top of page

Hoa Kỳ tiến gần đến giải pháp cho khủng hoảng khí hậu hơn bao giờ hết

Updated: Oct 26, 2021


By Rebecca Leber, on 07-10-2021, 09:00:00

Đảng Dân Chủ có thể sẽ khó có một cơ hội giống thế này một lần nữa. Tương lai của khí hậu toàn cầu thì chắc chắn là không.

Hoa Kì, nước thải ra lượng khí carbon lớn nhất trong lịch sử, giờ đây đang tiến gần hơn đến việc đưa ra một quyết định toàn diện và có tác động lâu dài đến cuộc khủng hoảng khí hậu. Tin xấu là nếu đảng Dân Chủ thất bại lần này, họ có thể sẽ chẳng bao giờ có một cơ hội giống thế này nữa và hành tinh của chúng ta chắc chắn là không.

Các nhà lãnh đạo đảng Dân Chủ đang cố gắng thông qua hai chi tiết quan trọng trong dự luật này: dự luật cơ sở hạ tầng trị giá một nghìn tỷ đô được lưỡng đảng ủng hộ và Đạo luật Build Back Better gần 3.5 nghìn tỷ đô. Hai dự luật này được cho có khả năng giảm lượng ô nhiễm đến 45% ở Mỹ trong thập kỷ tới. Theo bản tóm tắt của đạo luật Build Back Better, Quốc hội sẽ sử dụng quyền lực của mình để cải tạo ngành điện lực với mục tiêu chuyển hầu hết sang năng lượng sạch, chuyển ngành giao thông vận tải theo hướng xe điện và cuối cùng là triển khai xử lý vấn nạn ô nhiễm methane, là một trong những loại khí nhà kính độc hại nhất.

Nhưng gần đây đã có nhiều thời điểm mà tưởng chừng các cuộc đàm phán tại Quốc hội đang trên bờ vực đổ vỡ. Một trong những chướng ngại lớn nhất đó là Thượng nghị sĩ tiểu bang West Virginia Joe Manchin, người đặt câu hỏi về cách tiếp cận của đảng mình khi dự tính thông qua cả hai đạo luật cùng một lúc. Trong State of the Union của CNN vào cuối tháng 9, ông băn khoăn rằng: “Chúng ta có nhất thiết phải gấp như thế không?” Một phần do sự phản đối của Manchin mà các nhà lãnh đạo cấp tiến đã bắt đầu kiểm soát những dự tính đầy kỳ vọng này, ra dấu rằng phiên bản cuối cùng của dự luật sẽ ít tham vọng hơn. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders tiểu bang Vermont gợi ý với một con số như 3.5 nghìn tỷ đô, ta sẽ chắc chắn có một số thoả hiệp có qua có lại. Theo báo New York Times, gói viện trợ có khả năng sẽ giảm xuống còn 2.3 nghìn tỷ hoặc ít hơn. “Vậy chúng ta có cần phải gấp không?” Với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang cận kề, đảng Dân chủ chỉ còn đúng một năm trước nguy cơ bị mất thế đa số mong manh của mình ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện. Nếu điều này trở thành hiện thực, phe Dân chủ sẽ chẳng thể thông qua bất kì dự luật nào nếu không có sự hỗ trợ từ phía Cộng Hoà. Cùng lúc đó, không còn nhiều thời gian để hành tinh này xoay xở nhẳm tránh một thảm hoạ gây ra bởi hiện tượng trái đất nóng lên. Mỗi