top of page

COVID có thể tấn công vào mắt và tai, gây rối loạn chức năng lâu dài.

Updated: May 3, 2022

Translated from Scientific American's article COVID Can Cause Strange Eye and Ear Symptoms

By Emily Sohn, on 16-11-2021, 12:00:00

Nhiễm coronavirus có thể ảnh hưởng đến chức năng của các giác quan khác nhau, từ viêm kết mạc đến rối loạn tiền đình. Mặc dù mất khứu giác và vị giác đã trở thành các triệu chứng phổ biến của COVID, nghiên cứu đánh giá tổng hợp cho thấy thị giác và thính giác cũng là mục tiêu mà SARS-COV-2 thường tấn công gây bệnh như đỏ mắt, ù tai, nhạy cảm với ánh sáng, khó nghe. Theo dữ liệu mới nhất, hơn 10% người mắc COVID có triệu chứng ở mắt hoặc tai. Cả hai loại rối loạn này thường gây khó chịu kéo dài. Khi các nhà nghiên cứu hiểu về cách thức virus thâm nhập vào các giác quan, họ đề nghị cần mở rộng phổ dấu hiệu cảnh báo khi nào một người cần đi xét nghiệm. Thay vì chỉ bị sốt, ho hoặc thay đổi mùi vị, các dấu hiệu đầu tiên có thể bao gồm kích ứng mắt, có vấn đề về thính giác hoặc thăng bằng. Sau hai năm đại dịch, nghiên cứu về hậu quả của COVID trên mắt và tai gợi ý các nhà khoa học tìm hiểu thêm về cách virus tác động lên cơ thể và hệ thần kinh của chúng ta. Lee Gehrke, một nhà sinh học phân tử ở Viện Công nghệ Massachusetts cho biết “Dữ liệu nghiên cứu cho thấy virus ảnh hưởng lên hệ thần kinh nhiều hơn là chúng ta nghĩ trong thời điểm ban đầu của đại dịch”. MẮT CŨNG CÓ VIRUS Một trong những người đầu tiên nỗ lực cảnh báo thế giới về COVID là Li Wenliang, một bác sĩ nhãn khoa người Trung Quốc ở Vũ Hán. Có vẻ ông bị nhiễm virus từ một bệnh nhân bị tăng nhãn áp- glaucoma không có triệu chứng, theo Bhupendra Patel, Trung tâm mắt John A. Moran của Đại học Utah - đồng tác giả của một tổng quan nghiên cứu năm 2021 về các triệu chứng COVID ở mắt. Li qua đời vì nhiễm bệnh đầu năm 2020, nhưng trường hợp của ông không phải là manh mối duy nhất về việc mắt cũng có thể truyền virus. Từ đầu đại dịch, các báo cáo về chứng “đỏ mắt” rất phổ biến. Điều đó không hề bất ngờ đối với các nhà khoa học. Trong suốt đợt dịch SARS 2003, các nhà nghiên cứu Singapore phát hiện virus gây bệnh ở nước mắt của bệnh nhân. Và ở Toronto, nguy cơ lây nhiễm tăng cao ở các nhân viên y tế không mang bảo hộ mắt. Nhưng vì COVID gây ra các vấn đề hô hấp và các triệu chứng nghiêm trọng khác, và vì đa số phòng khám nhãn khoa đóng cửa trong đợt phong tỏa, người ta đã bỏ qua các chứng bệnh về mắt, Patel nói. Các dữ liệu được tích lũy trong suốt một năm rưỡi đại dịch đã tổng kết khoảng 11% người mắc COVID có các vấn đề về mắt, khi xem xét lại hàng loạt các nghiên cứu. Triệu chứng phổ biến nhất là viêm kết mạc, hoặc viêm bờ mi. Tình trạng này ảnh hưởng gần 89% người có triệu chứng ở mắt, các nhà nghiên cứu ở Iran thống kê trong một báo cáo tổng hợp gồm 8,219 bệnh nhân COVID khắp 38 nghiên cứu. Các triệu chứng khác ở mắt có thể bao gồm khô mắt, đỏ mắt, ngứa mắt, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng và cảm giác có dị vật ở mắt. Bệnh nhân thở máy thường tiến triển một loại kích ứng mắt, gọi là phù kết mạc - một khối sưng, căng phồng ở lớp màng mắt và mi mắt, Patel nói. Ông nghi ngờ có đến ⅓ người mắc COVID có triệu chứng về mắt - dù chỉ là đỏ mắt không gây khó chịu. Và một số vấn đề về mắt không thể nhìn thấy được. Patel và cộng sự đang tiến hành một nghiên cứu, dẫu chưa được gửi để xuất bản, nhưng ông cho rằng sẽ là báo cáo đầu tiên về việc virus có thể gây viêm ở mô sau nhãn cầu. Shahzad Mian, một bác sĩ nhãn khoa của Đại học Michigan bổ sung: các triệu chứng ở mắt có thể xuất hiện sớm hoặc trễ trong tiến triển bệnh. Ông và các cộng sự báo cáo các dấu hiệu và triệu chứng ở mắt ở gần 10% trong số 400 bệnh nhân nội trú ở Michigan vào tháng Ba và tháng Tư 2020. Một người bị mắc COVID có thể phát tán virus qua nước mắt, dù cho đã khỏi bệnh từ lâu. Một bệnh nhân mắc COVID sớm là một phụ nữ 65 tuổi từ Vũ Hán đến Ý vào tháng 01- 2020 và mau chóng nhập viện với triệu chứng ho, đau họng, viêm kết mạc hai bên. Mặc dù mắt của bà khá hơn sau 20 ngày nhập viện, các nhà nghiên cứu phát hiện RNA của virus trên mẫu phết mắt vào ngày thứ 27 của bệnh. Ở vùng Lombardy của Ý, các nhà nghiên cứu tìm thấy SARS-CoV-2 trên bề mặt mắt ở 52 