top of page

Có thứ sang chấn mang tên “Khảo sát cử tri”

Sam Wang, mùa Hè 2020


Não bộ con người học hỏi theo nhiều cách khác nhau. Động từ tiếng Pháp thì lặp đi lặp lại mãi mới thạo. Ấy thế mà, chỉ một trải nghiệm ức chế đơn lẻ đã có thể trong khoảnh khắc dạy bài học nhớ đời; ví dụ, người suýt chết trong tai nạn xe hơi có thể mang nỗi sợ đi xe dai dẳng. Bài học như thế khó mà quên lãng, dù gốc rễ của nó không mấy có lý. Còn đối với người phân tích các bảng thăm dò ý kiến chính trị, trong đó có một nhà thần kinh học đam mê dự báo bầu cử là tôi, thì cuộc tranh cử Tổng thống năm 2016 có thể đã tạo nên một sang chấn tương tự, khiến thần trí đảo điên.


Trước tháng 11 năm đó, nhiều phóng viên chính trị, vốn quen với các ứng viên truyền thống, nhận thấy chuyện Donald J. Trump thắng là không tưởng, dù dữ liệu không chỉ theo hướng đó. Các bản lấy ý kiến trên toàn nước Mỹ chỉ ra rằng Hillary Clinton nhiều khả năng thắng với tỷ lệ phiếu chênh lệch 3%; còn trong các mẫu tính toán có cân nhắc phiếu Đại cử tri Đoàn, ưu thế của bà còn nhỏ hơn, khoảng 2% thôi. Về lý mà nói, cuộc đua này nên được đưa tin rằng sẽ một chín một mười. Và đúng là như thế, vào Ngày Bầu cử, Trump thắng với tỉ lệ sát sao nhất trong lịch sử. Nhưng kết quả đó vẫn là một cú sốc.


Tôi nằm trong nhóm người tính toán sai đó. Tôi từng đùa trên Princeton Election Consortium, trang web phân tích số liệu bầu cử của mình, khi đoan chắc kết quả rằng: nếu chuyện ngược lại xảy ra thì tôi ăn bọ cho thiên hạ xem. Tôi cố gắng căn chỉnh lời ăn tiếng nói để trong đời chỉ thua cuộc một lần thôi. Năm 2016, chỉ tiêu thế là đã đạt được. Tôi quá đề cao tính chính xác của mẫu mình làm, dự đoán đến 93% chắc chắn rằng rốt cục bà Clinton sẽ thắng. Những ai sau đó thấy tôi xơi dế trên CNN biết rằng tôi có chơi có chịu.


Đúng ra đã có thể tránh được trải nghiệm hổ thẹn đó, nếu tôi không chuyển sai số trong khảo sát thành khả năng thắng cử. Khi viết dự đoán, lẽ ra tôi nên nhấn mạnh rằng khác biệt 2% tại mục ý kiến công chúng giữa các bảng khảo sát và kết quả thực cũng đủ cho Trump thắng cử. Phải phân biệt rạch ròi như vậy vì các phóng viên và bạn đọc có xu hướng làm tròn. Ví dụ, bạn nói Joe Biden có 70% khả năng thắng cử vào tháng 11 này, người đọc có thể hiểu rằng ông có 100% khả năng thắng cử. Nói cho công bằng, mẫu của Nate Silver năm 2016 đã đúng khi không khẳng định chắc chắn, đưa ra tỉ lệ thắng cho bà Clinton là 71% còn 29% thuộc về Trump, nhưng vào lúc đó Silver bị chỉ trích vì đã “sai lầm.”


Để tôi lấy ví dụ khác: nếu có ai rủ bạn chơi Cò quay Nga, và súng đầy một phần ba băng đạn - tức là có 33% thảm cảnh xảy ra, thì đừng có chơi. Hoặc như COVID-19 này: chẳng có phóng viên nào có hiểu biết khoa học lại viết rằng dịch đang giảm dựa trên con số từ một mô hình toán học. Khi nguy cơ cao như thế, người ta sẽ miêu tả hướng biến đổi của đại dịch dựa trên các đo đạc cụ thể, ví dụ như hướng tăng giảm của số ca tử vong hằng ngày. Những con số kiểm chứng được sẽ cho người đọc biết tình hình xấu tốt ra sao mà không cần dự đoán tương lai.


Sau thất vọng năm 2016, nhiều phóng viên mảng chính trị có thể trở nên e dè dữ liệu khảo sát. Họ lo lắng rằng, quá chú ý vào các bản lấy ý kiến sẽ dẫn công chúng đi chệch hướng. Nhưng các nghiên cứu tâm lý cho thấy, một ký ức nhiễu loạn do sang chấn tạo ra có thể dồn sự chú ý vào sự kiện châm ngòi không đúng. Nếu chúng ta sợ khảo sát, tôi e rằng bài học rút ra đã sai. Những bản khảo sát kỳ bầu cử Tổng thống trước không phải không chính xác - về mặt sai số mà nói, thì đâu có lệch bao nhiêu. Vấn đề nằm ở chỗ não bộ của chúng ta đã biến một trải nghiệm cảm tính có liên quan đến khảo sát thành sang chấn dai dẳng.


