế giới, theo đúng những đạo luật và quy định từ chính phủ Úc.” Trường đại học cũng chia sẻ nghiên cứu của giáo sư Holmes hoàn toàn được hỗ trợ bởi các khoản tài trợ của Úc. Vào cuối 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tập hợp một nhóm chuyên gia tới Trung Quốc để điều tra về nguồn gốc của loại virus corona mới. Tiến sĩ Holmes đã gửi họ những bức hình chợ ông chụp từ 2014, nhưng chúng chưa bao giờ xuất hiện trong báo cáo của WHO. “Một số phái đoàn Trung Quốc đã cho rằng tôi tự tạo nên những bức ảnh đó,” tiến sĩ Holmes chia sẻ. (Peter Daszak, chủ tịch của Tập hợp EcoHealth và một trong những người điều tra cho báo cáo của WHO, làm chứng cho phát ngôn này: Những nhà điều tra người Trung Quốc đã nói những bức ảnh “không thể kiểm chứng, và có thể là giả mạo,” tiến sĩ Daszak kể lại.) Ngăn chặn lây nhiễm rộng trong tương lai

Chợ Hoa Nam bị đóng cửa vào tháng 10. Credit: Getty Images


Trong một báo cáo đăng vào tháng trước, tiến sĩ Holmes và hơn 30 cộng tác viên đã phân tích những ca Covid đầu tiên, và thấy rằng chúng tập hợp xung quanh khu chợ, và cũng đã xem xét những ca biến thể đầu tiên trong những mẫu virus corona đầu tiên. Chris Newman, một nhà sinh vật học nghiên cứu động vật hoang dã tại đại học Oxford và một đồng tác giả của một bài nghiên cứu, đã chia sẻ rằng những đồng nghiệp của ông thấy một loạt động vật có vú đã được bán tại chợ Hoa Nam vào cuối 2019. Bất kì số nào trong chúng cũng có thể là thứ chịu trách nhiệm cho đại dịch, tiến sĩ Holmes nhận định. “Vẫn chưa thể chứng minh chắc chắn là do lửng chó, nhưng chúng là một ứng cử viên hàng đầu,” ông nói. Một số nhà phê bình đã nghi hoặc mức độ chắc chắn của tiến sĩ Holmes và đồng nghiệp của ông rằng một loài vật từ chợ Hoa Nam có thể là tác nhân. Tuy rằng những ca Covid đầu tiên đều có kết nối với khu chợ, nhưng có khả năng nhưng ca viêm phổi khác vẫn chưa được xác định rằng là những ca Covid đầu tiên. “Chúng ta vẫn biết quá ít về những ca đầu tiên - và rất có khả năng chúng xuất hiện trước khi ta biết - để có thể đúc ra kết luận cuối cùng,” Filippa Lentzos, một chuyên gia về an toàn sinh học tại đại học King's College ở London đã nhận xét. “Tôi tin vào cả hai khả năng truyền nhiễm từ động vật và bùng phát từ nghiên cứu.” Một vấn đề khác: Nếu những con vật nhiễm bệnh thật sự là nguyên nhân gây ra dịch, chúng sẽ không bao giờ được tìm thấy. Vào tháng 1 năm 2020, khi những nhà nghiên cứu từ CDC của Trung Quốc đến chợ để điều tra, tất cả những loài vật đã biến mất. Nhưng tiến sĩ Holmes cho rằng có đủ bằng chứng cho thấy những chợ bán động vật có thể khiến một đại dịch nữa xảy ra. Vào tháng trước, ông và những đồng nghiệp người Trung Quốc đã đăng một bản báo cáo về 18 loại động vật thường được bán ở chợ, có nguồn gốc ngoài tự nhiên hoặc nuôi trong những trang trại nuôi giống. “Chúng chắc chắn chứa đầy các loại virus,” tiến sĩ Holmes nhận xét. Hơn 100 loại virus lây nhiễm cho động vật có xương sống được tìm thấy, bao gồm một số có khả năng thành mầm bệnh cho người. Vài loài virus này đã lây qua các loài vật khác - cúm của chim nhiễm cho cầy, virus corona từ chó nhiễm cho lửng chó. Một số loài vật cũng lây cả bệnh từ virus của người. Tiến sĩ Holmes lập luận cách đơn giản nhất để giảm khả năng bùng phát đại dịch tương lai là phải tiếp tục tiến hành nghiên cứu tại vùng tiếp xúc giữa người và động vật hoang dã. Kinh nghiệm của ông trong việc tìm ra những loài virus mới đã cho biết rằng nó là một việc vô ích để cố gắng ghi nhận hết tất cả những mối đe doạ từ tự nhiên.

“Bạn không thể nào lấy mẫu tất cả những virus ngoài kia và tìm hiểu xem chúng có thể gây lây nhiễm cho người không,” ông nói. “Tôi không nghĩ ta đủ khả năng.” Sửa chữa: 28 tháng 3, 2022 Một bản trước đó của bài báo đã nhần lẫm rằng bộ mã gen của virus corona giải do đội của tiến sĩ Trương là bản đầu tiên được đăng trên mạng. Đã có những bài khác được đăng trước đó một ngày. Carl Zimmer viết cho mục “Matter”. Anh là tác giả của mười bốn quyển sách, bao gồm “Life's Edge: The Search For What It Means To Be Alive.”


Người dịch: Phuong Huynh, Tri Duc Than & Quynh Nguyen

Biên tập: Tran Tuan Hanh

Comments


bottom of page