Translated from Wall Street Journal's article Biden Pledges 500 Million More Pfizer Vaccine Donations for Poor Nations at U.N. Covid-19 Summit
By Sabrina Siddiqui, on 22-09-2021, 00:00:00
WASHINGTON – Tổng thống Biden nói vào thứ Tư rằng Hoa Kỳ sẽ mua thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer để đóng góp cho các quốc gia nghèo.
Phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh COVID-19 trực tuyến bên lề phiên họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Biden cho biết khoản viện trợ này sẽ đẩy số vaccine mà Hoa Kỳ đã hỗ trợ lên đến con số 1.1 tỷ liều.
“Không có gì khẩn cấp hơn việc chúng ta phải làm việc cùng nhau để đánh bại COVID-19”, Biden nói. “Chúng ta không thể giải quyết cơn khủng hoảng này bằng những biện pháp nửa mùa. Chúng ta cần phải làm quyết liệt hơn.”
Động thái này diễn ra trong lúc Biden mong muốn tăng tốc chiến dịch tiêm chủng toàn cầu ở các nuớc nghèo và có thu nhập thấp kém.
Lô vaccine Pfizer này sẽ được sản xuất tại Hoa Kỳ và vận chuyển vào tháng Một năm sau, một số viên chức cấp cao của chính quyền cho hay. Đợt đóng góp này tăng gấp đôi so với lời hứa sẽ cung cấp 500 triệu liều cho các nước đang phát triển vào cuối tháng Sáu 2022.
Số vaccine trên sẽ được trao qua cơ chế Covax, một chương trình quốc tế được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ với mục đích cung cấp vaccine cho những nước nghèo khó nhất thế giới.
Pfizer và BioNTech đã xác nhận vào thứ Tư rằng sẽ cung cấp thêm 500 triệu liều và vận chuyển số vaccine này tới các quốc gia đang phát triển vào cuối tháng Chín năm 2022.
Mặc dù Hoa Kỳ vẫn là nước tặng vaccine nhiều nhất thế giới, một vài tổ chức hỗ trợ quốc tế kêu gọi chính quyền Biden và các nước giàu phải hoạt động mạnh mẽ hơn để giúp tiêm chủng toàn cầu. Chỉ 2% dân số của những nước đang phát triển được tiêm mũi đầu tiên, theo số liệu từ dự án Our World in Data của Đại học Oxford, làm cho giới chuyên gia y tế lo ngại sẽ có nhiều người chết vì COVID-19 hơn nữa trong năm 2022 so với năm 2021.
Hoa Kỳ đã viện trợ 110 triệu liều vaccine, chủ yếu được sản xuất bởi hai công ty Moderna và Johnson & Johnson, cho những nước giàu như Canada hay các nước phát triển như Haiti.
Ở Hội nghị Thượng đỉnh vào thứ Tư, Tổng thống Biden kêu gọi lãnh đạo thế giới hãy ra sức giúp các nước trên toàn cầu có được vaccine, xét nghiệm, điều trị và dụng cụ bảo vệ cá nhân (PPE). Ông cũng thuyết phục giới lãnh đạo hãy giúp các nước có thu nhập trung bình và thấp có tỉ lệ tiêm chủng ít nhất 70% dân số vào tháng Chín năm sau.
“Đây là một cơn khủng hoảng mà ta cần mọi người giúp sức.” Tổng thống Biden phát biểu.
Tổng Giám đốc WHO nói vào tháng Sáu rằng muốn tiêm chủng ít nhất 70% dân số thế giới sẽ cần 11 tỷ liều vaccine.
Tham dự hội nghị có các nguyên thủ quốc gia, cũng như đại diện giới tư nhân và giới vận động y tế toàn cầu. Phó Tổng thống Kamala Harris mong muốn sẽ có một quỹ y tế toàn cầu ở Ngân hàng Thế giới (World Bank) tập trung vào việc ngăn chặn dịch bệnh. Bà Harris cho biết Hoa Kỳ sẵn lòng hỗ trợ ít nhất 250 triệu USD để đốc thúc dự án này và sẽ yêu cầu thêm 850 triệu USD từ Quốc Hội. Bà Harris mong muốn 10 tỷ USD sẽ được hỗ trợ từ nhiều nguồn lực toàn cầu.
“Đại dịch này diễn ra vì chúng ta đã không cảnh giác, đáng ra mọi chuyện không xảy ra như thế. Chúng ta đã biết được cái giá phải trả của việc thiếu chuẩn bị rồi.” bà Harris nói.
Tổng thống Biden hứa sẽ tặng 500 triệu vaccine Pfizer lần đầu vào hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh vào tháng Sáu năm nay. Mỹ vận chuyển số vaccine này vào tháng trước, mặc dù nhiều quan chức của các nước nghèo cho hay họ đang gặp vấn đề về cơ sở hạ tầng yếu kém và nguồn lực chính phủ để tiến hành tiêm chủng diện rộng. Rwanda nhận vaccine vào ngày 18 tháng Tám vừa rồi, và hơn 30 triệu liều đã được giao cho 22 quốc gia, theo công ty Pfizer.
Vaccine do Pfizer sản xuất cần phải được tiêm hai liều và được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C ít nhất một tháng trước khi sử dụng. Loại này cũng phải được hoà với nước muối trước khi tiêm, đòi hỏi nhiều dụng cụ và huấn luyên cho nhân viên y tế hơn những loại vaccine khác. Một vài tổ chức cho rằng Hoa Kỳ nên giữ một vai trò lớn hơn trong khâu hậu cần và lên kế hoạch trợ giúp, cũng như nên hỗ trợ mua thiết bị cần thiết.
Hoa Kỳ và một số nước giàu khác cũng đang hứng chịu chỉ trích vì dự tính sẽ cho phép tiêm mũi bổ sung (booster shot), bất chấp lời kêu gọi của WHO rằng hãy trì hoãn việc tiêm mũi này mà thay vào đó là đưa số vaccine dư thừa tới các nước nghèo hơn.
Trong cuộc phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, Tổng thư ký Antonio Guterres chỉ trích sự bất bình đẳng trong việc phân phối vaccine toàn cầu.
“Đây là bản cáo trạng về vấn đề đang diễn ra ở thế giới chúng ta đang sống hiện giờ. Thật đáng xấu hổ thay.” Ông Guterres nói.
Chính quyền Biden vào tháng trước báo hiệu sẽ chuẩn bị cho phép người dân tiêm mũi bổ sung. Thế nhưng kế hoạch này đang ở giai đoạn lưỡng lự sau khi FDA nói vào tuần trước rằng mũi bổ sung chỉ nên được sử dụng cho người nghèo và người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Jared Hopkins đóng góp thêm vào bài.
Người dịch: Sam Tran
Biên tập: Paul Nguyen
Commentaires