Translated from The Cut's article How Western Feminism Imposed Itself on the World
By Andrea González-Ramírez, on 26-08-2021, 01:00:00
Chủ nghĩa nữ quyền chính thống của phương Tây vốn luôn đề cao những trải nghiệm của phụ nữ da trắng nhằm vẽ ra con đường đấu tranh cho quyền của nữ giới, ngay cả khi cái giá phải trả là sự thờ ơ với những nhu cầu và mong muốn của phụ nữ da đen và da nâu ở khắp nơi. Nói một cách khác, nhóm nữ quyền da trắng đã là lực lượng chi phối quá lâu rồi, và đã đến lúc chúng ta phải chấm dứt điều này, luật sư dân quyền Rafia Zakaria đã lập luận trong cuốn sách mới của cô ấy Chống lại Nữ quyền Da trắng: Nhận xét về sự gián đoạn.
Phong trào nữ quyền da trắng dưới góc nhìn thế giới quan nói lên một tập hợp các giả định và hành vi trọng tâm liên quan đến chủ nghĩa da trắng và đề cao các giá trị phương Tây
Thế giới quan của chủ nghĩa nữ quyền da trắng là tập hợp của một loạt những giả định cố hữu cũng như những hành vi xoay quanh sự thượng đẳng da trắng, đồng thời coi những giá trị phương Tây là ưu việt. Việc phổ quát hoá những băn khoăn của giới nữ quyền da trắng, biến chúng thành nỗi trăn trở của tất cả những người đấu tranh cho nữ quyền trên toàn cầu, đã lan rộng một cách thành công tới khắp mọi châu lục. Và điều này mang tới những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với phụ nữ da màu tại nhiều nơi- từ những nỗi xấu hổ thường trực tới từ những phong trào đa dạng hoá màu da, giới tính nơi công sở một cách giả tạo do các công ty Mỹ khởi xướng, cho tới những chương trình mang tính chất ban ơn của người da trắng cho các nước thế giới thứ 3, vốn chẳng đi tới đâu.
Zakaria đang kêu gọi chúng ta đối diện với thực tế này. Thông qua những ví dụ minh hoạ từ cổ chí kim, cuốn Chống lại chủ nghĩa nữ quyền da trắng (Against White Feminism) phân tích cho ta thấy các nhà hoạt động nữ quyền da trắng vẫn luôn tích cực đóng góp cho sự bành trướng của tư tưởng thượng đẳng da trắng cùng chủ nghĩa tư bản và đế quốc trên con đường mưu cầu bình đẳng giới tính. “Trở ngại lớn nhất của chủ nghĩa nữ quyền nằm ở việc chúng ta không sẵn sàng kiểm điểm lại bản thân,” Zakaria nói. “Và làm sao chúng ta có thể đòi hỏi công lý từ thế giới bên ngoài nếu như chúng ta không công bằng trong chính nội bộ phong trào?”
Tạp chí The Cut phỏng vấn Zakaria về lịch sử của chủ nghĩa nữ quyền da trắng, vai trò của nó trong công cuộc thúc đẩy chiến tranh Afghanistan, và những bài học mà cô muốn gửi gắm tới độc giả.
Chủ nghĩa nữ quyền da trắng là gì?
Tôi phải khẳng định ngay từ trang đầu là khi tôi bàn về chủ nghĩa nữ quyền da trắng, tôi không vơ đũa cả nắm, kiểu như bất kỳ phụ nữ da trắng theo chủ nghĩa nữ quyền nào. Thay vào đó, tôi muốn nhắc đến một số phụ nữ da trắng theo chủ nghĩa nữ quyền, nhưng lại chối bỏ sự thật rằng cái chủ nghĩa nữ quyền mà chúng ta thấy bây giờ đã bị tiêm nhiễm bởi đặc quyền chủng tộc da trắng. Về cơ bản, đó có thể là một người phụ nữ da trắng đội lốt nhà vận động nữ quyền giao thoa (intersectional feminist), có thể nói lý thuyết rất hùng hồn, nhưng lại không chịu nhường chỗ cho phụ nữ da màu. Một người da màu hay da đen vẫn có thể là người theo chủ nghĩa nữ quyền da trắng, tức người đó vẫn còn đóng góp vào sự phân biệt chủng tộc có tổ chức trên diện rộng.
