top of page

Các nhà khoa học tích cực tìm hiểu về Covid kéo dài ở trẻ em

Trẻ em cũng gặp phải hội chứng COVID kéo dài và các nhà khoa học đang tiến hành tìm hiểu tỉ lệ trẻ mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng ra sao.


By Dyani Lewis, on 14-07-2021, 01:00:00

Trẻ em cũng gặp phải hội chứng COVID kéo dài và các nhà khoa học đang tiến hành tìm hiểu tỉ lệ trẻ mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng ra sao. Trong đại dịch COVID-19, trẻ em thường không phải đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh. Tuy nhiên, triệu chứng COVID kéo dài ở trẻ em buộc các nhà khoa học phải nhìn nhận lại tác động của đại dịch với trẻ em. Vấn đề này lại càng đặc biệt cần chú trọng khi số lượng lớn ca nhiễm ở các nước hiện nay là người trẻ vì người lớn đã hầu hết được tiêm vaccine trong khi việc tiêm vaccine ở trẻ nhỏ vẫn còn cần xem xét. Tình trạng này được nhận thấy ban đầu là ở người lớn. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu đã cho thấy rằng hiện tượng này, đặc biệt là các triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, tim đập nhanh, đã xuất hiện ở trẻ nhỏ mặc dù đây là đối tượng rất hiếm khi mắc COVID-19 nặng. Ước tính mức độ phổ biến của COVID kéo dài ở trẻ em còn mơ hồ. Tiếng chuông cảnh tỉnh Bác sĩ nhi khoa Danilo Buonsenso, tại Bệnh viện Đại học Gemelli ở Rome, đã lần đầu định lượng COVID kéo dài ở trẻ em. Ông và các đồng nghiệp đã phỏng vấn 129 trẻ em từ 6 đến 16 tuổi, những người đã được chẩn đoán mắc COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 11 năm 2020. Báo cáo của họ nói rằng hơn ⅓ trẻ có một hoặc hai triệu chứng kéo dài trên bốn tháng sau khi nhiễm bệnh, và ¼ trẻ có ba triệu chứng trở lên. Mất ngủ, mệt mỏi, đau cơ và cảm lạnh dai dẳng là các triệu chứng phổ biến, tương tự như hiện tượng COVID kéo dài ở người lớn. Ngay cả những đứa trẻ đã có các triệu chứng ban đầu nhẹ, hoặc không có triệu chứng, cũng không tránh khỏi những tác dụng lâu dài này, Buonsenso nói. Những nghiên cứu, được công bố trên một tạp chí có hệ thống bình duyệt vào tháng 4, đã mở đường cho các phụ huynh đang lo lắng về sức khoẻ con của họ gửi email và điện thoại xin được tư vấn. Bệnh viện của Buonsenso hiện đang điều hành một phòng khám ngoại trú hàng tuần để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của phụ huynh. Dữ liệu do Văn phòng Quốc gia Vương quốc Anh công bố Thống kê (ONS) vào tháng 2 và cập nhật vào tháng 4 cũng làm dấy lên lo ngại. Họ chỉ ra rằng 9,8% trẻ em trong độ tuổi 2-11 và 13% ở độ tuổi 12-16 đã cho biết gặp phải ít nhất một triệu chứng kéo dài sau năm tuần được chẩn đoán dương tính. Một báo cáo khác được công bố vào tháng 4 cho thấy ¼ trẻ em được khảo sát sau khi xuất viện ở Nga sau COVID-19, có các triệu chứng hơn năm tháng sau đó. Những số liệu được báo cáo ở trẻ không cao như đối với người lớn (khoảng 25% người lớn tuổi từ 35-69 có triệu chứng sau 5 tuần). Hầu hết trẻ em không được cho là đối tượng chịu tác động của COVID kéo dài, nhưng Jakob Armann, một bác sĩ nhi khoa tại Đại học Công nghệ Dresden ở Đức cho biết: nếu 10% hoặc 15% trẻ em, bất kể mức độ nghiêm trọng ban đầu của bệnh, đều có các triệu chứng lâu dài, "đó là một vấn đề thực sự", ông nói, "vì vậy việc này cần được tìm hiểu thêm". Không cao tới vậy Nhưng Armann nghi ngờ con số có thể không cao như vậy. Các triệu chứng COVID kéo dài bao gồm mệt mỏi, đau đầu, khó tập trung và mất ngủ. Ông nói rằng các sự kiện khác liên quan đến đại dịch, chẳng hạn như đóng cửa trường học và sang chấn tâm lý khi nhìn thấy các thành viên trong gia đình bị bệnh hoặc chết vì COVID-19 cũng có thể