Cả nhân loại dồn hy vọng về một sự đột phá, nhưng vaccine chỉ là khởi đầu của một kết thúc.
Sarah Zhang, ngày 24 tháng 7, 2020
Translated from The Atlantic article A Vaccine Reality Check
THE ATLANTIC
Gần năm tháng sau khi đại dịch bùng phát, toàn bộ hy vọng dập tắt COVID-19 vẫn hướng về một thứ mà tới giờ vẫn còn là một giả thuyết - vaccine. Và cứ thế, một điệp khúc ra đời: Có lẽ chúng ta phải ở nhà - cho đến khi có vaccine. Đóng cửa trường học - cho đến khi có vaccine. Đeo khẩu trang - nhưng chỉ đến khi có vaccine thôi. Trong những ngày tháng khốn khổ này, câu "thần chú" ấy đã và đang mang lại đôi chút hy vọng cho nhiều người. Một cuộc sống bình thường đang chờ đón ở bờ bên kia của trận đại dịch, và chúng ta chỉ cần kiên nhẫn - cho đến khi có vaccine.
Tiếp nguồn cho những hy vọng này là những dự đoán vô cùng viển vông của chính quyền Trump, rằng vaccine sẽ sẵn sàng vào tháng 10, thêm vào đó là những bản tin theo dõi sát sao từng bước các cuộc thử nghiệm vaccine. Mỗi tuần lại có hàng loạt những mẩu tin về “thành công ban đầu,” “kết quả ban đầu khả quan,” và cổ phiếu bắt đầu lên cao vì “tinh thần lạc quan về vaccine.” Nhưng vaccine COVID-19 khó có thể thoả mãn tất cả những kỳ vọng này. Vaccine có thể sẽ không khiến dịch bệnh biến mất. Chắc chắn nó sẽ không đem cuộc sống của chúng ta trở lại như cũ ngay lập tức.
Về mặt sinh học, một loại vaccine chống virus COVID-19 không hẳn sẽ cung cấp sự bảo vệ hoàn hảo. Về mặt chuẩn bị, các nhà sản xuất sẽ phải tạo ra hàng trăm triệu liều vaccine, trong khi phải dựa vào những công nghệ có lẽ chưa bao giờ được áp dụng trên vaccine và cả cạnh tranh để mua những yếu phẩm như ống nghiệm. Rồi Chính phủ Liên Bang có thể sẽ phải phân phối những liều vaccine này qua một công đoạn luân chuyển chắp vá từ cơ sở y tế nhà nước tới địa phương, khi mà không một cơ sở hạ tầng hiện có nào đáp ứng được nhu cầu tiêm vaccine cho người lớn trên diện rộng. Xưa nay, Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) vẫn luôn đứng ra chỉ đạo việc phân phối vaccine. Thế nhưng, trong những cuộc thảo luận xoay quanh vaccine COVID-19 đến thời điểm này, họ lại vắng mặt một cách kinh ngạc — đây là một dấu hiệu đáng lo ngại, rằng những thất bại trong việc lãnh đạo chống dịch "đặc biệt chỉ có ở nước Mỹ", có thể đang cản trở quá trình này. Tình hình còn rối ren hơn nữa khi 20% người Mỹ đã nói họ sẽ không tiêm vaccine COVID-19. Cùng 31% người vẫn đang do dự, e rằng nước Mỹ sẽ khó tạo được miễn dịch cộng đồng.
Vẫn nên nhắc tới những tin tốt, các chuyên gia cho rằng vaccine COVID-19 là khả thi. Con virus gây ra COVID-19 có vẻ không phải loại ngoại lệ như HIV. Trong một thời gian ngắn kỷ lục, các nhà khoa học đã đi từ khám phá ra con virus, tới chế tạo được 165 loại vaccine dự tuyển, trong đó có 27 loại đang trong quá trình thử nghiệm trên người. Thử nghiệm trên người bao gồm ít nhất 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 theo dõi an toàn, Giai đoạn 2 theo dõi độ hiệu quả và liều lượng, và Giai đoạn 3 theo dõi hiệu quả khi thử nghiệm trên một nhóm lớn gồm vài chục ngàn người. Ít nhất 6 loại vaccine COVID-19 đã hoặc chuẩn bị tiến vào Giai đoạn 3, và sẽ kéo dài thêm vài tháng.