Bầu cử vốn khó đoán và có thể siêu cảm tính.

Trong Thời Hoàng kim (Gilded Age), Mỹ đã chứng kiến nhiều thay đổi cực lớn - nào là tiến bộ công nghệ và đường sắt ra đời, bước chuyển từ xã hội nông nghiệp qua công nghiệp, và chia rẽ xã hội sâu sắc vì vấn đề quyền lợi của người Da Đen vốn bị nô lệ hóa. Thời đó người ta tin là thế giới sắp diệt vong. Hiện giờ xã hội Mỹ cũng cảm thấy như thế, khi các vấn đề sắc tộc và nhập cư lớn dần lên; nền kinh tế một lần nữa được công nghệ tái cấu trúc; và biến đổi khí hậu, vũ khí hạt nhân, cùng đại dịch coronavirus khiến ngày tàn dường như trước mắt. Thời Hoàng kim khi xưa cũng nổi bật các xung đột chính trị không khoan nhượng. Và, nếu thời hiện đại có Geogre W. Bush cùng Trump, thời xưa cũng có hai người thua phiếu phổ thông nhưng thắng nhờ phiếu Đại cử tri Đoàn rồi trở thành Tổng thống: Rutherford B. Hayes và Benjamin Harrison.


Trong những tình thế sít sao đó, về bản chất thì bầu cử đã khó mà dự đoán. Đã vậy, chính trị lại có thể đầy cảm tính. Dữ liệu gần đây cho thấy có vẻ như có liên hệ giữa cảm xúc chính trị mạnh mẽ và tính vững vàng trong ý kiến công chúng. Ví dụ, từ lúc Trump đắc cử, mức ủng hộ (và chống đối) của công chúng dành cho vị tổng thống này vẫn bình chân như vại, từ lúc công ty Gallup bắt đầu theo dõi các thông số này vào thập niên 1940. Theo con số trung bình trên trang FiveThirtyEight được kết hợp từ dữ liệu của nhiều nhà lấy khảo sát khác nhau, tỉ lệ ủng hộ Trump đã luôn ở trong khoảng 37 đến 43% gần như suốt nhiệm kỳ. Trump là hình mẫu ổn định chuẩn mực - luôn chót bảng được yêu thích khi còn tại vị trong lịch sử khảo sát.


Số liệu ủng hộ Trump vẫn nằm trong khoảng hẹp đó cả khi coronavirus lan ra toàn nước Mỹ. Hãy thử so sánh cách Trump điều hành với mức số liệu của các Thống đốc tại Mỹ và nguyên thủ trên toàn thế giới, ta sẽ thấy nhiều người trong số đó có mức ủng hộ tăng vọt lúc đại dịch bùng lên. Cũng hãy nhớ lại đợt khủng hoảng con tin ở Iran (1979-1981), tỉ lệ ủng hộ Jimmy Carter tăng vọt khoảng thời gian đầu, hay như Bush sau sự kiện 11/9, tỉ lệ ủng hộ tăng từ 50 lên 90%, con số cao nhất một Tổng thống Mỹ từng có. Hãy so sánh bước nhảy vọt 35 điểm của Bush với “điểm đàn hồi thời coronavirus” của Trump, tăng được 2% trong vài tuần rồi cứ thế giảm dần. Chúng ta có thể diễn giải chuyện này theo hướng cử tri ù lì đi: người ta hoặc xem Trump là hiểm họa cộng đồng hoặc nghĩ ông đã thực sự khiến nước Mỹ mạnh trở lại. Trong những tình huống cực kỳ cảm tính như vậy, không ai dành thời gian suy ngẫm hoặc từ tốn đánh giá bằng chứng. Thay vào đó, chúng ta cậy dựa vào các nguồn sẵn có nhất: niềm tin và định kiến từ xa xưa. Hầu như chẳng có gì khiến chúng ta đổi ý.


Sự bền vững đó đã giữ cho thuyền Trump không lật để còn có thể tranh cử thêm một nhiệm kỳ. Từ đợt tranh cử này sang đợt tranh cử khác, các Tổng thống tại vị đã đều thắng với tỉ lệ sát sao gần giống chỉ số người ủng hộ. Dựa theo phân bố phiếu theo vùng năm 2016, Trump chỉ cần khoảng 48% phiếu bầu hai-đảng (tổng cộng phiếu của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ) để có khả năng thắng ở phiếu Đại cử tri đoàn. Nếu xét chỉ số ủng hộ tối đa đã có (nhờ vào lực lượng ủng hộ nhiệt huyết), Trump chỉ còn cách con số đó một vài điểm.