dẫn đến các triệu chứng đó và làm tăng ước tính COVID dài. "Bạn cần một nhóm chứng để tìm ra xem đâu thực sự là bệnh liên quan đến nhiễm COVID," ông nói. Ông và các đồng nghiệp đã lấy mẫu máu từ trẻ em trung học ở Dresden kể từ tháng 5 năm 2020 để theo dõi tỷ lệ nhiễm bệnh Vào tháng 3 và tháng 4 năm nay, các cuộc khảo sát đã được thực hiện từ hơn 1.500 trẻ em - gần 200 trong số đó có kháng thể cho thấy nhiễm SARS-CoV-2 trước đó - để xem có bao nhiêu ca gặp triệu chứng COVID kéo dài. Vào tháng 5, nhóm của Armann đã báo cáo rằng họ không tìm thấy sự khác biệt về tỷ lệ các triệu chứng được báo cáo bởi hai nhóm. Armann nói: "Điều này đáng ngạc nhiên và cho thấy COVID kéo dài ở trẻ em có lẽ thấp hơn một số nghiên cứu đã chỉ ra, và thực tế có lẽ chỉ khoảng 1%, ông nói. Hardelid đã khai thác dữ liệu được thu thập bởi nghiên cứu của Virus Watch, theo dõi nhiễm trùng và triệu chứng ở hơn 23.000 hộ gia đình trên khắp nước Anh và xứ Wales. Cô và các đồng nghiệp của mình phát hiện ra rằng 4,6% trẻ em có bằng chứng nhiễm SARS-CoV-2 có các triệu chứng dai dẳng kéo dài hơn 4 tuần. Một nghiên cứu khác của Vương quốc Anh đã tìm thấy một tỷ lệ tương tự. Trong số hơn 1.700 học sinh có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, 4,4% có các triệu chứng, chẳng hạn như đau đầu, mệt mỏi và mất khứu giác, vẫn tồn tại; 1,6% có các triệu chứng còn lại trong ít nhất 8 tuần. Armann cho biết, điều quan trọng là phải xác định tình trạng này kéo dài bao lâu ở trẻ em. Đau đầu hoặc khó ngủ chỉ trong 6 tháng là một vấn đề rất khác so với việc có những triệu chứng này cả đời, ngay cả khi nó chỉ xảy ra trong 1% người mắc bệnh, ông nói. Xác định vấn đề Buonsenso cho biết một trong những thách thức trong việc tìm ra có bao nhiêu trẻ em biểu hiện COVID kéo dài đó là chưa thiết lập được bộ tiêu chuẩn chẩn đoán. Các cuộc khảo sát để phát hiện các triệu chứng thường chưa đủ chuyên biệt để phân biệt COVID kéo dài với các bệnh lý khác, ông nói. Tuy nhiên, ông tin rằng một số trẻ em - có lẽ 5-10% những người mắc COVID-19 - bị tình trạng này. Nếu khủng hoảng tâm lý là một yếu tố gây nhiễu trong việc xác định covid kéo dài, như Armann đã đề xuất, Buonsenso lập luận rằng sẽ có nhiều trẻ em bị khủng hoảng trong làn sóng nhiễm trùng đầu tiên vào năm 2020, khi các hạn chế khắc nghiệt nhất áp dụng ở Rome. Nhưng đợt dịch thứ hai sẽ dẫn đến nhiều trường hợp trẻ em có triệu chứng COVID dài hơn, ông nói. Hardelid cho biết, một định nghĩa chính xác về COVID kéo dài là rất cần thiết để các nghiên cứu có thể xác định mức độ của tình trạng này ở trẻ em và những trẻ em nào có nguy cơ cao nhất. Một gợi ý, sau khi xem xét các tài liệu ở người lớn của Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia Vương quốc Anh, đó là COVID kéo dài có thể là một tập hợp bốn hội chứng khác nhau, bao gồm hội chứng sau khi được hồi sức tích cực, hội chứng mệt mỏi sau nhiễm virus và hội chứng COVID kéo dài. Đây cũng có thể là tiêu chuẩn áp dụng lên trẻ em, Hardelid nói. Buonsenso cũng đã xem xét những thay đổi miễn dịch xảy ra ở những người mắc COVID kéo dài, để xem liệu các chỉ dấu sinh học này có thể dẫn đến việc điều trị hay không. Ông và các đồng nghiệp của mình phát hiện ra rằng chỉ những đứa trẻ mắc COVID dài mới có dấu hiệu viêm mãn tính sau khi nhiễm bệnh. Các nghiên cứu về cơ sở sinh học của COVID kéo dài có thể có ảnh hưởng sâu rộng. Nói chung, chúng ta còn biết rất ít về tình trạng cơ thể sau khi nhiễm virus, Buonsenso nói, bởi vì hầu hết chúng ta vẫn đang chú tâm vào giai đoạn bệnh cấp nhiều hơn.


Người dịch: Pham Khanh Linh

Biên tập: Chau Tran


Σχόλια


bottom of page