top of page

Biden tham vọng kế hoạch chống biến đổi khí hậu nhất lịch sử Mỹ


By Matthew Daly, Ellen Knickmeyer, on 27-01-2021, 03:00:00


Trong nỗ lực đầy tham vọng nhất của Hoa Kỳ từ trước đến nay nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, Tổng thống Joe Biden đang đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải dầu, khí đốt và than đá; và thêm đó tăng gấp đôi sản lượng năng lượng từ các tuabin gió ngoài khơi thông qua một sắc lệnh hành pháp vào hôm thứ Tư.


Các sắc lệnh đang chờ chữ ký của ông nhắm vào các khoản trợ cấp liên bang đối với dầu và các nhiên liệu hóa thạch khác, đồng thời ngừng giao kèo dầu khí mới trên các vùng đất và vùng biển của liên bang. Các lệnh này cũng nhằm mục đích bảo tồn 30% diện tích đất và nước biển của đất nước trong 10 năm tới và chuyển các xe cộ liên bang sang chạy hoàn toàn bằng điện.


Biden đã đặt mục tiêu loại bỏ ô nhiễm môi trường từ nhiên liệu hóa thạch trong ngành điện tới năm 2035 và từ nền kinh tế Hoa Kỳ nói chung tới năm 2050, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng năng lượng mặt trời và gió theo định hướng thị trường và giảm bớt sự phụ thuộc của đất nước vào dầu và khí đốt. Kế hoạch đầy tham vọng này là nhằm làm chậm sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra, đang làm gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như cháy rừng ở bờ Tây, mưa lớn và bão ở bờ Đông. Nhưng tốc độ thay đổi nhanh chóng cần thiết để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu cũng mang lại rủi ro chính trị cho tổng thống và đảng Dân chủ nói chung.


Khác với những chính quyền trước đây của cả hai đảng phái, Biden cũng đang chỉ đạo các cơ quan tập trung giúp đỡ và đầu tư vào các cộng đồng thiểu số và thu nhập thấp hiện đang sinh sống gần nhất với các nhà máy lọc dầu gây ô nhiễm và các mối nguy hiểm khác, cũng như các thị trấn khai thác dầu và than đang phải đối mặt với vấn đề mất việc làm trong khi Hoa Kỳ bắt đầu gia tăng năng lượng gió, mặt trời và các nguồn năng lượng khác, không thải ra khí nhà kính làm nóng lên khí hậu.


Các hành động này rõ rằng cho thấy rằng “việc cần phải giảm lượng khí thải toàn cầutrong ngắn hạn ở mức độ đáng kể và đạt được lượng phát thải toàn cầu tỷ lệ ròng vào giữa thế kỷ - hoặc trước đó - là việc cần thiết để tránh đặt thế giới vào tình trạng khí hậu nguy hiểm, có khả năng xảy ra thảm họa”, theo lời Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố trước khi Biden ký các sắc lệnh.


Mục đích của các sắc lệnh này là “hồi sinh ngành năng lượng của Hoa Kỳ, bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta và tận dụng chúng để giúp thúc đẩy quốc gia của chúng ta hướng tới một tương lai năng lượng sạch,” Nhà Trắng cho biết, đồng thời “tạo ra việc làm được trả lương cao ... và mang lại công lý cho những cộng đồng bị gây hại bởi vấn đề môi trường."


Biden cũng đang nâng tầm quan trọng của sự biến đổi khí hậu thành ưu tiên an ninh quốc gia. Kế hoạch bảo tồn này sẽ dành ra hàng triệu mẫu đất cho các hoạt động giải trí, động vật hoang dã và nỗ lực khí hậu tới năm 2030. Đây là một phần trong cam kết trị giá 2 ngàn tỷ USD trong trương trình làm chậm sự nóng lên toàn cầu của chiến dịch tranh cử của Biden.


Cựu Tổng thống Donald Trump, người đã chế giễu ngành khoa học về biến đổi khí hậu, đã rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định khí hậu toàn cầu Paris và tăng thêm số đất công cho việc sản xuất than, khí đốt và dầu mỏ, cũng như cắt giảm những quy định về phát thải nhiên liệu hóa thạch. Các chuyên gia cho rằng những khí thải này đang làm nóng khí hậu Trái đất một cách nguy hiểm và làm lũ lụt, hạn hán và các thảm họa thiên nhiên khác càng trầm trọng thêm.


Kim Cobb, nhà khoa học khí hậu từ đại học Georgia Tech, nói rằng các sắc lệnh điều hành này là một “khởi đầu tuyệt vời” cho chính quyền mới chỉ dài một tuần tuổi của Biden.


Cobb cho biết: “Nếu động lực từ ngày thứ 7 này là điển hình cho nhiệm kỳ 4 năm của chính quyền này, thì có mọi lý do để tin rằng chúng ta có thể đạt được mức độ trung hòa carbon sớm hơn năm 2050”, ngay cả khi những rào cản đáng kể đang ở phía trước.


Biden và những người ủng hộ ông nói rằng khoản đầu tư vào năng lượng sạch tầm cỡ quốc gia sẽ mang lại hàng triệu việc làm. Nhưng điều đó có lẽ sẽ mất nhiều năm mới xảy ra, và các sắc lệnh này sẽ phải nhận sự phản đối dữ dội từ các ngành công nghiệp dầu khí và nhà máy điện, cũng như nhiều nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa và Dân chủ.