Chúng ta đang gần tới tháng thứ 5 của đại dịch và có lẽ còn 5 tháng nữa cho tới khi có được một vaccine an toàn và hiệu quả — với điều kiện những thử nghiệm trên tiến triển hoàn toàn thuận lợi. “Cho dù vaccine có được giới thiệu với công chúng,” Jesse Goodman, cựu Trưởng Phòng Khoa học của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), cho rằng, “Tôi nghĩ vài tháng sau đó chúng ta vẫn phải đối mặt với số lượng ca nhiễm cao hoặc ít nhất là nguy cơ lây nhiễm cao.”
Với những thông tin trên, có thể chúng ta sẽ phải chịu đựng mối hiểm nguy từ coronavirus trong một khoảng thời gian dài hơn cả từ lúc bùng dịch tới giờ. Không có những biện pháp đẩy lùi virus ở phần lớn các nước châu Âu và châu Á, các ổ dịch sẽ tiếp tục bùng phát, trường học tiếp tục đóng cửa, chúng ta tiếp tục cách ly, và số người chết vẫn tăng cao. Vaccine, khi sẵn sàng tiêu thụ, sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một tiến trình giảm tốc vô cùng chậm chạp và dài lâu. Và độ dài của quá trình giảm tốc này hoàn toàn phụ thuộc vào độ hiệu quả của vaccine, khả năng phân phối hàng trăm triệu liều tới người dân, và liệu người dân có chịu đi tiêm hay không. Thật kinh khủng khi phải nghiền ngẫm về những đau khổ vẫn còn chờ đợi trước mắt. Nghĩ tới lời hứa hẹn sẽ có vaccine thật dễ dàng hơn biết bao nhiêu.
“Nhiều người đặt kỳ vọng rất lớn vào những loại vaccine này,” Kanta Subbarao, Giám đốc trung tâm hợp tác cúm mùa ở Melbourne của Tổ chức Y tế Thế Giới, đã nói. Bà cũng đã từng trong nhóm nghiên cứu phát triển các vaccine ngừa coronavirus khác. “Không ai muốn nghe rằng thực ra vaccine chưa thể xong ngay được đâu.”
Vaccine, về căn bản, là một phương pháp kích thích hệ miễn dịch mà không có sự hiện diện của bệnh dịch. Vaccine có thể được chế tạo ra từ virus đã bị giảm độc lực, virus bất hoạt, protein được chiết ra từ virus, protein của virus được cấy vào một virus lành tính, hay có khi chỉ là chuỗi mRNA chứa mã hoá một protein của virus. Tiêm chủng hơi giống bạn mắc bệnh rồi khỏi bệnh một lần duy nhất, nhưng không để lại di chứng. Vẫn còn nhiều ẩn số về vấn đề phản ứng lâu dài của hệ miễn dịch với COVID-19, nhưng đồng nghiệp của tôi, Derek Thompson, đã giải thích, có nhiều cơ sở cho thấy nếu một người mắc COVID-19, khả năng cao họ sẽ không mắc lại nữa.
Tuy nhiên, miễn dịch do tiêm chủng có xu hướng không hiệu quả bằng miễn dịch được phát triển sau khi nhiễm bệnh. Vaccine thường được tiêm thẳng vào bắp. Khi cơ thể bạn nhận diện vật lạ, nó sẽ vận động phản ứng từ hệ miễn dịch, bằng cách tạo ra các kháng thể bền vững tuần hoàn trong máu.