Nhiều người trong số chúng ta đã quen thuộc với khái niệm chủ nghĩa nữ quyền da trắng từ lâu, nhưng công chúng chỉ mới bắt đầu cập nhật nó gần đây. Năm rồi, chúng ta đã tranh luận rất nhiều về “các hiện tượng Karen” lợi dụng vị thế phụ nữ da trắng của bản thân cũng như sự sụp đổ của hình tượng sếp nữ (girlboss). Thậm chí, trong số sách xuất bản năm nay, không chỉ có sách của chị mới khám phá chủ đề này. Theo chị thì sự thay đổi này bắt nguồn từ đâu?
Một cuốn sách như vậy sẽ không có cơ hội xuất bản hồi đầu năm 2019. Thảo luận về chủng tộc vẫn còn là điều cấm kỵ trong giới nữ quyền lúc đó. Người theo chủ nghĩa nữ quyền da trắng thường gây áp lực đến mức bất cứ ai muốn bàn tới vấn đề chủng tộc trong nữ quyền đều tự động bị xem là gây chia rẽ phụ nữ. Phong trào nữ quyền lúc đó yếu thế đủ đường cũng vì người ta không chấp nhận được sự thật mất lòng. Việc cảnh sát giết hại Breonna Taylor và George Floyd, cũng như cơn đại dịch khiến mọi người phải lánh khỏi cuộc sống thường nhật và ngẫm nghĩ lại những gì đang diễn ra.
Nếu bạn muốn đấu tranh cho nữ quyền thì bạn cần có sự quyết tâm bền bỉ, để cuộc thảo luận có thể tiếp tục. Trở ngại lớn nhất của chủ nghĩa nữ quyền nằm ở việc chúng ta không sẵn sàng kiểm điểm lại bản thân. Và làm sao chúng ta có thể đòi hỏi công lý từ thế giới bên ngoài nếu như chúng ta không công bằng trong chính nội bộ phong trào?
Dựa trên kinh nghiệm làm ký giả của bản thân, tôi đã gặp rất nhiều phụ nữ da trắng với tư tưởng cấp tiến và trông rất thiện chí, họ tự nhận bản thân theo chủ nghĩa nữ quyền. Nhưng mỗi khi tôi chỉ ra các thiếu sót trong hiểu biết của họ về những vấn đề ảnh hưởng đến người da màu, sự chột dạ của người da trắng (white fragility) lại xuất hiện. Chị đã từng gặp phải phản ứng dữ dội như vậy chưa?
Tôi đã trải qua chuyện này khi tôi còn trong ban quản trị của một tổ chức nhân quyền chú trọng đấu tranh bình đẳng giới tính rất lớn. Mỗi lần tôi nói về trải nghiệm đặc biệt của phụ nữ Hồi giáo sau 11 tháng 9 và trong thời gian chiến tranh khủng bố thì người ta, đều, kiểu, “Rồi, tới giờ của bả nữa.” Tôi không có đủ vốn từ vựng để miêu tả tình huống này cho đến khi mới đây thôi. Bạn có nhắc tới phụ nữ da trắng cấp tiến và thiện chí. Vấn đề nằm ở chỗ hành động cá nhân của các phụ nữ da trắng cấp tiến đầy thiện chí này không mang dụng ý xấu. Nhưng thiện chí của họ, cách họ áp đặt lên những phụ nữ khác, vị thế mà họ chiếm dụng, cũng như thứ khát vọng gia trưởng được mãi làm đấng cứu thế da trắng cho phong trào nữ quyền, không ai biết cái giá chính xác cho tất cả những điều đó. Giống như một chương trình dành cho các cộng đồng da màu nhưng trong hội đồng quản trị thì lại không có lấy một người da màu vậy. Chuyện này thường xuyên xảy ra, và nó có cái giá của nó. Cái giá là tiền bạc bị phung phí. Cái giá là lòng tin bị phản bội. Bạn phải suy xét kỹ lưỡng về cái giá phải trả cho sự thiện chí tới từ những người theo chủ nghĩa nữ quyền da trắng.
Chị đi tìm câu trả lời cho cái giá này xuyên suốt cuốn sách. Chị bắt đầu từ cả thời kỳ thuộc địa Anh, và dẫn chứng của chị cho thấy rằng quá khứ ấy mang ảnh hưởng sâu sắc đến rất nhiều hành vi ngày nay. Ví dụ, chị nhắc đến góc nhìn vị kỷ của các nhà nữ quyền Anh quốc khi bàn về phong trào quyền bầu cử tại Trung Đông và Nam Á, nó rất giống với phong cách của các nữ ký giả chiến trường da trắng dù đã qua hơn một thế kỷ. Tại sao những mô típ này lại được lặp lại?