vạch nhỏ tăng lên trong chiếc nhiệt kế đồng nghĩa sẽ có nhiều sinh mạng và sinh kế bị mất đi. Nếu nước Mỹ còn tiếp tục khoanh tay đứng nhìn, hành tinh của chúng ta sẽ không trụ thêm nổi một thập kỷ nữa. Và những bước đi tiếp theo của Quốc hội sẽ giúp quyết định tương lai của khí hậu trái đất. Cơ hội cuối cùng cho đảng viên đảng Dân chủ Theo truyền thống, đảng của Tổng thống sẽ là đảng bị mất ghế Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Đảng Dân chủ có thể sẽ mất quyền kiểm soát vốn đã rất mong manh trong Quốc hội nếu để một ghế Thượng viện hoặc một vài ghế Hạ viện rơi vào tay phe Cộng hoà trong tháng 11 sắp tới. Lena Moffitt, giám đốc điều hành chiến dịch cho tổ chức vận động khí hậu Evergreen Action cho biết: “Đây chính là điểm giữa của biểu đồ Venn- khi mà chúng ta có những nhà lãnh đạo quan tâm tới khoa học, và thời gian thì vẫn còn." Các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội cũng đang trông cậy vào một quy trình điều chỉnh ngân sách vốn diễn ra một năm một lần nhằm đưa Đạo luật Build Back Better được thông qua ở Thượng viện. Qui trình này cho phép họ thông qua ngân sách với thể thức đa số đơn giản, thay vì 60 phiếu cần có ở Thượng viện. Họ sẽ khó có thể thực hiện một động thái tương tự vào năm 2022 do thời gian có hạn và không có động lực chính trị. Đồng thời một số đảng viên đảng Dân chủ vẫn không sẵn sàng loại bỏ quy trình filibuster (cản trở Thượng viện), một cách khác giúp họ thông qua các chính sách cấp tiến. Tóm lại nếu lịch sử lặp lại, đảng Dân chủ sẽ khó có một cơ hội khác dưới thời Tổng thống Biden, thậm chí trong thập kỷ này để thực hiện nghiêm túc các vấn đề khí hậu. Một số đảng viên đảng Cộng hoà đang ám chỉ việc xem xét vấn đề biến đổi khí hậu một cách nghiêm túc hơn, tuy phần lớn bộ phận lãnh đạo của đảng này vẫn tiếp tục xem nhẹ và phủ nhận khí hậu học. Lần tiếp theo chúng ta có một cơ hội mở như thế này thì có khả năng tình trạng biến đổi khí hậu sẽ trở nên tồi tệ hơn và sẽ khó ngăn chặn hơn nhiều. Đây là cơ hội tốt nhất cho khí hậu toàn cầu Các nhà khoa học nghiên cứu khí tượng đã cảnh báo rằng một khi bầu khí quyển ấm lên hơn 1.5 độ C, chúng ta sẽ phải sống trong một thế giới hoàn toàn khác. Nếu các quốc gia, các tập đoàn lớn và mỗi cá nhân không hành động ngay lập tức để giảm thiểu ô nhiễm, thế giới có thể sẽ chạm cột mốc tồi tệ đó chỉ trong vòng 10 năm tới. Nếu thế giới tiếp tục theo quỹ đạo ô nhiễm như hiện nay thì về lâu về dài, trái đất sẽ ấm lên gấp hai lần con số 1.5 độ, kéo theo nguy cơ xảy ra các thảm hoạ mà nhân loại chưa từng phải đối mặt. Cơ hội để vẽ ra một quỹ đạo tích cực đang ngày bị thu hẹp dần.