Nhưng những con virus hô hấp lại ít khi xâm nhập vào các cơ, bởi mục đích chính của chúng là tấn công hệ hô hấp. Chúng thường lẻn vào qua màng nhầy của mũi và họng. Dù tạo ra kháng thể trong máu, vaccine lại không tạo ra nhiều kháng thể trong màng nhầy, tức vaccine khó ngăn ngừa virus xâm nhập vào cơ thể. Nhưng vaccine vẫn có thể bảo vệ các mô bên trong như lá phổi, và từ đó ngăn không cho bệnh tình tiến triển xấu hơn. “Lợi ích chính của tiêm chủng là phòng ngừa tình trạng nguy kịch của bệnh,” Subbarao nói. Vaccine phòng ngừa COVID-19 ít có khả năng đạt được thứ mà các nhà khoa học gọi là “miễn dịch tiệt khuẩn,” tức ngăn chặn bệnh dịch tuyệt đối.
Một cách để tăng tính hiệu quả của vaccine ngừa virus hô hấp là mô phỏng một quá trình nhiễm bệnh tự nhiên bằng cách xịt vào mũi con virus còn sống nhưng đã được giảm độc lực. Ví dụ, FluMist chứa virus cúm giảm độc lực, và nhiều nhóm nghiên cứu đang tìm cách áp dụng chiến lược này với COVID-19. Tuy nhiên, vaccine chứa virus sống nguy hiểm hơn vì dù sao con virus cũng vẫn còn sống. “Chúng tôi không muốn xịt coronavirus vào mũi mọi người trừ phi chắc chắn rằng con virus trong chất xịt không thể lây từ người này qua người khác và làm họ phát bệnh,” Kathleen Neuzil, Giám đốc Trung Tâm Phát Triển Vaccine và Y Tế Toàn Cầu của Đại học Maryland, khẳng định. “Chúng tôi chỉ cần thời gian.”
Thế nhưng, với thế hệ vaccine đời đầu này, tốc độ lại là điều tối quan trọng. Loại vaccine ban đầu có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của COVID-19 mà không hoàn toàn ngăn chặn lây lan. Cơ chế này giống như khi tiêm phòng bệnh cúm vậy, chứ không giống như vaccine ngừa bệnh bại liệt. Hướng dẫn của FDA dành cho vaccine COVID-19 nhận thấy vaccine còn rất xa mới hiệu quả 100% được; cơ quan nói rằng, để thuyết phục người dân chấp nhận, vaccine nên ngừa hoặc giảm được mức độ nghiêm trọng của bệnh với ít nhất là 50% số người tiêm vaccine. “Tất nhiên đây không phải là tình huống lý tưởng,” Walter Orenstein, nhà nghiên cứu vaccine thuộc Đại học Emory đã từng nắm chức giám đốc Chương trình Miễn dịch Quốc gia, nhận xét. “Nhưng vậy vẫn tốt hơn là 0%.”
Trong những tuần gần đây, hàng loạt nhóm nghiên cứu vaccine đã công bố những dữ liệu có triển vọng cho thấy vaccine dự tuyển của họ có khả năng tạo ra kháng thể vô hiệu hoá coronavirus trong phòng thí nghiệm. Thử thách tiếp theo của họ là vấn đề quy mô: thử nghiệm trong Giai đoạn 3 của quá trình phát triển vaccine với hàng chục ngàn người để khẳng định tính ngăn chặn lây nhiễm ngoài phòng thí nghiệm và sau đó, nếu thành công, họ sẽ cần sản xuất hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỉ liều vaccine. Bởi vậy, dù đã được thử nghiệm trên một nhóm nhỏ, vaccine vẫn còn rất lâu mới tới tay chúng ta.
Những thử nghiệm của Giai đoạn 3 mang quy mô lớn nhất cũng như kéo dài lâu nhất trong toàn bộ quá trình phát triển vaccine— bình thường, quá trình này sẽ tốn nhiều năm, nhưng vì tính cấp bách của đại dịch, mọi người đang đốt cháy giai đoạn từ vài năm xuống vài tháng. Tuy vậy, những người chế tạo vaccine vẫn cần hàng chục ngàn người để khẳng định tính hiệu quả và theo dõi nếu vaccine có tác dụng phụ hiếm và lâu dài. Họ cần thời gian tuyển tình nguyện viên, chờ họ tiếp xúc với COVID-19, quan sát nếu có tác dụng phụ nào xuất hiện, và phân tích toàn bộ những dữ liệu thu thập được.