trên 91 bệnh nhân Covid nhập viện vào mùa xuân 2020, cho dù đôi khi mẫu phết mũi của họ ra âm tính. Virus cũng có thể xâm nhập cơ thể qua đường mắt, các nghiên cứu gợi ý - hoặc do dụi mắt và truyền trực tiếp qua nước mắt hoặc từ dịch hô hấp vô tình rơi trên mắt. Trong một nghiên cứu năm 2020, người ta nhỏ các giọt chứa SARS-CoV-2 vào mắt của khỉ rhesus macaques, và sau đó thấy các con khỉ này bị mắc bệnh. Nghiên cứu trên khỉ không thể dùng để đánh giá điều tương tự có thể xảy ra trên con người hay không, nhưng virus dường như có thể nhân bản trong mô mắt và sau đó tìm đường vào hốc mũi. Mian nói thêm: mắt “có thể là một cửa ngõ cho mầm bệnh COVID xâm nhập chứ không chỉ là triệu chứng theo sau." Đến 6% người có triệu chứng ở mắt trước khi có các dấu hiệu khác của COVID, theo Mian. Đỏ mắt hoặc kích ứng mắt có thể là dấu hiệu người đó đang mang bệnh, đặc biệt là khi có yếu tố phơi nhiễm hoặc kèm các triệu chứng khác. Ông khuyên “cho dù bạn là ai, một phụ huynh, hoặc một bệnh nhân hoặc một thành viên của cộng đồng, bạn nên ý thức rằng nếu bạn bị viêm kết mạc trong lúc này, bạn nên đi xét nghiệm COVID để loại trừ rủi ro". BÊN TRONG TAI Zahra Jafari - chuyên gia thính học và khoa học nhận thức của Đại học Lethbridge ở Alberta: các thay đổi về thính giác và thăng bằng cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm SARS-CoV-2. Trong một phân tích tổng hợp năm 2021, bà và các cộng sự phát hiện sự chóng mặt hay rối loạn tiền đình ở 12% bệnh nhân COVID, ù tai ở 4.5% và mất thính giác ở 3% bệnh nhân. Một giả thiết về cách SARS-CoV-2 có thể ảnh hưởng lên tai là virus gây ra viêm và ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thống thính giác. Virus cũng có thể xâm nhập vào mô giữa máu và tai trong. Việc xác định cơ chế nhiễm rất khó khăn bởi vì tai trong vốn đã nổi tiếng khó nghiên cứu vì được bao bọc trong xương và nằm sâu trong đầu. Chúng ta cũng không có động vật mẫu để nghiên cứu. Chuột là loài vật thường dùng để thí nghiệm cũng không phải là vật chủ tự nhiên của virus RNA nên không phù hợp. Để nghiên cứu những gì xảy ra bên trong tai người có COVID, Gehrke thành lập đội nghiên cứu sinh ở nhiều phòng lab khác nhau để nuôi cấy mô tai người từ tế bào gốc. Với những mô đó, nhóm sẽ có thể chứng minh hai loại tế bào tai trong có gene mã hóa protein - gồm thụ thể ACE-2 - cho phép SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào. Các tế bào lông trong tai, quan trọng cho cả nghe và giữ thăng bằng, cũng có thể bị nhiễm virus, theo báo cáo trên tạp chí Nature vào tháng Mười. Đội nghiên cứu có thể xác nhận rằng nhiễm virus ở tai trong là khả thi thông qua nghiên cứu trên mô người được cắt ra trong các phẫu thuật điều trị các rối loạn khác. Kết quả “chứng minh thuyết phục bệnh nhân SARS-CoV2 bị mất thính giác có liên quan đến nhiễm virus do lây nhiễm ở tế bào lông,” Gehrke cho biết. Thông thường, triệu chứng ở cả mắt và tai tự thuyên giảm, các chuyên gia nói. Nhưng nghiên cứu cho rằng, ở cả hai trường hợp, các triệu chứng do COVID gây ra có thể kéo dài. Patel biết đến hai ca bệnh nhân COVID bị mất cảm giác giác mạc, khiến giác mạc bị phân hủy, thậm chí chỉ với chấn thương nhỏ. Sự phân hủy có thể dẫn đến nhiễm khuẩn, phá hủy giác mạc và cuối cùng mù lòa. Jafari cho biết có nhiều ca bệnh ghi nhận về các triệu chứng ở tai tồn tại rất lâu sau khi bệnh nhân hồi phục. Mặc dù tổn hại lên thị giác và thính giác vẫn ít phổ biến hơn mất mùi vị (chiếm > 40% người nhiễm COVID), các nghiên cứu trên mắt và tai giúp ta hiểu thêm về cách thức hoạt động của virus bên trong cơ thể người, điều vẫn còn nhiều bí ẩn. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối đan xen giữa các cơ quan thụ cảm. Các hốc mũi có đáy tựa vào vòi Eustach và nhãn cầu. “Dây thần kinh giúp bạn nếm vị, dây thần kinh giúp bạn ngửi mùi, và dây thần kinh giúp giác mạc có cảm giác đều là một phần của hệ thống thần kinh trung ương, nơi mà não kết nối với các cơ quan khác nhau,” Patel nói. Thị giác, khứu giác và vị giác - “tất cả đều được liên kết với nhau.”


Người dịch: Nguyen Quynh & Kim Pham

Biên tập: Chau Tran

Comments

Couldn’t Load Comments
It looks like there was a technical problem. Try reconnecting or refreshing the page.
bottom of page