top of page

C.D.C đề xuất hướng dẫn điều trị giảm đau mới, trong đó có hướng dẫn kê đơn Opioid


Tổ chức này đã bỏ đi những khuyến nghị trước đây về liều lượng tối đa mà thay vào đó khuyến khích các liệu pháp không dùng tới thuốc Opioid nếu có thể.

By Jan Hoffman, on 09-02-2022, 12:00:00

Các loại thuốc viên và thuốc theo toa, bao gồm thuốc giảm đau nhóm opioid, được xử lý trong Ngày thu hồi thuốc theo toa tại Los Angeles. Ảnh bởi: Patrick T. Fallon/Agence France-Presse — Getty Images Chính phủ liên bang hôm thứ Năm đã đề xuất hướng dẫn mới về việc kê đơn thuốc giảm đau nhóm opioid, loại bỏ khuyến nghị trước đây về liều dùng tối đa cho bệnh nhân đau mãn tính và thay vào đó khuyến khích các bác sĩ đưa ra quyết định tốt nhất. Nhưng điểm chung của các khuyến nghị là trước tiên các bác sĩ nên chuyển sang dùng “liệu pháp không Opioid” cho cả cơn đau mãn tính và cấp tính, bao gồm thuốc kê đơn như gabapentin và thuốc không kê đơn như ibuprofen, cũng như vật lý trị liệu, xoa bóp và châm cứu. Mặc dù vẫn còn ở dạng dự thảo, 12 khuyến nghị do CDC đưa ra là những sửa đổi toàn diện đầu tiên về hướng dẫn kê đơn thuốc opioid của cơ quan này kể từ năm 2016. Tổ chức này đã vạch ra ranh giới giữa việc chấp nhận cho bác sĩ kê đơn opioid nhằm giảm đau cho ca bệnh nặng và cảnh báo bệnh nhân về những tác hại được ghi nhận rõ ràng của opioid. Bác sĩ Samer Narouze, chủ tịch Hiệp hội Y học Giảm Đau và Gây Tê Cục Bộ Hoa Kỳ, đánh giá cao động thái của CDC. Ông cho biết: “Đây là một sự thay đổi hoàn toàn so với hướng dẫn năm 2016, vốn dĩ chỉ khuyến cáo bác sĩ giảm liều opioid." Bác sĩ Narouze, giám đốc Trung tâm Y học Giảm Đau tại Bệnh viện Western Reserve, tại thành phố Cyuahoga Falls, Ohio, còn nói thêm: “Ngoài ra, đề xuất mới có chủ trương khuyến khích hơn là ràng buộc, nó cho phép dựa trên quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ để ra quyết định y khoa." Tài liệu dài 229 trang đã cảnh báo về tình trạng gây nghiện, khó thở, trạng thái tinh thần bị thay đổi và các mối nguy hiểm khác liên quan đến opioid, nhưng nó cũng lưu ý rằng các loại thuốc này phục vụ mục đích y tế quan trọng, đặc biệt là để xoa dịu cơn đau tức thời do chấn thương như bỏng và gãy xương. Các khuyến cáo cho biết, trong những trường hợp khi thuốc phiện có thể có hiệu quả, các bác sĩ nên bắt đầu với liều thấp nhất và dùng loại thuốc có đáp ứng tức thời thay vì dạng kéo dài. Các khuyến nghị đang được đăng tải công khai trên Cục Công báo Liên Bang trong 60 ngày để thu thập ý kiến từ công chúng. Cục sẽ điểm qua các góp ý và sẽ có thể phát hành ấn bản cuối cùng vào cuối năm 2022. Giống như hướng dẫn năm 2016, chúng chỉ là hướng dẫn thực hành lâm sàng, chứ không mang tính bắt buộc. Christopher Jones, đồng tác giả bản dự thảo và quyền giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Thương Tật Quốc Gia, một nhánh của CDC, cho biết: “Chúng tôi trân trọng ý kiến đóng góp từ những bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc giảm đau, từ người thân của họ, và từ các y bác sĩ." Kate Nicholson, giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ Giảm đau Quốc gia, một tổ chức phi lợi nhuận vì người bệnh từng tuyên bố họ không nhận tiền quyên góp từ các công ty dược, cảm thấy phấn khích với hướng dẫn mới này. Bà Nicholson nói với phóng viên trong khi bản dự thảo đang được soạn thảo rằng: “Chúng ta đã đi từ việc kê toa opioid một cách tự do quá mức đến việc kê toa mà không màng đến bệnh tình của người bệnh. Hai việc ấy đều gây tổn hại khôn lường. Còn giải pháp hiện tại giống như một sự kết hợp hài hòa giữa 2 cách tiếp cận trên để điều trị đau mãn tính.” Các hướng dẫn này không áp dụng cho bệnh nhân bị đau do ung thư hoặc hồng cầu hình liềm, đang trong giai đoạn cuối đời hoặc chăm sóc giảm nhẹ. Tuy nhiên, bà Nicholson nói việc các công ty bảo hiểm dựa vào các loại bệnh trên để đưa ra phán quyết hoàn trả sẽ “không làm rõ nhóm người nào được cho là bị đau đớn nghiêm trọng”. Hướng dẫn năm 2016 tạo ra làn sóng giận dữ và lo sợ ở những bệnh nhân bị đau mãn tính mà nhiều người trong số họ cần uống liều cao hơn liều tối đa được khuyến nghị (Morphine 90mg/ngày hoặc tương đương). Hàng trăm chuyên gia về Y học Giảm Đau cũng đã lên tiếng phản đối. Mặc dù liều lượng tối đa chỉ là một khuyến nghị song hàng chục bang đã luật hóa chúng. Vì lo sợ các hình phạt hình sự và dân sự, nhiều bác sĩ đã áp dụng hướng dẫn cứng nhắc, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của các bệnh nhân đau mãn tính quá đột ngột. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng số toa opioid nhìn chung đã và đang giảm từ năm 2012, và giảm mạnh kể từ khi hướng dẫn 2016 xuất bản. Tiến sĩ Jones cho biết các khuyến nghị mới được đề xuất đã không còn giữ quan niệm rằng một liều lượng phù hợp với tất cả mọi người và thay vào đó dựa trên "sự linh hoạt để nhận thức rằng việc chăm sóc giảm đau cần được cá nhân hóa". Nhưng các khuyến nghị cho thấy rõ ràng rằng các bác sĩ nên thường xuyên đánh giá lại những lợi ích và rủi ro của opioid. Tiến sĩ Jones nói: “Bằng chứng về lợi ích lâu dài của opioid vẫn còn rất hạn chế." Trong nỗ lực sửa đổi hướng dẫn cũ, CDC hiện đề xuất khuyến cáo bác sĩ tư vấn và điều trị cai nghiện và, nếu có thể, giảm liều thuốc phiện khi bệnh nhân có xét nghiệm dương tính với các chất kích thích. Vì các bác sĩ diễn giải khuyến nghị cũ về liều tối đa một cách chi li, một số bác sĩ đã áp dụng chính sách “Một lần vi phạm” và từ chối điều trị cho những bệnh nhân ấy. Bác sĩ Jones cho biết tình trạng như trên nên được xem như là một phần của quá trình chẩn đoán. Khi bệnh nhân cần liều thuốc phiện cao thì có thể có nghĩa là cơn đau của bệnh nhân chưa đươc kiểm soát tốt hoặc bị rối loạn sử dụng chất kích thích. “Nếu thay vào đó, bác sĩ quyết định giữ bệnh nhân lại để tư vấn thêm và điều trị tiếp, thì bệnh nhân sẽ có thêm cơ hội được sống khỏe hơn”. Đúc kết từ dữ liệu của nhiều nghiên cứu qua những năm gần đây, bản dự thảo hướng dẫn điều trị giảm đau cũng mở rộng những khuyến nghị về điều trị đau cấp tính, như khi gãy xương hay sau phẫu thuật. Dự thảo khuyến cáo ngưng dùng opioid trong mọi trường hợp, ngoại trừ chấn thương, như bỏng hay tai nạn giao thông. Cụ thể, dự thảo so sánh hiệu quả giảm đau do opioid và các phương pháp thay thế như tập thể dục, châm cứu, và các loại thuốc khác. Dự thảo cũng đưa ra các khuyến nghị giảm đau rất chi tiết cho từng vùng cơ thể, như đau lưng, cổ, vai gáy. Chẳng hạn, bản dự thảo khuyến cáo không dùng thuốc phiện cho đau nửa đầu migraine. Họ khuyến khích sử dụng nhiệt trị liệu, giảm cân cho triệu chứng đau nhức do thoái hóa khớp; còn đối với đau nhức ở cổ thì tập yoga, thái cực quyền, khí công, massage, và châm cứu. Bác sĩ Marie Hanna, phó giáo sư Khoa Gây Mê và Hồi Sức tại trường Y Khoa thuộc đại học Johns Hopkins và là thành viên của Viện Hàn Lâm Y học Giảm Đau Hoa Kỳ, một tổ chức gồm nhiều các nhà nghiên cứu và bác sĩ giảm đau thuộc nhiều chuyên khoa, cho biết, bản thân rất thích thú về tính bao quát và chuyên sâu của các nghiên cứu mà bản hướng dẫn cung cấp để ủng hộ những phương pháp điều trị không dùng opioid, như liệu pháp laser, thể dục, hay massage. “Đây là thứ mà chúng tôi đã đề cập tới trong nhiều năm qua, nhưng chẳng ai thèm lắng nghe. Giờ chúng ta đã có bằng chứng cho thấy chúng có hiệu quả. Tôi cảm thấy rất lạc quan.” Các khuyến nghị cũng nói rằng nhiều nghiên cứu cho thấy, theo thời gian, tác dụng giảm đau do thuốc opioid thường bị bão hoà, sau đó yếu dần, đòi hỏi phải tăng liều dùng. “Chúng tôi không bao giờ muốn phủ nhận rằng opioid là một công cụ thực sự quan trọng”, Bác sĩ Jeanmarie Perrone, giáo sư Y học Cấp Cứu tại Trường Y Khoa Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, thành viên ban cố vấn về hướng dẫn kê đơn cho biết. “Ngay sau khi bệnh nhân bị gãy xương được bó bột thì bác sĩ sẽ phải giảm liều opioid dần dần và ngưng nó hẳn. Chỉ gãy một cái xương thì không có nghĩa luôn phải dùng 6 tuần opioid."

Người dịch: Nhan Tran, Pham Khanh Linh & Phuong Huynh

Biên tập: Ha Do Thanh

Comments


bottom of page