Éo le thay, số ca nhiễm COVID-19 cao và vẫn tiếp tục tăng ở Mỹ lại giúp việc thử nghiệm vaccine dự tuyển dễ dàng hơn. Bất cứ tình nguyện viên nào cũng có khả năng cao sẽ tiếp xúc với virus. “Đây không phải tin tốt đẹp gì cho đất nước của chúng ta, nhưng… hoàn cảnh này giúp chúng tôi có thêm ca nhiễm để nghiên cứu,” Ruth Karron cho hay. Bà là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Miễn dịch thuộc Đại học Johns Hopkins, và đã từng trong Ban Giám sát An toàn và Dữ liệu cho thử nghiệm vaccine Giai đoạn 2 của Moderna. Moderna, một công ty Mỹ, đang thực hiện thử nghiệm Giai đoạn 3 ở Mỹ. Một nhóm khác có trụ sở ở Đại học Oxford và hợp tác với công ty công nghệ sinh học AstraZeneca có trụ sở ở Anh, đang thử nghiệm ở Anh, Brazil, và Nam Phi - trong đó hai quốc gia cuối được chọn bởi số ca nhiễm COVID-19 cao.
Tại Mỹ, Operation Warp Speed (tạm dịch: Chiến dịch Thần tốc) của chính quyền Trump đang hỗ trợ một số trung tâm, cơ quan chế tạo vaccine về mặt cung cấp cơ sở vật chất sản xuất trong lúc họ tiếp tục thử nghiệm trên người. Sự trợ giúp này có thể đẩy nhanh thời gian chờ giữa lúc vaccine được chấp thuận và lúc vaccine sẵn sàng ra thị trường, bởi nếu không, các công ty sẽ phải chờ được FDA chấp thuận rồi mời được sản xuất quy mô lớn. Nhưng sản xuất hàng trăm triệu liều vaccine vẫn là một thử thách đáng kể, đặc biệt là với một vaccine mới.
Những loại vaccine thử nghiệm sáng giá nhất đều dựa vào những công nghệ chưa từng được sử dụng trong kiểm nghiệm lâm sàng. Ví dụ như vaccine của Moderna là một chuỗi RNA ngắn có thể mã hoá protein của coronavirus. Vaccine của Oxford và AstraZeneca đính một protein coronavirus vào một loại virus có tên là “adenovirus” trên loài tinh tinh. Cả hai đều chưa bao giờ được sản xuất trên một quy mô cần thiết.
Nghĩ về năm 2009, thời điểm gần nhất khi cả thế giới đóng băng để sản xuất vaccine đẩy lùi dịch bệnh H1N1, thường được biết với cái tên “cúm lợn,” và các nhà sản xuất vaccine có công việc đơn giản hơn nhiều khi họ chỉ cần thay loại H1N1 vào vaccine cúm mùa thông thường mà họ sản xuất hàng năm. Tuy họ đã có nhiều năm kinh nghiệm sản xuất vaccine cúm, các nhà sản xuất bỗng gặp phải trở ngại bất ngờ. Hầu hết các vaccine cúm được làm từ virus nuôi trong trứng gà, và vì một lý do nào đó, H1N1 lúc đầu không phát triển tốt trong những quả trứng đó. “Số lượng sản xuất được từ một số trứng nhất định lại thấp hơn so với bình thường,” theo lời ông Goodman, người đã chỉ huy đối phó dịch bệnh của FDA hồi 2009. “Thế nên mọi thứ mới bị kéo chậm lại.” Rồi khi hàng triệu liều vaccine đang được sản xuất, ông Goodman nói rằng hồi đó không có đủ cơ sở vật chất để đưa vaccine vào trong các lọ nhỏ.
Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh đã tạo ra một mạng lưới cơ sở vật chất theo dạng tinh-chiết-và-đóng-gói để xử lý vấn đề này trong tương lai. Hiện giờ, Operation Warp Speed cũng đang trao tặng các hợp đồng sản xuất hàng triệu xy lanh và ống thuỷ tinh cần thiết để đóng gói vaccine COVID-19. Nếu không chuẩn bị kỹ càng, nước Mỹ sẽ rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng khi đã có vaccine nhưng lại không có cách nào để vận chuyển chúng đến tay người dùng.
Kể cả mọi thứ có diễn ra suôn sẻ - có những ứng viên vaccine triển vọng, các vòng thử có kết quả nhanh, công nghệ có hoạt động - 300 triệu liều cũng sẽ không tự nhiên mà xong cùng một lúc được, và cần có một hệ thống vận chuyển nguồn cung cấp có hạn này đến với công chúng. Đây chính là loại thử thách mà chính phủ Mỹ chưa chuẩn bị sẵn sàng trong đợt dịch này.
Trong đợt dịch H1N1, chính phủ Mỹ chi trả vaccine và phân phát chúng về các bang và các khoa y tế địa phương, rồi những nơi đó sẽ tiêm vaccine cho mọi người qua các phòng khám trên diện rộng và cho cả các công ty, trường học, bệnh viện, hiệu thuốc, và văn phòng bác sĩ. Trên cả nước Mỹ, chương trình đó cuối cùng đã tiêm vaccine cho một phần tư dân số, nhu cầu giảm vì đại dịch lên đỉnh điểm không lâu sau khi vaccine được ra mắt.
Chương trình vaccine 2009 được xây dựng dựa trên cơ sở vật chất của chương trình Vaccine cho Trẻ em, trong đó CDC mua và phân phát vaccine tới các bang cho những em nhỏ không có bảo hiểm y tế hoặc đang hưởng chế độ Medicaid. Các nhà quản lý về miễn dịch làm trong những chương trình này đều rất rành về những rắc rối liên quan đến tích trữ và phân phát vaccine, ví dụ như vấn đề về duy trì nhiệt độ lạnh cho các loại vaccine cần phải lưu trữ ở nhiệt độ thấp. Họ làm việc với vaccine trẻ em, và họ cần phải tiếp xúc với văn phòng của các bác sĩ khoa nhi. “Chúng tôi lại không có mối quan hệ với các bệnh viện, các bác sĩ nội khoa, và những người tiêm vaccine cho người lớn,” Kelly Moore nói, đạo diễn của Chương trình Miễn dịch Tennessee năm 2009. Vào tháng Tám năm đó, hai tháng trước khi họ giao vaccine lần đầu tiên, đội của Moore tạo ra một biểu đơn đăng ký trên cơ quan đăng ký miễn dịch của bang và gửi mỗi tối thứ Sáu một bản tin cùng với các cập nhật thông tin và các bài luyện tập dùng vaccine.
“Đáng tiếc thay,” Moore nói, “mạng lưới đó đã không duy trì được vì trong 11 năm trở lại đây chúng tôi chưa có vaccine nào để vận chuyển.” Thông tin liên lạc giờ đã lỗi thời. Xây dựng lại mạng lưới này cho người lớn sẽ rất quan trọng đối với COVID-19. Dẫu là vaccine H1N1 được khuyên dùng cho mọi lứa tuổi, đối tượng hướng đến vẫn là trẻ nhỏ, vì virus rất nguy hiểm với chúng. Điều ngược lại thì đúng hơn với COVID-19, bởi nó là mối nguy hại với người lớn tuổi.
Vài ứng viên tiềm năng cho vaccine COVID-19 cũng có thể sẽ gặp khó khăn về mặt chuyển và lưu trữ, nếu chúng yêu cầu phải có nhiệt độ thấp tới -80 độ C hay phải vài liều mới có tác dụng. Trên thực tế, một vaccine COVID-19 rất có khả năng cần phải dùng hai liều: liều đầu chuẩn bị cho hệ miễn dịch, liều thứ hai kích cho hệ miễn dịch có phản kháng mạnh mẽ hơn. Các quan chức phải cân bằng giữa việc cho liều đầu cho nhiều người nhất có thể và cho liều hai cho những người đã được tiêm liều đầu. “Đấy là sự phức tạp mà chúng tôi cảm thấy thật sự biết ơn khi không phải đối mặt hồi năm 2009,” Moore nói.
