top of page

Covid vaccine nội địa của Việt Nam nỗ lực tung ra thị trường trong thời gian sớm nhất

Updated: Nov 9, 2021

By TOMOYA ONISHI, on 22-09-2021, 04:00:00

Nhân viên y tế tiêm vaccine nội địa cho một tình nguyện viên trong một đợt thử nghiệm vào tháng Hai năm nay. Hà Nội - Khi COVID-19 tàn phá Việt Nam và các loại vaccine ngoại nhập vẫn còn thiếu hụt, chính phủ nỗ lực đẩy nhanh phát triển vaccine nội địa. Nhưng sự ra mắt vaccine Việt Nam đầu tiên có thể bị dời lại sang tháng sau, khi các quan chức Y Tế chú trọng để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của vaccine. Dự định ra mắt vào tháng Chín của Nanocovax, dự án vaccine COVID-19 hàng đầu Việt Nam, đã trở nên không chắc chắn sau khi Hội đồng Đạo đức cấp Quốc gia Việt Nam trong Nghiên cứu Y sinh tuyên bố hôm Chủ nhật. Hội đồng sẽ gửi tài liệu vaccine đến Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng kí lưu hành thuốc & nguyên liệu làm thuốc để phê duyệt. Vào tháng Tám, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra việc tiêm chủng bằng vaccine này có thể bắt đầu vào tháng Chín, yêu cầu Bộ Y Tế và cơ quan các cấp bảo đảm nhanh chóng cấp phép khẩn cấp cho vaccine. Hội đồng y đức yêu cầu Nanogen bổ sung báo cáo, tiếp tục thử nghiệm vaccine với mục tiêu hoàn thành trước tháng Ba 2022, và cập nhật kịp thời cho cơ quan y tế. “Cần thiết tiếp tục đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine Nanocovax,” báo chí nhà nước đưa tin. Nanocovax được sản xuất bởi Công ty Công nghệ sinh học Dược Nanogen. Đó là dự án hợp tác với Học viện Quân Y - một viện nghiên cứu của Bộ Quốc phòng - và gần hoàn thành thử nghiệm Giai đoạn 3 gồm 13000 người. Nanogen bắt đầu thử nghiệm Giai đoạn 1 vào tháng Mười hai 2020, và thử nghiệm đó đã cho thấy tính hiệu quả và an toàn theo tiêu chuẩn. Nanogen tuyên bố họ có khả năng sản xuất khoảng 100 triệu liều mỗi năm ở các cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Việt Nam còn một chặng đường dài để tiêm chủng đầy đủ cho phần lớn dân số khi phải đối mặt với thiếu hụt vaccine toàn cầu. Tình trạng này đã buộc Hà Nội phải đẩy nhanh kế hoạch phát triển và sản xuất vaccine, sẵn sàng có sớm nhất có thể. Nỗ lực của Việt Nam trong việc kiểm soát gia tăng số ca mới chủ yếu được cho là do biến chủng delta, một dòng có tính lây nhiễm cao được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ. Người được tiêm chủng đầy đủ trong nước chiếm 6.3%, đứng sau các nước láng giềng ở Đông Nam Á, gồm Indonesia và Phillipines, có tỉ lệ đủ 2 mũi vaccine lần lượt là 15.83% và 16.19% ngày 16 tháng Chín, theo Our World in Data. Khoảng 27% dân số Việt Nam đã được tiêm ít nhất một mũi. Đại dịch bùng phát nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh với dân số 9 triệu dân, tăng tỉ lệ tử vong trong đợt bùng phát hiện nay lên đến 3.9%, theo báo cáo tình trạng COVID-19 của Việt Nam cho Tổ chức Y tế Thế giới hôm 12 tháng Chín. Tỉ lệ tử vong toàn quốc là 2.5%, cao hơn 0.4% so với trung bình thế giới. Số ca tử vong ở Thành phố Hồ Chí Minh từ cuối tháng Tư, khi làn sóng lây nhiễm mới bùng lên ở Việt Nam, là 13.149 ca hôm Chủ Nhật, chiếm 77% tổng số 