Lý do là vì chủ nghĩa nữ quyền da trắng được khai thác cho cùng một mục đích. Trong trường hợp thuộc địa, nhiều thế lực đế quốc cần một lý do nhân nghĩa để có thể đường đường chính chính bao biện cho hành động cướp bóc trên toàn thế giới của họ. Ý tưởng nó đại loại thế này, chúng ta có thể gửi phụ nữ đi thực hiện các dự án nhỏ như xây trường học hay mở phòng khám bệnh để che mắt chuyện chúng ta chiếm đoạt tài nguyên của những người ở đây. Chúng ta không trả tiền cho họ, chúng ta chiếm đất của họ, và chúng ta lừa phỉnh họ bằng một nền kinh tế phụ thuộc.
Và chúng ta lại có những nhân vật điên rồ như Gertrude Bell vào cuối những năm 1800 và đầu những năm 1900. Bell khám phá vùng Trung Đông, say sưa với đặc quyền da trắng của bà ta. Bà ta nhận được tất cả sự tôn kính và biệt đãi. Bà ta đi khắp nơi tuyên bố, “Tôi là con người chân chính trong thế giới này.” Và quả thật là vậy, vì bà ta không ở quê nhà Vương quốc Anh. Đặc quyền da trắng có giá trị hơn ở các thuộc địa này. Bà ta có thể đi ra ngoài, làm khảo cổ. Bà ta có thể lấy hết nửa số cổ vật sau một buổi khai quật và đem về làm của riêng. Thời đó có một loại phụ nữ da trắng được xem là chuẩn mực của phụ nữ — người phụ nữ lý tưởng, người phụ nữ quả cảm, người phụ nữ phục vụ.
Tình trạng này vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Chủ nghĩa thực dân vẫn tiếp tục áp dụng phương pháp này lên Afghanistan, Iraq, đúng hơn là toàn thế giới. Và bây giờ không khác gì lịch sử là mấy, phụ nữ thực dân cứ đi đến những nước này mà không biết gì về văn hóa người ta hay mục đích tương lai bản thân — đi chỉ vì họ có thể. Đó là một lề thói đã ăn sâu bao đời.
Nhắc đến Afghanistan, chị dành hẳn một chương sách để bàn về chủ nghĩa nữ quyền da trắng và chiến tranh chống khủng bố. Xin chị nói thêm về những gì chúng ta đang chứng kiến bây giờ và tại sao chị lại gọi nó là “cuộc chiến nữ quyền đầu tiên.”
Đây là cuộc chiến đầu tiên đưa ra cam kết, theo lời của Laura Bush, “giải phóng phụ nữ Afghanistan.” Trong những năm 1990s, Tổ chức Đa số Nữ quyền (Feminist Majority Foundation) có một chiến dịch tên là “Liên minh chấm dứt nạn phân biệt đối xử giới tính tại Afghanistan” (The Coalition to End Gender Apartheid in Afghanistan). Lúc đó, các tên tuổi tiếng tăm của Hollywood biết đến chiến dịch này và nó trở nên nổi tiếng. Rồi năm 2001, 11 tháng 9 xảy ra và Hoa Kỳ đang lăm le tìm một nước để xâm lược nhằm phô trương quyền lực. Họ không thể tấn công Ả Rập Saudi, quê nhà của hầu hết các tên không tặc, nhưng họ bắt gặp chiến dịch của Đa số Nữ quyền. Và tất nhiên sự thật là người Afghanistan cho phép Osama bin Laden ẩn náu trên đất mình. Hoa Kỳ gọi lãnh đạo của Đa số Nữ quyền lên và bắt đầu trao đổi về vấn đề của phụ nữ Afghanistan đến mức rằng khi Colin Powell thông báo về cuộc xâm lược Afghanistan, các lãnh đạo cũa Đa số Nữ quyền cũng có mặt tại đó.