Dù CDC đi đầu trong việc phân phát vaccine H1N1 năm 2009, Clair Hannan, giám đốc điều hành của Liên hiệp Quản lý Miễn dịch, nói rằng cơ quan này đã trở nên im lặng một cách bất thường về các kế hoạch vaccine cho COVID-19 kể từ tháng Tư. “Lúc đầu, chúng tôi có các cuộc gọi lên kế hoạch với CDC ngay lập tức,” cô ấy nói. “Rồi không có gì sau đó nữa.” Cô ấy đã thất bại trong việc cố gắng liên lạc với Operation Warp Speed, nơi mà đã ẩn ý rằng Bộ Quốc phòng có thể có liên quan đến việc phân phát vaccine. “Chúng tôi tiếp tục hỏi CDC rất nhiều những câu hỏi. Và họ không phản hồi,” cô nói.
Ban Cố vấn của CDC về các thông lệ miễn dịch cũng thường chịu trách nhiệm với các lời khuyến cáo ưu tiên vaccine. Ban gồm nhiều chuyên gia nằm ngoài CDC, gặp lần cuối vào cuối tháng Sáu để bàn bạc ưu tiên vaccine cho các nhân viên y tế, người già, và những người có tiền sử dễ nhiễm bệnh. Họ cũng đã nghĩ đến ưu tiên vaccine theo chủng tộc vì những sự khác biệt về số ca nhiễm COVID-19 với các chủng tộc khác nhau. Nhưng giờ Viện Dược Lý Quốc gia đang triệu tập một uỷ ban về cùng chủ đề đó, một lần nữa gây ra hoang mang về việc thật sự ai sẽ chịu trách nhiệm về những quyết định này.
Năm 2009, công việc của Moore là đưa các khuyến cáo của Ban Cố vấn CDC vào thực hành. Hai hay ba lần một tuần, cô ấy sẽ nhận được thư từ nhà phân phối vaccine của CDC cho cô biết về số lượng liều vaccine họ có cho cả bang của cô. Dù vậy trong thực tế, lần ship đầu tiên sẽ không thể đủ cho tất cả mọi người kể cả nhóm có ưu tiên cao nhất, ví dụ như các nhân viên y tế. Cần phải dựa vào những người như Moore để quyết xem bệnh viện nào nhận được bao nhiêu, cùng với lời hứa họ sẽ có thêm trong tuần tiếp theo. Rồi các bệnh viện riêng lẻ sẽ phân phát vaccine đến cho nhân viên của họ dựa theo thứ tự ưu tiên.
Hệ thống này vốn dĩ phải linh hoạt và phản ứng nhanh với các điều kiện địa phương, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc vaccine có thể có ở nơi này, nhưng lại thiếu hụt ở nơi khác. Ví dụ, Emily Brunson, một nhà nhân loại học ở Đại học Bang Texas chuyên nghiên cứu vaccines, nói rằng trong 2009 có nhiều trường hợp rằng có tiểu bang khuyến cáo rất nghiêm ngặt, chỉ phát vaccine cho những trường hợp ưu tiên cao, trong khi đó tiểu bang kế bên lại phát cho bất kỳ ai muốn được có chúng. Những quyết định phân phát vaccine thông qua các trung tâm y tế nhân viên ở New York, nơi mà tình cờ cũng có vài công ty phố Wall, cũng đã tạo ra một làn sóng phản đối mãnh liệt. “Có rất nhiều điều gây hiểu lầm,” Brunson nói. Trong một đợt thiếu nguồn cung ban đầu, những quyết định được đưa có vẻ rất không công bằng - đặc biệt với những căng thẳng ở thời điểm đại dịch bắt đầu khi mà người giàu và người nổi tiếng được xét nghiệm COVID-19 trong khi dân thường bị từ chối ở các phòng khám.
