top of page

Các hình mẫu quốc tế cho thấy tại sao Trump rất khó bị đánh bại


Những người theo chủ nghĩa dân túy có xu hướng dùng quyền lực để duy trì quyền lực.


Yascha Mounk, ngày 1 tháng 10, 2020

GETTY / THE ATLANTIC


Nhiều người chống đối Donald Trump đang cảm thấy xấu hổ cho chính đất nước của họ. Người ta sẽ nghĩ gì về Hoa Kỳ khi một người như Trump không chỉ có thể thắng cử trở thành tổng thống, mà còn duy trì được sự ủng hộ đông đảo từ người dân dẫu cho những bằng chứng về thất bại của ông ấy được đưa ra - bao gồm cả sự lúng túng khi phản ứng lại với cơn đại dịch cùng với việc ông không sẵn lòng chấp nhận kết quả bầu cử lần này?


Tôi cũng cảm thấy tương tự mỗi khi thấy một lời nói vô tâm hay đầy phân biệt chủng tộc từ vị tổng thống. Nhưng với cương vị là một nhà khoa học chính trị chuyên nghiên cứu về sự trỗi dậy của những nhà độc tài dân túy trên toàn cầu, tôi biết rằng những thứ Trump làm gần như theo một xu thế chung.


Trong những năm gần đây, những nhà chính trị theo chủ nghĩa dân túy thường chống lại giới tinh hoa chính trị và từ chối nhận thức về giới hạn quyền hành của họ. Họ đã chiếm lấy những vị trí cấp cao nhất ở các nước dân chủ trên toàn thế giới, bao gồm Narendra Modi từ Ấn Độ, Jair Bolsonaro ở Brazil, cùng với Rodrigo Duterte của Philippines. Sự hiện diện của bộ ba này hiện nay là một sự hồi sinh hết sức bất ngờ. Modi đã giành chiến thắng thuyết phục nhiệm kỳ thứ hai. Bolsonaro, dù mới ở nhiệm kỳ đầu tiên, đã được ưu ái dành chiến thắng ở hầu hết các cuộc thăm dò. Và trong khi Duterte không còn đủ điều kiện để tái cử, danh tiếng của ông cũng đã vượt xa những người tiền nhiệm.


Việc dung túng cho một vị tổng thống dân túy không phải là điều chưa có tiền lệ ở Mỹ. Nhưng có thể tháng Mười Một tới đây sẽ xảy đến một tiền lệ chưa từng có: nếu như kết quả các cuộc thăm dò là chính xác, nước Mỹ sẽ trở thành nền dân chủ hiếm hoi trong thời gian trở lại đây “ném” vị dân túy khỏi văn phòng tổng thống sau nhiệm kỳ đầu tiên.


Khi Trump mới nhậm chức, rất nhiều người chống đối ông đã mơ về viễn cảnh ông ấy sẽ rời văn phòng trước khi mãn nhiệm. Có lẽ ông ấy sẽ cảm thấy chán ngán những trách nhiệm chính trị của mình. Có lẽ ông ta sẽ bị luận tội hoặc là vào tù. Dù cho viễn cảnh nào đi chăng nữa, thì rất nhiều ý kiến đã trấn an chúng ta rằng cơn cuồng phong hỗn loạn này sẽ không có khả năng kéo dài trọn bốn năm.


Đây chính là lối suy nghĩ mơ mộng điển hình của những người chống lại kẻ độc tài dân túy. Nhưng, những tổng thống và thủ tướng dân túy, tính trung bình, lại tại vị lâu gấp đôi những người không theo chủ nghĩa dân tuý: 6 năm rưỡi so với chỉ 3 năm.


Như Jordan Kyle và tôi đã trình bày, sự khác biệt này trở nên đặc biệt nổi bật khi bạn khảo sát các chính phủ đã nắm quyền hơn 10 năm. Khả năng một tổng thống hoặc thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy tiếp tục tại vị sau một thập kỷ cao gấp 5 lần so với người không theo.


Chúng tôi cũng tìm thấy một số các ví dụ về các nhà dân túy bị truất phế sau một kỳ tại nhiệm. Nhiều nước như Hungary hay Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy rằng cử tri thường sẽ không nhận ra sai lầm của họ cho đến khi những nhà lãnh đạo dân túy gây ra những tổn thất to lớn cho bộ máy dân chủ.


Khi chúng ta tiếp cận cuộc bầu cử với nền dân chủ nằm trọn trên lá phiếu như ở Mỹ, danh tiếng bền bỉ của những lãnh đạo dân túy là một dấu hiệu đáng báo động.


Kể cả khi rất nhiều chuyên gia từ lâu đã loại họ ra, rất nhiều chính khách dân túy vẫn có xu hướng tái đắc cử. Và dù cho nhiều cuộc thăm dò cho thấy Joe Biden đang dẫn trước, thuật toán phức tạp mới đây vẫn cho ra kết quả Trump có 1 phần 5 cơ hội thể thắng cuộc. Con số này thực sự không mang lại cảm giác an tâm.


Hơn nữa, những bài học từ các nước khác đã cho thấy một số nhà dân túy dù không tái đắc cử nhiệm kỳ hai vẫn có xu hướng duy trì sự hiện diện và gây ra thiệt hại đáng kể cho nền chính trị đất nước. Ví du, Silvio Berlusconi được chọn làm thủ tướng Italy năm 1994. Một vài tháng sau đó, ông gần như mất hết quyền lực, nhưng sau đó nhanh chóng khôi phục lại và thống trị nền chính trị Italy trong hai thập kỷ tiếp theo. Ở Ba Lan, Jarosław Kaczyński trở thành thủ tướng năm 2006. Ông bị truất quyền năm 2007 và duy trì vị trí đối lập suốt một thập kỷ tiếp theo. Tuy nhiên, đảng của ông đã nắm quyền trở lại vào năm 2015, và đã đảo lộn nền dân chủ của đất nước kể từ đó.


Mặc dù nỗi lo về cả cuộc bầu cử và những gì xảy ra sau nó ở Mỹ là có lý do chính đáng, bài học cơ bản chúng ta rút ra được từ bối cảnh quốc tế là những thông điệp truyền cảm hứng. Sau bốn năm vất vả để duy trì niềm tự hào về đất nước Mỹ, chúng ta có thể phải nhanh chóng chống lại xu hướng dân tuý toàn cầu bằng việc “đá” vị tổng thống dân túy đang ngồi trong văn phòng kia ra ngoài ngay khi có một cơ hội. Và nếu chúng ta có thể biến Trump thành vị tổng thống một nhiệm kỳ, chúng ta có thể dẫn đầu cuộc chiến quốc tế chống lại các thế lực chủ nghĩa phi tự do đang trỗi dậy.


Người dịch: Duong Nguyen

Biên tập: Châu Trần

Comments


bottom of page