Bọn họ, cùng với nhiều nhà hoạt động nữ quyền danh tiếng khác như Gloria Steinem, chấp nhận ủng hộ cuộc xăm lăng này miễn là nó mang lại nền dân chủ cho Afghanistan và giải cứu phụ nữ ở đó. Lần đầu tiên, các nhà nữ quyền hàng đầu móc nối trực tiếp với bộ máy chiến tranh. Tôi nghĩ là phụ nữ da trắng vô cùng tin vào con đường này. Đây là một bước ngoặt lớn trong chủ nghĩa nữ quyền da trắng. Ví dụ như trong chiến tranh Việt Nam, tất cả những phụ nữ nọ đều phản đối chiến tranh, nhưng giờ thì phe phái này lại giống như một cách tay đắc lực của chính phủ, đúng không?
Chị đã trích dẫn theo lý thuyết của Lila Abu-Lughod trong cuốn sách rằng đây là khởi đầu của chủ nghĩa “securofeminism”
Đúng vậy. Lợi ích chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến tranh khủng bố về cơ bản phù hợp với các chiến dịch được thực hiện bởi các tổ chức nữ quyền nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố. Securofeminist ra đời nhờ sự kết hợp của cả hai, mà giờ đây sức mạnh của những nhà hoạt động nữ quyền da trắng không còn nằm trong phạm vi biểu tình phản đối nhà nước và các cuộc chiến tranh phi nghĩa nữa, mà là đi xuống Baghdad và tra tấn những người đàn ông da nâu. Nó đã tạo nên hình tượng về một người phụ nữ mạnh mẽ: Bạn trở thành một phần của bộ máy quân sự hoặc tổ chức CIA, và bạn sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết. Và nhiều khi điều cần thiết đó bao gồm việc trấn nước và hành hạ bọn họ.
Sự hình thành tư tưởng này là một sự phát triển của thời đại chúng ta và ta cần cẩn trọng nếu muốn xoá bỏ nó, khi tư tưởng này đã thấm nhuần vào thế giới quan của nước Mỹ.
Chị cũng khá thẳng thắn khi nói về việc phụ nữ da trắng là phương tiện giúp thúc đẩy câu chuyện này. Chiến tranh vừa bắt đầu khi em còn khá nhỏ. Một tư tưởng cứ quanh quẩn trong đầu em đó là “Chà, phụ nữ ở Mỹ được hưởng quyền tự do, vì vậy chúng ta nên đi giải phóng tự do cho tất cả mọi phụ nữ ở Afghanistan” tư tưởng này đồng nghĩa với việc bác bỏ mọi công nhận về sự áp bức trong quá khứ lẫn hiện tại đối với phụ nữ da màu, phụ nữ nhập cư, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và phụ nữ đồng tính trong nước. Nó rất là mâu thuẫn.
Thật sự nghe rất chối tai. Các thuật ngữ được dùng với chủ nghĩa da trắng thượng đẳng giờ đây cũng được triển khai sử dụng trong tình huống này. Tuy nhiên cũng đúng khi cho rằng đây là một cách giáo dục tư tưởng đối với phụ nữ da Đen và da Nâu ở Mỹ. Thông điệp là, Hãy dừng đề cập các vấn đề của bạn và im lặng vì ở ngoài kia nó còn khắc nghiệt hơn nhiều so với các vấn đề ở Mỹ. Ví dụ các vấn đề mà chúng ta cứ tưởng nó đã gắn liền với một nền văn hoá như giết người để bảo toàn danh dự, cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ.
Nếu một vụ giết người nhằm bảo toàn danh dự diễn ra ở Syria hay một nơi nào khác được nhắc đến, ngay lập tức người ta qui cho rằng nền văn hoá này của họ thật sự tồi tệ, rằng nó vốn dĩ đi ngược lại với tư tưởng nữ quyền. Khi một vụ giết hại phụ nữ xảy ra trong nước thì trường hợp này được coi như một phút giây lầm lỗi, rằng đó chỉ là một điều đen đủi bất thường đã xảy ra. Lý do mà chúng ta có một sự phân biệt như thế này là để đánh lừa phụ nữ da Đen và da Nâu khiến họ phủ nhận các trường hợp sát hại phụ nữ diễn ra trên khắp nước Mỹ.