Kathleen Sgamma, chủ tịch Liên minh Năng lượng Phương Tây, đại diện cho các nhà khoan dầu khí ở các bang phương Tây, cho biết lệnh hành pháp nhằm trì hoãn việc khoan trên các vùng đất liên bang đến mức không còn khả thi. Nhóm của cô cam kết rằng sẽ đưa ra thách thức pháp lý.


Bà nói: “Cánh tả thiên về vấn đề môi trường đang dẫn dắt chương trình nghị sự tại Nhà Trắng khi nói đến các vấn đề về năng lượng và môi trường. Bà nhận xét rằng sự trì hoãn này sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc nhất ở các bang như Wyoming, North Dakota, Texas và Louisiana - tất cả đều do Trump giành chiến thắng.


Vào tuần trước, các giấy phép mới để khoan đất và đường nước tại Mỹ đã được tạm ngưng cho 60 ngày.


Biden đang tìm cách tăng gấp đôi sản lượng năng lượng từ gió ngoài khơi sau khi chính quyền Trump trì hoãn việc xem xét giấy phép cho một số dự án turbin gió lớn ngoài khơi.


Điều quan trọng là ông hiện đang chỉ đạo các cơ quan để giảm bớt trợ cấp cho các ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.


Kierán Suckling, giám đốc điều hành tại Trung tâm Đa dạng Sinh học, một nhóm môi trường đã thúc đẩy việc tạm dừng khoan cho biết, “Ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đã gây ra thiệt hại to lớn cho trái đất. Nếu chính quyền xem xét chính xác, việc này sẽ cho thấy rằng hoạt động khoan và khai thác nhơ bẩn phải kết thúc ở khắp mọi nơi ."


Các tập đoàn công nghiệp dầu mỏ đã chỉ trích hành động này, nói rằng Biden đã khai trừ hàng ngàn công việc dầu khí khi ông phá hủy đường ống dẫn dầu Keystone XL trong ngày đầu tiên ông nhậm chức.


Brook Simmons, chủ tịch của Liên minh Dầu mỏ Oklahoma, nói rằng, "Đây mới chỉ là sự khởi đầu. Việc sẽ trở tệ hơn. Trong khi đó, các quy luật vật lý, hóa học và cung cầu vẫn có hiệu lực. Giá dầu và gas tự nhiên hiện đang tăng, và hóa đơn sưởi ấm trong nhà, giá tiêu dùng và chi phí nhiên liệu cũng sẽ tăng."


Lệnh tạm ngưng 60 ngày của Bộ Nội vụ không giới hạn các hoạt động dầu khí có hợp đồng thuê hợp lệ hiện giờ, có nghĩa là các hoạt động trên hàng triệu mẫu đất ở phía Tây và ngoài khơi Vịnh Mexico, nơi có nhiều khoan tập trung, sẽ không bị dừng đột ngột. Việc tạm ngưng cũng không ảnh hưởng đến các hợp đồng thuê hiện có. Lệnh có thể ảnh hưởng các công ty mà đã dự trữ giấy phép khoan trong những tháng cuối cùng của chính quyền Trump cho phép họ tiếp tục bơm dầu khí trong nhiều năm sau.


Việc tạm dừng khoan trên bờ có giới hạn trong các vùng đất liên bang và hiện không ảnh hưởng đến việc khoan trên các vùng đất tư nhân, phần lớn là được các tiểu bang kiểm soát.


Lệnh sẽ không được áp dụng trên đất của các bộ lạc, chủ yếu ở miền Tây, hiện được sử dụng để sản xuất năng lượng. Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến ​​của các bộ lạc về cả tài nguyên năng lượng tái tạo và năng lượng thông thường, “phù hợp với trách nhiệm của chính phủ Hoa Kỳ" Nhà Trắng cho biết.


Dầu và khí đốt được khai thác từ các vùng đất và vùng nước công cộng chiếm khoảng 1/4 sản xuất hàng năm của Hoa Kỳ. Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết trong một nghiên cứu năm 2018, việc khai thác và đốt các nhiên liệu đó tạo ra gần 550 triệu tấn khí nhà kính hàng năm.


Theo phân tích dữ liệu chính phủ của Associated Press, dưới thời chính quyền Trump, các quan chức đã phê duyệt gần 1,400 giấy phép khoan cho các vùng đất liên bang, chủ yếu tại Wyoming và New Mexico, trong khoảng thời gian ba tháng bao gồm cuộc bầu cử. Những giấy phép vẫn còn hiệu lực sẽ cho phép các công ty tiếp tục khoan trong nhiều năm sau này, và có khả năng làm hỏng dự định về khí hậu của Biden.


Biden sẽ chỉ đạo tất cả các cơ quan Hoa Kỳ sử dụng khoa học và quyết định dựa trên bằng chứng trong khi lập ra quy tắc liên bang. Ông đã thông báo Hoa Kỳ sẽ tổ chức một hội nghị cùng các nhà lãnh đạo khí hậu vào Ngày Trái đất (Earth Day), ngày 22 tháng 4.


Người dịch: Khang Ton & Que Do

Biên tập: Luong Ta

Comments


bottom of page