Dĩ nhiên, khi mùa bầu cử đến, thứ tốt hơn tỉ lệ ủng hộ tổng thống chính là khảo sát trực tiếp cuộc đua Biden-Trump. Khi phân tích các bản lấy ý kiến trong năm diễn ra bầu cử suốt 60 năm qua, tôi nhận ra mức dao động, hay còn gọi là tính biến thiên, trong tỉ lệ ủng hộ các ứng viên diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11 ngày xưa mạnh hơn bây giờ nhiều. Không lâu sau khi Newt Gingrich nắm quyền Quốc hội năm 1994 và Fox News thành lập năm 1996, ý kiến trở nên cố định hơn - có dao động cao lắm cũng chỉ bằng phân nửa thời trước. Tại thời điểm này, nhiều người ủng hộ lẫn chống đối Trump đều tin rằng ông ta vững ghế đắc cử, có thể vì cử tri luôn cứng nhắc về quan điểm của mình.


Phóng viên mảng chính trị không cần phải quýnh quáng; các bảng khảo sát trong những năm gần đây hầu hết đều chính xác.

Niềm tin đó sai lầm. Có thể vượt qua bằng cách tập trung vào các bản khảo sát ở từng bang, bên cạnh khảo sát toàn quốc. Nếu khôn ngoan, các phóng viên viết về cuộc bầu cử 2020 nên nhắc độc giả nhớ rằng số liệu ở mỗi bang thường không cách xa kết quả cuối cùng. Nếu muốn tìm hiểu sâu xa hơn, có thể tìm ở Hội đồng Quốc gia Lưu trữ Khảo sát Cộng đồng (nhưng đừng đi vào các vấn đề chuyên môn quá chi li như chuyện lấy mẫu. Tốt nhất không nên chất vấn phương pháp của một bên làm khảo sát nào - có nguy cơ dẫn đến biện dẫn cá nhân, theo góc nhìn của khoa học nhận thức tức là bạn đang tìm kiếm một câu trả lời nào đó hạp với định kiến của mình.) Cũng có thể xem qua nhiều bảng khảo sát khác nhau để đảm bảo kết luận.


Đưa tin về cuộc bầu cử ở các bang và đơn vị hành chính thấp hơn không chỉ giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ khảo sát. Nó còn nuôi dưỡng sự quan tâm vào một chủ đề mà người đọc tin tức có thể chung tay thay đổi: bầu cử cấp thấp, vốn thường bị ngó lơ. Ngoài nạn “lập lờ đánh lận con đen” và chuyện chấn chỉnh hệ thống bầu cử, tôi tập trung hơn cho việc theo dõi các cuộc đua chính trị giằng co, để giúp độc giả nhận thấy rằng đây là nơi nỗ lực của họ có thể tạo ra chuyển biến lớn nhất, vì các hoạt động nâng cao ý thức có thể chuyển dòng các cuộc bầu cử một chín một mười.


Năm 2018 và 2019, các bảng khảo sát làm khá tốt việc nhận ra các chiến dịch so kè. Ví dụ, năm 2018, trong những khảo sát toàn quốc, các ứng viên Quốc hội thuộc Đảng Dân chủ dẫn trước Đảng Cộng hòa trung bình 8.5 điểm. Ngoài thực tế, Đảng Dân chủ giành lại ghế trong Quốc hội với khoảng cách 8.6 điểm. Năm 2019, ở bang Lousiana và Kentucky, khảo sát cho thấy các ứng viên hàng đầu cho vị trí Thống đốc chỉ cách nhau vài điểm. Đảng Dân chủ thắng ở cả hai nơi, đều hơn không quá ba điểm; và cũng chính ở nơi đây, chiến dịch tranh cử và công tác cổ vũ người dân đi bầu đóng vai trò chính yếu.


Phóng viên mảng chính trị không cần phải quýnh quáng; các bảng khảo sát trong những năm gần đây hầu hết đều chính xác. Bằng cách tiếp tục trình bày dữ liệu, các phóng viên có thể trở lại với sang chấn năm 2016 và hé lộ những sự thật quan trọng về hệ thống bầu cử Mỹ. Đương nhiên, dự đoán có thể sai; nhưng cốt yếu là nên giữ cách đưa tin đơn giản, đặt số liệu vào ngữ cảnh, và không phóng bút quá tay. Biết rằng không phải chuyện ngày một ngày hai, nhưng chúng ta có thể học cách bỏ đi nỗi sợ.


Người dịch: K. Tran

Biên tập: Diễm

留言


bottom of page