Đúng như vậy, hiện nay trong nước Mỹ mỗi ngày sẽ có khoảng ba trường hợp phụ nữ bị sát hại bởi người yêu của họ. Những trường hợp như Chris Watts, người thú nhận đã giết người vợ đang mang thai Shanann và hai cô con gái nhỏ của họ cách đây vài năm. Hắn ta vì ngoại tình mà đã đề nghị chấm dứt cuộc hôn nhân với Shanann. Và khi cô nói rằng anh sẽ không bao giờ được gặp hai cô con gái của mình nữa, hắn đã sát hại tất cả ba người họ. Em nghĩ là, có gì khác giữa trường hợp này và những vụ giết người bảo toàn danh dự? Nó không khác gì nhau cả.
Không, điều đó hoàn toàn đúng. Nó không khác một tí nào, chính cái tôi của cánh đàn ông là ngòi nổ cho vòng xoáy bạo lực này. Có điều chỗ này thì nó được gọi là danh dự còn chỗ khác thì là cái tôi, nhưng thật ra, nó đều là cái tôi của nam giới. Thứ hệ thống cấp bậc này được duy trì với lý do giúp giới phương Tây và cộng đồng người da trắng giữ vững địa vị và bảo vệ phẩm hạnh cao thượng của họ hơn những người khác. Như thế thì những người ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền da trắng mới có thể duy trì địa vị của họ ví như tổng tư lệnh phong trào nữ quyền trên toàn thế giới, hãy nhìn xem, họ đã giải phóng tự do thành công ở xã hội riêng của mình và ở đó chẳng có những việc gì như giết người để bảo toàn danh dự cả! Trong khi đó, nhóm ủng hộ nữ quyền da Nâu ở những nơi khác thì khá vô dụng và yếu ớt, bởi vì những trường hợp giết hại kể trên vẫn thường đang xảy ra.
Hai chương cuối của chị là lời thỉnh cầu để hình dung lại định nghĩa của phong trào nữ quyền, và thật sự cần phải xoá bỏ tất tần tật cách mà chủ nghĩa da trắng đã kìm hãm ta. Chị hy vọng các độc giả sẽ rút ra điều gì sau khi đọc xong?
Tôi hy vọng nó sẽ đóng vai trò như một khuôn khổ giúp họ nhìn nhận về thế giới xung quanh. Nếu bạn đọc cuốn sách này, bạn sẽ thấy hàng trăm ví dụ như vậy xung quanh mình. Cách mà người ủng hộ nữ quyền da trắng đồng loã với chủ nghĩa da trắng sẽ trở nên rất rõ ràng một khi bạn đã nhận ra. Tôi cũng không vì vậy mà rũ bỏ trách nhiệm. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta cần phải nhìn lại chính đất nước mình, những đặc quyền mà chủng tộc của mình mang lại, và cách nó tồn tại ở những dạng thức khác nhau.
Chủ nghĩa nữ quyền dần dần đã bị thu hẹp thành một cái mác. Điều tôi muốn làm là giúp nó trở lại thành một phong trào như trước đây. Tôi không thể thực hiện điều này mà không đòi hỏi mọi người phải đối mặt với vấn đề liên quan đến chủng tộc trong phong trào nữ quyền cả. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều phụ nữ, phụ nữ da trắng, những người cũng cảm thấy chủ nghĩa nữ quyền đã suy giảm thành một thương hiệu và họ chỉ quan tâm đến phong trào như một cuộc đấu tranh chính trị. Chúng ta ngày ngày vẫn đang phải đối mặt với chế độ gia trưởng, các tội ác nhắm đến phụ nữ, những nhóm người bạo lực thù hằn phụ nữ. Những điều này làm chúng ta dễ choáng váng và kinh tởm. Hãy chọn bất kỳ cuốn sách giáo khoa đề cập đến chủ nghĩa nữ quyền trên nước Mỹ, chắc chắn trong đó nó sẽ đề cập về những làn sóng nữ quyền ở thế hệ trước. Tất cả đều xoay quanh các thành tựu, tấm gương những nhà hoạt động nữ quyền da trắng, và tư tưởng rằng họ là những người đầu tiên tìm ra đường giải phóng tự do. Điều đó là hoàn toàn sai. Cái định nghĩa chính thống này là sai. Nếu chúng ta cứ bám vào tư tưởng đó, làm thế nào chúng ta có thể đạt được cái thứ gọi là công bằng và bình đẳng?
Cuộc phỏng vấn này đã được chỉnh sửa và thu gọn để rõ ràng hơn.
Người dịch: Quyen Tran & Phuong Anh
Biên tập: Đông Phong
Comentários