top of page

Có nên kiểm duyệt thông tin phản khoa học trên mạng xã hội?

By Rachel Schraer, on 18-01-2022, 12:00:00

Biểu tình chống 5G

Giải pháp nào cho vấn nạn tin giả? Hiểu đúng về bản chất khoa học khi đưa ra các quyết định y khoa rất quan trọng vì nó liên quan đến tính mạng của một người. Nhiều người từ chối tiêm vaccine sau khi đọc các thông tin sai lệch trên mạng đã phải nhập viện hoặc thậm chí là tử vong. Và những tuyên bố không đúng sự thật về công nghệ 5G và nguồn gốc của Covid 19 được cho là có liên quan tới bạo loạn và phá hoại của công. Nhưng việc loại bỏ hoàn toàn các thông tin ấy lại có vẻ giống vấn đề kiểm duyệt thông tin, nhất là khi giới khoa học quan niệm rằng cái gọi là "fact-sự thật" có thể sẽ bị bác bỏ khi bằng chứng thay đổi. Hội Hoàng Gia London là định chế khoa học lâu đời nhất còn hoạt động cho đến nay, và họ đang nỗ lực giải quyết những thách thức được đặt ra bởi các phương thức trao đổi thông tin tiên tiến nhất của nhân loại. Trong một bản báo cáo mới đây, hiệp hội này khuyên các công ty mạng xã hội không nên gỡ bỏ những nội dung “hợp pháp nhưng gây hại”. Thay vào đó, tác giả cho rằng các trang mạng xã hội nên điều chỉnh lại thuật toán người dùng để đề phòng chúng lan truyền rộng rãi và cũng để hạn chế nạn kiếm tiền từ tin giả. Nhưng không phải ai cũng đồng tình với quan điểm này, nhất là những nhà khoa học nghiên cứu về sự lan truyền và ảnh hưởng của tin giả đến xã hội trên mạng internet. Trung tâm Phòng Chống Thù Ghét Thời Đại Kỹ Thuật Số (CCDH) vẫn duy trì quan điểm là trong một số trường hợp nhất định, cách tốt nhất là loại bỏ nội dung rõ ràng độc hại và đang được lan truyền rộng rãi. Cơ quan này lấy Plandemic làm ví dụ - một video dậy sóng trên mạng từ đầu mùa dịch, trong đó đưa ra những tuyên bố sai sự thật về những biện pháp phòng dịch có hiệu quả như vaccine hay khẩu trang. Video này cuối cùng đã bị gỡ bỏ. Các công ty mạng xã hội được báo trước về sự xuất hiện của Plandemic 2, và nhanh chóng hạn chế nó trên nhiều nền tảng lớn nên phần 2 không được nhiều lượt xem như phần đầu. Giáo sư Rasumus Kleis Nielsen, trưởng khoa Báo Chí của Viện Reuters, thuộc đại học Oxford: “Đây là một vấn đề chính trị nhạy cảm: làm sao để cân bằng được giữa quyền tự do cá nhân và việc qui định những gì người ta nên nói hay không nên nói”. Giáo sự Nielsen thừa nhận dù chỉ chiếm một phần khá nhỏ trên mạng xã hội, nhưng thông tin phản khoa học có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường. Ông nói thêm: tình trạng mất niềm tin vào các định chế xã hội là một mắt xích quan trọng trong việc hình thành tin giả. “Có thể dân chúng sẽ còn sa lầy vào các thuyết âm mưu hơn khi các định chế ấy nhúng tay vào việc hạn chế thông tin đến người dân.”

