top of page

Cảnh sát ít khả năng sẽ phá án hơn khi nạn nhân là người Da Đen

Các gia đình người da màu có thân nhân bị giết hại ít khi tìm được công lý.


German Lopez ngày 11 tháng 6, 2015


Scott Olson/Getty Images


Một phóng sự của Edwin Rios và Kai Wright cho báo Mother Jones cho thấy sự chênh lệch đầy kinh ngạc về tỷ lệ phá án của cảnh sát về những vụ giết người trong cộng đồng người thiểu số so với cộng đồng khác. Bài phóng sự đặc biệt chú tâm vào vụ sát hại của Emill Smith, xảy ra đã nhiều năm mà cảnh sát vẫn chưa tìm ra thủ phạm dẫu cho gia đình nạn nhân vẫn tiếp tục kêu nài:


Emill ở quán ba, nơi mà máy ghi hình an ninh đã ghi lại anh ta nhảy nhót, tụ tập gần bàn bi da, và hôn một người bạn trên trán trước khi rời quán. Khi anh ta vào xe của mình, có người xuất hiện và bắn anh ta nhiều phát. Chưa hề có ai bị câu lưu về tội này, và có lẽ sẽ không bao giờ tìm được thủ phạm. Lý do là vì, thị trấn Chester nơi xảy ra vụ việc có tỷ lệ giết người cao nhất, thị trấn này còn có tỷ lệ phá án thấp hơn trung bình. Năm ngoái chưa tới ⅓ của 30 vụ giết người được phá án, một tỷ số thấp hơn con số trung bình trên toàn quốc. Từ 2015, 144 vụ giết người không tìm ra thủ phạm.


Hậu quả đã rất là đau đớn cho gia đình của Emill, nhất là bà mẹ, bà Valerie:


Khi thuật lại những năm trôi qua từ khi Emill bị giết, giọng bà vẫn còn bị ngắt quãng. Bà đã phải bỏ công việc của một chuyên viên y tế ở Springfield Senior Commons để dồn vào chăm lo cho 6 đứa con còn lại và dọn tới một khu dân cư khác an toàn hơn. Chiếc áo in hình lông báo che những hình xâm trên vai bà - một bên vai xâm mẫu tự viết tắt tên của Emill, bên vai kia xâm hình hai bàn tay chắp lại cầu nguyện. Ba bức chân dung của Emill treo trên tường như đang nhìn xuống phòng khách, một căn phòng được dọn dẹp ngăn nắp sạch sẽ mỗi ngày trước khi bà đưa cặp sinh đôi 11 tuổi ra trạm buýt đi học. Khi gần đây cặp sinh đôi này xin phép mẹ đi đến nhà người bà con ở Bennett Homes, bà đã nhắc nhở chúng đừng có ra ngoài. Sau đó, một trong hai đứa sinh đôi đã cho bà biết nó trông thấy có người bị bắn chết ngoài đường bên ngoài nhà của người bà con.


Valerie thở dài “Đây là tôi. Cuộc sống của tôi vậy đó.” Mùa xuân năm nay, kỷ niệm 17 năm Emill bị giết, bà mẹ đã đi ra mộ con đặt một vòng hoa và nói chuyện. Tưởng chừng như mới hôm qua Emill vẫn còn sống và đùa giỡn trong nhà. Cảm giác như bà đang ở trong một giấc mộng, chỉ chờ bị đánh thức một cách đột ngột. Một năm hai lần, vào ngày sinh nhật và ngày chết của Emill, bà gọi cho sở cảnh sát để hỏi về tiến trình cuộc điều tra về cái chết của con bà. Khi bà gọi vào tháng giêng, vào ngày sinh nhật thứ 29 nếu Emill còn sống, bà mới biết là người thám tử điều tra vụ việc của Emill đã về hưu.


Sự việc như vậy xảy ra rất thường xuyên trong các cộng đồng người thiểu số, nơi mà các trường hợp nạn nhân là người thiểu số, ít khi bị truy cứu tới cùng. Khắp nước Mỹ, tỷ lệ phá án trong các vụ dính đến nạn nhân Da Trắng là 78%, so với 67% của trường hợp các nạn nhân là Mỹ gốc Phi Châu hay Nam Mỹ, theo phân tích dữ kiện từ 1980 đến 2008 của Scripps Howard News Service.


Nhưng ở một số thành phố, sự khác biệt càng trầm trọng hơn: ở New York, lấy ví dụ, 86% vụ án với nạn nhân là người Da Trắng đã được phá án, so với tỷ lệ phá án ở mức 45% nếu nạn nhân là người Da Đen, theo phân tích dựa trên dữ kiện của năm 2013 bởi New York Daily News. David Kennedy, giảng viên ngành Tư Pháp Hình Sự của đại học John Jay, nói với tờ Mother Jones rằng trong những cộng đồng người thiểu số, tỷ lệ phá án của những vụ giết người và nổ súng không chết người có thể “thấp một cách tệ hại. Có thể chỉ xuống đến hàng đơn lẻ mà thôi.”


Một giải thích hợp lý, theo tờ Mother Jones, là các cộng đồng người thiểu số thường không có những mối quan hệ tốt với cảnh sát. Điều này khiến cho người ta ngại hợp tác với cảnh sát mỗi khi có án mạng, khiến cho cảnh sát gặp nhiều khó khăn hơn trong việc điều tra phá án. Điều này rất quan trọng: một nghiên cứu đăng trên tạp chí National Institute of Justice cho thấy các vụ án chết người chỉ có nhiều khả năng được phá án nếu cảnh sát nhanh chóng phong tỏa hiện trường, thông báo cho các thám tử điều tra và điểm danh nhân chứng.


Và càng nhiều vụ án không bắt được thủ phạm sẽ dẫn đến nhiều bạo lực hơn, khiến cho nhiệm vụ của cảnh sát khó khăn hơn. “Người ta biết chuyện gì xảy ra mà,” ông Kennedy nói với phóng viên tờ Mother Jones. “Thành ra nếu hệ thống tư pháp hình sự không quan tâm đến vấn đề này, rất có thể người dân sẽ tự lôi bạn bè mình và xách súng ra để giải quyết, các trường hợp này sẽ có chiều hướng gia tăng.”


Translation by Minhly Pham

Copy edits by Cookie Duong

Comments


bottom of page