Translated from The New York Times article Conservative News Sites Fuel Voter Fraud Misinformation
Breitbart, Washington Examiner cùng một số trang khác nhấn mạnh tuyên bố sai lệch về hành vi gian lận lộ liễu trong “vòng lặp tuyên truyền” - tên gọi được đặt bởi nghiên cứu mới từ Đại học Harvard.
Tiffany Hsu, ngày 25 tháng 10, 2020
Nghiên cứu từ Harvard nhận định: Một chiến dịch lan truyền thông tin sai lệch về bỏ phiếu qua thư nhận chủ yếu dựa vào truyền thông cánh hữu thay vì mạng xã hội. Saul Martinez for The New York Times
Trong giai đoạn nước rút của chiến dịch bầu cử 2020, các trang thông tin thiên về cánh hữu nổi tiếng với triệu người theo dõi đã đăng tải loạt tiêu đề và tin tức sai lệch. Hành động này nhằm củng cố những tuyên bố vô căn cứ từ tổng thống Trump cùng đồng minh rằng lá phiếu qua thư đe doạ tính minh bạch của cuộc bầu cử.
Washington Examiner, Breitbart News, Gateway Pundit và Washington Times nằm trong số các trang thông tin đăng tải các tít báo lan truyền một thuyết âm mưu rằng gian lận cử tri đang tràn lan và có thể xoay chuyển lợi thế sang cánh tả. Tuy nhiên, giả thuyết này liên tục bị dữ liệu bác bỏ.
Vào ngày 25 tháng 9, trang Gateway Pundit đã đăng tải bài báo với tiêu đề “TIN ĐỘC QUYỀN: Người dân California tìm thấy HÀNG NGHÌN lá phiếu có vẻ như chưa từng được mở ra ở bãi rác - Công nhân đang cố che giấu chúng - Chúng tôi đang tiến hành xác nhận.” Những bì thư đó hoá ra đều trống và không còn hợp pháp từ năm 2018. Trang Gateway Pundit sau đó đã cập nhật tiêu đề báo, nhưng nó đã kịp lan nhanh chóng mặt.
Vào ngày 7 tháng 10, trang The Right Scoop đăng tải bài báo với tiêu đề “ĐÃ TIÊU HUỶ: Hàng tấn đơn đăng ký bỏ phiếu qua thư cho ông Trump đã BỊ XÉ VỤN trong xe đầu kéo đang tiến về Pennsylvania”. Những tài liệu đó thực chất là rác thải in ấn từ một công ty thư từ. Bài báo đã được thay đổi tiêu đề sau khi tin thật được xác nhận.
Một trang thông tin cánh hữu khác, trang Daily Wire, đăng tải vào ngày 24 tháng 9 về các lá phiếu tại bang Pennsylvania với tiêu đề “Tìm thấy phiếu bầu của quân đội bị loại bỏ ‘đáng lo ngại’. Mọi phiếu khi mở ra đều bầu cho ông Trump”. Cùng đưa tin về vấn đề này, tờ Washington Times cũng đăng tải: “Liên bang điều tra phiếu bầu qua thư cho ông Trump bị loại bỏ tại bang Pennsylvania” và “Cục Điều Tra Liên bang xem nhẹ gian lận bầu cử dù tìm thấy phiếu bầu bị nghi ngờ tại Pennsylvania, Texas”. Tờ Washington Times cũng đã đăng tải một bài báo với tiêu đề “Ôi, phiếu bầu của ông Trump trong thùng rác”.
Vài ngày sau, cả Daily Wire và Washington Times đều không tiếp tục với các bài đăng về thông báo từ người đứng đầu việc bầu cử ở bang Pennsylvania. Thông báo cho biết những phiếu bầu bị loại bỏ là do “lỗi lầm” của một nhà thầu thời vụ chứ không phải “cố tình gian lận”. Ông Trump đã nhiều lần nói việc phiếu bầu bị loại bỏ ở bang Pennsylvania là gian lận, và ông cũng có nói về việc này trong cuộc tranh luận tổng thống vào tháng Chín.
Các cuộc thăm dò quy mô lớn cho thấy ông Trump tụt lại phía sau so với ứng viên Dân chủ ông Joseph R. Biden Jr. trong cuộc bầu cử với nhiều người bỏ phiếu qua thư hơn thường lệ do coronavirus. Những tuyên bố sai lệch về bỏ phiếu qua thư là một phần thiết yếu trong chiến dịch của Tổng thống Trump. Trong cuộc tranh luận vào tháng trước, ông tuyên bố mà không có bằng chứng rằng: “Việc này sẽ là vụ lừa đảo ở mức bạn chưa từng thấy”.
