top of page

Các trang mạng xã hội thất bại trong việc bảo vệ các nhà khoa học

By Brian Owens, on 27-02-2022, 12:00:00

Một báo cáo từ các nhà hoạt động nhân quyền đã phát hiện rằng một nửa số thông tin sai lạc (đã được lật tẩy) nhắm tới ba nhà khoa học nổi tiếng vẫn tồn tại và không được gắn cảnh báo. Dựa trên một nghiên cứu của nhóm chiến dịch quốc tế Avaaz, các trang mạng xã hội như Facebook hay Twitter vẫn còn thiếu sót trong việc giải quyết bạo lực mạng và thông tin giả chống lại các nhà khoa học. Bài phân tích, được đăng vào ngày 19 tháng 1, tập hợp các dữ liệu về thông tin sai lệch nhằm vào ba nhà khoa học có tầm cỡ quốc tế. Báo cáo cho thấy mặc dù các bài mang nội dung sai lệch đã được “phá giải” bởi những người kiểm chứng thông tin, các trang mạng xã hội vẫn không có bất kì hành động nào để xử lí một nửa số bài sai lạc đó. Luca Nicotra, giám đốc chiến dịch của Avaaz tại Madrid nói: “Trong 2 năm đại dịch, các nền tảng xã hội nói chung và Facebook nói riêng dù đã thay đổi những chính sách quan trọng nhưng vẫn thất bại trong việc có những hành động đáng kể để khắc phục tình trạng này.” Các nhà khoa học đang bị tấn công Những mối nguy từ thế giới online nhắm vào các nhà khoa học đã trở thành vấn đề lớn trong suốt đại dịch COVID-19. Một khảo sát bởi Tạp chí Nature cho thấy rất nhiều nhà khoa học lên tiếng công khai về dịch bệnh đã bị tấn công nhằm vào uy tín hoặc danh tiếng của họ, hoặc bị đe dọa bằng vũ lực. Khoảng 15% trong nhóm này bị đe dọa tính mạng. Nicotra và đồng nghiệp xem xét vào những thông tin sai lệch liên quan đến đại dịch nhắm vào 3 nhà khoa học nổi tiếng: Anthony Fauci, người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ tại Bathesda, Maryland; chuyên gia virus người Đức Christian Drosten; và chuyên gia virus người Bỉ Marc Van Ranst. Họ đã kiểm tra các bài đăng trên 5 nền tảng mạng xã hội - Facebook, YouTube, Twitter, Instagram và Telegram. Trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2021, các tác giả đã xác định được 85 bài đăng trải rộng khắp các nền tảng có chứa các thông tin sai lệch nhằm vào các nhà khoa học và việc nghiên cứu của họ. Những bài đăng đó đã bị lật tẩy bởi một vài tổ chức kiểm chứng thông tin. Vào cuối tháng 7 năm 2021, một nghiên cứu đã kết luận, 49% những bài đăng vẫn còn tồn tại trên mạng và không bị gỡ khỏi hoặc được dán nhãn cảnh báo về độ đáng tin cậy từ đội chứng thực thông tin. Những bài đăng đã nhận được tổng cộng 1.9 triệu lượt tương tác. Nicotra cho biết thất bại trong việc cảnh báo cho người dùng những thông tin sai lệch đã bị lật tẩy là một vấn đề lớn bởi vì những bài đăng không dán nhãn nhận được nhiều sự chú ý hơn những bài được dán nhãn. Dán nhãn - labelling là một “chiến lược hiệu quả” để chiến đấu với tin giả. Nicotra nói: “Đặc biệt là với người dùng đã tương tác trước đó, họ cũng sẽ được thông báo về những bài đăng sai lệch mà họ đã tương tác”. Đa số các báo cáo của Avaaz tập trung vào Facebook vì quy mô của nền tảng này thuận lợi cho việc phân tích thống kê, nhưng cũng bởi vì các trang khác không cho phép truy cập vào dữ liệu và công cụ cần thiết. “Chúng tôi đủ hiểu để nói rằng vấn đề tương tự vẫn tồn tại ở những nền tảng khác, và nó có thể còn tệ hơn,” Nicotra nói. “Nhưng việc thiếu sự minh bạch khiến công việc của chúng tôi khó khăn hơn.” Bài toán khó giải quyết Đại diện phát ngôn