Cho tới thời điểm hiện tại, với tất cả những gì chúng ta quan sát được từ trận đại dịch, các chương trình tiêm chủng sẽ được diễn ra trong bối cảnh chính trị vị đảng và trong lúc những thông tin sai lệch được truyền bá. Các giả thuyết về một vaccine COVID-19 đã ngay lập tức lan truyền, một vài trong số đó nghe rất kì lạ. Sự nhấn mạnh vào tốc độ - trong “Operation Warp Speed” - cũng đã gây ra nhiều mối lo về chuyện vaccine đang bị thúc vội để cho ra mắt thị trường. Tại một buổi điều trần Quốc hội với năm nhà sản xuất vaccine vào thứ Ba, các viên chức công ty đã phải liên tục bỏ qua ý tưởng rằng ngành công nghiệp này sẽ giảm chi phí cho một vaccine COVID-19.
Chúng ta sẽ đối mặt với một vài tình huống khi một số người sẽ rất tuyệt vọng để kiếm vaccine và một số người sẽ thấy sợ khi phải tiêm vaccine. Và chắc sẽ có nhiều người đứng ở giữa, hoặc cảm thấy không chắc lắm, hoặc vừa sợ vừa tuyệt vọng,” Michael Stoto nói, một nhà nghiên cứu y tế công cộng ở Đại học Georgetown. Một liều vaccine, đặc biệt là một liều mới nhưng không đảm bảo khả năng ngừa bệnh 100%, sẽ cần chúng ta phải nói rõ với người dùng về những rủi ro. “Sự thật là, việc kêu gọi đeo khẩu trang đã khó rồi, tuyên truyền về vaccine sẽ còn khó hơn,” ông ấy thêm. Anthony Fauci, giám đốc của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, đã cảnh báo rằng, với số lượng người Mỹ hiện không hẳn tin hay thậm chí phản đối chuyện tiêm vaccine COVID-19, ngay cả chính vaccine được sản xuất đại trà cũng sẽ khó đưa đất nước đến với ngưỡng miễn dịch cộng đồng nếu quá nhiều người từ chối dùng vaccine.
Với những người Mỹ đang hi vọng về vaccine, việc phân phối và sử dụng vaccine một cách vụng về sẽ cho thấy một lần nữa những thất bại của đất nước trong cơn đại dịch. Điều này có thể có hậu quả kinh khủng mà sẽ gây ảnh hưởng lâu dài kể cả sau dịch bệnh. Brunson lo rằng việc áp dụng vaccine thiếu hiệu quả sẽ huỷ hoại niềm tin vào trình độ y tế cộng đồng và niềm tin vào bất cứ vaccine nào khác. “Mất niềm tin vào một trong hai đều là thảm hoạ,” bà nói, “ngoài việc chính COVID đã là thảm hoạ rồi.” Thí dụ như một ngày nào đó bệnh sởi, một loại dịch bệnh đã được khống chế bởi vaccine, hồi sinh trở lại, và việc mất niềm tin vào hệ thống y tế hay vào vaccine sẽ mang lại những thử thách lớn hơn trong việc điều trị bệnh, và cả dịch bệnh lây nhiễm trong tương lai.
Với tất cả những điều mù mờ trong hành trình tìm kiếm vaccine cho COVID-19, nhiều chuyên gia chắc chắn rằng. “Nếu hỏi một câu hỏi dễ trả lời, ‘Virus này sẽ biến mất chứ?’ Câu trả lời sẽ là, ‘Không,’” Karron, một chuyên gia vaccine tại Đại học Johns Hopkins cho biết. Virus hiện giờ lan đi quá rộng. Vaccine có thể làm giảm nhẹ các ca nặng; nó có thể làm cuộc sống với COVID-19 dễ dàng hơn đôi chút. Virus sẽ không rời đi ngay được đâu, nhưng rồi đến lúc nào đó, đại dịch cũng sẽ kết thúc.
*Bài viết này ban đầu định danh AstraZeneca là một công ty công nghệ sinh học Anh-Thuỵ Điển.
SARAH ZHANG là một ký giả làm việc tại The Atlantic.
Translation by Ren & A. Duong
Edit by Phố
Commentaires