Một cuộc biểu tình chống vaccine

'Khó tiếp cận hơn' Nêu lên mối lo ngại này, Hiệp hội Hoàng gia cho biết: "Việc xóa nội dung có thể làm trầm trọng thêm cảm giác không tin tưởng và bị người khác lợi dụng để quảng bá nội dung thông tin sai lệch." Điều này "có thể có hại nhiều hơn lợi khi đưa nội dung chứa thông tin sai lệch ... đến những góc khó xác định hơn trên internet." Tuy nhiên, thực tế là những góc "khó tiếp cận hơn" được cho là một phần của vấn đề. Nó làm giảm nguy cơ một người nào đó chưa mang những quan điểm độc hại, và không có ý tìm kiếm, sẽ tình cờ tiếp xúc với chúng. Một số cuộc biểu tình bạo lực được châm ngòi một phần bởi các âm mưu có nguồn gốc không phải ở những góc khuất của internet, mà là trên Facebook. Và có rất ít bằng chứng rõ ràng cho thấy việc xóa những nội dung đó đẩy mọi người đi sâu hơn vào những niềm tin độc hại. Thay đổi thuật toán Vấn đề về tin phản khoa học không phải một thứ gì đó mới mẻ. Các thông tin sai lệch về HIV vẫn được lan truyền trong năm 2021 Quan điểm sai lệch về mối liên hệ giữa vaccine MMR và chứng tự kỉ xuất phát từ một bài viết học thuật được xuất bản (sau này bị thu hồi), trong khi đó việc nhiều người vô cớ tin vào tác hại của nước nhiễm fluo là do các phương tiện báo chí, các nhóm chiến dịch và truyền miệng. Thứ thay đổi chính là tốc độ mà các thông tin sai lệch này được lan truyền và số lượng lớn những người đọc được chúng. Các tác giả của bản báo cáo gợi ý rằng, thay vì cố gắng xóa những nội dung này đi, chúng ta có thể giải quyết các thông tin sai lệch bằng cách làm cho những thông tin này trở nên khó kiếm và chia sẻ hơn, cũng như khó hiện lên bảng tin của người khác hơn. Giáo sư Gina Neff, một nhà khoa học xã hội tại Viện Internet Oxford giải thích, việc làm này là để "cho mọi người cơ hội nói lên suy nghĩ của họ" - chỉ là không để họ có nhiều khán giả mà thôi. "Họ vẫn có thể đăng các thông tin, nhưng các nền tảng sẽ không nhất thiết làm nó có sức lan truyền." Vấn đề xác thực thông tin Viện Đối thoại Chiến lược (ISD), một tổ chức tư vấn giám sát chủ nghĩa cực đoan, đã chỉ ra rằng một lượng đáng kể thông tin sai lệch là kết quả của việc tự ý sử dụng và sử dụng sai các dữ liệu và nghiên cứu gốc. “Thông tin này đôi khi nguy hiểm hơn thông tin sai hoàn toàn, bởi vì phải mất nhiều thời gian giải thích và phân tích tại sao đây lại là kết quả của việc đọc hiểu sai hay sử dụng sai dữ liệu thì mới có thể kết luận đây là thông tin sai lệch”, người phát ngôn cho biết. Lúc ấy, chúng ta cần đến việc xác thực thông tin - một công cụ mà Hội Hoàng Gia London cũng khuyến khích dùng. Một trong những thông tin sai lệch về vaccine phổ biến nhất trong năm qua - mà BBC đã nhiều lần xác thực - là quan điểm cho rằng việc tiêm ngừa đang làm hại tới nhiều người. Quan điểm này được đưa ra dựa trên những số liệu thực bị đánh giá và phân tích sai. Loại bỏ vài cá nhân khỏi nền tảng mạng xã hội ISD cho biết nghiên cứu đã chỉ ra rằng một nhóm nhỏ các tài khoản lan truyền thông tin sai lệch có "ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc tranh luận công khai trên các phương tiện truyền thông xã hội". “Nhiều tài khoản trong số này bị những người xác thực thông tin khẳng định là đã chia sẻ thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm rất nhiều lần, song vẫn chưa bị gỡ bỏ.” Hiệp hội Hoàng gia đã không điều tra việc xóa tài khoản của "những người có tầm ảnh hưởng" chuyên đi phát tán thông tin sai lệch. Nhưng nhiều chuyên gia xử lí sai lệch thông tin coi nó là một công cụ quan trọng, và nghiên cứu về ISIScánh hữu cho thấy nó có thể rất hữu hiệu. Khi David Icke, một người phát tán rất nhiều thông tin sai lệch về Covid cũng như các thuyết âm mưu bài Do Thái, bị xóa khỏi YouTube, nghiên cứu từ CCDH cho thấy tầm ảnh hưởng của anh ta đã giảm đáng kể. Dù cho các video của anh ta vẫn còn trên nền tảng lưu trữ video khác như BitChute, lượt xem của chúng đã giảm trung bình từ 150.000 trước khi bị YouTube cấm xuống còn 6.711 sau đó. Trên YouTube, 64 video của anh ấy có 9,6 triệu lượt xem. Nghiên cứu từ Đại học Cardiff cho thấy việc xóa Kate Shemirani, một cựu y tá thường xuyên lan truyền thông tin sai lệch về Covid, thực chất chỉ giảm sức tiếp cận của cô trong thời gian ngắn. Một trong những tác giả của bài báo - Giáo sư Martin Innes - giải thích: "Một phần của vấn đề chính là việc cải tiến phương pháp xóa người dùng khỏi nền tảng mạng hiện nay. Việc chỉ gỡ bỏ một phần nội dung hoặc một số lượng nhỏ tài khoản là không đủ". Nghiên cứu từ tội phạm có tổ chức và chống khủng bố cho thấy sự cấp thiết của việc phá bỏ hoàn toàn mạng lưới lan truyền tin sai lạc, ông nói. Nhưng ông ấy tin rằng chúng ta xử lý thông tin sai lệch chưa đủ tinh tế có thể khiến mọi người gặp nguy hiểm.


Người dịch: Nhan Tran, Pham Khanh Linh, & Quynh Nguyen

Biên tập: Ha Do Thanh

Comments


bottom of page