Như John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Biden đã từng nói: “Và ‘thời cơ đúng đắn nhất còn lại’ của thế giới để cùng nhau bắt tay thực hiện hành động mang tính quyết định chỉ còn chưa đầy một tháng nữa.” Vào đầu tháng 11, chính phủ khắp nơi trên thế giới sẽ cùng tụ hợp ở Glasgow để tham dự hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc, COP26. Theo thoả thuận khí hậu Paris, các quốc gia sẽ cam kết thực hiện các mục tiêu cải thiện ô nhiễm tham vọng hơn và giải quyết vấn đề liên quan đến tài chính cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch trên toàn thế giới. Nước Mỹ gánh trên vai trọng trách lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác đối với tình trạng ấm lên toàn cầu, lượng khí thải ô nhiễm từ Mỹ chiếm 20% lượng khí nhà kính kể từ năm 1850. Hiện nay, nước Mỹ đứng thứ hai vế số lượng khí thải ra chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên quốc gia này cũng có khả năng khuếch đại tầm ảnh hưởng của mình bằng cách trở thành một hình mẫu đi đầu, hoặc chứng tỏ tầm ảnh hưởng của mình lên hệ thống kinh tế toàn cầu, chẳng hạn như điều chỉnh giá nhiên liệu hoá thạch toàn cầu bằng cách dừng các trợ cấp chính phủ. Các chuyên gia khí hậu cho rằng những tiến bộ đạt được tại hội nghị COP26 phụ thuộc vào nước Mỹ miễn là nước này thực hiện phần việc của mình, vì một số lý do mang tính biểu tượng cũng như thực tế. Đây là năm đầu tiên Mỹ chính thức quay trở lại các cuộc đàm phán toàn cầu sau khi cựu Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi hiệp định khí hậu Paris. Hiện tại, Biden phải làm gương bằng cách cho thấy Mỹ có thể chuyển hướng tích cực nhanh chóng, thể hiện sự tiến bộ trong viện cam kết sẽ cắt giảm 50 đến 52% lượng khí thải đến năm 2030. Rachel Cleetus, giám đốc phụ trách chính sách năng lượng sạch tại Liên đoàn các nhà Khoa học Quan ngại cho biết: “Ai cũng mòn mỏi chờ đợi không biết mất bao lâu để một trong những nước thải khí ô nhiễm lớn nhất thế giới trả lại công bằng và bắt đầu hành động." Vẫn không rõ liệu Quốc hội sẽ ban hành luật biến đổi khí hậu tại thời điểm cộng đồng quốc tế tham gia hội nghị ở Glasgow hay không. Nhưng mỗi một bước tiến sẽ gửi “tín hiệu quan trọng và là một chất xúc tác cho các quốc gia khác đẩy mạnh nhiều tham vọng hơn.” Tình trạng ngàn cân treo sợi tóc đối với các chính sách khí hậu. Các đề xuất giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đang ngày một thay đổi trong khi đảng Dân chủ đang giải quyết mâu thuẫn về các chi tiết trong dự luật cơ sở hạ tầng và các phản đối liên quan đến Đạo luật Build Back Better. Dana Johnson, giám đốc chính sách liên bang ở WE ACT for Environmental Justice, nói với Vox rằng: "Áp lực thu hẹp quy mô và phạm vi của chương trình Build Back Better sẽ gây nguy cơ tạo xung đột mâu thuẫn giữa các ưu tiên về môi trường khác nhau. Điều này có thể làm giảm các biện pháp bảo vệ các cộng đồng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu. Johnson hỏi "Chúng ta sẽ ưu tiên không khí sạch hơn hay việc người dân được dùng nguồn nước sạch hơn? Đặt nguồn nước là ưu tiên hàng đầu hay việc giảm thải phí năng lượng ở các hộ dân? Những hộ cận nghèo và công đồng da màu sẽ luôn bị thiệt thòi dù thế nào đi chăng nữa. Tầm ảnh hưởng của cả hai dự luật này phụ thuộc nhiều vào quyết định sẽ giữ và cắt giảm dự luật nào của các thành viên Quốc hội. Các chuyên gia khí hậu nói với Vox: “Giải quyết ngành năng lượng là hướng giải quyết nhanh nhất về dễ nhất để giải quyết vấn đề lượng khí thải ở Mỹ, vì nguồn điện sạch có thể cung cấp đủ nhiên liệu cho mọi thứ từ ô tô nhỏ và xe tải cho đến nhà và văn phòng. Jesse Jenkins, một giáo sư kỹ thuật về môi trường tại Đại học Princeton, cố vấn dự luật cho các nhà lập pháp phát biểu: "183 nhà máy nhiệt điện than còn lại đang hoạt động trên toàn quốc là các tác nhân gây ô nhiễm nặng và có thể được thay thế bằng ”các công nghệ sẵn có, dễ tiếp cận và dễ lắp đặt hiện có trên thị trường ở Mỹ hiện nay." Đạo luật Tái Xây Dựng có khả năng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này cùng với Chính sách Thanh Toán Nguồn điện Sạch (CEPP), chính sách này sẽ thưởng tiền điện nước nếu việc sử dụng nguồn năng lượng sạch được đẩy mạnh 4% qua từng năm và sẽ nhắc nhở nếu việc này không được thực hiện. Trong một cuộc phỏng vấn với Vox vào mùa hè này, Thượng nghị sĩ Tina Smith (D-MN) cho rằng phần này là “sự thay đổi lớn nhất trong chính sách năng lượng kể từ những bước đầu tiên.” Nhưng với tư cách là chủ tịch Uỷ ban Tài nguyên và Năng lượng của Thượng viện, Manchin sẽ là người cuối cùng viết ra các điều khoản của CEPP. Theo công ty tư vấn Rhodium Group, Quốc hội hiện đang xem xét một bản danh sách bao gồm sáu điều khoản về khí hậu thuộc trong chính sách này, những điều khoản tiếp theo trong danh sách bao gồm:

  • Với CEPP và các khoản miễn trừ thuế cho năng lượng sạch, dự luật dành ra 234 tỷ đô cho các dịch vụ tiện ích, trợ cấp cho các nhà sản xuất, người tiêu dùng với thời hạn kéo dài đến thập kỷ tới.

  • 80 tỷ đô dành cho chương trình giảm giá và các khoảng đầu tư vào mảng xe điện và phương tiện công cộng trước thềm 2030, cũng có nghĩa là ta sẽ thấy lượng xe ô tô chạy xăng trên khắp các nẻo đường ở Mỹ giảm đi.

  • Áp dụng tiền phạt đối với các nhà sản xuất xăng dầu có lượng rò rỉ khí methane quá nhiều. Đây là biện pháp trực tiếp mà các nhà lập pháp muốn áp dụng để nhắm vào lượng khí thải từ quá trình sản xuất nhiên liệu hoá thạch.

  • Tài trợ cho biện pháp "phân huỷ carbon tự nhiên" dưới dạng các chương trình nông lâm nghiệp tập trung vào quá trình bảo tồn đất và tái trồng rừng.

Bất kỳ các điều khoản nào kể trên đều có nguy cơ sẽ bị loại bỏ do áp lực từ những Thượng nghị sĩ bảo thủ như Kyrsten Sinema hay Manchin. Manchin là người kiếm được kha khá khoảng lợi nhuận cá nhân từ hoạt động đầu tư riêng của gia đình vào ngành than và đã dựa vào các khoảng quyên góp từ ngành dầu khí cho chiến dịch tranh cử của ông. Manchin cho biết ông muốn Đạo luật Build Back Better nên bao gồm ngành than và khí tự nhiên. Ông đồng thời cũng đề nghị tăng tài trợ cho hoạt động thu trữ carbon, điều mà khiến các nhà ủng hộ môi trường chia rẽ nhưng lại nhận được sự tán thành từ rất nhiều công ty dầu khí. (Huffpost đã đưa tin về một người vận động hành lang cho ExxonMobil đã khoe trong một video được quay lén bởi tổ chức hoạt động khí hậu Greenpeace UK rằng anh ta đã đến văn phòng của Manchine hàng tuần.)

Nếu các khoản đầu tư đề xuất được thông qua, Rhodium Group nhận thấy rằng sáu điều khoản khí hậu qua hướng tiếp cận kép này sẽ loại bỏ đến 1 tỷ tấn khí ô nhiễm carbon. John Larsen, giám đốc của nhóm tư vấn nghiên cứu năng lượng, cho Vox biết: “1 tỷ tấn tương đương với con số 250 triệu xe ô tô được loại bỏ vĩnh viễn - tầm ảnh hưởng tương đương với lượng xe lưu thông trên đường phố Mỹ trong năm 2021.” Ông cho biết thêm quá trình điều chỉnh ngân sách sẽ mang lại phần lớn những lợi ích này. Một cách khác để đánh giá tầm quan trọng của các chính sách khí hậu này đó là xem xét chuyện gì sẽ xảy ra nếu ta không có chúng. Theo mô hình của Rhodium, lượng khí thải trong nước có thể sẽ giữ nguyên thậm chí tăng lên trong thập kỷ tới nếu ta vẫn duy trì các chính sách hiện hành (Điều này được giả định dựa trên góc nhìn bi quan rằng không có luật liên bang được ban hành, không có quy định EPA mới và các tiểu bang không có các biện pháp hành động mới.) Mức ô nhiễm vào năm 2030 vẫn duy trì chỉ thấp hơn 15-25% mức ô nhiễm đỉnh điểm vào năm 2005 ở Mỹ.

Cách đối phó vấn đề biến đổi khí hậu thông thường thông qua các doanh nghiệp sẽ không giúp nước Mỹ tiếp cận mục tiêu của Biden cắt giảm 50% cho đến cuối thập kỷ này. Ta có thể nhận thấy một lỗ hổng lớn giữa lời hứa của Biden cho năm 2030 và hướng đi hiện tại của nước Mỹ trong biểu đồ sau. Mục tiêu của Biden trong thập kỷ này thể hiện bởi một đường thẳng ở góc dưới cùng bên phải, ngay phía trên năm 2030. Khu vực màu xanh lá cây và xanh dương đại diện cho hướng đi của Mỹ nếu không có nhiều sự thay đổi (Các vùng màu phản ánh các trường hợp có thể xảy ra, do những dự đoán này không phải chắc chắn.) Khoảng cách giữa những hành động thực tiễn hiện tại và cam kết của Biden tượng trưng cho 2.3 tỷ tấn ô nhiễm mà đất nước chúng ta bằng cách nào đó phải ngăn chặn. Rất khó để sửa sang cơ sở hạ tầng một khi việc xây dựng đã hoàn thành, chỉ cần nghĩ đến các toà nhà cổ, cầu, hệ thống đường cao tốc và được ống vẫn được vận hành qua nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ. Nếu chính phủ không trì hoãn những dự án cơ sở hạ tầng mới mà ở đó việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch và khí đốt được dùng để cung cấp năng lượng cho các cơ sở hạ tầng, thì ta vẫn còn phải nhờ cậy vào việc sử dụng nguồn năng lượng ô nhiễm này về lâu về dài. Quốc hội có đủ quyền hạn để quyết định tốc độ xoay xở hướng đi hiện tại của đất nước, một hướng đi dẫn đến kết quả nóng lên toàn cầu tệ dần.

Jenkins, giáo sư ở Princeton đã kêu gọi Hạ viện và Thượng viện phải dẫn đầu và đưa ra giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu. Ông nói: “Chính quyền Biden sẽ không thể bù đắp nổi cho tình trạng thiếu hoạt động của Quốc hội.” Nếu Quốc hội không “dốc tâm thúc đẩy quá trình chuyển tiếp, nó sẽ khiến ta khó theo kịp tiến độ.”


Người dịch: Phuong Anh

Biên tập: Bảo Trân & Đông Phong


Commentaires


bottom of page