Vào tháng Sáu, ông Trump cập nhật trên Twitter rằng “Phiếu bầu qua thư sẽ gây nên gian lận bầu cử!” Ông dẫn một mẩu tin từ tờ Breitbart ghi lại lời Bộ trưởng Tư pháp William P. Barr nói với người dẫn chương trình Fox News, bà Maria Bartiromo, rằng bỏ phiếu qua thư “hoàn toàn tạo cơ hội cho gian lận”.
Vào tháng Tám, tờ New York Post đăng tải bài báo dựa trên một nguồn ẩn danh được cho là của thành viên phía đảng Dân chủ. Người này từng tuyên bố mình đã gian lận cử tri trong nhiều thập kỷ qua. Các phiên bản khác của bài báo cũng được các tờ Blaze, Breitbart, Daily Caller, FoxNews.com và Washington Examiner đăng tải. Ông Trump cùng anh trai mình là ông Eric, đội ngũ truyền thông của chiến dịch Trump, chương trình truyền hình Fox & Friends, và chương trình Tucker Carlson trên Fox News cũng đã quảng bá cho bài báo này, theo như nghiên cứu gần đây từ đại học Harvard.
Các nhà nghiên cứu từ đại học Harvard đã mô tả về “vòng lặp tuyên truyền” trên các phương tiện truyền thông từ cánh hữu. Nghiên cứu được công bố trong tháng này thông qua Trung tâm Internet và Xã hội Berkman Klein, và những người thực hiện đã báo cáo lại rằng các trang tin tức phổ biến là tác nhân gây ra một chiến dịch mang thông tin sai lệch nhằm khiến mọi người nghi ngờ về tính minh bạch của cuộc bầu cử.
Cho đến nay, vào tháng Mười, Breitbart đã viết gần 30 bài báo với từ khóa “gian lận trong bầu cử.” Tổng thống Trump đã chia sẻ một số liên kết đến các bài báo từ Breitbart trên Twitter, trong đó có một bài báo từ tháng Tám. Bài báo này đăng tin rằng một nhà thẩm định viên Đảng Cộng hòa ước tính khoảng 20,000 phiếu bầu vắng mặt cho cuộc bầu cử tại Detroit – thành phố “nổi tiếng với việc cử tri bỏ phiếu bầu cho Đảng Dân chủ" – đã không được xử lý đúng quy định. Tờ The Detroit News sau này cho biết những nhà chức trách tại Michigan cho rằng những vấn đề này “không phải là dẫn chứng của gian lận và không chất vấn thêm về tính chân thật của kết quả.”
Trong thời gian Hoa Kỳ đối mặt với làn sóng dịch bệnh coronavirus lần thứ 3, hàng triệu công dân Mỹ lên kế hoạch để gửi phiếu bầu qua thư, và hơn 25 tiểu bang đã mở rộng quy trình bỏ phiếu bầu qua thư. Trong tình trạng quá tải bởi nhu cầu bỏ phiếu qua thư tăng cao, hệ thống bầu cử đã gặp nhiều khó khăn với nhiều phiếu bầu bị gửi đến nhầm địa chỉ hoặc không được điền chính xác. Tuy nhiên, dựa theo số liệu báo cáo của nhiều nghiên cứu qua nhiều thập kỷ, việc cố ý gian lận trong bầu cử rất hiếm khi xảy ra và hiếm khi được tổ chức.
Điều đó là đúng sự thật, mặc dù số liệu chuẩn xác sẽ khác nhau tùy vào nguồn tin. Trong hàng tỷ số phiếu bầu từ năm 2000 cho đến 2012, có 491 ca gian lận với phiếu bầu vắng mặt dựa theo số liệu báo cáo của trường truyền thông thuộc Arizona State University. Các chuyên gia bầu cử đã tính rằng cứ mỗi 20 năm, việc gian lận với phiếu bầu qua thư chỉ ảnh hưởng khoảng 0.00006 phần trăm tổng số phiếu bầu cá nhân, hoặc chỉ một ca ở mỗi tiểu bang mỗi 6 đến 7 năm.
Vào tháng Sáu, tờ The Washington Post và tổ chức phi lợi nhuận Electronic Registration Information Center đã phân tích dữ liệu từ ba tiểu bang bầu cử qua thư và đã tìm thấy 372 ca có khả năng gian lận bằng việc bỏ phiếu hai lần hoặc bỏ phiếu trên danh nghĩa của người quá cố vào năm 2016 và 2018, hoặc 0.0025 phần trăm trong số 14.6 triệu phiếu bầu được gửi qua tư.