từ Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, có trụ sở tại Menlo Park, California, phát biểu rằng công ty có những quy định rất nghiêm ngặt về tin giả liên quan COVID-19 và vaccines, và sẽ không cho phép bất cứ lời đe dọa đến tính mạng nào xuất hiện trên nền tảng. Người phát ngôn của công ty cho biết họ đã “gỡ bỏ hơn 24 triệu nội dung liên quan đến báo cáo này. Chúng tôi đã thêm vào các cảnh báo cho hơn 195 triệu nội dung về COVID-19 dù những bài đó không vi phạm chính sách của chúng tôi nhưng vấn đề vẫn rất khó giải quyết. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những hành động chống lại bất kỳ nội dung nào vi phạm quy định.” Nhưng Nicotra cho rằng các nền tảng vẫn đang bỏ qua một lượng lớn các bài đăng chứa nội dung sai lạc như vậy, đặc biệt là ngoài lãnh thổ Mỹ và Châu Âu, và bằng những ngôn ngữ khác ngoài tiếng anh. Trong năm 2020, Facebook chỉ chi 13% ngân sách để phát triển thuật toán dò tin giả cho các vùng ngoài lãnh thổ Mỹ, thông tin này có trong các tài liệu được công bố bởi Frances Haugen, một cựu quản lý sản phẩm của công ty. Theo Nicotra, còn một vấn đề khác là thuật toán quản lý mạng xã hội được thiết kế để giúp mọi người liên tục tương tác và nó có khuynh hướng đẩy mạnh nội dung gây tranh cãi hoặc gây xúc động. Ông cũng nói rằng các quy định mới, như Luật Dịch vụ Số EU - bộ luật yêu cầu các công ty đánh giá và hành động để giảm khả năng gây hại của sản phẩm mình tới xã hội - có thể yêu cầu thay đổi thuật toán. Không có "biện pháp hoàn hảo" nào trị dứt vấn nạn này Heidi Tworek, một nhà sử học nghiên cứu truyền thông y tế tại đại học British Columbia ở Vancouver, Canada, đã nói “Đây là những vấn đề tiềm ẩn của các trang mạng xã hội mà chúng ta thấy được với COVID, và với những tai hoạ khác, chúng sẽ lại tiếp tục xuất hiện” . Mặc dù những điều chỉnh tới các thuật toán và quản lý chặt chẽ hơn các điều khoản dịch vụ có thể sẽ giúp ích, Tworek cho rằng không có một “biện pháp hoàn hảo” nào để giải quyết các vấn đề như quấy rối mạng và thông tin giả. Một số tổ chức đã bắt đầu đề ra các phương án để hỗ trợ các nhà khoa học hứng chịu quấy rối mạng. Vào tháng 12 năm 2021, Viện Khoa Học Truyền Thông Úc ở Adelaide đã tổ chức một buổi hội thảo trực tuyến (webinar) để đưa ra các lời khuyên thiết thực cho các nhà khoa học về những giải pháp để bảo vệ bản thân họ, như cách điều chỉnh cài đặt riêng tư, và làm sao để có thể báo cáo những quấy rối. Buổi họp cũng đã chỉ ra sự cần thiết của trợ giúp từ các viện nghiên cứu. Lyndal Byford, chủ nhiệm báo chí và quan hệ đối tác của Viện khoa học đã lên tiếng “Đó là một phần rất hay bị bỏ qua, nhưng viện nghiên cứu cũng có trách nhiệm phải chăm sóc cho nhân viên của họ”. Trung tâm Khoa Học Truyền Thông của Anh (SMC) cũng dự tính tổ chức một sự kiện tương tự vào ngày 24 tháng 2. Fiona Fox, giám đốc điều hành của SMC tại London, hi vọng rằng những nỗ lực này có thể giúp những nhà nghiên cứu cảm thấy an tâm hơn khi nói về công trình của họ cho công chúng. “Chúng ta không thể để điều này ngăn những nhà khoa học giao tiếp với truyền thông,” cô nói. “Có các kênh để trao đổi thông tin về khoa học một cách chính xác cũng sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng.” Nature 602, 197 (2022) doi: https://doi.org/10.1038/d41586-022-00207-2


Người dịch: Phuong Huynh & Ha Do Thanh

Biên tập: Kim Pham

Comments


bottom of page