17.090 ca tử vong cả nước. Trong số các dự án vaccine nội địa khác, tập đoàn hàng đầu Việt Nam Vingroup đã ký kết với đơn vị sản xuất vaccine của Mỹ để bắt đầu sản xuất vaccine COVID-19 ở Việt Nam đầu năm sau. Ngày 15 tháng Tám, Vingroup bắt đầu thử nghiệm Giai đoạn 1 vaccine do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (San Diego, Mỹ) sản xuất. Được tiến hành với sự hợp tác của Bộ Y tế, thử nghiệm được tiến hành trên 100 người. Arcturus đồng ý cấp giấy phép độc quyền sản xuất vaccine COVID-19 theo công nghệ mARN - cùng loại với sản xuất Pfizer và Moderna - cho công ty Việt Nam, nhằm kinh doanh và sử dụng chỉ trong nước Việt Nam. Acturus thông báo vào hôm thứ Tư đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 1, và đã bắt đầu Giai đoạn 2, hy vọng tiến hành thử nghiệm Giai đoạn 3 vào tháng Mười, sau khi có sự chấp thuận của Bộ Y tế. Công ty đang chuẩn bị để bắt đầu sản xuất vào tháng Ba sang năm. Công tác xây dựng nhà máy sản xuất vaccine ở Hà Nội với công suất 200 triệu liều mỗi năm vẫn đang được tiếp tục, một nguồn tin biết về dự án cho hay. Việt Nam có dân số khoảng hơn 100 triệu dân. Một loại vaccine COVID-19 khác do Viện vaccine và Sinh phẩm y tế của Bộ Y tế phát triển đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Một quan chức cấp cao của Bộ phát biểu với báo giới trong nước rằng ba dự án này được xem như “vaccine được sản xuất nội địa” và chính phủ tự tin rằng Việt Nam sẽ có đủ lượng vaccine tự cung tự cấp. Hôm ngày 10 tháng Chín, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ động viên nhà sản xuất vaccine trong nước đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, tích cực rút ngắn các bước không thật sự cần thiết tong nghiên cứu và thử nghiệm. Các Vụ, Cục chức năng của Bộ Y tế cũng được yêu cầu giảm thiểu, xúc tiến các qui trình thủ tục và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ vaccine của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu vaccine sản xuất ở Việt Nam có chống lại hiệu quả các biến chủng mới, gồm có delta. Kinh doanh vaccine cần sự đầu tư nghiên cứu và phát triển liên tục, chủ yếu do virus hay đột biến trở nên dễ lây nhiễm, gây tử vong hoặc kháng vaccine cao hơn. “Mục tiêu là có vaccine được sản xuất bởi Việt Nam trước cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu hôm ngày 10 tháng Chín. Hà Nội đã và đang thúc đẩy nỗ lực nhập vaccine từ nước ngoài trong lúc đợi vaccine trong nước được đưa ra thị trường. Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Tổng thống Cuba Miguel Diaz-Canel tại Havana tuần trước và đi đến thoả thuận mua 10 triệu liều vaccine Cuba Abdala, VNA đưa tin. Abdala cùng bảy vaccine khác được cấp phép sử dụng ở Việt Nam, bao gồm AstraZeneca của Anh - Thụy Điển, Sputnik V của Nga, Vero Cell và Hayat-Vax của Trung Quốc, cùng các loại do Mỹ sản xuất Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson. Chính phủ cũng cho biết đã đạt được sự đồng thuận sản xuất vaccine ngoại ở Việt Nam, gồm Sputnik V và Abdala. Báo cáo bổ sung bởi Tống Kim Dung, thành phố Hồ Chí Minh.

Người dịch: Nguyen Quynh

Biên tập: Chau Tran


Comments


bottom of page