Tại thời điểm này, chúng ta cần phát triển một cách tiếp cận từng bước, từ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp đến một chiến lược thành công cuối cùng.
Hakura Sakamoto, ngày 26 tháng 6, 2020
Translated from The Diplomat article Japan’s Pragmatic Approach to COVID-19 Testing.
Nguồn: U.S. Center for Disease Control
Trong lúc mối đe dọa của COVID-19 lan rộng khắp thế giới, các quốc gia đang xây dựng các chiến lược nhằm hạn chế số người chết mà vẫn duy trì các hoạt động kinh tế. Mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới, chẳng hạn như các nước châu Âu và Hoa Kỳ, đã áp đặt các hạn chế đáng kể lên hành vi - được gọi là các biện pháp “đóng cửa"- trong khi tiến hành thử nghiệm và cách ly rộng rãi, Nhật Bản đã kiểm soát được tình hình mà không cần dùng đến các biện pháp đó. Mặc dù nước này cũng có sự gia tăng trong các ca nhiễm mới vào cuối tháng 3 và tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 6 tháng 4, số người chết trên một triệu người ở Nhật Bản là 7.65 vào ngày 25 tháng 6, tương đối thấp so với các quốc gia khác (368.51 ở Hoa Kỳ, 572.99 ở Ý, 634.61 ở Anh, 106.55 ở Đức và 5.50 ở Hàn Quốc).
Tại Nhật Bản, các biện pháp đối phó được thực hiện dựa trên những phân tích về COVID-19, với đặc trưng rằng một tỷ lệ lớn các trường hợp những người bị nhiễm bệnh đều không có triệu chứng. Hầu hết các trường hợp không triệu chứng này không lan truyền bệnh, nhưng một tỷ lệ nhỏ trong số họ - được gọi là những “người siêu lây lan” - đã lây nhiễm cho nhiều người, dẫn đến một mô hình các cụm nhiễm virus mới. Dựa trên phát hiện khoa học này, Nhật Bản đã quyết định ưu tiên ngăn chặn sự hình thành các cụm dịch mới từ các cụm dịch cũ bằng cách truy lại chuỗi lây lan. Theo chiến lược này, chính phủ Nhật Bản đã tiến hành theo dõi nguồn bệnh (contact tracing) nghiêm ngặt; do đó, dù với khả năng thử nghiệm hữu hạn của mình, các hoạt động xét nghiệm của Nhật Bản tập trung vào các ổ dịch tiềm năng hoặc đã được xác định, trái ngược với cách thử nghiệm hàng loạt.
Ngay từ đầu, các hoạt động thử nghiệm của Nhật Bản đã có tính thực dụng và độc nhất so với các phương pháp ở các quốc gia khác. Do quyền khám bệnh miễn phí ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân chỉ phải trả một ít tiền túi, có một mối lo ngại là mọi người sẽ đổ xô đến các cơ sở y tế để kiểm tra vì sự lo lắng về cơn dịch này, dẫn đến lây nhiễm tại các cơ sở y tế và gây cạn kiệt nguồn lực y tế. Bên cạnh đó, theo Đạo Luật về Bệnh Truyền Nhiễm của Nhật Bản, ở giai đoạn đầu của đợt bùng phát, bất kỳ người nào có kết quả dương tính với COVID-19, dù có triệu chứng hay không, về nguyên tắc đều phải nhập viện tại một cơ sở y tế, và có một mối lo ngại rằng các giường bệnh viện sẽ nhanh chóng bị lấp đầy bởi những bệnh nhân chỉ mang triệu chứng nhẹ. Điều này có thể dẫn đến việc điều trị không chu đáo cho các trường hợp nặng. Vì lý do này, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW) khuyến cáo rằng bệnh nhân nếu không có bất kỳ bệnh nền nào nên ở nhà, và dùng khả năng xét nghiệm để tập trung vào những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 cũng như người già người có những bệnh lý nền.
Chính sách xét nghiệm khác biệt của Nhật Bản đã bị chỉ trích cả trong và ngoài nước, mặc dù số người chết ở Nhật Bản là thấp. Đã có lo ngại rằng tình trạng thực tế của dịch bệnh ở Nhật Bản có thể bị nắm bắt không đầy đủ, chủ yếu vì số lượng xét nghiệm PRC là nhỏ [PCR: kỹ thuật xét nghiệm cho COVID-19]. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác, tỷ lệ dương tính ở Nhật Bản (số kết quả xét nghiệm PCR dương tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng số xét nghiệm PCR được thực hiện) tương đối thấp, ở mức 5.5% (so với 6.0% ở Đức, 17.4% ở Hoa Kỳ, và 26.9% tại Anh), cho thấy Nhật Bản đã phát hiện đầy đủ các ca COVID-19.