Một số ấn phẩm phe bảo thủ cũng đồng tình với sự hiếm có trong việc gian lận bầu cử qua thư. Trong một bài báo vào ngày 1 tháng 10 về quyết định cấm quảng cáo về gian lận bầu cử qua thư của Facebook, tờ The Blaze lưu ý “các báo cáo riêng lẻ về việc gian lận bầu cử ở Hoa Kỳ trong những tháng gần đây.” Cùng ngày, một bài từ Fox News đã chỉ ra một “tuyên bố sai trái” của ông Trump rằng một nhân viên thư tín tại West Virginia đã bán các phiếu bầu. Fox News đã trích dẫn một quan chức tiểu bang quả quyết rằng vụ việc trên đã không hề xảy ra.
Nỗ lực của ông Trump nhằm bào mòn niềm tin vào việc bỏ phiếu qua thư dựa theo nhiều thập kỷ lan truyền các thông tin sai sự thật về việc mạo danh cử tri, bỏ phiếu bầu của các công dân phi quốc tịch, và bỏ phiếu bầu hai lần, và những cáo buộc này thường được thúc đẩy bởi các nhà lãnh đạo Cộng hoà.
Vào mùa xuân năm nay, theo một nghiên cứu từ Viện Nghiên Cứu Chính Sách Kinh Tế của trường đại học Stanford, việc bỏ phiếu qua thư không hề mang đến lợi thế cho bất kỳ đảng phái nào. Tuy nhiên, nhiều báo đài phe bảo thủ đã tuyên truyền thúc đẩy ý nghĩ rằng việc bầu cử qua thư có thể sẽ mang lại lợi thế cho Đảng Dân chủ.
Stephen J. Stedman, một thành viên cấp cao ở Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Học Freeman Spogli tại Stanford, đã nghĩ rằng “các vấn đề liên quan đến thông tin sai lệch trong đất nước này cũng gần giống như một hệ sinh thái của thông tin – không phải là chất hữu cơ từ lòng đất ươm lên.”
Tháng Chín vừa qua, các trang mạng như The Gateway Pundit, The Washington Examiner và Breitbart theo dõi một báo cáo từ một người dính líu đến Fox tại Wisconsin về việc thư từ cũng như nhiều phiếu bầu vắng mặt được phát hiện trong một con mương. Câu chuyện này đã được tuyên truyền bởi Jason Miller – một cố vấn cho Trump, thư ký truyền thông cho Nhà Trắng Kayleigh McEnany, người dẫn chương trình cho Fox News Tucker Carlson, và chính bản thân tổng thống.
Sau đợt ồn ào gây chú ý này, tờ báo The Milwaukee Journal Sentinel đã báo cáo rằng lô thư từ đó không hề chứa các phiếu bầu vắng mặt từ Wisconsin và cũng không rõ nếu như lô thư đó có chứa các phiếu bầu từ các tiểu bang khác không. Nhóm truyền thông giám sát chủ nghĩa tự do Media Matters for America đã truy dò một số dẫn chứng khác.
Cũng trong một chu kỳ tương tự, người dẫn chương trình cho Fox News, Sean Hannity, và các ấn phẩm chủ nghĩa bảo thủ mở rộng phạm vi tuyên truyền cho một video được ra mắt vào tháng trước bởi Project Veritas – một nhóm điều hành và quản lý bởi nhà hoạt động tuyên truyền bảo thủ James O'Keefe. Video này đã khẳng định rằng nhóm chiến dịch tranh cử cho Đại diện Ilhan Omar – một đảng viên Cộng Hoà ở Minnesota – đã thu nhận các phiếu bầu bất hợp pháp mặc dù không thể đưa ra chứng cứ cụ thể có thể chứng minh cũng như bất kỳ thông tin nào về uy tín của nguồn tin.
Ông Stedman cho rằng các cổng thông tin phía bảo thủ thường quy việc gian lận với những rủi ro hành chính không đáng kể. Những rủi ro này xảy ra trong mọi cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ.
Ông Stedman cũng nói rằng, “Đại dịch này đang khiến cho công tác hành chính trở thành một cơn ác mộng thật sự. Các nhà lãnh đạo và các cơ quan quản lý chưa từng được trải nghiệm việc bỏ phiếu qua thư ở quy mô cỡ lớn như thế này và họ chỉ có một vài tháng chuẩn bị, rồi bây giờ họ phải đối mặt với sự soi mói của chính quyền dưới trướng Trump bắt bẻ những lỗi nhỏ nhặt chỉ để cáo buộc, “Thấy chưa? Gian lận kìa! Chuyện này sẽ không kết thúc một cách tốt đẹp.”
Người dịch: Ha Vi Nguyen & Calum Nguyen
Biên tập: K.Tran
Comments