top of page

Covid-19: Liều vaccine tăng cường và Công bằng phân phối vaccine

Translated from The Lancet Infectious Diseases's article COVID-19 vaccine equity and booster doses


“Không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn” đã trở thành câu thần chú của đại dịch COVID-19, với lý do chính đáng.

By The Lancet Infectious Diseases, on 12-08-2021, 01:00:00

Cuộc tranh cãi về Công bằng COVID-19 vaccine vẫn luôn tiếp diễn, và chúng tôi đã đề cập đến việc này trước đây. Tuy nhiên, với những sự kiện diễn ra gần đây: 1. ngày 9 tháng 8, các nước có thu nhập thấp chỉ nhận được 12,6 triệu liều vaccine trong tổng số 4,46 tỷ liều phân phối trên toàn cầu. 2. 3,65 tỷ liều vaccine được phân phối cho các nước có thu nhập cao - HICs và nước có thu nhập trung bình. 3. giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus cầu xin các nước có thu nhập cao hoãn lại việc triển khai liều tăng cường thứ ba. Chúng tôi một lần nữa buộc phải lên tiếng cho nhu cầu về sự bình đẳng trong tiếp cận vaccine trên thế giới. “Không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn” đã trở thành câu thần chú của đại dịch COVID-19, với lý do chính đáng. Nếu chúng ta không khống chế sự lây lan, có nghĩa là tạo cơ hội cho virus nhân lên, hình thành nên các biến thể mới, dễ lây truyền hơn có thể thoát khỏi khả năng miễn dịch tự nhiên hoặc do vaccine gây ra. Về mặt xã hội: một bước đi sai lầm sẽ giúp virus tiếp tục tồn tại và xé toang các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp (LMIC), nơi mọi người có xu hướng sống gần nhau; khó áp dụng các biện pháp phòng chống lây nhiễm vì phần lớn cư dân sống lây lất qua ngày (Ấn Độ là một trường hợp điển hình). Liệu các nước thu nhập cao (HICs) có thể thắng trong cuộc đua chế tạo vaccine chống lại sư xuất hiện nhanh chóng của các biến thể khác từ các nước LMIC chăng? Về mặt kinh tế: nếu chuỗi cung ứng hàng hóa cho các HIC dựa vào nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian từ LMIC và nếu LMIC không thể cung cấp những nguyên liệu này vì dân số của họ đang chết mòn vì COVID-19 hoặc bị ngăn cản hoạt động do phong toả, thì HICs nghĩ rằng họ có thể duy trì nền kinh tế của chính họ hoạt động trong bao lâu? Tập đoàn RAND ước tính rằng HICs sẽ thu về $4.8 cho mỗi $1 chi tiêu để cung cấp vaccine cho LMIC và Global Dashboard for Vaccine Equity (Bảng điều khiển toàn cầu về công bằng vaccine) cho thấy rằng nếu việc phân phối vaccine đồng đều, thì HICs vẫn có thể đạt được nhiều lợi ích nhất. Ngoài ra, trong khi HICs tích trữ vaccine quý giá của họ, Trung Quốc và Nga, hai thực thể chính trị đầy tham vọng, quá đỗi vui mừng khi “ban phát” vaccines và tăng cường ảnh hưởng của họ ở châu Phi, Nam Mỹ, Đông Nam Á, Trung Đông và Đông Âu. Chính sách liều tăng cường thứ ba được thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi về biến thể B.1.617.2 (delta) nhưng cường độ của nỗi sợ hãi này là không có cơ sở, vì hiện nay có bằng chứng cho thấy vaccine được cấp phép tại HICs đủ hiệu quả để chống lại nó. Ngược lại, không có bằng chứng chắc chắn nếu và khi nào, liều thứ ba là cần thiết, và các thử nghiệm để đánh giá điều này đang được tiến hành. Có một số bằng chứng về hiệu giá kháng thể suy yếu, nhưng không có nghĩa là miễn dịch tế bào suy yếu. Mặc dù thế giới đã phải đối mặt với tình trạng do dự vaccine ở khắp nơi, nhưng mức độ bao phủ vaccine ở HICs và tỷ lệ người mới đi tiêm phòng hiện nay phải đủ để cho phép các liều dư thừa được chuyển cho những nước chưa có thông qua sáng kiến ​​COVAX. Thật mỉa mai, sự chấp nhận vaccine COVID-19 ở nước LMIC có thể cao hơn nhiều ở các nước HIC. Cũng cần phải lưu ý về những hành vi làm tăng nguy cơ nhiễm. Không thể khuyến khích việc nới lỏng các biện pháp giãn cách cơ bản như đeo khẩu trang ở nơi công cộng hoặc trong không gian hẹp ngay cả đối với những người đã được tiêm chủng vì điều này có thể góp phần làm lây nhiễm tăng đột biến. Một vấn đề quan trọng để cung cấp vaccine cho LMICs là khâu trữ lạnh. Đây là trường hợp ở Châu Phi, nơi nhiều cộng đồng sống mà không có nguồn điện liên tục, và những chiếc tủ đông có giá lên đến $20.000 là không thể mua được. Trong khi chuẩn bị các cơ sở hạ tầng tương thích, các quốc gia có thể tập trung vào việc tài trợ và sử dụng vaccine dạng vector dễ bảo quản hơn vaccine mRNA và đủ an toàn và hiệu quả, đặc biệt là ở những người lớn tuổi. Bằng chứng sơ bộ từ cuộc thử nghiệm Com-COV trial cho thấy tiêm chủng với các loại vaccine khác nhau cũng an toàn và tạo ra các phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Đây là một lựa chọn khả thi cho các quốc gia không thể có được nguồn vaccine ổn định. Đã có những lời kêu gọi từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ (trong thời điểm bi thảm nhất) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất vaccine tại chỗ, nhằm vào các LMIC có năng lực quản lý đủ mạnh để đảm bảo chất lượng sản xuất, như lập luận của Center for Global Development -Trung tâm Phát triển Toàn cầu. Các nhà tài trợ và tập đoàn vaccine có thể suy nghĩ hướng giải quyết vấn đề này trong ngắn hạn và dài hạn. Cuối cùng, những người dễ bị tổn thương tại HICs đã được ưu tiên. Còn những người dễ bị tổn thương tại LMICs không thể đợi đến năm 2023 mới đến lượt mình, và việc chờ đợi này không có lợi cho ai cả.

Người dịch: Chau Tran

Biên tập:Chau Tran


Comments


bottom of page