Ngoài ra, vì có một tỷ lệ đáng kể với các trường hợp không có triệu chứng trong số những người bị nhiễm bệnh, xác định tỉ lệ nhiễm bệnh bằng PCR không hoàn toàn có ý nghĩa. Trên thực tế, ở các quốc gia khác, chỉ xét nghiệm PCR hóa ra không đủ để xác định toàn bộ mức độ dịch bệnh trong dân số, và xét nghiệm kháng thể (antibodies) hiện đang được xem xét để xác định tình trạng thực tế của dịch. Mặc dù cho đến nay, độ chính xác của xét nghiệm kháng thể vẫn còn nhiều nghi vấn, nhưng số ca nhiễm thực tế dường như cao hơn từ nhiều lần đến vài chục lần so với xét nghiệm PCR, một kết quả được phát hiện không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở các quốc gia khác. Những kết quả ban đầu về mức độ lan tràn của COVID-19 được phát hiện bằng xét nghiệm kháng thể là khoảng 0.6% tại Nhật Bản, nhưng con số này không khác biệt m so với các quốc gia khác. Đúng là trong một số trường hợp, đã có sự chậm trễ trong việc tiến hành các xét nghiệm ngay cả khi các bác sĩ yêu cầu xét nghiệm PCR cho bệnh nhân. Do đó, để chuẩn bị cho làn sóng COVID-19 thứ hai có khả năng xảy ra, khả năng xét nghiệm đang được tăng cường để tiến hành ngay khi bác sĩ cho chỉ định xét nghiệm.
Các nhà phê bình cũng nói rằng lượng xét nghiệm PCR thấp có thể dẫn đến việc thiếu sót trong việc đếm số trường hợp tử vong thực tế từ COVID-19. Tuy nhiên, với hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân ở Nhật Bản, xét nghiệm PCR đã được thực hiện đối với hầu hết các trường hợp viêm phổi nặng dẫn đến tử vong. Hơn nữa, hầu hết tất cả các cơ sở chăm sóc sức khỏe đều chụp CT khi họ nghi ngờ nhiễm COVID-19, dựa trên các tiêu chí được chia sẻ trên toàn quốc theo khuyến nghị của WHO. Số lượng CT scans trên một triệu người ở Nhật Bản cao hơn so với các quốc gia tương đương khác (111 ở Nhật Bản, so với 11 ở Pháp, 38 ở Hàn Quốc và 44 ở Hoa Kỳ). Vì vậy, ít có khả năng rằng số ca tử vong từ COVID-19 đã bị bỏ lỡ. Trên thực tế, ít nhất là đến tận cuối tháng 4 năm 2020, tỷ lệ tử vong vượt mức ở Tokyo đang có xu hướng giảm đi [tỉ lệ tử vong vượt mức (excess mortality): số người chết trong năm dịch trừ số người chết thường thấy hàng năm].
Như đã chỉ ra ở trên, mặc dù các hoạt động xét nghiệm ở Nhật Bản có thể được giải thích là thực tế và đúng đắn theo khoa học, mọi người dường như chỉ trích chúng đơn giản vì các biện pháp này là độc nhất. Hiện tượng này đang xảy ra ở quốc gia và trên thế giới, như trong trường hợp của Thụy Điển, nơi áp dụng chiến lược giúp giảm thiểu, thay vì chiến lược kiểm soát [dịch bệnh]. Hơn nữa, phổ biến rất đơn giản về xét nghiệm PCR sẽ dễ hiểu hơn đối với công chúng. Tuy nhiên, xét nghiệm chỉ là một phần của các hoạt động quản lý khủng hoảng toàn diện và cần có thảo luận về vai trò của việc xét nghiệm trong một chiến lược thành công tổng thể.
Chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp. Tại thời điểm này, chúng ta cần phát triển cách tiếp cận từng bước từ chấm dứt tình trạng khẩn cấp đến chiến lược thành công cuối cùng. Ngày càng có nhiều nhu cầu cho các chỉ số xác định một sự “bình thường mới" với COVID-19 và cần tối ưu hóa các phương pháp xét nghiệm để làm rõ những thông số này, thay vì bị phân tâm bởi số lượng xét nghiệm đơn thuần. Rốt cuộc, số lượng xét nghiệm được thực hiện không nhất thiết có liên hệ trực tiếp đến một trong những kết cuộc quan trọng nhất, là tỷ lệ tử vong - nghĩa là cứu mạng sống - như đã được chứng minh ở Nhật Bản.
Haruka Sakamoto, MD, MPH, là bác sĩ chăm sóc sức khoẻ ban đầu và phó giáo sư tại Khoa Quản Lý và Chính Sách Y tế, Đại học Keio. Cô có bằng M.D từ Đại học Y Sapporo và làm bác sĩ trong nhiều năm tại Bệnh Viện Quốc Tế St Luke, ở Tokyo.
Translation by Cookie Duong
Edited by Nhan Nguyen
Comments