Translated from Nature's article What Charles Lieber’s conviction means for science
By Andrew Silver, on 18-01-2022, 01:00:00
Sau phiên xét xử nhà hóa học đại học Harvard, các nhà khoa học nhận thấy hiệu ứng gợn sóng trong hỗ trợ tài chính của chính phủ đối với các chương trình nghiên cứu. Qua 2 năm sau khi nhà hóa học đại học Harvard và cũng là người tiên phong công nghệ nano, Charles Lieber, bị tam giam vì cáo buộc gian dối với chính quyền liên bang Hoa Kỳ về các giao dịch tài chính của ông với Trung Quốc. Tháng trước, bồi thẩm đoàn kết tội ông về tội khai man, cũng như các tội liên quan đến thuế. Các nhà nghiên cứu cho rằng vụ án hình sự nổi tiếng của Hoa Kỳ đã và đang có tác động đến cộng đồng khoa học. Đây là lần thứ hai một nhà nghiên cứu hàn lâm bị xét xử với cáo buộc che giấu quan hệ với Trung Quốc kể từ khi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) đưa ra 'Biện pháp mới với Trung Quốc' (China Initiative) gây tranh cãi, nhằm giải quyết tận gốc các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Tobin Smith, phó chủ tịch phụ trách chính sách khoa học và các vấn đề toàn cầu của Hiệp hội các trường đại học Hoa Kỳ, Washington DC, trong đó có Harvard cho hay: “Tôi nghĩ ‘Biện pháp mới với Trung Quốc' được thiết lập để các nhà nghiên cứu hàn lâm hiểu rõ tầm quan trọng của việc khai báo đầy đủ và trung thực nguồn tiền tài trợ cho các cơ quan liên bang khi họ nộp đơn xin nhận giải thưởng. Sự minh bạch là yếu tố then chốt đảm bảo tính trung thực của khoa học.” Lieber, người được Harvard cho nghỉ có lương sau khi bị bắt, là nhà nghiên cứu chính của một nhóm nghiên cứu đã nhận được hơn 15 triệu đô la Mỹ tài trợ liên bang từ các cơ quan bao gồm Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DOD) và Viện Y tế Quốc gia (NIH) giữa năm 2008 và 2019. Trong quá trình xét xử, các công tố viên khẳng định rằng ông đã nói dối hoặc đánh lừa DOD và NIH về việc tham gia vào một chương trình của chính phủ Trung Quốc có tên là Kế hoạch một ngàn nhân tài (Thousand Talents Plan), nhằm thu hút các nhà nghiên cứu từ nước ngoài. Các công tố viên cho biết một phần của hợp đồng Thousand Talents đó là Đại học Công nghệ Vũ Hán đã đồng ý trả cho nhà khoa học mức lương lên tới 50.000 USD mỗi tháng, cộng với chi phí sinh hoạt và quỹ để khởi động một phòng thí nghiệm. Họ cũng khẳng định rằng ông không báo cáo thu nhập từ Đại học Công nghệ Vũ Hán hoặc báo cáo về tài khoản ngân hàng của ông ở Trung Quốc có số dư vượt quá 10.000 đô la trong hai năm cho Sở Thuế vụ. Cuối cùng, bồi thẩm đoàn liên bang đã kết án Lieber với hai tội danh là gian lận thuế, hai tội không khai báo tài khoản ngân hàng và tài chính nước ngoài, và hai tội khai báo gian dối cho chính quyền liên bang. Hướng đến mục tiêu đạt giải Nobel Các nhà nghiên cứu cho biết, không có gì lạ khi việc Lieber bị truy tố đã có tác động đáng kể đến các phòng thí nghiệm và các nhà khoa học khác. Theo các nguồn mà Nature phỏng vấn, nhóm nghiên cứu của Lieber đã giải tán; sinh viên và nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ làm việc trong phòng thí nghiệm của ông vào thời điểm ông bị bắt đã chuyển sang các vị trí khác. Harvard từ chối bình luận về nhóm nghiên cứu Lieber. Anqi Zhang, một cựu sinh viên trong phòng thí nghiệm của Lieber, hiện là nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ khoa học vật liệu tại Đại học Stanford ở California, cho biết Lieber là một người cố vấn tốt và là nhà khoa học tận tụy với công việc của mình. Cô đã làm nhân chứng bào chữa cho ông trong suốt phiên tòa và mong ông không bị kết tội. “Tôi thực sự cảm thấy tiếc khi ông phải đối mặt với việc này,” cô nói. Một số khác thì lại chỉ trích. Tại Đại học Georgetown ở Washington DC, Charles Wessner, một nhà nghiên cứu chính sách đổi mới, cho biết: “Một mặt, ông là một học giả rất thành công, người có thể đóng góp rất lớn. Mặt khác, đó là sự lạm dụng trắng trợn nguồn tài trợ của liên bang và rất có thể thúc đẩy mối đe dọa đối với sự thịnh vượng và an ninh của Hoa Kỳ.” Một luật sư của Lieber cho biết trong một tuyên bố với Nature: “Mặc dù bị kết án song đóng góp Charlie Lieber vẫn nên được công nhận. Ảnh hưởng của ông với tư cách là một nhà khoa học, một nhà nghiên cứu và một giáo viên là không thể phủ nhận. Ông ấy còn rất nhiều thứ để cống hiến”. Một số nhà khoa học cũng đã chỉ ra ảnh hưởng của sự việc này đối với nghiên cứu của Lieber. Được biết đến với việc phát triển các vật liệu nano mang tính cách mạng cho y học và sinh học, phòng thí nghiệm của Lieber đã tạo ra những đổi mới bao gồm dây kích thước nano có thể ghi lại các tín hiệu điện từ các tế bào sống như tế bào thần kinh. Kang-Kuen Ni, một nhà vật lý chưa từng cộng tác với Lieber nhưng làm việc tại khoa hóa học và hóa sinh của Harvard, nơi Lieber trước đây làm trưởng khoa, cho rằng việc dự án nghiên cứu của Lieber bị tạm ngưng là “một sự mất mát lớn, vì ông đang tạo ra một nền khoa học tân tiến.” Sau phiên tòa, có nhiều dư luận nổi lên từ thông tin Lieber đề cập trong cuộc thẩm vấn của FBI, rằng nhiều nhà nghiên cứu muốn đoạt giải Nobel. Đoạn phim thẩm vấn được trình chiếu cho bồi thẩm đoàn cho thấy mong muốn này là một lý do khiến anh ta hình thành mối liên hệ với Trung Quốc. Neal Lane, một nhà nghiên cứu chính sách khoa học và công nghệ tại Đại học Rice ở Houston, Texas, e ngại rằng uy thế từ bất kỳ chương trình tuyển dụng nhân tài nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến việc ra quyết định của một hội đồng Nobel. Nhưng ông nghĩ có lẽ ý của Lieber là việc ông ấy theo đuổi giải thưởng là lý do để nhận tiền và các nguồn lực tiềm năng khác để thúc đẩy nghiên cứu của mình, chẳng hạn như đầu tư thêm cho cơ sở vật chất, thiết bị hoặc nhân viên. Còn tiếp…p.2 (https://www.the-interpreter.org/post/charles-lieber-bi-cao-buoc-dinh-liu-toi-trung-quoc-anh-huong-nhu-the-nao-toi-gioi-khoa-hoc-p-2)
Người dịch: Pham Khanh Linh
Biên tập: Chau Tran & Kim Pham
Comments